Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH
3.4.2. Giọng suy tư, triết lý
Giọng suy tư, triết lý là xu hướng tất yếu của các nhà thơ thực sự có trách nhiệm với cuộc đời, đã sống và trải nghiệm nhiều. Hữu Thỉnh là nhà thơ đã sống với nhiều năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của chiến tranh, bước ra khỏi cuộc chiến và tiếp xúc với nhiều biến đổi khác nhau của cuộc đời nên thơ ông giàu chất suy tư, triết lý cũng là điều dễ hiểu. Phần nhiều các bài thơ mang giọng điệu này đều được tác giả viết giai đoạn sáng tác sau chiến tranh.
Giọng suy tư, triết lý đã để lại những dấu ấn nhất định trong thơ Hữu Thỉnh ở các bài thơ trong tập Tiếng hát trong rừng cho đến Thư mùa đông hay Thương lượng với thời gian. Đặc biệt từ tập thơ Thư mùa đông trở đi chất giọng này mới chiếm vị thế rõ rệt, góp phần không nhỏ tạo nên phong cách thơ Hữu Thỉnh.
Thơ Hữu Thỉnh hay nói nhiều về sự cô đơn, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự nhạt nhẽo của tình người:
Cảm xúc đau đớn, xót xa ấy thường trực trong hồn thơ Hữu Thỉnh, hiện ra như một ám ảnh, trở thành nhịp mạnh trong cấu trúc giọng điệu thơ anh. Tuy nhiên, tôi nghĩ, chiều sâu và nét riêng trong cái
nhìn nghệ thuật của Hữu Thỉnh chính là những suy tư không ngừng về nhân thế bằng chất giọng trầm lắng [13, tr. 30].
Chất triết lí đậm nét trong những vần thơ day dứt. Đọc thơ Hữu Thỉnh, chúng ta bắt gặp giọng điệu suy tư, triết lý về tình yêu, về lẽ đời, về thân phận con người… Với mảng thơ tình yêu, Hữu Thỉnh hay suy ngẫm về những vấn đề xung quanh tình yêu, đó có thể là nỗi nhớ, sự xa cách, dang dở… bằng giọng điệu ngậm ngùi, suy tư của một trái tim nhạy cảm:
Hoa đã bỏ đi rồi Mà bình còn đầy gió Mỗi ngày anh có em Lại chồng thêm dang dở
(Dang dở) Trước cuộc đời đầy biến động, nhà thơ không ngừng suy tư về những điều mắt thấy tai nghe, đôi khi là trực tiếp trải nghiệm. Mảng thơ này là tiêu biểu hơn cả cho giọng suy tư, triết lý của tác giả. Người đọc thấy Hữu Thỉnh hay buồn, hay suy nghĩ khi đứng trước hiện thực cuộc sống không đẹp như mình mơ mộng với thói đời đen bạc và đầy những nghịch lý. Với một trái tim nhạy cảm với tình đời, tình người, Hữu Thỉnh bộc lộ những suy tư, trăn trở với một chất giọng trầm lắng và buồn:
Đụng một kẻ ngấm đủ mặt cái ác Sống một ngày lội qua cả kiếp người
Ăn nói khó hơn yêu ghét khó hơn Đi suốt ngày đời vẫn nguyên chỗ cũ
Đố kỵ gian manh thấp khớp tháo dạ Tháng ba đầu cành hoa bưởi còn kia
Va quyệt và xây xát
Nhân tình lầm lũi đi
(Thấy)
