Cái tôi suy tư về cuộc sống

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ hữu thỉnh (Trang 44 - 50)

Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH

2.2. Sắc thái đa dạng của cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh

2.2.2. Cái tôi suy tư về cuộc sống

Giai đoạn chống Mỹ, cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh là cái tôi sử thi, đau đáu những vấn đề thuộc về cộng đồng, dân tộc. Thơ thời kỳ chống Mỹ tập trung xây dựng hai loại hình tượng cái “Tôi” trữ tình là cái “Tôi” sử thi và cái “Tôi” thế hệ. Giai đoạn này trong thơ đã cùng lúc xuất hiện một đội ngũ đông đảo của các nhà thơ trẻ của cùng một thế hệ. Tiếng thơ của các nhà thơ trẻ là tiếng nói tự ý thức của thế hệ trẻ được trải nghiệm qua thử thách của chiến tranh. Mỗi nhà thơ trong số họ đều ý thức một cách rõ ràng về thế hệ mình. Trong dòng cảm hứng chung đó, Hữu Thỉnh cũng ý thức về việc tự ghi lấy hình ảnh của mình:

Không có sách chúng tôi làm ra sách Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình

(Đường tới thành phố) Cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh được thể hiện trong hình ảnh những con người cụ thể, tiêu biểu cho thế hệ. Người đọc không thể quên chân dung những người lính xe tăng trong thơ Hữu Thỉnh. Ở đây, người lính không mang vẻ đẹp hào hoa như ở thơ Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi hay đậm vẻ mộc mạc trong thơ Hồng Nguyên mà là vẻ đẹp ngang tàng, tếu táo, mạnh mẽ.

Có lẽ, hình tượng người lính là đóng góp xuất sắc của Hữu Thỉnh nói riêng và của thơ trẻ nói chung trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật về con người Việt Nam thời chống Mỹ:

… Lính xe tăng anh trước anh sau Nết ở ăn người thì lạnh nóng

Nhưng khi hát hòa cùng một giọng Một người đau tất cả quên ăn

(Năm anh em trên một chiếc xe tăng) Sau 1975, chiến tranh chấm dứt và cuộc sống hòa bình đã thực sự trở lại trên đất nước ta. Tại thời điểm này, thơ ca sau 1975 đã có được những phản ánh hiện thực khá sắc sảo với một cái tôi trữ tình đầy suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống bằng một cái nhìn khác với cách nhìn của thời chiến. Ta bắt gặp trong thơ của rất nhiều thi sĩ những nỗi niềm trăn trở, suy tư về cuộc đời, con người, bản thân… Đó là những nỗi niềm thân thế, những mặc cảm thân phận trong thơ của những nhà thơ nữ như Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ… Đó là những suy ngẫm về cuộc sống, về thế cuộc mang sắc vị đau đớn, xót xa hơn là ngợi ca trong thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo…

Cuộc sống thời bình kéo theo bao đổi thay với nhiều vấn đề phức tạp, ngổn ngang, chồng chất. Là một hồn thơ nhạy cảm, Hữu Thỉnh cũng không thể dửng dưng với những biến động trong cõi nhân sinh: “Trước đây anh đã từng viết thật xúc động về chiến tranh, về lòng quả cảm và đức hi sinh của dân tộc Việt Nam. Sau này, anh vẫn trăn trở vui buồn cùng số phận con người, khắc khoải lo âu trước sự “mất mùa nhân nghĩa” [56, tr. 56].

Sau 1975, cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh là cái tôi thế sự. Mảng thơ viết về cuộc sống thời bình của Hữu Thỉnh nghiêng nặng cảm xúc về bày tỏ những suy tư của nhà thơ về cuộc sống. Nếu như trong thời chiến cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh nhập vai người lính đề thể hiện tình cảm với nhân dân, Tổ quốc thì trong thời bình cái tôi trữ tình ấy lại trăn trở về hiện thực cuộc sống sau chiến tranh và suy tư về số phận con người. Cái tôi trữ tình suy tư trong thơ Hữu Thỉnh thể hiện những cảm xúc trở trăn về cuộc sống bằng chính sự trải nghiệm của tác giả, là cái tôi tác giả. Cái tôi trữ tình biến hóa

linh hoạt trước mỗi sự kiện của cuộc sống, trước mỗi số phận mỗi con người.

Các sắc thái của cái tôi trữ tình với những suy tư về cuộc sống đã tạo nên chất triết lý, chất trí tuệ - sức hấp dẫn của thơ Hữu Thỉnh.

