Chương 1: HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA HỮU THỈNH
1.1. Thơ Hữu Thỉnh trong mạch nguồn thơ ca hiện đại Việt Nam
1.1.2. Thơ Hữu Thỉnh - quá trình tự khẳng định (giai đoạn sau 1975)
Mốc 1975 là một sự kiện trọng đại làm nên sự chuyển biến to lớn về nhiều mặt trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ta. Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã xác định đường lối đổi mới toàn diện và mở ra một thời kỳ mới của đất nước. Văn học nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng
cũng nằm trong sự ảnh hưởng này. Thơ Việt sau đổi mới đã có sự vận động và phát triển một cách mạnh mẽ theo hướng hiện đại.
Có thể nhận thấy, thơ ở thời kỳ này có sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật, trong việc phản ánh hiện thực và khám phá đời sống nội tâm của con người, đặc biệt là đời sống tâm linh hay những vùng mờ của tiềm thức.
Sự chuyển mình đó xuất phát từ những đổi mới về ý thức nghệ thuật của người cầm bút. Từ đó, xuất hiện nhiều xu hướng thơ với nhiều biến đổi trong quan niệm thơ và ý thức cách tân thơ mạnh mẽ. Sự đa dạng về nội dung và phương thức thể hiện là đặc điểm nổi bật thể hiện sự vận động và phát triển của thơ Việt sau đổi mới. Đây cũng chính là một trong những thành công của thơ Việt giai đoạn này.
Về nội dung, thơ Việt sau đổi mới thật sự phong phú và đa dạng về đề tài. Có những đề tài trước đây chỉ thấy trong văn xuôi bởi dung lượng cuộc sống ngồn ngộn của nó thì bây giờ đã thấy ở trong thơ. Trong sự đa dạng đó, đề tài về tình yêu, về con người cá nhân, về nông thôn và thành thị được viết nhiều và khá thành công.
Đề tài về tình yêu xuất hiện trong rất nhiều trong các tác phẩm và đạt tới sự phát triển nở rộ. Nếu thơ tình trước đây gắn với cảm hứng ngợi ca, thần thánh hóa tình yêu thì thơ tình thời kỳ sau đổi mới lại gắn với cảm xúc tình yêu đời thường. Các nhà thơ thời kỳ này đã mạnh dạn thể hiện những khía cạnh trần tục của tình yêu, kể cả tình dục. Đặc biệt là những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, những nhà thơ trẻ quan niệm khá phóng khoáng về vấn đề này như trong thơ Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến…
Đọc những dòng thơ tình của Vi Thùy Linh sẽ thấy được cái mãnh liệt, cuồng nhiệt, riết róng trong tình yêu: “… Em nghe thấy nhịp cánh đêm ái ân/ Một làn gió thổi sương thao thác/ Đêm run run theo tiếng nấc/ Về đi anh!/ Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh” (Người dệt tầm gai).
Thơ sau 1986 mang đậm yếu tố cái tôi cá nhân. Nhà thơ đã thực sự trải lòng mình trên trang giấy, con người được khai thác ở những góc độ sâu kín của tâm hồn trong quan hệ gắn bó với cộng đồng. Vấn đề con người cá nhân hay cái tôi trữ tình được nhận diện trong mối quan hệ với xã hội như trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Dần, Phùng Khắc Bắc… Nếu trong thơ 1945 - 1975 cái tôi kết hợp hài hòa với cái ta, là một phần của cái ta thì trong thơ sau đổi mới nói nhiều đến cái tôi cá nhân. Đây chính là sự vận động, phát triển tự nhiên của thơ trong một hoàn cảnh lịch sử mới. Các nhà thơ đương đại quan niệm thơ ca phải là tiếng nói gắn với cái tôi cá nhân, cho dù đó là niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc hay đau khổ. Cái tôi cá nhân trong thơ họ rất giản dị, tự nhiên, trung thực: “Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh xanh ngắt/ Ký hiệu thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến không cùng/ Thế mới là tôi/ Thế mới là đời/ Thế mới là thơ/ Tất cả hòa nhập như ánh sáng trộn cùng bụi” (Một chấm xanh - Phùng Khắc Bắc).
