Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH
3.3.1. Ngôn ngữ đời thường giản dị
Ngôn ngữ nghệ thuật thơ có nguồn gốc từ ngôn ngữ đời sống, được tổ chức lựa chọn tinh luyện, đạt giá trị nghệ thuật. Trong các sáng tác văn học nói chung và thơ ca nói riêng vẫn tồn tại một bộ phận ngôn ngữ đời thường giản dị. Tuy nhiên, chúng luôn được sử dụng với dụng ý của nhà thơ và tạo ra hiệu quả nhất định. Sự sáng tạo của nhà thơ không chỉ thể hiện qua việc sáng tạo ra các từ mới mà còn thể hiện ở việc sử dụng vốn ngôn ngữ chung vốn có theo cách riêng của mình để tạo giá trị nghệ thuật cho thơ. Với vốn hiểu biết
phong phú và tài năng trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong thơ, Hữu Thỉnh đã tạo ra được những giá trị độc đáo khi sử dụng ngôn ngữ đời thường giản dị trong thơ: “Hữu Thỉnh là một trong những nhà thơ rất giỏi trong việc đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ. Nhưng cần phải nói cho cụ thể hơn, những từ ngữ dân dã vốn giàu hình ảnh và gợi cảm đã được tác giả sử dụng một cách thành thực” [41, tr. 112].
Trong thơ Hữu Thỉnh, chức năng phản ánh đời sống được đặt ở vị trí cao nhất. Vì vậy, nhà thơ rất có ý thức trong việc đưa ngôn ngữ đời sống vào trong thơ để có thể phản ánh hiện thực một cách rõ nét và trung thực nhất.
Chính ngôn ngữ đời thường giản dị là chiếc cầu bắc nhịp cho thơ Hữu Thỉnh đến với đông đảo người đọc. Ở Hữu Thỉnh, việc sử dụng ngôn ngữ đời thường thể hiện ở chỗ nhà thơ hay viết về những sự vật, sự việc cụ thể có ở trong đời sống. Ông dành sự quan tâm nhiều đến những gì bình dị xung quanh và đưa những chất liệu ấy vào thơ một cách rất tự nhiên. Đó là tiếng bìm bịp, hương ổi, ếch nhái, chiếc chõng tre, hạt thóc, chiếc vó bè, cỏ khô… Có thể nói những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống đời thường tự thân chúng đã khơi gợi lên những cảm xúc rất chân thật nơi tác giả. Hữu Thỉnh đã dùng cách tả thực để diễn đạt những sự vật, hiện tượng ấy làm cho chúng trở nên rất cụ thể và sinh động. Bằng ngôn ngữ đời thường giản dị, qua những hình ảnh bình dị, tác giả đã làm toát lên được tình cảm chân thành mộc mạc nhất:
con lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa
nơi mẹ vẫn thường ngồi khâu cha thường chẻ lạt bao xa cách lấp bằng trong chốc lát
trăm cách rừng về dưới giọt gianh thưa (Ngôi nhà của mẹ)
Hữu Thỉnh đã đưa thơ mình vào những từ ngữ dân dã giàu hình ảnh mà cũng rất gợi cảm:
- Chớp nhìn nhằng lô cốt méo bên sông
(Chuyến đò đêm giáp ranh) - Bao lời quê nhắn nhe
(Mùa xuân đi đón)
Loại trợ từ, thán từ, tình thái từ được dùng để bộc lộ các trạng thái cảm xúc vốn chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ nói hằng ngày cũng xuất hiện trong thơ Hữu Thỉnh:
- Đi trong mây anh thấy ấm em à
(…)
Hồn hậu quá như bàn tay em ấy
(Đi trong mây) - Thế mà khi ông vật
Thua cháu liền ba keo
(Ông)
- Những năm Trường Sơn bạn bè trong trẻo quá (Tiếng hát trong rừng)
- ôi con sông màu nâu ôi con sông màu biếc
(Chiều sông Thương) - Ước gì gửi cát cho em nhỉ
(Gửi từ đảo nhỏ) - Ếch nhái nghiến răng sao mà sốt ruột
(Chuyến đò đêm giáp ranh ) - Chúng tôi vui tính lắm
(Mùa xuân đi đón)
Ở cấp độ câu thơ, Hữu Thỉnh cũng đưa vào thơ mình những từ ngữ mang đậm chất khẩu ngữ, in rõ dấu ấn của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:
- Thả cần câu xuống
Lót đôi dép ngồi (…)
Cái mặt bẩn quân thù Chỗ nào nó cũng nhúng Cả những lúc ngồi câu Cũng phải cầm lấy súng
(Câu cá bên bờ sông Sêpôn) Vợ đẻ ba năm đôi
Tôi thường đi công tác Khi con đẹn con sài Bạn bè lo chạy thuốc
(Thành phố bạn bè) Em chưa đứng chợ đen
Kiếm ăn bằng lừa đảo
(Một ngày)
Hữu Thỉnh cũng hay sử dụng hình thức đối thoại trong thơ. Hai chủ thể trữ tình có thể cùng xuất hiện một cách trực tiếp để đối thoại với nhau: “Tôi hỏi đất: - Đất sống với đất như thế nào?/ - Chúng tôi tôn cao nhau/ Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?/ - Chúng tôi làm đầy nhau” (Hỏi).
