Cái tôi gắn bó với đất nước, quê hương

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ hữu thỉnh (Trang 37 - 44)

Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH

2.2. Sắc thái đa dạng của cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh

2.2.1. Cái tôi gắn bó với đất nước, quê hương

Hình tượng đất nước, quê hương dường như đã trở thành một đề tài lớn trong thơ ca. Mỗi nhà thơ có một cách thể hiện riêng trong cảm hứng về đất nước, quê hương. Với Hữu Thỉnh, hình tượng về đất nước, quê hương được khám phá ở nhiều cung bậc khác nhau và gắn với những giai đoạn sáng tác của tác giả.

Có thể nói, thơ Hữu Thỉnh đã đem đến một cách thể hiện riêng về hình

tượng đất nước - quê hương trong chiến tranh. Trong thơ Hữu Thỉnh, hình tượng đất nước xuất hiện trực tiếp không nhiều. Điểm riêng của thơ Hữu Thỉnh là luôn gắn kết mẹ - quê hương - đất nước khi cảm nhận về Tổ quốc.

Đất nước - quê hương trong thơ ca chống Mỹ nói chung thể hiện chủ yếu ở các phương diện như văn hóa, lịch sử, địa lý… Chẳng hạn, Chế Lan Viên thể hiện đất nước từ truyền thống đánh giặc và văn hoá: “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?). Trong thơ Hữu Thỉnh đất nước, quê hương lại được khúc xạ chủ yếu qua hình tượng người mẹ. Trong khói lửa chiến tranh, hình tượng mẹ - quê hương - đất nước gắn liền với đau thương:

Nghìn tấn bom một ngày Không chừa đâu vườn mẹ Tọa độ chín ô kẻ

Vườn ổi lọt vào trong

(Hương Vườn)

Hình tượng quê hương thời chiến tranh trong thơ Hữu Thỉnh được khắc họa qua cách nghĩ của người lính về người mẹ. Quê hương ấy gắn liền với cuộc sống của bà mẹ ở hậu phương. Đó là quê hương của làng quê nông nghiệp với những vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng vô cùng thiêng liêng.

Qua cái nhìn của cái tôi trữ tình là người lính, hình tượng người mẹ hiện lên như là hiện thân của quê hương thân thuộc và khắc họa qua lăng kính mối quan hệ cá nhân. Chính tình cảm thiết tha, sâu nặng dành cho mẹ đã để lại trong thơ Hữu Thỉnh những dòng thơ cảm động về hình tượng người mẹ. Phải chăng đây chính là thành công của Hữu Thỉnh khi ông viết về đề tài khá quen thuộc này:

Xúc động quá, quê ơi!

nỗi căm giận không cứ chờ phải máu mẹ ta ốm, húp bát canh rau dệu

(Đêm chuẩn bị)

Khi nhập vai là một người con, cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh đã thể hiện những cảm xúc hết sức chân thành, thống thiết về hình tượng một người mẹ mang tính biểu trưng cho quê hương với tất cả những vất vả, tảo tần. Đó là người mẹ của những “bát canh rau dệu”, của “hương cốm”, của

“vườn ổi”… hay là người mẹ trong sự đợi chờ “nhận mặt đứa con dâu”:

ngày mai chúng ta về (…)

cho chị lấy chồng xa về giỗ tết cho mẹ già nhận mặt đứa con dâu

(Đêm chuẩn bị)

Trong chiến tranh với những tháng ngày hành quân đầy rẫy những hiểm nguy, người lính vẫn dành cho mẹ những tình cảm thương yêu đặc biệt. Đó chính là niềm trân trọng thiêng liêng cao quý về những món quà mà mẹ đã tặng trước khi ra trận:

Hạt cốm xanh mặc áo lá sen xanh Mẹ dành cho con làm quà ra trận Cam quýt vào đông; chớm hè: mơ, mận Tháng ba về hôi hổi bắp ngô non

(Hương cốm)

Ngoài đặc điểm nổi bật trên, cái tôi trữ tình gắn bó với đất nước, quê hương trong chiến tranh còn được thể hiện ở hình ảnh đất. Đất ở nơi chiến trường ác liệt với những nét gần gũi gợi nhớ về hình ảnh quê hương. Cái tôi trữ tình chợt thấy

“mùi tro bếp” và “màu bánh gai” nơi làng quê nghèo ở chốn hậu phương:

Tôi vốc nắm đất lên Bắt gặp mùi tro bếp Đất rất gần màu thép Cũng gần màu bánh gai

(Đất )