Hữu Thỉnh là một hồn thơ giàu suy tư và nhiều cảm xúc. Trong chiến tranh, hồn thơ ấy chan chứa những tình cảm lớn mang màu sắc sử thi cùng dân tộc. Sau chiến tranh, thơ Hữu Thỉnh là cái tôi đầy suy tư trăn trở, lo âu trước những mặt trái của cuộc đời. Nhà thơ mang nỗi buồn, niềm cô đơn trước thực tại cuộc sống sau chiến tranh còn tồn tại nhiều mặt trái. Đó là khi đời sống xã hội tuân theo cơ chế thị trường nhiều sôi động và cũng không kém phần nghiệt ngã. Một số giá trị cũ bị phá vỡ trong khi những giá trị mới lại chưa hình thành. Chính vì thế, nỗi buồn đã trở thành trạng thái cảm xúc trong thơ Hữu Thỉnh:

Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào?

- Chúng tôi tôn cao nhau

Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?

- Chúng tôi làm đầy nhau

Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?

- Chúng tôi đan vào nhau Làm nên những chân trời

Tôi hỏi người :

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người :

- Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người :

- Người sống với người như thế nào?

(Hỏi)

Tập Thư mùa đông là những cảm xúc, suy tư của cái tôi trữ tình đi từ những trăn trở, băn khoăn đến hoài nghi, nhức nhối về cuộc sống. Ta bắt gặp

ở đây một nỗi buồn cứ trải dài như mênh mang, vô tận. Những cảm xúc xót xa về cuộc đời chưa hoàn thiện cứ trở đi trở lại qua những câu thơ trong nhiều bài thơ: “Người than thở vì mất mùa nhân nghĩa” (Tạp cảm); “Nỗi oan khuất ở đời nào đã chịu vơi đâu” (Mười hai câu); “Không hiểu vì sao bóng mát bị trả thù” (Những kẻ chặt cây); “Chùa xưa, sư vẫn đây/ Khói nhang buồn thăm thẳm” (Chăn-đa em ơi);Làm sao được, rượu hoa thường ít/ So với chia ly, gian dối, dập vùi” (Chạm cốc với Xa-in); “Gà không gáy trời vẫn sáng/ Cây không héo đời vẫn buồn” (Thơ dưới mái hiên); “Cuốc kêu vì bẫy hiểm/ Bèo leo theo nước lên” (Nghe tiếng cuốc kêu)… Những câu thơ ấy thể hiện một trạng thái trầm lắng, nhiều ưu tư của nhà thơ mỗi khi viết về cuộc đời.

Nếu trong tập thơ Thư mùa đông là sự thể hiện cái tôi trữ tình với những suy tư, trăn trở về cuộc sống thì tập thơ Thương lượng với thời gian là đỉnh cao phát triển của cái tôi trữ tình đầy ưu tư, ngẫm ngợi. Những cảm xúc, suy tư, triết luận trước những vấn đề bề bộn của cuộc sống được thể hiện rất rõ nét bằng sự chiêm nghiệm về thời gian của cái tôi trữ tình. Thời gian là một nỗi ám ảnh thật sự. Thời gian trở thành một sự nhận thức hoàn chỉnh bản chất của đối tượng trong mối quan hệ với cuộc sống. Đó chính là sự tự ý thức về cái hữu hạn, mong manh của đời người trước: “Mua đào tiễn mỗi xuân đi/

Năm năm tháng tháng chắc gì đã em” (Tiễn xuân), “Vừa trong mơ cùng tôi/

Cây ra đường đã bụi/ Vừa dào dạt cùng tôi/ Biển đã thành sương khói” (Vừa trong mơ cùng tôi), “Cây vẫn đây mà năm đã qua” (Gửi người bộ hành lặng lẽ), “Sống một ngày lội qua cả kiếp người” (Thấy)… Cái tôi trữ tình thương lượng với thời gian và cũng chính là một cuộc thương lượng với cuộc đời:

Buổi sáng lo kiếm sống Buổi chiều tìm công danh

Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa Tỉnh thức

Những hàng cây bật khóc

(Thương lượng với thời gian) Hiện thực cuộc sống sau chiến tranh là hiện thực đời sống của cả dân tộc với muôn vàn những khó khăn thời hậu chiến. Cái tôi bộc lộ suy nghĩ, dự cảm của mình trước cuộc sống. Cái tôi ấy mang những bức bối, băn khoăn về xã hội và thế thái nhân sinh. Đó là các cái tôi nhiều ưu tư, buồn đau về thực trạng xã hội hiện tại với nhiều khiếm khuyết, băng hoại về môi trường nhân cách:

