Chương 1: HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA HỮU THỈNH
1.2. Quan điểm nghệ thuật của Hữu Thỉnh
1.2.2. Quan niệm về nhà thơ
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” và anh chị em văn nghệ sĩ cũng là “chiến sĩ trên mặt trận đó”. Nhà văn chân chính phải luôn ý thức sâu sắc được “sứ mệnh” của thơ văn trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Sống và chiến đấu giữa cuộc kháng chiến, Hữu Thỉnh và đội ngũ nhà thơ áo lính đã tìm thấy lý tưởng nghệ thuật cho thơ ca.
Đi vào thế giới nghệ thuật thơ ca, họ hiểu rõ sứ mệnh “người thư ký của thời đại” và coi đó là ý nghĩa cao quý, thiêng liêng của đời mình. Trên thi đàn Việt Nam nói chung và thơ ca chống Mỹ nói riêng ta từng bắt gặp những câu thơ về sứ mệnh của người cầm bút, nhưng Hữu Thỉnh là nhà thơ đã có được những ý thơ lạ với một thái độ dứt khoát trong quan niệm về người nghệ sĩ:
Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được
chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn Tổ quốc sẽ ra sao? Tổ quốc?
thơ ơi thơ hãy ghi lấy gốc sim
(Đường tới thành phố)
Là một nhà thơ mặc áo lính và là người lính làm thơ, Hữu Thỉnh mang trong mình khí chất bừng bừng chiến đấu với những vần thơ hừng hực khí thế. Hữu Thỉnh quan niệm trong một người lính có một thi nhân. Xuyên suốt các tập thơ của Hữu Thỉnh là một con người luôn tìm đến cái cốt lõi của hiện thực để gạn lọc nên những câu thơ có hồn vía tinh túy. Hữu Thỉnh đã tìm thấy sự hòa điệu, cảm thông và chia sẻ trong tiếng nói tri âm với thân phận người lính. Nói theo cách của tác giả Trường Lưu thì đây là “Sự hòa quyện giữa cái tôi, cái ta và đồng đội, giữa khung cảnh chiến trường, thao trường và lý tưởng chiến đấu, giữa những tình cảm đời thường và chất cao cả của người lính cụ Hồ... sao mà thân yêu, gần gũi và hấp dẫn, tưởng chừng như không có ranh giới giữa nhà thơ và người chiến sĩ trong thơ” [27, tr. 42].
Sau 1975, trong cuộc sống hàng ngày, dẫu bận rộn với khá nhiều công việc nhưng Hữu Thỉnh vẫn dành một góc riêng cho thơ. Thơ luôn song hành trong mỗi suy nghĩ nơi con người thực thể của nhà thơ. Là một người yêu thơ và có ý thức cao trong sáng tác nghệ thuật, Hữu Thỉnh luôn cố gắng tìm ra cho mình một con đường nghệ thuật đích thực. Theo Hữu Thỉnh điều tạo nên sức nặng cho thơ chính là sự sống của con người. Mọi cung bậc như yêu thương, đau khổ, hạnh phúc… thì từng trải nhiều sẽ tạo ra kinh nghiệm sống.
Bởi vậy trong quan niệm về vị trí của một nhà thơ, Hữu Thỉnh nhấn mạnh đến sự từng trải. Ông bộc lộ: “Vì sao tôi nhấn mạnh đến sự từng trải như vậy? Bởi thơ ca là đi tìm tri kỷ, tìm sự cảm thông giữa con người với con người. Giá trị nhân văn của văn học chính là sự cảm thông nâng đỡ con người. Nhà văn lớn
hay không lớn cũng là ở chỗ đó” [33, tr. 370]. Mặt khác, Hữu Thỉnh cũng cho rằng phẩm chất quan trọng của nhà thơ chính là nhập cuộc, dấn thân và hành động. Hành trình thơ Hữu Thỉnh là cả một quá trình suy tư, trải nghiệm bền bỉ không mệt mỏi. Nhà thơ tâm sự:
Tôi và bạn bè trong lớp các nhà thơ chống Mỹ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những nhà thơ cách mạng lớp đầu và các nhà thơ kháng chiến chống Pháp. Như là sự sắp đặt của lịch sử, về sau này, hành trình thơ của chúng tôi cũng giống các anh. Bối cảnh thì khác, quy mô và tính chất ác liệt cũng khác, nhưng tinh thần dấn thân và hành động vẫn là một. Một cuộc dấn thân để tìm thấy sự kết hợp hài hòa giữa chủ thể sáng tạo và khách thể thẩm mỹ. Nói gọn, trong một anh bộ đội có một thi nhân. Không có cuộc sống ấy, không có thứ thơ ấy. Cũng không nên xem nhập cuộc và hành động như là việc đi vào vườn hái quả. Sự thật, đây là sự đào luyện của nhà thơ trong cuộc sống. Vừa là tiếp nhận của đời sống, vừa là sự lớn lên, chứa dần trong tâm hồn của người thơ” [52, tr. 7-8].
Nhìn vào đường đời, đường thơ Hữu Thỉnh, ta thấy điều dễ dàng nhận ra ở ông là sự lao động sáng tạo không ngừng. Đó là kết quả của quá trình nhập cuộc, dấn thân và hành động. Đây chính là minh chứng, Hữu Thỉnh là thi sĩ của thơ, cho thơ và vì thơ. Theo Nguyễn Đăng Điệp: “Với ý thức tận hiến cho thơ, Hữu Thỉnh là người luôn giữ được niềm mê đắm thi ca và khát khao đổi mới” [13]. Trong suốt hành trình sáng tạo thi ca của mình, Hữu Thỉnh luôn mải mê với những tìm tòi về nội dung và hình thức. Với ngôn ngữ, hình ảnh gần gũi và bình dị, thơ Hữu Thỉnh dễ đi vào lòng người.
Với Hữu Thỉnh, con đường thơ ca cần đi mới chỉ là điểm xuất phát trên hành trình nghệ thuật. Nhà thơ cần phải vượt qua nhiều đoạn đường quanh co trong cuộc sống mới có thể đạt tới “độ chín” của thơ ca. Cuộc sống hiện thực
vô cùng sinh động và cũng đầy biến động. Người nghệ sĩ cũng phải chịu sự tác động của cuộc sống. Suy nghĩ về mối quan hệ của nhà thơ với cuộc sống cũng như vị thế của nhà thơ trong cuộc sống, Hữu Thỉnh bày tỏ một cách chân tình:
Chưa viết giấy đã cũ Chưa viết sông đã đầy
Đám cưới đi qua có người đứng khóc
Chưa viết chợ đã đông Chưa viết đồng đã bạc
Người than thở vì mất mùa nhân nghĩa (Tạp cảm)
Hay:
Giữa hai vùng tối sáng Thi nhân bước lên cầu Gió với bao đáng tiếc Sấp ngửa dạt về đâu
(Thi nhân)
Hữu Thỉnh được xem là một phong cách thơ sớm định hình và tiếp tục phát triển. Tuy đã đạt được những thành công nhất định trên con đường nghệ thuật nhưng Hữu Thỉnh vẫn tiếp tục sức mình trên con đường tiếp theo với những quan niệm của mình về nhà thơ cũng như công việc làm thơ.
Chương 2