Bên cạnh cái tôi trữ tình gắn bó với đất nước trong chiến tranh, thơ Hữu Thỉnh còn có một cái tôi trữ tình gắn bó với đất nước trong thời bình. Khi viết về đất nước, quê hương sau chiến tranh, cảm xúc cái tôi trữ tình thật phong phú. Thơ Hữu Thỉnh vừa góp phần thể hiện hình ảnh đất nước, quê hương qua hình ảnh làng quê đồng bằng Bắc Bộ với một tình yêu mến thiết tha, vừa bộc lộ tâm hồn tinh tế, dạt dào cảm xúc của tác giả. Ta có thể bắt gặp trong thơ Hữu Thỉnh nhiều câu thơ về quê hương chạm đến đáy sâu tâm hồn con người và khơi gợi những tình cảm thiêng liêng:

Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Gió chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về

(Sang thu)

Xuyên thấm trong thơ Hữu Thỉnh là một niềm tự hào về quê hương, đất nước. Có những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của làng quê được “lạ hóa” qua cảm thức tự hào:

Vạc mảnh bờ con cua mất quê Rau đay làm lẽ buổi tôi về Ổi đào lên tỉnh xem son phấn Mẹ vẫn chờ em dóc mía de

Gió nảy đàn tre cung tháng Chạp Trăm câu không đỡ nổi câu tình Em mang thiên lý về thưa mẹ Sông vẫn ba đào trúc vẫn xinh

(Cung tháng Chạp )

Những hình ảnh chân quê, mộc mạc, gần gũi, bình dị của quê hương đi

vào thơ Hữu Thỉnh hết sức tự nhiên, gợi lên hồn quê thấm đượm. Có khi là những triền sông, ô mạ trũng, những quả duối, ếch: “Bạn trở về làm lụng dọc triền sông/ Nước mấp mé mây vần ô mạ trũng (…) Những quả duối chín mòng trẻ lại ríu chân lên (…) Ếch mong mưa kêu váng ở sau đìa” (Gửi bạn triền sông); hay những cánh đồng ngập nước vào mùa mưa: “Hạt lép vồng lên trương với gió/ Đồng như cánh bạc nước như mê” (Mưa đá), hình ảnh bóng dừa, mái lá, bông so đũa: “Thân dừa găm viết đạn (…) Mái lá, tường cũng lá (…) Bông so đũa buông đầy” (Bóng dừa).

Sự gắn bó với quê hương, đất nước cũng thể hiện đậm nét ở trường ca.

Cái tôi trữ tình khi cảm nhận về quê hương đất nước trong trường ca Hữu Thỉnh thường đi liền với thời gian mùa vụ. Mùa xuân: “Giêng hai về/ Năm mới khi bước qua tháng chạp (…) Nhưng mẹ biết có một màu giấy điệp/ Bay tưng bừng làm ấm cả cây nêu”. Mùa hạ: “Đom đóm ơi đom đóm dẫn đi đâu/

Đêm là tàu lá sen che nửa phần trái đất/ Ấy là lúc những vì sao xa lắc/ Nối với tôi qua một sợi dây diều”. Mùa thu: “Trứng ốc nhồi nở trắng dọc bờ ao/ Con ếch sọc dưa đi tìm tức tưởi/ Trời sùi sụt những cơn mưa tháng bảy/ Tôi ngấm đấy nước mắt những ngày ngâu”. Mùa đông: “Một chút lửa hoa dong riềng cuối dậu/ Sợ một ngày sương muối đến đem đi” (Trường ca biển). Và cái tôi trữ tình khi cảm nhận về quê hương đất nước trong thơ Hữu Thỉnh cũng vậy.

Thiên nhiên quê hương được nhà thơ đặt trong cảm thức về thời gian. Thiên nhiên ấy trở nên sống động và dường như cũng biết run sợ trước giọt đồng hồ rơi: “Đôi khi chợt thấy năm trôi vụt/ Cá quẫy lòng ao cũng giật mình/ Cây không đủ trái đền ơn đất/ Mượn của trời thêm một chút hanh” (Cuối năm).

