Cái tôi trong thế giới riêng tư của tình yêu

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ hữu thỉnh (Trang 50 - 55)

Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH

2.2. Sắc thái đa dạng của cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh

2.2.3. Cái tôi trong thế giới riêng tư của tình yêu

Bao giờ cũng vậy, tình yêu luôn là đề tài muôn thuở trong thi ca. So với những nhà thơ cùng thế hệ, Hữu Thỉnh viết thơ về tình yêu không nhiều. Song

“thơ tình yêu của Hữu Thỉnh có sức lay động sâu xa bởi nét thâm trầm và sự đa sầu của một người từng trải” [56, tr. 55]. Bằng cái tôi nội cảm, Hữu Thỉnh gửi vào thơ một cách nói rất riêng về tình yêu. Ẩn sau những bài thơ tình yêu của Hữu Thỉnh là một cái tôi với những cung bậc cảm xúc về tình yêu thời chiến tranh và tình yêu giữa bộn bề cuộc sống đời thường.

Có thể thấy, số lượng các bài thơ tình của Hữu Thỉnh trong giai đoạn trước rất ít. Tình yêu trong thơ Hữu Thỉnh giai đoạn này chỉ là những ý thoáng qua trong dòng hồi tưởng của cái tôi trữ tình nhập vai là người lính.

Đó là tình yêu mang lý tưởng xã hội lớn lao, hòa vào cái chung của cả cộng đồng, dân tộc. Cái tôi trữ tình trong vai người lính nói không nhiều về nỗi nhớ trong tình yêu. Hay nói cách khác nhà thơ thông qua tình yêu để bộc lộ tình cảm với Đất nước: “Đi trong mây anh nghe tiếng chim/ Hồn hậu quá như bàn tay em ấy/ Đi trong mây tiếng bom nghe nhỏ lại/ Để nhường cho tiếng gậy trập trùng vang” (Đi trong mây); “Anh viết cho em những ý nghĩ không vần/

đường Trường Sơn khúc khuỷu/ xích xe tăng quay không êm ả chút nào/

chúng nó đang nhằm bắn anh và đồng đội/ em thấy không?/ trước em, anh vụng về/ giờ thành ra khôn khéo” (Ý nghĩ không vần)...

Sau chiến tranh, Hữu Thỉnh mới có những bài thơ tình trọn vẹn mang màu sắc riêng. Thơ tình của ông đa dạng hơn hẳn so với giai đoạn trước. Nếu trong chiến tranh, tình yêu gắn liền với đất nước thì sau chiến tranh tình yêu gắn liền với từng cá nhân cụ thể. Cái tôi trữ tình trong thơ sau chiến tranh mang nhiều sắc thái cảm xúc sinh động giữa cuộc sống đời thường. Phần nhiều các bài thơ tình của Hữu Thỉnh thời kỳ này mang âm hưởng buồn. Cái tôi trữ tình trong thơ thường mang cảm giác cô đơn trong tình yêu:

Anh xa em Trăng cũng lẻ Mặt trời cũng lẻ

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế Vắng cánh buồm một chút

đã cô đơn

(Thơ viết ở biển)

Nỗi cô đơn lặp đi lặp lại trong thế giới nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh: “Trời biết ta xa cách/ Soi biển, soi không đành/ Xuân chưa về đủ lá/ Mưa ẩm cả hồn anh” (Tám câu); “Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn” (Thơ viết ở biển);

“Cũng tại tôi đa tình/ Nên bây giờ mới khổ/ Đã biết em cách trở/ Cớ gì còn đa mang” (Chăn-đa em ơi). Cái tôi ấy cũng tự nhận thức lấy tình yêu của mình với một nỗi cô đơn đến khắc khoải: “Một đầu ghế bỏ không/ Quay về vùng cách biệt” (Nha Trang ngày em đến); “Mua gì cho đỡ rét/ Bán gì vơi cô đơn”

(Sắm tết); “Tuyết trắng đi tìm nơi trắng đậu/ Bắt đầu từ những hạt cô đơn”

(Tuyết trắng)… Tôi cô đơn ngay cả lúc yêu và được yêu, cô đơn trong xa cách, dang dở, chia ly: “Biết sắm Tết gì đây/ Cho người đang xa cách/ Một trời hoa mở khép/ Hoa nào cho đôi ta” (Sắm tết). Ở đây, ta thấy sự khác nhau

giữa Hữu Thỉnh và Xuân Diệu khi viết về sự cô đơn trong tình yêu. Nếu Hữu Thỉnh khi xa cách mới thấy cô đơn thì Xuân Diệu khi đang gần mà cũng cô đơn:

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!

Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.

(Trăng - Xuân Diệu)

Từ xưa tới nay, nỗi nhớ vẫn được xem là cán cân đo sức nặng của tình yêu. Ở thơ tình, nó vẫn thường được nhắc đến: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi” (Ca dao), “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét” (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên), “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” (Sóng - Xuân Quỳnh)

Ở thơ tình của Hữu Thỉnh, nỗi nhớ ấy lại được nói bằng một cách nói mới mẻ. Chính bằng sự trải nghiệm sâu sắc và tinh tế, nhà thơ đã mang đến cho người đọc những rung động, khiến ta cảm nhận rõ sự trống vắng của lòng người và một triết lý sâu sắc về tình yêu. Ta bắt gặp nhiều những nhớ mong, khắc khoải trong tâm trạng của cái tôi trữ tình: “Không giữ nổi một mình/

Nhớ em chia cho sóng/ Nhấp phải chút tương tư/ Thế là chiều biển động”

