Phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác thống kê nông nghiệp

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác thống kê nông nghiệp tại cục thống kê quảng ninh (Trang 96 - 103)

Chương 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THỐNG KÊ NÔNG NGHIỆP TẠI CỤC THỐNG KÊ QUẢNG NINH

2.4. Phân tích nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác thống kê nông nghiệp

Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác thống kê nông nghiệp, có thể nhận thấy một số nguyên nhân cơ bản sau:

(1) Đầu tiên phải kể tới những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng số liệu thống kê nông nghiệp. Chất lượng số liệu thống kê phụ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm và thái độ ứng xử của ba nhóm chủ thể có liên quan mật thiết với nhau: Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê; Nhóm sản xuất và công bố thông tin thống kê;

Nhóm sử dụng thông tin thống kê. Nhóm sản xuất và công bố thông tin thống kê phải xây dựng và triển khai các hình thức thu thập thông tin phù hợp với từng loại đối tượng cung cấp thông tin. Chẳng hạn, thông tin về hoạt động sản xuất từng tháng của các doanh nghiệp nông nghiệp ngoài quốc doanh được thu thập thông qua hình thức điều tra chọn mẫu thống kê; thông tin về đầu tư và kết quả sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước, dự án đầu tư nước ngoài của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thu được qua chế độ báo cáo thống kê cơ sở...

Ngành Thống kê luôn chú trọng áp dụng phương pháp thống nhất trong xử lý, tính toán để đảm bảo tính thống nhất quán của các chỉ tiêu thống kê theo thời gian, so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời Nhóm sản xuất và công bố thông tin còn có trách nhiệm phổ biến kiến thức thống kê liên quan tới các chỉ tiêu thống kê được công bố.

Nhận thức và trách nhiệm cũng như việc chấp hành Luật Thống kê của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở trang trại, các hộ hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản thuộc Nhóm cung cấp thông tin cho ngành Thống kê chưa tốt. Do đó, nhiều thông tin cung cấp không sát với thực tế, chưa phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh và không kịp thời vào thời điểm cơ quan Thống kê cần có số liệu; nguồn thông tin của các bộ, ngành bị khép kín không chia sẻ cho cơ quan Thống kê, gây khó khăn cho việc đánh giá, phân tích và dự báo tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trên thực tế, chất lượng ''nguyên liệu" thông tin đầu vào là một trong những nhân tố quyết định chất lượng số liệu thống kê nói chung và thống kê nông nghiệp nói riêng. Vì vậy Nhóm cung cấp thông tin đóng vai trò quan trọng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất và tác động lớn nhất đến chất lượng thông tin thống kê.

Mặt khác, trình độ cán bộ Thống kê nông nghiệp hiện nay cũng chưa đáp

ứng được yêu cầu phổ biến thông tin dưới dạng phân tích kinh tế nông nghiệp dưới dạng tổng hợp, cán bộ thống kê tại các Chi cục Thống kê huyện, thành phố kiêm nhiệm nhiều mảng nghiệp vụ, không tách rời một nghiệp vụ thống kê nông nghiệp chuyên sâu.

Để nâng cao chất lượng thống kê thì vấn đề nâng cao trách nhiệm của Nhóm sử dụng thông tin thống kê cũng cần được bàn tới, thái độ công bằng, bình tĩnh xem xét và thể hiện chính kiến của mình về số liệu thống kê của người sử dụng có tri thức mang ý nghĩa định hướng rất lớn đối với dư luận xã hội. Người sử dụng số liệu thống kê cũng cần biết có một số chỉ tiêu thống kê được công bố tại các thời điểm khác nhau là loại số liệu khác nhau. Mỗi loại số liệu (ước tính, sơ bộ và chính thức) có ý nghĩa và giá trị sử dụng khác nhau, Cục Thống kê Quảng Ninh hay Tổng cục Thống kê công bố các loại số liệu này thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với người sử dụng và theo thông lệ quốc tế.

(2) Trong lĩnh vực thống kê nông lâm thủy sản:

Do mỗi cấp chính quyền đều rất cần số liệu về nông nghiệp nên họ yêu cầu mẫu điều tra phải đại diện cho cả chính địa phương đó là xã, huyện để phục vụ thi đua, khen thưởng về thâm canh tăng năng suất (như điều tra năng suất lúa). Trong khi đó, khả năng về kinh phí, lực lượng của ngành thống kê nông nghiệp, nhất là cấp huyện chỉ có thể đáp ứng được số mẫu cần thiết theo yêu cầu của cấp cao hơn (tỉnh), cùng lắm là đến huyện, không thể đến xã. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều huyện và xã đã đầu tư kinh phí cho thống kê huyện, xã để mở rộng phạm vi điều tra năng suất lúa so với mẫu của tỉnh. Tình hình này dẫn đến không quản lý, chỉ đạo chặt các mẫu điều tra, nhiều nguồn số liệu khác nhau không đảm bảo khả năng so sánh theo yêu cầu chuyên môn.

