Cái tôi tự biểu hiện

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ hữu thỉnh (Trang 61 - 67)

Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH

2.3. Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh

2.3.2. Cái tôi tự biểu hiện

Nếu như cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh ở giai đoạn chống Mỹ là cái tôi đại diện cho thế hệ thì cái tôi ở giai đoạn sau năm 1975 là cái tôi tự biểu hiện. Thơ Hữu Thỉnh từ sau năm 1975 và nhất là sau thời kì đổi mới (1986) là sự trăn trở, suy tư trước những thăng trầm của cuộc đời, lòng người, đạo đức xã hội… Những thay đổi của cuộc sống trong thời kì cơ chế thị trường đã in dấu sâu sắc trong tâm trí nhà thơ, làm nảy sinh trong ông nhu cầu

bộc bạch những suy nghĩ và tình cảm riêng tư nhất. Vì vậy, ta dễ dàng nhận thấy xuyên suốt trong thơ Hữu Thỉnh giai đoạn này là cảm xúc, suy tư của một cá thể ý thức về mình. Đó chính là cái tôi tự biểu hiện - cái tôi nhìn thẳng vào lòng mình để tự nghiệm.

Hữu Thỉnh vẫn thường hay suy tư về lẽ đời, về thân phận con người, về đạo đức xã hội. Đó không phải là những suy tư trừu tượng mà là những suy tư xuất phát từ cảm nhận rất riêng, rất chân thật của một trái tim đa cảm. Và “khi chạm tới nỗi buồn, nỗi đau, niềm hiu quạnh của kiếp người, Hữu Thỉnh thường có được thơ hay” [20, tr. 105]. Chính vì thế, ta hiểu vì sao trong thơ Hữu Thỉnh nhiều nỗi buồn đến thế:

Bánh đa phồng giữa chợ Che bớt một phần buồn

( …)

Qua mùa hoa thì bướm cũng bay đi Tôi ngồi buồn như lá sen rách

( …)

Tôi ngồi buồn tôi đếm ngón tay Có mười ngón tay đếm đi đếm lại Đếm đi đếm lại trời ngả sang chiều

(Nghe tiếng cuốc kêu)

Tự đối diện với chính mình, cái tôi bộc lộ chân thật nỗi buồn, cô đơn.

Nếu ở giai đoạn trước cái tôi đại diện cho thế hệ mình, thế hệ “hi sinh tình riêng vì nghĩa lớn” thì ở chặng đường sau, với cái tôi tự biểu hiện, tự ý thức, Hữu Thỉnh thực sự là nhà thơ của niềm cô đơn. Cảm giác cô đơn gần như luôn luôn thường trực trong thơ ông như một nỗi ám ảnh. Cảm giác ấy xuất hiện trên cái nền chung của thơ Việt Nam sau năm 1975 mà đặc biệt là sau thời kỳ đổi mới. Con người cô đơn phải đối mặt thường xuyên với những thay

đổi các giá trị cuộc sống nên luôn cảm thấy bơ vơ. Đó là cảm giác: “Cô đơn giữa trời, lặng lẽ lo âu, nắng nôi một mình…” khi “Bị đám gai của hoa hồng xua đuổi, bị lột trần trơ trẽn, bị dập vùi trong sóng …” Cái tôi nhà thơ tự bạch lòng mình qua các từ ngữ gợi lên cảm giác đau đớn như: than thở, nhọc nhằn, nghiêng ngả, ngồi buồn, muối xót ở trong tôi… Cảm giác cô đơn được thể hiện ở nhiều cung bậc khác nhau trong tâm trạng nhà thơ:

- Tự mình là cả núi non

Vẫn không thoát khỏi cô đơn giữa trời

(Trước tượng Bay-on) - Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt Ngõ đứng trông người …

(Đi dưới cây)

Cảm thức cô đơn trong thơ Hữu Thỉnh tồn tại bên cạnh cảm thức về thời gian: “Có cái gì đã rơi/ Vừa rơi thêm lần nữa/ Chỉ còn một mình anh/ Với chiều qua cửa sổ” (Ước). Khát vọng được giãi bày, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của nhà thơ gần như không đem lại một kết quả gì nên: “Nhà thơ viết về sự bình yên bằng chính cái không bình yên, lúc nào cũng thảng thốt, đi tìm một cái gì đại loại như dĩ vãng, đại loại như tương lai, đại loại như chính mình [20, tr. 105]. Cái tôi mang tâm trạng cô đơn của nhà thơ có lúc được diễn đạt bằng nhiều trạng thái im lặng :

- Những chùm quả bình yên Rơi xuống triền núi vắng Trời muốn nói câu gì Ngó ta

Rồi im lặng!