Bên cạnh đề tài tình yêu, con người cá nhân thì đề tài về thành thị và nông thôn xuất hiện khá đậm nét trong thơ. Đó là cuộc sống với muôn mặt khác nhau của nó được cảm nhận bằng chính sự trải nghiệm của các nhà thơ.
Vì vậy, thơ mang âm hưởng cuộc sống gần gũi với một thành thị của thời hiện đại và một nông thôn mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Điều này có thể thấy rõ trong thơ của các nhà thơ như Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Vĩnh Tiến… Thành thị hiện ra với những xô bồ, gấp gáp trong thơ Lê Minh Quốc: “Lên xe. Nổ máy. Rồ ga/ Sao vượt qua được ta bà âm dương/ Bánh xe dằn vặt mặt đường/ Linh hồn thấp thỏm thất thường lo âu/ Rú ga. Xe chạy. Về đâu?/ Mặt đường toang hoác nát nhầu mặt tôi/ Vật vờ như cá đang trôi/ Ồ trên đại lộ mày bơi hướng nào?” (Bây giờ biết đến bao giờ). Rời xa chốn thành thị ồn ào, Nguyễn Quang Thiều đưa người đọc về nét trữ tình muôn thuở của nông thôn: “Người nông dân già chiều nay rút rơm khô thổi lửa/ Xa xít một
lưỡi cày mơ tên gọi vì sao” (Cánh đồng).
Về phương thức biểu hiện, thơ Việt sau 1986 với quan niệm mới về sự cách tân, hiện đại hóa được biểu đạt dưới rất nhiều hình thức. Về mặt hình thức, nó vừa tiếp nối những truyền thống của thơ ca dân tộc vừa trăn trở đổi mới trong quan niệm hiện đại hóa. Khởi xướng cho những cách tân này là một số nhà thơ thuộc các thế hệ trước 1975. Vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90, xuất hiện một số tập thơ (trong đó có nhiều bài được viết trước 1975) của Hoàng Cầm (Về Kinh Bắc, Mưa Thuận Thành), Lê Đạt (Bóng chữ), Trần Dần (Cổng tỉnh, Mùa sạch, Jờ joạc), Dương Tường (36 bài tình viết cùng với Lê Đạt), Đặng Đình Hưng (Bến lạ và Ô mai)… đã đem lại nhiều cái mới trong quan niệm cũng như phương thức trữ tình.
Bên cạnh các thể thơ truyền thống, nhiều thể loại mới xuất hiện như thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ được biểu hiện bằng các ký hiệu khác ngoài câu, chữ… Thơ tự do được sử dụng rất nhiều vì nó cho phép người viết được tự do trong cảm xúc, trong các cách thể hiện: “Nằm nghiêng ở trần thương kiếp nàng Bân/ ngón tay rỉ máu. Nằm nghiêng/ khe cửa lùa ra một dòng ấm/ cô đơn. Nằm nghiêng/ cùng sương triền đê đôi bờ/ ỡm ờ nước lũ” (Nằm nghiêng - Phan Huyền Thư). Ở thơ văn xuôi cũng vậy, chất văn xuôi có ở trong thơ giúp tác giả bộc lộ, diễn đạt những tâm sự tình cảm của mình: “Đôi cánh tay phóng khoáng, chúng mình cùng bay lên, từ trên không nhìn thế giới, làm công dân thế giới/ Chúng mình sẽ trồng lại vườn vườn đào típ tắp, thảo thảo nguyên ngút cỏ, rừng nối rừng miên man xứ sở” (Tan biến - Vi Thùy Linh).
Sau 1986, thơ ca có một cuộc chuyển động mạnh mẽ trong sáng tạo ngôn ngữ. Trường từ ngữ trong thơ đã được mở rộng dường như đến không ngờ. Từ ngữ có khi được nhà thơ đặt trong những kết hợp mang đậm chất biểu cảm và theo quan niệm “làm thơ là làm chữ”. Một số nhà thơ như Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường đã hướng sự cách tân chủ yếu vào hình thức
ngôn từ thơ: “Chia xa rồi anh mới thấy em/ Như một thời thơ thiếu nhỏ/ Em về trắng đầy cong khung nhớ/ Mưa mấy mùa/ mây mấy độ thu…” (Bóng chữ - Lê Đạt).