(Tám câu); “Em đi chiều bỏ không/ Thất tình loang bóng cỏ/ Lá đem những mảnh chiều/ Trút đầy lên nỗi nhớ” (Thảo Nguyên); ... “Còn lại mình anh/ Gom từng mảnh vỡ/ Tháo cả mái trời/ Che không đủ ấm/ Đội nghìn cơn mưa/ Không nhòe kỷ niệm” (Em còn nhớ chăng)... Với những nếp nghĩ mang màu sắc lãng mạn, nỗi nhớ về người yêu trong lòng người lính luôn thường trực và thao thức:

Em có thấy đảo gần hơn một ít Ở nơi này anh vừa thả trăng lên

(Gửi từ đảo nhỏ)

Đặc biệt, trong thơ tình Hữu Thỉnh, ta bắt gặp nhiều những vị cay đắng, xót xa. Cái tôi trữ tình khát khao tình yêu nhưng tình yêu lại đầy trắc trở với

những “Dang dở”, “Xa vắng”, “Một mình”. Chính cái dư vị xót xa ấy làm nên sức hấp dẫn trong thơ tình yêu của Hữu Thỉnh:

Qua bức tường mảnh chai Qua cầu ao dễ ngã

Anh đi tìm

Em khuất tóc sau mây

(Im lặng)

Cái tôi thú nhận sự quan trọng của người yêu đối với cuộc đời mình.

Giữa bao bộn bề của cuộc sống đời thường, tình yêu có khi phải “Xa vắng”, đề lại nỗi buồn nhớ, chờ mong, khắc khoải khi chỉ còn lại “Một mình”:

Xa em đói tiếng đói hình

Trời xanh chỉ với một mình trời xanh Nghe giờ nén nhớ trong anh Gấp đêm làm gối chẳng thành giấc em.

Khi đối diện với thực tại cuộc sống, cái tôi cũng không ngại bày tỏ nỗi nhớ trong tình yêu. Cái tôi trong thơ tình Hữu Thỉnh đã cất lên lời tỏ bày đầy xúc động :

Ta đâu có đề phòng tứ phía những người yêu Cây đổ về nơi không có vết rìu

Ôi hoa tặng, chiều nay ai dẫm nát Mưa dập vỡ trên con đường em trở gót.

(Tự thú)

Thơ tình Hữu Thỉnh phần lớn mang âm hưởng buồn. Khi đọc thơ tình của ông, chúng ta thật khó tìm thấy một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Cái tôi trữ tình dường như không có nhiều hy vọng về hạnh phúc ở ngày mai: “Cũng có thể Sầm Sơn còn trở lại/ Nhưng mây kia đã cổ tích xa vời/ Cũng có thể biển này còn gặp lại/ Em đã thành muối xót ở trong tôi” (Tạm biệt Sầm Sơn).

Thậm chí ngay cả khi bên cạnh người yêu, cái tôi không phải góp thêm được một lần hạnh phúc mà chỉ là nỗi vu vơ nào đó ngỡ như rất bâng quơ :

Em vừa gỡ gió ngoài sân Anh vừa góp được một lần vu vơ.

(Vu vơ)

Trong thơ tình của Hữu Thỉnh, niềm hạnh phúc thường hiếm hoi và không trọn vẹn nhưng không có nghĩa là không có. Từ những cảm xúc chân thành, Hữu Thỉnh đã viết nên những vần thơ rất đẹp về tình yêu thể hiện cách ứng xử văn hóa của con người Việt Nam rất tế nhị và đáng yêu: “Anh phải nói vòng vo anh yêu biển/ Anh yêu trời để thú nhận yêu em” (Tạm biệt Sầm Sơn). Hạnh phúc trong tình yêu của nhà thơ là sự tin tưởng nhau để giữ lấy tình yêu:

Chẳng có ai dạy hoa Nở cách nào thì thắm

Thế mà họ khuyên em Đừng yêu anh, bất hạnh

Em bướng bỉnh như trời Nối sào không chịu chấp

Anh lầm lì như đất Ai nói gì cứ nâu

(Hạnh phúc)

Sống và yêu hết mình, yêu đến tận cùng bản thể, đó là con người yêu trong thơ Hữu Thỉnh. Trong ý thức tự do và mạnh mẽ “cái tôi tình yêu bộc lộ khá đầy đủ chân dung tâm hồn con người thời đại: đắm say mà tỉnh táo, đau đớn mà không bị lụy, tin cậy mà cũng đầy hoài nghi, sự trong sáng tinh thần

đi kèm với các khía cạnh thân xác ... ” [2, tr. 173]. Cái tôi yêu đương trong thơ Hữu Thỉnh có lúc say đắm ngợi ca vẻ đẹp thân thể:

Có kẻ rủa em chết đi Vú em mỗi ngày mỗi ngọc

Có kẻ mong em tàn tật Tóc em xanh

(Em)

Nhìn chung, trong thế giới nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh, đặc biệt là thế giới thơ tình, cái tôi thường mang nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Thơ tình Hữu Thỉnh không ồn ào mà thiên về những suy tư mang tính triết lý.

Tình yêu trong thơ Hữu Thỉnh cất lên từ những cung bậc, giai điệu, cảm nhận khác nhau: những nỗi cô đơn, những tâm trạng buồn đau, những xót xa và cay đắng, những hạnh phúc không trọn vẹn, những tan vỡ, lỡ làng trong cuộc đời thực. Quả thật, càng đi sâu và thế giới thơ Hữu Thỉnh chúng tôi càng thấy rằng: “Thơ tình yêu của Hữu Thỉnh đã cảm hóa lòng người bởi dư vị cay đắng, xót xa. Anh đặc biệt nhạy cảm trước sự đơn lẻ của cá thể tình yêu” [56, tr. 55].

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ hữu thỉnh (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)