Tình trạng phổ biến là hệ thống chỉ tiêu đầu vào và đầu ra trên địa bàn huyện thường lẫn với nhau và chỉ phục vụ được yêu cầu của cơ chế kế hoạch hoá tập trung và sản xuất tự cung tự cấp trong nông nghiệp. Đặc biệt, từ khi chuyển đổi cơ chế quản lý trong nông, lâm nghiệp và thủy sản sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, sự lúng túng và bất cập đó càng rõ nét. Cơ chế thị trường đòi hỏi

thông tin thống kê nói chung, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nói riêng, có nội dung phong phú, chủng loại đa dạng, chất lượng cao hơn và chi tiết, cụ thể hơn. Các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng và hiệu quả phải được sử dụng nhiều hơn, ngược lại các chỉ tiêu hiện vật, thô, chỉ thích hợp với nền nông nghiệp tự cấp tự túc, được sử dụng ít hơn.

Công tác phân tích kinh tế của thống kê nông nghiệp huyện chưa theo kịp yêu cầu của lãnh đạo và quản lý. Các báo cáo phân tích đơn giản, mới dừng lại ở giải thích số liệu là chính, chưa đi sâu lý giải nguyên nhân và bản chất tình hình sản xuất của nông nghiệp huyện từng thời kỳ.

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cấp huyện hiện nay, tồn tại lớn nhất là thiếu các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả sản xuất. Trong chế độ báo cáo và điều tra hiện hành, chủ yếu chỉ bao gồm các chỉ tiêu số lượng, tập trung vào những cây trồng và vật nuôi quan trọng như lúa, ngô, gia súc, thủy sản. Với các chỉ tiêu chủ yếu là diện tích, năng suất, sản lượng, số lượng đầu con và sản phẩm chính.

Các chỉ tiêu về giá trị, chất lượng và hiệu quả sản xuất, hiệu quả đầu tư đều chưa có hoặc chưa đồng bộ.

(3)Về phương pháp thu thập thông tin cấp huyện: Hình thức thu thập thông tin nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cấp huyện chủ yếu là điều tra, nhưng do hạn chế về kinh phí và lực lượng nên chất lượng số liệu chưa cao. Đối với điều tra toàn bộ, như diện tích đất đai, diện tích gieo trồng, số lượng đàn gia súc, số lượng máy móc và các công trình thủy lợi, số lượng HTX, số lượng trang trại, tàu thuyền đánh cá, v.v... hiện nay chưa thực hiện đầy đủ cho tất cả các loại đối tượng điều tra, mà chỉ dừng lại ở một số đối tượng chủ yếu như diện tích gieo trồng lúa, ngô, còn hầu hết các đối tượng khác chỉ điều tra theo chu kỳ 3-5 năm một lần, các năm không điều tra toàn bộ buộc phải khai thác các nguồn số liệu khác để bổ sung hoặc điều tra mẫu để điều chỉnh. Một số cuộc điều tra lẽ ra phải tiến hành toàn bộ nhưng do thiếu kinh phí nên phải điều tra mẫu (chăn nuôi, máy nông nghiệp, v.v...).

Đối với điều tra mẫu, như điều tra năng suất cây trồng, cơ cấu và chất lượng đàn gia súc, chi phí sản xuất, chi phí trung gian trong nông nghiệp, lâm nghiệp và

thủy sản, v.v... các huyện đều phải hạn chế số lượng mẫu, đơn giản cách chọn mẫu, cách tính toán sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu cơ bản về độ tin cậy của số liệu, nhưng lại vừa với kinh phí ít và lực lượng mỏng của thống kê cơ sở. Số lượng mẫu ít, sai số phi chọn mẫu có khả năng thấp, nhưng sai số chọn mẫu lại cao, ảnh hưởng đến chất lượng kết quả suy rộng. Đối với một số cuộc điều tra quan trọng như năng suất lúa, ngô, yêu cầu thông tin theo cấp hành chính là rất lớn, trong khi khả năng kinh phí có hạn nên số lượng mẫu được chọn chỉ đại diện cho cấp huyện và cấp tỉnh, không thể đại diện cho cấp xã hoặc cho từng giống lúa, trà lúa (điều tra năng suất lúa). Ví dụ: điều tra năng suất lúa hiện nay chỉ tiến hành ở 1/3 số xã, với 200 hộ mẫu mỗi huyện (đồng bằng), 100 hộ (miền núi) là rất ít. Vì vậy, bên cạnh mẫu chung của huyện, nhiều huyện, thậm chí cả xã, HTX lại đầu tư kinh phí có mẫu riêng của từng xã để họ điều tra, tính toán năng suất lúa cho xã theo chỉ đạo của huyện. Như vậy, cùng một cuộc điều tra năng suất lúa trên cùng một huyện có 2 giàn mẫu khác nhau, thậm chí 2 lực lượng, 2 nguồn kinh phí khác nhau, dẫn đến 2 kết quả khác nhau. Điều đó đã xảy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến sự đánh giá khác nhau về cùng một hiện tượng trên cùng một địa phương mà nguyên nhân chủ yếu do nội dung, phương pháp thu thập thông tin không thống nhất từ cơ sở. Đối với các cuộc điều tra mẫu khác, do kinh phí ít và lực lượng mỏng, nên sai số chọn mẫu và phi chọn mẫu đều là những vấn đề nan giải, ngành Thống kê biết nhưng chưa xử lý hết. Hiện tượng chênh lệch quá lớn về năng suất các loại cây trồng giữa vùng này với vùng khác, tỉnh này với tỉnh khác, huyện này với huyện khác là phổ biến, có khi rất lớn, rất vô lý nhưng rất khó điều chỉnh. Tình trạng năng suất lúa của một số huyện miền núi lại cao hơn huyện đồng bằng, huyện trọng điểm thấp hơn huyện khó khăn, không trọng điểm... không phải là cá biệt. Nếu so sánh năng suất cây trồng của cùng một địa phương theo thời gian, thì xu hướng biến động của nó cũng rất khác nhau giữa các thời kỳ và suy cho cùng là do chất lượng điều tra mẫu của thống kê huyện chưa tốt.