Từ những đổi mới về nội dung và hình thức, thơ Việt sau 1975 mang phong vị mới lạ hơn trong sự vận động và phát triển của mình. Thơ đã có sự vận động và biến đổi hòa nhập với những chuyển biến của đời sống xã hội và công cuộc đổi mới nền văn học nói chung và thơ nói riêng. Những đổi mới thơ theo hướng hiện đại đã tạo nên những biến đổi quan trọng trong tư duy nghệ thuật, trong quan niệm thơ và ngôn ngữ thơ. Đáng chú ý là trong sự đổi mới thơ sau 1975, có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ nhà thơ mặc áo lính giai đoạn trước, trong đó có Hữu Thỉnh.
1.1.2.2. Thơ Hữu Thỉnh trong thành tựu thơ sau 1975
Thơ sau 1975 rất phong phú, có nhiều cách tân mạnh mẽ, làm nên một giai đoạn mới trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Trong thơ từ sau 1975 có sự tiếp nối của nhiều thế hệ nhà thơ, với những đóng góp cũng như những giới hạn của mỗi thế hệ. Trong cuộc sống thời bình, các nhà thơ có dịp lắng lại lòng mình để chiêm nghiệm về cuộc đời cũng như chính bản thân mình.
Hữu Thỉnh và hành trình thơ của mình, đặc biệt từ sau 1975 là một trường hợp như thế. Với những bài thơ và các trường ca khá nổi tiếng, Hữu Thỉnh đã có những đóng góp to lớn cho thành tựu thơ sau 1975. Trên con đường thơ của mình, Hữu Thỉnh đã gặt hái được một số thành tựu được thể hiện qua nhiều giải thưởng và đã sớm khẳng định cho mình một phong cách riêng đặc sắc. Những đóng góp của Hữu Thỉnh trong thành tựu thơ sau 1975 được thể hiện chủ yếu ở một số phương diện như cảm hứng đời tư thế sự, con người cá nhân, những tìm tòi đổi mới cho thi ca Việt Nam sau chiến tranh, thơ tình yêu... qua hai tập thơ là Thư mùa đông và Thương lượng với thời gian.
Từ sau 1975, thơ đã khẳng định được vị trí của nó trong đời sống tinh
thần của xã hội và đã có được những gương mặt thơ cũng như những bài thơ lưu lại được trong lòng độc giả. Một số nhà thơ kiên trì với định hướng đã chọn, đưa thơ về với cuộc đời giữa những cái xô bồ mà vẫn không đánh mất mình. Trong xu hướng chung đó, tiếng thơ Hữu Thỉnh đã gây được sự chú ý.
Ta bắt gặp trong thơ Hữu Thỉnh những nỗi niềm trăn trở suy tư về cuộc đời, con người, bản thân... Đó là những suy ngẫm về cuộc sống, về thế cuộc mang dư vị đau đớn, xót xa nhiều hơn là ngợi ca. Là một hồn thơ nhạy cảm, Hữu Thỉnh luôn “trăn trở vui buồn cùng số phận con người”. Chính vì thế, cảm hứng đời tư thế sự đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong sáng tác thơ ông. Thơ Hữu Thỉnh thường quan tâm đến các vấn đề triết lý, đạo đức, nhân sinh và đặc biệt là những suy tư về thân phận con người. Có thể nói, thơ Hữu Thỉnh giai đoạn này có sự chuyển biến trong cảm hứng. Đó là quá trình tiếp nối cảm hứng sử thi truyền thống đã có từ thời chống Mỹ, sau đó chất sử thi nhạt dần và thay vào đó là chất đời tư - thế sự. Càng về sau, thơ Hữu Thỉnh càng đi sâu vào cảm hứng thế sự với nét trầm tư, sâu lắng rất riêng. Cảm hứng sử thi - cảm hứng chủ đạo trong thơ thời chống Mỹ được tiếp nối trong Sức bền của đất, Đường tới thành phố và Trường ca biển đã gần như vắng bóng trong Thư mùa đông và Thương lượng với thời gian. Cảm hứng thế sự hầu như chưa có ở những sáng tác trước đây đã trở thành cảm hứng chủ đạo ở Thư mùa đông và Thương lượng với thời gian. Đây chính là nét riêng biệt của thơ Hữu Thỉnh sau 1975 với những sáng tác trước của Hữu Thỉnh và cũng là nét tương đồng trong cảm hứng thơ sau 1975, đó là sự mờ dần của chất sử thi và sự tăng lên của chất thế sự.
