Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH
2.1. Giới thuyết khái niệm
Cái tôi trữ tình là nội dung, đối tượng cũng như bản chất của tác phẩm trữ tình. Nó đóng vai trò sáng tạo và tổ chức các phương diện nghệ thuật. Thế giới của nó là một thế giới vô cùng phong phú với sắc điệu của cái tôi đối với cuộc đời. Khi tiếp cận cái tôi trữ tình đã có nhiều quan niệm khác nhau xung quanh vấn đề này.
Hà Minh Đức đã trình bày khá rõ quan niệm về cái tôi trữ tình. Tác giả quan niệm cái tôi trữ tình như là nội dung, đối tượng chính của thơ ca, là khái niệm mang tính bản chất của trữ tình với các biểu hiện qua các nhân vật trữ tình cụ thể. Đồng thời, tác giả chỉ ra rằng mối quan hệ giữa cái tôi trữ tình và bản thân nhà thơ là thống nhất nhưng không đồng nhất [16].
Theo Lê Lưu Oanh, cái tôi trữ tình theo nghĩa hẹp là “hình tượng cái tôi - cá nhân cụ thể, cái tôi - tác giả - tiểu sử với những nét rất riêng tư, là một loại nhân vật trữ tình đặc biệt khi tác giả miêu tả, kể chuyện, biểu hiện về chính mình”. Và theo nghĩa rộng, cái tôi trữ tình là “nội dung, đối tượng, phẩm chất của trữ tình” [35, tr. 21].
Vũ Tuấn Anh đưa ra một cách quan niệm mới về cái tôi trữ tình:
Đó là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của chủ thể và thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt, độc đáo, mang tính thẩm mỹ, nhằm truyền đạt năng lượng tinh thần ấy đến người đọc [2, tr. 32].
Như vậy, có thể thấy rằng, khó mà nắm bắt một cách chính xác khái niệm này nhưng luôn ý thức được rằng cái tôi trữ tình mang bản chất sáng tạo và tự ý thức. Cái tôi trữ tình luôn tồn tại như một thuộc thể thẩm mỹ, đối tượng mỹ học nghệ thuật chịu ảnh hưởng, chi phối bởi xã hội.
2.1.2. Bản chất của cái tôi trữ tình trong thơ
Từ xưa đến nay, thơ ca vẫn được coi là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Quan niệm ấy phù hợp với bản chất trữ tình của thể loại và đã được nhiều nhà thơ từ xưa đến nay nói đến. Lê Quý Đôn quan niệm: “Thơ khởi phát từ lòng người”. Ngô Thì Nhậm lại nghĩ: “Hãy rung động hồn thơ cho ngọn bút có thần”, còn Tố Hữu quan niệm: “Thơ là chuyện đồng điệu, là một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu….”.
Có thể nói, thơ là một khái niệm rất khó định nghĩa. Thực tế thì khi nêu định nghĩa về thơ mỗi nhà nghiên cứu có cách tiếp cận riêng của mình về đối tượng. Bởi vậy, bản chất cũng như sự thể hiện của cái tôi trữ tình trong thơ là đa dạng, phong phú và muôn màu muôn vẻ. Có khá nhiều ý kiến bàn bạc về bản chất của cái tôi trữ tình trong thơ. Ở đây, chúng tôi xin đưa một số quan niệm đã được thừa nhận.
Tác giả Trần Nho Thìn đã minh giải về bản chất cái tôi trữ tình trong thơ như sau: “Cái tôi” là hình tượng tác giả trong tác phẩm, là sự diễn tả, giãi bày thế giới tư tưởng, tình cảm riêng tư thầm kín của tác giả. Nhìn từ góc độ phản ánh luận thì “Cái tôi” là đối tượng phản ánh, suy ngẫm của bản thân nhà thơ, là kết quả của sự tự ý thức, tự đánh giá, tự miêu tả (có nhà nghiên cứu gọi là tự họa) của nhà thơ” [44, tr. 80].
Nghiên cứu về thơ hiện đại, Hà Minh Đức khẳng định cái tôi trữ tình bộc lộ trong thơ với nhiều dạng thức và chỉ ra những dạng thức sau:
Dạng trực tiếp của một tình cảm riêng tư hay một sự việc gắn với cuộc đời riêng của người viết. Ở dạng thức này, nhà thơ bộc lộ một cách trực tiếp
qua chữ “tôi” hoặc chữ “ta” (chữ “ta” rộng hơn cái “tôi” của người viết ).
Cảnh ngộ và sự việc trong thơ không phải là cảnh ngộ riêng của thế giới. Nhà thơ nói lên cách nghĩ của mình về những sự việc mà mình đã trải qua hoặc chứng kiến như một kỷ niệm, một quan sát. Cái tôi trữ tình ở đây là một nhân vật trữ tình chủ yếu của sáng tác.
Những bài thơ trữ tình viết về một loại nhân vật nào đó. Đó là nhân vật trữ tình của sáng tác tồn tại bên cạnh cái tôi trữ tình của nhà thơ (cái tôi trữ tình ít xây dựng cụ thể) [16].