Anh cứ tưởng sau chiến tranh thì toàn là hạnh phúc Chúng ta đã từng vò võ đợi nhau

Nhưng không phải em ơi, cuốc kêu không phải thế

(Nghe tiếng cuốc kêu) Trong thơ Hữu Thỉnh, cái tôi không chỉ trăn trở về hiện thực cuộc sống mà còn suy tư về số phận con người. Nỗi buồn trong thơ Hữu Thỉnh không đơn thuần là tâm trạng thoáng qua mà là sự suy tư không ngừng về số phận con người:

Tôi ngồi nhặt sỏi đếm buồn Gió đi tìm khói chon von mấy đồi

Mây kia hám sự nhất thời

Bao nhiêu oan nghiệt mắt người ngước lên

(Vô thanh)

Từ cảm nhận về sự bạc bẽo giữa con người với con người trong cuộc sống, cái tôi trong thơ Hữu Thỉnh luôn cảm thấy cô đơn: “Tôi lặng bước dưới cây/ Hồi hộp với món quà lạ mặt/ Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt/ Ngõ đứng trông người…” (Đi dưới cây). Cái tôi mang tâm trạng cô đơn ngay cả trong tình yêu:

Anh cứ khen người tốt đôi tốt lứa Để giấu đi bao nỗi xót xa thầm

(Tạm biệt Sầm Sơn)

Sự vô tâm của con người, sự xuống cấp của đạo đức xã hội đã để lại trong tiềm thức nhà thơ những dấu hỏi lớn. Cái tôi thắc mắc mãi không thôi về mối quan hệ giữa người với người, về đạo đức xã hội và cảm thấy đau xót trước sự đảo lộn của mọi giá trị: “Đá rơi hạt chắc đầu bông rụng/ Ếch nhái kêu ran cỏ hội hè/ Hạt lép vồng lên trương với gió/ Đồng như cánh bạc nước như mê” (Mưa đá). Bằng sự trải nghiệm của chính mình nhà thơ xót xa nhận ra:

Gập nghềnh đường tôi đi Không một ai ngó tới

(Tôi bước vào thành phố) Cái tôi với những suy tư về số phận con người thường mang nhiều lo âu, khắc khoải trước cảnh sống thực của những người thân thiết như cha mẹ, vợ con, bạn bè... Có khi đó là tâm trạng thấp thỏm, lo âu khi nghĩ về gia đình, bạn hữu: “Thêm một ngày yên tâm nhìn các con/ Chưa bôi xóa chưa phản loạn/ Bạn cũ ghé thăm nhà/ Chưa theo kiểu hợp đồng hai chiều” (Một ngày).

Vậy là, khi nghĩ về những điều tốt đẹp cái tôi cũng chỉ dè dặt tính thời gian bằng Một ngày mà không phải bằng tháng, bằng năm hay bằng cả cuộc đời.

Trong suy tư, cái tôi nhìn vào những điều ít biến đổi của lịch sử mà càng thêm xót xa:

Quanh năm vẫn một mảnh bờ Bấy nhiêu tính toán đến giờ chưa yên

(Trông ra bờ ruộng)

Với những vần thơ dạt dào cảm xúc, Hữu Thỉnh đã truyền tải những tâm tư, tình cảm đẹp. Đó là tình cảm yêu thương gắn bó với những người thân yêu của mình: Với anh trai (Phan Thiết có anh tôi), với mẹ (Tôi bước vào

thành phố, Chạm cốc với Xa-in, Trông ra bờ ruộng, Hạnh phúc, Nghe tiếng cuốc kêu), với cha (Hạnh phúc, Nghe tiếng cuốc kêu)...

Ngòi bút sắc sảo cùng với sự trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp Hữu Thỉnh tạo ra chiều sâu nột tâm của cái tôi trữ tình trong thơ. Cái tôi ấy với những sắc thái biểu hiện khác nhau đã diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của tác giả. Đó là một cái tôi đầy suy tư với nỗi trăn trở về hiện thực cuộc sống và sự suy tư về số phận con người. Ở đó, ta thấy sự suy tư, trăn trở có khi lo sợ trước những mặt trái của cuộc sống. Và ẩn sau nỗi lo lắng ấy là cái tôi trữ tình gắn bó đầy trách nhiệm với cuộc sống.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ hữu thỉnh (Trang 44 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)