Thơ Việt Nam từ sau 1975 đã có sự vận động hòa nhập với sự chuyển biến của xã hội và công cuộc đổi mới văn học. Thơ giai đoạn này thể hiện rất rõ nhu cầu đổi mới nghệ thuật với những thể nghiệm, cách tân mạnh mẽ.
Trong xu thế chung đó, tiếng thơ Hữu Thỉnh đã góp phần vào những phát
hiện, tìm tòi, đổi mới cho thi ca Việt Nam sau chiến tranh. Ở mảng thơ viết về cuộc sống thời bình, Hữu Thỉnh đã thành công trong việc làm mới thơ mình.
Ông đã sử dụng chất liệu truyền thống bằng cái nhìn hiện đại để tạo nên nét mới mẻ về thi pháp thể loại. Hữu Thỉnh đã tự đổi mới chính mình mà trước tiên là đổi mới tư duy và cách nhìn nhận những đề tài quen thuộc. Nét đổi mới nổi trội trong thơ Hữu Thỉnh chính là màu sắc triết lý trong thơ khi viết về thiên nhiên, cuộc sống, con người… để bồi đắp cho vẻ đẹp chân - thiện - mỹ mà thi ca ngàn đời vẫn hướng tới:
Bất chợt
được sưởi ấm
từ những ai không quen biết qua đường Bất chợt
đọc tiểu sử của dòng sông
trên đất lấm cuốc cày chưa kịp rửa Bất chợt
những cánh chim vụt hiện
vẽ đường đi vô định của con người (Bất chợt) Về phương diện thơ tình, Hữu Thỉnh cũng có những đóng góp quan trọng. Với thơ tình yêu, Hữu Thỉnh không có nhiều những say đắm, mạnh mẽ của tuổi trẻ nhưng lại có một giọng điệu riêng trong tâm tình. Hữu Thỉnh dường như biết nói khác những điều trong tình yêu dường như đã cũ. Chính vì vậy, người ta nhớ Thơ viết ở biển của Hữu Thỉnh, nhớ những si mê: “Anh muốn bế cả chiều/ Hôn lên ngày gặp mặt” (Bình yên).
Tóm lại, thơ Hữu Thỉnh mang một vẻ đẹp đa dạng. Hành trình thơ Hữu Thỉnh cũng là hành trình nhịp bước cùng với xu thế chung của thơ ca Việt Nam từ sau 1975 đến nay. Với mảng thơ viết về chiến tranh và mảng thơ viết
về cuộc sống thời bình, ta nhận thấy một Hữu Thỉnh với những tìm tòi, sáng tạo không ngừng đang song hành trong hành trình đổi mới thơ Việt để tự khẳng định mình. Qua đó, chúng ta có điều kiện nhận diện thơ Hữu Thỉnh một cách đầy đủ và toàn diện hơn.
Là nhà thơ được xem là tiêu biểu của thơ ca Việt Nam giai đoạn chống Mỹ và thời kỳ đổi mới nhưng con đường thơ của Hữu Thỉnh cũng lắm những chông gai. Nhưng với tâm niệm “Sống mỗi ngày càng nguyên chất cho thơ”, Hữu Thỉnh đã mang đến cho đời những bài thơ tài hoa, tinh tế, ghi lại dấu ấn của nhà thơ trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại.