Chương 2: HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ HỮU THỈNH
2.3. Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Hữu Thỉnh
2.3.1. Cái tôi đại diện cho thế hệ
Thơ chống Mỹ là sự trải nghiệm hiện thực chiến tranh và cái nhìn về những mất mát, đau thương của dân tộc. Là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Hữu Thỉnh hiểu rõ thế nào là sự khốc liệt của chiến tranh và thấy được hình ảnh nhân dân ta với mất mát, đau thương nhưng cũng hết sức anh hùng. Từ đó, Hữu Thỉnh đã gắn bó hồn thơ của mình với hiện thực chiến trường: “Từ “cái nôi nghệ thuật” dữ dội, khốc liệt và thơ mộng là Trường Sơn ấy, hồn thơ Hữu Thỉnh tìm đến với những nguồn cảm hứng lớn về Tổ quốc, nhân dân về thế hệ những người cầm súng thời chống Mỹ” [56, tr. 51]. Là người lính từng trực tiếp súng chiến đấu và luôn sát cánh cùng đồng đội, Hữu Thỉnh hiểu sâu sắc lý tưởng của thế hệ mình. Vì vậy, cái tôi thế hệ - cái tôi sử thi được biểu hiện độc đáo trong thơ ca của ông. Cái tôi ấy hóa thân vào những người đồng đội của mình để bộc bạch những nghĩ suy. Từ mọi miền quê, những người lính về tập hợp nơi chiến trường, cùng sát cánh chiến đấu để bảo vệ đất nước, gia đình và những người thân, luôn mong chờ ngày đoàn tụ. Họ xem đó là mục tiêu và lý tưởng chiến đấu của mình.
Ở giai đoạn chống Mỹ, cái tôi thế hệ trong thơ Hữu Thỉnh chính là sự tự ý thức về trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc của người lính. Nhà thơ đã bộc lộ nỗi niềm của bản thân cũng như nỗi niềm của thế hệ mình. Qua thơ Hữu Thỉnh, ta thấy được một cách đầy đủ về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về nhân dân và về những người lính. Trong khúc tráng ca mạnh mẽ, sôi nổi là âm hưởng chung của thời kỳ đầu chống Mỹ, Hữu Thỉnh đã có lúc trầm lắng đáng quý với cái nhìn về chiến tranh không đơn giản một chiều. Người lính bước vào chiến tranh là chấp nhận bước vào con đường gian khổ, chấp nhận mất mát, hy sinh nhưng họ vẫn sẵn sàng đón nhận tất cả. Lý tưởng của cả một thế hệ anh hùng đã đi vào những câu thơ:
Ngã ba đang bước về những ngã ba trước mặt
Tổ quốc đang tiến về bình minh tươi sáng nhất Chúng tôi đang đi để tới chính mình
(Ngã ba Chân Vạc)
Hữu Thỉnh đã phác họa thuyết phục chân dung tinh thần của thế hệ trẻ thời chống Mỹ qua thơ. Người lính ở đây không chỉ mang khát vọng cao đẹp là hiến dâng đời mình cho lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc mà họ còn có ý thức cao về mình:
Con đường chỉ một con đường thôi
Anh không ngại phong thư có những dòng dang dở anh không ngại đỉnh đèo những thân cây gục đổ anh không ngại nghìn hôm chẳng được thấy em
Trong cuộc chiến tranh này
đừng để ngượng với nhau khi gặp mặt …
(Ý nghĩ không vần)
Hữu Thỉnh đã thể hiện được tâm trạng, nhiệt huyết của thế hệ những người lính. Đó là những người luôn nêu cao nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu.
Tinh thần ấy xuất phát từ tình yêu chân chính đối với đất nước. Những người lính dẫu biết rằng chiến tranh là gian khổ, thậm chí là hy sinh cả tính mạng nhưng họ vẫn mang trong mình một niềm tin chiến thắng:
đêm qua sông không nhìn rõ con đò và người lái, dồn bao nhiêu câu hỏi chúng tôi đi còn tần ngần ngoái lại
chỉ thấy vầng trăng cuối tháng mới quăng lên
chúng tôi đi với một niềm tin
vầng trăng ấy chở chúng tôi cập bến.
(Chuyến đò đêm giáp ranh)
Hình tượng người lính trong thơ Hữu Thỉnh hiện lên vừa mang vẻ đẹp của cả một thế hệ với những vẻ đẹp quen thuộc trong thơ ca chống Mỹ, vừa mang những nét đặc trưng riêng biệt. Người lính hiện lên với tất cả sự hồn nhiên, trẻ trung và có nét cao cả của ý chí, của niềm tin vào chiến thắng.