Cũng có khi một chủ thể trữ tình một mình đối thoại với xung quanh: “Trời xuống thấp tìm lời an ủi đất/ Tôi ấy mà, cánh diều nhỏ cô đơn/ Với hạnh phúc tôi đứng ngoài song cửa/ Với chia tan tôi là khúc ca buồn” (Lời thưa).
Từ chất liệu ngôn ngữ đời thường giản dị, Hữu Thỉnh đã tạo ra được nhiều hình ảnh mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng cũng hết sức thú vị:
- Kỳ lưng nhau rúc rích đùa vui (Tắm mưa)
- Khúc dân ca hát đi hát lại
Qua nhịp cầu, chân ta bước so le
(Đêm chuẩn bị)
Ở giai đoạn sáng tác trong chiến tranh, thơ Hữu Thỉnh tuy sử dụng nhiều chất liệu ngôn ngữ đời thường nhưng lại rất tài hoa, lãng mạn: “Đi trong mây anh thấy ấm em à/ Tiếng suối giục nghe khi mờ khi tỏ/ Những tâm sự lúc thường nghe chẳng rõ/ Đi trong mây tí tách sáng dần ra” (Đi trong mây). Còn trong giai đoạn sáng tác sau chiến tranh, những bài thơ của Hữu Thỉnh, nhất là những bài thơ trong tập Thương lượng với thời gian tuy cũng sử dụng phần lớn là ngôn ngữ đời thường nhưng lại tạo nên một giọng điệu suy ngẫm rất riêng.
Đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ, Hữu Thỉnh đã khiến cho ngôn ngữ thơ trở nên sinh động, bình dị và gần gũi với người đọc hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thơ Hữu Thỉnh vẫn có những hạn chế trong việc sử dụng loại ngôn ngữ này. Một số câu thơ của Hữu Thỉnh khiến người đọc có cảm giác như là những lời bình thường hơn những câu thơ thật sự: “Tôi đã ở sáu năm/ Trên triền đồi Gia Cẩm/ Nhà tập thể nửa gian/ Chưa bận con, ở tạm”
(Thành phố bạn bè). Nhiều bài thơ do sử dụng một cách quá nhiều ngôn ngữ đời thường đã làm cho ranh giới giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ thơ ca không còn nữa, khiến chất thơ trong thơ Hữu Thỉnh bị giảm đi rất nhiều: “Xe máy rú rồ dại/ chậu cảnh biến thành vật lót tay/ hè phố bị hắt nước loang lổ/ càng cố chứng minh là kẻ vô can/ càng thú nhận là nạn nhân kế tiếp” (Bất hạnh);
“Nửa gian rồi một gian/ Dây phơi ngày mỗi chật/ Nội, ngoại đều ở xa/ Bạn bè thương Thỉnh vất” (Thành phố bạn bè); “Đáng tiếc/ họ phải nộp thuế thu nhập cao/ dù hoa sữa lúc đầu không muốn thế” (Giải thích).
Ngôn ngữ đời thường được đưa vào trong thơ thể hiện một vốn sống sâu sắc và một vốn ngữ dồi dào của nhà thơ. Qua thơ Hữu Thỉnh, chúng ta nhận
thấy sự gắn bó chặt chẽ của nhà thơ với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân cũng như ý thức của nhà thơ trong việc đưa ngôn ngữ đời thường vào trong nghệ thuật. Đó là một điều đáng quý trong thời hiện đại và cũng là một biểu hiện của khuynh hướng kết hợp tính dân tộc và tính hiện đại trong thơ Hữu Thỉnh.