Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH
3.3.2. Ngôn ngữ giàu giá trị biểu cảm
Bên cạnh ngôn ngữ đời thường giản dị, chúng ta còn bắt gặp ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Hữu Thỉnh. Với ngôn ngữ tài hoa, Hữu Thỉnh đã thể hiện sự sáng tạo và ghi dấu phong cách thơ của mình. Ngôn ngữ tài hoa ấy tạo ra cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng pha chút gì đó bâng khuâng. Sự mới lạ trong ngôn từ khiến người đọc cảm nhận cái hay của nó và không tạo ra sự khó hiểu.
Mạch nguồn văn hóa dân gian dường như đã ngấm sâu vào tâm hồn nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhà thơ vừa kế thừa mạch nguồn truyền thống, vừa có những cách tân sáng tạo. Nói về khả năng vận dụng văn hóa, văn học dân gian của Hữu Thỉnh, Lưu Khánh Thơ đã đưa ra nhận xét đáng trân trọng:
Nét đặc trưng này cũng là một điểm mạnh và là yếu tố cơ bản hình thành cá tính thơ Hữu Thỉnh, làm nên nét đặc sắc trong thơ anh (…). Vốn kiến thức phong phú này đã làm Hữu Thỉnh thêm giàu có, tạo thuận lợi cho những tìm tòi sáng tạo của thơ anh. Hữu Thỉnh tiếp thu truyền thống dân tộc không những chỉ là ở cách nói, cách ví von, so sánh mà còn ở cách tư duy, cách liên tưởng độc đáo, ở một âm hưởng xa xôi khó nhận biết. Phải chăng sự ảnh hưởng đó là nguyên nhân khiến cho Hữu Thỉnh có được những câu thơ đa nghĩa, có tính hàm ẩn cao, mới lạ trong cách diễn đạt, bất ngờ trong cảm xúc [54, tr. 76-77].
Hữu Thỉnh thường sử dụng ngôn ngữ mang đậm phong vị dân gian.
Đến với thơ Hữu Thỉnh, người đọc có thể nhận ra những mạch nguồn thầm kín của những lời ca dao dân gian đầy tinh tế:
Anh đi tìm một ngày cau ấp bẹ Hoa ngủ mê trong lá mơ hồ
(Im lặng)
Thơ Hữu Thỉnh đặc biệt ở chỗ gợi nhiều liên tưởng cho người đọc bởi ngôn ngữ giàu giá trị biểu cảm. Nhiều câu thơ đôi khi khó có thể nắm bắt hay cảm nhận được một cách rõ ràng, trọn vẹn… Nhưng những câu thơ ấy nếu đặt trong mối quan hệ với những câu thơ xung quanh lại đem đến những cảm giác mới lạ. Thơ ông luôn có sự giao hòa gắn bó giữa cái hữu hình và vô hình, giữa cái có thể và không thể nắm bắt. Vì vậy đọc thơ Hữu Thỉnh cứ thấy cái gì bâng khuâng, mơ màng nhưng lại hết sức tài hoa: “Anh vịn vào tiếng hát vượt gian lao/ Những năm Trường Sơn bạn bè trong trẻo quá/ Tiếng hát đi rồi căn hầm còn đó/ Thành chiếc hộp đàn giữa lòng đất âm sâu” (Tiếng hát trong rừng). Cũng có khi tác giả kết hợp cả hai khái niệm vô hình với nhau tạo ra hình ảnh thơ gần như siêu thực:
- Bắt gặp tình thương đi đưa đám hận thù
(Buổi sáng thức dậy) - Đời nhanh quá vui buồn chưa kịp cũ
(Thưa thầy)
Thơ Hữu Thỉnh thường dùng những danh từ trừu tượng. Hữu Thỉnh đã làm mơ hồ hóa và lãng mạn hóa những sự vật, hiện tượng cụ thể nhằm tạo ra những liên tưởng độc đáo. Ta thường gặp trong thơ Hữu Thỉnh những kết hợp từ thú vị như “luống thời gian”, “mùa nhân nghĩa”, “đám hận thù”, “những chùm quả bình yên”, “đò tình”, “roi mơ mộng”, “đường nhân nghĩa”,…