Là một người luôn nặng tình với quê hương và bằng sự cảm nhận tinh tế, Hữu Thỉnh đã ghi lại được cái thần của thiên nhiên quê hương trong sự giao mùa: “Hứa hẹn bao nhiêu bầu trời trên giàn mướp/ lúc hoa vàng thu mới chập chờn thu” (Bầu trời trên giàn mướp); “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình

sang thu” (Sang thu). Có khi, cái tôi trữ tình lại xúc động, xao xuyến trước vẻ đẹp của quê hương quan họ:

Đi suốt cả ngày thu vẫn chưa về tới ngõ dùng dằng hoa quan họ nở tím bên sông Thương

(Chiều sông Thương)

Nghĩ về quê hương đất nước trong thời bình, cái tôi trữ tình không quên hình ảnh người mẹ. Những khoảnh khắc tâm trạng của nhân vật trữ tình được miêu tả sinh động, truyền cảm một cách lạ kì. Đọc những vần thơ: “Trông ra bờ ruộng năm nào/ Mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen/ Mẹ tôi nón lá bước lên/ Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu” (Trông ra bờ ruộng)… dường như cả đồng quê đang mở ra trước mắt người đọc, đó là bờ tiếp bờ, là màn trời mưa trắng cỏ, là hình ảnh mẹ nhỏ nhoi trong nón lá bước lên… Không gian ở đây có tính chất tĩnh bên cạnh thời gian có sự vận động “đầu hạ”, “cuối thu”. Đặc biệt, cái tôi trữ tình của nhà thơ luôn thể hiện một niềm yêu kính pha nhiều xót xa thương cảm dành cho mẹ. Với Hữu Thỉnh, mẹ là “nỗi ám ảnh suốt đời day dứt”: “Gié thơm ai đã gặt rồi/ Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình..”

(Trông ra bờ ruộng). Nỗi lòng người con hướng về mẹ không chỉ là yêu thương và xót xa mà đã trở thành niềm nhức nhối: “Miếng cơm manh áo che khuất mẹ tôi/ Sự vô tình che khuất mẹ/ Người thường vắng mặt trong các cuộc vui/ Tóc bay trắng trong buổi chiều gió bạc” (Chạm cốc với Xa-in). Sự thức tỉnh này, ta cũng bắt gặp trong thơ Dương Kỳ Anh: “Tôi sững sờ/ Gặp lại dáng mẹ tôi quạt thóc/ Bên đường hai mươi năm về trước (...) Từ bàn tay của má/ Thổi vào hồn tôi những ngọn gió buồn/ Thổi vào hư không một luồng gió gắt/ Thổi vào cuộc đời bao niềm day dứt” (Má quạt thóc bên đường). Câu thơ viết về mẹ của Dương Kỳ Anh chứa biết bao nỗi niềm xót thương về mẹ,

còn mẹ trong thơ Hữu Thỉnh vừa là nỗi thương, niềm xót của con lại vừa là nguồn sức mạnh nâng đỡ bước chân con trên đường đời, để mỗi khi vấp ngã, con lại:

Tôi bỗng nhớ đến mẹ Dặn khẽ lúc lên đường Tôi viết vội thư thăm ...

(Tôi bước vào thành phố)

Làng quê trong thơ Hữu Thỉnh được khắc họa qua các hình ảnh: bờ ruộng, cánh diều, ngọn khói… Đây là những hình ảnh rất đỗi thân thuộc nơi làng quê. Những hình ảnh này gắn liền với hình ảnh người mẹ như một niềm thao thức trong tình quê của nhân vật trữ tình:

Mẹ già khom bóng dưới cau Ngõ thu nắng dãi ngày mau sập chiều

Có gì trời đất mang theo

Thế gian muôn nỗi cánh diều mong manh Có gì xoáy vực chông chênh

Gió neo tay mẹ bỗng thành thiên thu (Ngõ thu)

Mỗi nhà thơ có một cách thể hiện riêng của mình trong cảm hứng về đất nước, quê hương. Nếu Nguyễn Quang Thiều tìm về dòng sông quê khi đi xa: “Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc” (Sông Đáy), Hoàng Cầm chìm đắm vào vẻ đẹp truyền thống của quê hương Kinh Bắc: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Bên kia sông Đuống), Đỗ Trung Quân tìm về những hình ảnh rất đỗi thân thuộc nơi làng quê: “Quê hương là chùm khế ngọt (…) Quê hương là con diều biếc (…) Hoa cau rụng trắng ngoài thềm” (Quê hương - Bài học đầu cho em) thì Hữu Thỉnh đã đem

những câu thơ về tình quê hương đất nước đi vào lòng người một cách tự nhiên với chất giọng trầm lắng, dịu dàng. Qua những dòng thơ dạt dào cảm xúc ấy, ta có thể thấy một cái tôi trữ tình gắn bó sâu nặng với quê hương đất nước trong khói lửa chiến tranh cũng như trong thời bình.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ hữu thỉnh (Trang 37 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)