(4) Ảnh hưởng tác động của yếu tố bên ngoài tới công tác thống kê nông nghiệp, giả sử nghị quyết của HĐND, hay nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đưa ra rất

cao, xây dựng mục tiêu cao, báo cáo cố gắng thực hiện mục tiêu nghị quyết đặt ra...

cho nên ảnh hưởng không nhỏ tới số liệu thống kê nông nghiệp, dẫn tới có hiện tượng tốc độ tăng GDP của cả nước và các tỉnh có sự chênh lệch.

(5) So với những năm trước đây cơ sở vật chất kỹ thuật của các Chi cục Thống kê huyện, thành phố được quan tâm và cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên khối lượng công việc của các Chi cục Thống kê ngày càng nhiều, kinh phí cho các cuộc điều tra cũng được quan tâm và cải thiện hơn so với những năm trước nhưng các nghiệp vụ chuyên ngành thống kê đan xen liên tục tiến hành điều tra thu thập thông tin mà lực lượng cán bộ Chi cục còn mỏng, trình độ không đồng đều, có hiện tượng một số Chi cục Thống kê đã điều tra thu thập thông tin số liệu của huyện, thành phố mình nhưng chưa biết dùng số liệu đó xử lý, tổng hợp số liệu phân tích phục vụ địa phương mình.

(6) Một số Bộ, ngành chưa sử dụng đồng nhất với ngành Thống kê về khái niệm, phạm vi hoặc phương pháp thu thập thông tin thống kê nông nghiệp đối với một số chỉ tiêu do Bộ, ngành tính toán.

Kết luận chương 2

Trong chương này tác giả đã nêu được:

Giới thiệu chung về Cục Thống kê Quảng Ninh với chức năng nhiệm vụ, những điều kiện thuận lợi, khó khăn hiện có của Cục Thống kê Quảng Ninh khi thực hiện chức năng sản xuất thông tin cung cấp cho các đối tượng dùng tin;

phương thức trao đổi thông tin thống kê nông nghiệp của Cục Thống kê Quảng Ninh với hình thức thu thập thông tin đầu vào và cung cấp thông tin đầu ra tương tác trong ngành, các sở, ban, ngành có liên quan hay chính từ đơn vị cơ sở;

Thực trạng công tác thống kê nông nghiệp: thực trạng của tổ chức bộ máy thống kê nông nghiệp, sự tác động của Hệ thống chỉ tiêu thống kê nông nghiệp làm tiền đề xây dựng nên chế độ báo cáo thống kê nông nghiệp, các hình thức điều tra thống kê, việc thu thập, xử lý và công bố số liệu thống kê nông nghiệp tới đối tượng dùng tin;

Thực trạng về sản phẩm thông tin thống kê đánh giá từ phía đối tượng sử

dụng thông tin thống kê cho thấy những bất cập hiện nay của thông tin thống kê nói chung và thống kê nông nghiệp nói riêng và cần có những biện pháp cải thiện;

Đưa ra sáu nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác thống kê nông nghiệp của Cục Thống kê Quảng Ninh đang vướng mắc.

Qua phân tích, đánh giá thực trạng công tác thống kê nông nghiệp tại cục Thống kê Quảng Ninh cho thấy:

Mục đích của người làm thống kê là sản xuất ra các sản phẩm thông tin thống kê định lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng thông tin. Do vậy, mọi hoạt động thống kê nói chung cũng như việc chuẩn hoá hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế xã hội cấp tỉnh và cấp huyện nói riêng, phương pháp điều tra thống kê đều phải hướng về người sử dụng thông tin thống kê. Nếu không thực hiện theo phương châm này thì mọi hoạt động đổi mới phương pháp nghiệp vụ thống kê nói chung và chuẩn hoá Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế xã hội cấp tỉnh, huyện nói riêng cho dù hoàn thiện đến mức nào cũng sẽ kém hiệu quả.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác thống kê nông nghiệp tại cục thống kê quảng ninh (Trang 96 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)