Theo tác giả Vũ Tuấn Anh bản chất thứ nhất của cái tôi trữ tình là bản chất chủ quan - cá nhân bộc lộ qua những đặc điểm sau :
Cái tôi trữ tình trở thành hệ qui chiếu thẩm mỹ đặc biệt mang tính chủ quan, chuyển đổi thực hiện thực khách thể thành hiện thực của chủ thể. Đồng thời, cái tôi trữ tình mang đậm dấu ấn cá nhân như một hiện thực độc đáo, duy nhất, không lặp lại.
Cái tôi trữ tình tự biểu hiện, khai thác và phơi bày thế giới nội tâm của cá nhân. Đồng thời, cái tôi trữ tình xây dựng một hình ảnh mang tính quan niệm về chủ thể.
Do tiểu sử và kinh nghiệm sống riêng của nhà thơ là một bộ phận cấu thành nhân cách trữ tình. Bởi vậy, cái tôi trữ tình trước hết là “tính cách của bản thân người mang lời nói” (Pospelov).
Cái tôi trữ tình khác về chất lượng với cái tôi nhà thơ. Ở đây, cái tôi trữ tình không chỉ là cái tôi nhà thơ mà nó còn là cái tôi thứ hai hoặc là cái tôi khách thể hóa trong nghệ thuật và bằng nghệ thuật. Vì vậy nên cái tôi trữ tình là cái tôi nhập vai hoặc nhiều vai.
Bản chất thứ hai của cái tôi trữ tình là bản chất xã hội - nhân loại với những đặc điểm như:
Cái tôi trữ tình là sự kết ước của những suy tư, khắc khoải về con
người. Những nỗi niềm như hạnh phúc, đau khổ, tình yêu… đã trở thành đề tài truyền thống và bền vững của thơ. Cái tôi trữ tình luôn có khát vọng đến tính nhân bản sâu sắc và tầm nhân loại phổ quát.
Cái tôi trữ tình chứa đựng trong nó bản chất xã hội và gắn bó với những mối quan hệ cộng đồng cũng như thời đại. Cái tôi trữ tình có khả năng chiếm lĩnh nghệ thuật to lớn.
Cái tôi nhà thơ nhập vào cái ta xã hội, cái tôi trữ tình hòa nhập thành cái ta trữ tình.
Bản chất thứ ba là bản chất nghệ thuật - thẩm mỹ của cái cái tôi trữ tình. Thông qua sự cảm nhận chủ quan của mình, cái tôi trữ tình trở thành trung tâm sáng tạo và tổ chức hình thức văn bản trữ tình. Điều này có nghĩa là cái tôi trữ tình có vai trò “mã hóa” những cảm xúc về thế giới bằng ngôn ngữ thơ ca theo những quy tắc riêng biệt của thể loại [1, tr. 46].
Nhìn chung, những quan niệm nêu trên của các tác giả đã phần nào làm rõ bản chất của cái tôi trữ tình trong thơ. Trên đây là những căn cứ có tính nền tảng, định hướng cho chúng tôi khi nghiên cứu, tìm hiểu về cái tôi trữ tình trong thơ. Ở đây, chúng tôi đồng nhất với quan niệm của tác giả Vũ Tuấn Anh về bản chất của cái tôi trữ tình trong thơ. Đó là, xem bản chất của cái tôi trữ tình là một khái niệm tổng hòa nhiều yếu tố hội tụ theo quy luật nghệ thuật bao gồm cả ba phương tiện: Bản chất chủ quan cá nhân, đây là mối liên hệ giữa tác giả với cái tôi trữ tình được thể hiện trong tác phẩm; bản chất xã hội của cái tôi trữ tình là mối quan hệ của cái tôi trữ tình với cái ta cộng đồng;
bản chất thẩm mỹ của cái tôi trữ tình là trung tâm sáng tạo và tổ chức văn bản.
Với những gì đã trình bày có thể thấy trong thơ trữ tình nói chung bao giờ và cốt yếu nhất cũng chính là sự tồn tại của cái tôi trữ tình. Vẻ đẹp của thơ chính là sự biểu hiện đa dạng của cái tôi trữ tình trong thơ. Biểu hiện cái tôi trữ tình trong thơ không chỉ ở phương diện nội dung là tình cảm, cảm xúc,
tâm trạng mà gắn liền với nội dung là hình thức thể hiện. Cách lựa chọn hình thức ngôn từ, hình ảnh nghệ thuật, cách gieo vần… cũng là một sự biểu hiện của cái tôi trữ tình trong thơ.
Cái tôi trữ tình khác về chất so với cái tôi nhà thơ. Đó là sự khác nhau giữa cuộc đời và nghệ thuật. Tuy cái tôi trữ tình có quan hệ chặt chẽ với cái tôi nhà thơ nhưng từ cái tôi nhà thơ đến cái tôi trữ tình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Không thể đồng nhất cái tôi trữ tình trong thơ với cái tôi nhà thơ nhưng mối liên hệ giữa nhà thơ và đời thơ là có thực và hết sức phức tạp.
Tóm lại, cái tôi trữ tình là chủ thể của hành trình sáng tạo thơ ca, bộc lộ cách cảm nhận về thế giới và con người. Đồng thời, cái tôi trữ tình còn thể hiện cá tính sáng tạo của nhà thơ và là điểm nhìn nghệ thuật.