(Bình yên)

- Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng

(Nghẹn)

Cái tôi tự biểu hiện trong thơ Hữu Thỉnh không chỉ mang tâm trạng buồn, cô đơn, xót xa… khi trăn trở về những vấn đề trong cuộc sống mà cái tôi ấy còn luôn luôn trăn trở tự hoàn thiện. Mặc dù nhiều lúc đau đớn, xót xa về thế cuộc nhưng nó vẫn luôn kiếm tìm và nuôi dưỡng một niềm tin vào những điều tươi sáng khi “Buổi sáng thức dậy/ Bắt gặp tình thương đi đưa đám hận thù” (Buổi sáng thức dậy). Đó chính là sự khẳng định: cái đẹp vẫn luôn tồn tại và chiến thắng, cái ác rồi sẽ bị loại trừ. Từ niềm tin ấy, cái tôi đó luôn đau đáu khát vọng: “Cây rơm vẫn mơ thành đám mây vàng...” (Hạnh phúc). Bởi vậy, cái tôi nhà thơ luôn hướng tới sự vượt lên những điều tầm thường. Trong tâm hồn nhà thơ luôn có sự ngự trị của ý thức hoàn thiện bản thân trước những cạm bẫy của cuộc sống: “Chiếc ly còn trên bàn/ Thêm một ngày kỷ niệm chưa bị đem bán/ Em chưa đứng chợ đen/ Kiếm ăn bằng lừa đảo (…) Anh cầm đũa và vuốt tóc em/ Thêm một ngày bằng bàn tay sạch/

Uống nước còn biết tự xấu hổ/ Chưa hắt cặn sang người khác (…) Thêm một lần đi trên gai/ Thêm một ngày được làm người lương thiện” (Một ngày).

Trái tim của nhà thơ luôn thổn thức trong nỗi khát khao hướng về những điều tốt đẹp của giá trị tinh thần. Trái tim ấy cất lên lời tự bạch chứa đầy bao dung của một tấm lòng luôn mong muốn sự cảm thông và chia sẻ:

Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ

(Gửi người bộ hành lặng lẽ) Cái tôi trữ tình cảm nhận sâu sắc nỗi thất vọng khi đối diện với hiện thực của những “kỷ niệm bị đem bán”, “lừa đảo”, “gian dối”… Nhớ sen đi tìm đầm/ Gặp toàn bong bóng nước (Chăn-đa em ơi). Tuy vậy, cái tôi trữ tình thất vọng nhưng không tuyệt vọng, vẫn tin vào chính mình và tin vào cuộc đời:

Chiếc vó bè đã đặt xuống rồi

Đặt đúng chỗ phập phồng hôm trước (…)

Ngày nào cũng là ngày đầu tiên, lần nào cũng

là lần đầu tiên

Lòng kiên nhẫn cho người thêm mắt lưới.

Chiếc vó bè lại đặt xuống rồi…

(Chiếc vó bè)

Đọc thơ Hữu Thỉnh, ta không chỉ thấy những đau buồn, xót xa của nhà thơ về cuộc đời mà còn thấy những dằn vặt, day dứt của con người ấy khi suy ngẫm về bản thân mình. Ta bắt gặp ở đây một cái tôi tự thú. Nhà thơ đã tự soi vào mình, tâm sự một cách chân thành về bản thân:

Chiều rung chuông…

Chiều rung chuông…

Có con chim nhỏ bị thương cuối trời Tôi nhớn nhác đi tìm người

Bước chân thì ngắn, đường đời thì xa.

(Tìm người)

Nhiều bài thơ của Hữu Thỉnh bức chân dung tự họa của nhà thơ với một cái tôi tự ý thức. Cái tôi tự nhận mình là bé nhỏ nhưng những cái bé nhỏ đó lại là những cái hữu ích cho cuộc sống như “nốt trầm xao xuyến” trong bản hòa ca cuộc sống:

Tôi vẫn thường hay lẫn với mồ hôi

Xin bạn cứ hình dung một mảnh đời lấm láp Những gì hay để quên, những gì hay bỏ xót Tôi ấy mà, xin bạn cứ hình dung

Tôi thường bị đám gai của hoa hồng xua đuổi Không có cách chi lọt vào mắt vô tình

Trong tiệc lớn rượu nào ai cũng nhớ Tôi ấy mà, những chiếc cốc vô danh

(Lời thưa)

Qua hành trình thơ Hữu Thỉnh, ta thấy một cách tổng quát sự phát triển nột tại của thơ ông. Về cơ bản, cái tôi tự biểu hiện trong thơ Hữu Thỉnh được thể hiện chủ yếu qua bức chân dung tư họa của nhà thơ. Đó là một cái tôi nhiều trăn trở, nghĩ suy về cuộc đời, con người và đạo đức xã hội. Cái tôi ấy là kết quả của một quá trình vận động tất yếu của thơ hiện đại Việt Nam.

Trong quá trình vận động thăng trầm đó, cái ổn định làm nên cốt cách thơ Hữu Thỉnh vẫn neo đậu, lưu giữ. Đó là cái tôi giàu có trong những nỗi buồn, nỗi cô đơn nhưng cũng giàu có trong niềm tin, hy vọng.

Chương 3

PHƯƠNG THỨC TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ hữu thỉnh (Trang 61 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)