Những danh từ này xét trong mối quan hệ với các câu thơ xung quanh lại mang những ý nghĩa và tác dụng riêng, kích thích trí tưởng tượng của người đọc:
Mùa thu cũng bỏ trời Đi về miền tiếc nuối Có con tàu mệt mỏi Thét còi trong tim anh
(Ước)
Ngôn ngữ tài hoa trong thơ Hữu Thỉnh được tạo ra bởi cách sắp xếp ngôn từ theo trật tự kết cấu cụm từ đảo. Cách xắp xếp các từ ngữ theo trật tự đảo mang lại ấn tượng lạ cho người đọc và tạo ra tính nhạc cho câu thơ:
- Núi rét đêm qua chừng mất ngủ Sáng ra thêm bạc một nhành lau
(Thư mùa đông) - Mênh mông lãnh hải cao chân sóng
Rừng rong bọt nước cũng thiêng liêng (Gửi từ đảo nhỏ)
Nhà thơ không trực tiếp gọi tên những khái niệm, những trạng thái cảm xúc mà nói về nó thông qua những hình ảnh đặc trưng bản chất. Có thể nói, đây là một trường hợp sử dụng ngôn ngữ tài hoa, sáng tạo của Hữu Thỉnh.
Nhà thơ chuyển tải những điều cần nói qua những hình ảnh có sức gợi cao tạo ra tính hàm súc đặc biệt cho lời thơ:
Có kẻ mong em tàn tật Tóc em xanh
Trời xuống gió Em bước qua chỗ lội Một mình
Rũ áo
Thả gió cho mây
Có kẻ mong em mồ côi
Em cứ hát giữa chuồn chuồn bay thấp
(Em)
Hữu Thỉnh là nhà thơ luôn có xu hướng gắn bó với thiên nhiên. Viết về thiên nhiên, Hữu Thỉnh có nhiều bài thơ hay như Sang thu, Mùa xuân đi đón, Đi trong mây, Bầu trời trên giàn mướp… Bởi vậy, lớp từ về thiên nhiên cũng được Hữu Thỉnh sử dụng để tạo ra những từ có cách kết hợp mới lạ. Có thể xem đây là một trong những lớp từ giàu chất biểu cảm, tài hoa, sáng tạo trong thơ Hữu Thỉnh:
Tôi như cây biết giấu lá vào đâu Giữa gió bụi kiếp người
Nếu giấu lá thì còn đâu bóng mát Bóng mát mà không che nổi chính tôi
(Bóng mát)
Hữu Thỉnh là một hồn thơ rất giàu cảm xúc và thế giới cảm xúc ấy mang nét riêng. Thế giới nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh là một thế giới không bình yên mà luôn trong trạng thái vận động. Hữu Thỉnh đã sử dụng các từ ngữ chỉ trạng thái, cảm xúc để thể hiện thế giới cảm xúc trong thơ mình. Đó không chỉ là trạng thái, cảm xúc của con người mà còn là trạng thái cảm xúc của cảnh vật thiên nhiên. Tất cả đều là những rung động tinh tế, nhẹ nhàng, thể hiện bằng một ngôn ngữ tài hoa:
- Được màu xanh tắm gội Lòng rân rân cả lên
(Mùa xuân đi đón)
- Gió chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về
(Sang thu)
Ngôn ngữ tài hoa, giàu chất biểu cảm đã thể hiện sự sáng tạo của Hữu Thỉnh trong thế giới nghệ thuật thơ. Đó là cách sử dụng ngôn ngữ kết hợp được cả nét cổ điển và nét hiện đại. Ngôn ngữ thơ Hữu Thỉnh vì thế tuy bình dị và mang đậm chất dân gian nhưng cũng rất trí tuệ, sâu sắc, và đặc biệt rất tài hoa, sáng tạo.