Giọng điệu suy tư, triết lý của Hữu Thỉnh thường gắn với những cái đã qua và bây giờ nhà thơ nhìn lại. Cách nhìn của tác giả về những cái đã qua gắn với những giá trị truyền thống của dân tộc. Nhà thơ đòi hỏi sự trân trọng đối với quá khứ và cảm thấy buồn khi những giá trị ấy bị thay đổi. Với giọng suy tư, Hữu Thỉnh đã nói thật sâu sắc về cái đã qua. Đó là sự hoài niệm về một tuổi thơ đã đi qua: “Ai mải đuôi cá cờ/ Bỏ quên chiều dải quạt/ Ai chơi ô ăn quan/ Giờ cười rung tóc bạc” (Mượn mùa thu một buổi), là sự nhớ về cố hương sau những tất bật của cuộc sống: “Ngọn khói còn nhớ tôi không/ Tóc trôi dạt vẫn hăng mùi cỏ đất/ Đi suốt nụ cười, phía sau tay bắt/ Vẫn lan man cùng ngọn khói quê nghèo” (Ngọn khói), là sự chiêm nghiệm về số phận của người lính sau chiến tranh: “Tất cả vẫn như xưa, tất cả lại bắt đầu/ Đồng sau vụ đi đường cày thứ nhất/ Bạn đã tập đi nghiêm, bạn đã tập đi đều và tập hát/
Và bây giờ âu yếm giục trâu đi” (Gửi bạn triền sông), là sự thảng thốt trước thời gian: “Gió sao là lạ. Mây khang khác/ Không hiểu. Hay là nhịp cuối năm/
Hôm qua thì tiếc. Mai thì sợ/ Tuột cương trăng cũ lại sang rằm” (Năm đi)…
Thân phận con người mà đặc biệt là hình tượng người mẹ giữ vai trò là đối tượng suy tư trong suốt quá trình thơ của Hữu Thỉnh. Bên cạnh việc cảm nhận tình cảm của người mẹ trong mối quan hệ với đất nước, nhà thơ còn dành cho mẹ một vị trí đáng kính trong những suy tư về lẽ đời. Giọng suy tư, triết lý đã bộc bạch, hàm chứa bao tình cảm của cái tôi trữ tình dành cho người mẹ: “Thơ mỗi ngày người càng ít đọc hơn/ Nhưng con chọn thứ vũ khí này bênh vực mẹ” (Chạm cốc với Xa-in) và mẹ trở thành một “nỗi ám ảnh suốt đời day dứt”. Hình tượng người mẹ trở thành đối tượng để nhà thơ tâm tư những nỗi niềm của mình. Ở đây, tính triết lý hòa quyện với chất giọng suy tư tạo nên chất giọng suy tư, triết lý:
Mẹ ơi mây héo con xin mẹ
Cho con lên an ủi mặt trăng buồn Chợ tan đường cũng tan như chợ
Bán được buồn hay mua được buồn hơn (Đất ngày thường)
Bên cạnh những suy tư về cuộc sống, Hữu Thỉnh cũng không ngừng suy tư về sứ mạng của thơ và nhà thơ trong giai đoạn đổi mới. Sau chiến tranh, trước tình hình đất nước có nhiều biến đổi, Hữu Thỉnh vẫn làm thơ và thấy sự hữu ích của thơ trong cuộc sống nhưng tác giả đôi lúc vẫn không khỏi ngậm ngùi cho số phận của thơ và nhà thơ:
Kẻ chậm chân có thể là anh nữa Trái tim cồng kềnh thơ phú đa mang (Sang thế kỷ)
Với hành trình thơ hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân, Hữu Thỉnh đã đúc kết được nhiều vấn đề có ý nghĩa lớn lao.
Thơ Hữu Thỉnh bộc lộ những suy tư, trăn trở, triết lý về cuộc đời và văn chương. Nếu ở giai đoạn sáng tác trong chiến tranh Hữu Thỉnh suy tư về dân tộc thì ở giai đoạn sau chiến tranh Hữu Thỉnh suy tư về những số phận cá nhân. Đây chính là những trăn trở của một trái tim đa cảm và gắn bó mật thiết với cuộc đời. Và thơ Hữu Thỉnh đọng lại trong lòng người đọc dư vị sâu lắng bằng giọng thơ “đằm sâu” chất suy tư, triết lý sâu sắc mà ấm áp tình đời.