Chiến trường càng ác liệt bao nhiêu thì hình tượng người lính càng đẹp đẽ bấy nhiêu. Một số bài thơ như Ngã Ba Chân Vạc, Trên cao điểm mùa xuân, Kỷ niệm về bữa cơm ăn đứng… thể hiện rõ nét điều đó. Cũng giống như các nhà thơ cùng thế hệ mình, Hữu Thỉnh đưa vào trong thơ nét đẹp trẻ trung, hồn nhiên, có phần tinh nghịch của người lính: “Một số anh thì đuổi nhau trên cát/
Một số anh thì đổ dế, hái hoa” (Sau trận đánh).
Ở trong chiến đấu, cả một thế hệ người lính luôn đoàn kết bên nhau.
Tình cảm đồng đội thiêng liêng là điểm tựa vững chắc để họ tiếp tục sống và chiến đấu, làm nên cái tôi thế hệ trong lịch sử cũng như trong thơ ca:
Năm anh em trên một chiếc xe tăng Như năm bông hoa nở cùng một cội Như năm ngón tay trên một bàn tay Đã ra trận cả năm người như một
(Trên một chiếc xe tăng)
Thời chiến, người lính không phải chỉ đối mặt với mưa bom, bão đạn mà con phải đối mặt với những khắc nghiệt, khó khăn của hoàn cảnh sống.
Họ phải sống trong điều kiện khó khăn gian khổ, thiếu thốn mọi bề: “Trận đánh ban trưa cháy cả chăn màn/ Còn độc nhất bộ áo quần đang mặc/ Trận địa căm căm gió mùa đông bắc/ Chúng tôi nằm úp thìa bên nhau” (Đêm không chăn). Đó là một hiện thực đi qua đối người lính khắc nghiệt không kém gì bom đạn nơi chiến trường. Trong những khắc nghiệt, khó khăn của hoàn cảnh, người lính dường như giữ vai trò chủ động, vượt lên trên hoàn cảnh để chiến đấu và chiến thắng:
Đường ta đi, gian khó chẳng mau quên Cả cái vấp cũng găm thành nỗi nhớ Đèo nặng thế mà khi vào giấc ngủ Cứ hồn nhiên như sau buổi chăn trâu
Võng ta nằm thao thức bên nhau
Giấc ngủ sâu, tắm đoạn đường nóng bỏng, Mặc bom Mỹ cắn vào đêm mơ mộng
Con suối dài cứ hát để đi xa.
(Giấc ngủ trên đường ra trận)
Hữu Thỉnh đã thể hiện chân thật hình ảnh người lính “nhập cuộc” và
“tham gia lịch sử”. Hữu Thỉnh đã khai thác đời sống nội tâm của người lính trong thơ của mình ở nhiều mối quan hệ. Mặc dù cuộc sống ở chiến trường có nhiều gian khổ nhưng người lính vẫn có những giây phút mơ mộng. Người chiến sỹ trong thơ Hữu Thỉnh không chỉ là những con người tỉnh táo, luôn sẵn sàng ứng phó với kẻ thù mà khi bắt gặp “Tiếng hát trong rừng”, họ cũng có lúc đắm mình trong những giây phút mộng mơ:
Anh vịn vào tiếng hát vượt gian lao
Những năm Trường Sơn bạn bè trong trẻo quá Tiếng hát đi rồi căn hầm còn đó
Thành chiếc hộp đàn giữa lòng đất âm sâu.
Trong thơ Hữu Thỉnh, ta không chỉ thấy cảnh chiến trận với bom gào, đạn thét mà còn thấy đậm nét trong thơ những “Ý nghĩ không vần”. Có cái gì như vô hình nhưng thực sự đang cựa quậy trong những câu thơ ấy. Cái vô hình đó đang tràn trong thanh âm, lan vào cỏ cây, quyện vào trong gió, tan vào trong nước… để người lính chơi vơi trong bể nhớ của riêng mình:
Tiếng bìm bịp bập bềnh trong đêm nước lên cỏ lác, cỏ lăn cứa vào đêm ram ráp
( … )
gió thổi dài ẩm ướt về khuya con sóng nói nhịp chèo cũng nói
( …)
đêm giáp ranh nhặt chuyện trò tâm sự
chúng tôi bơi trong thương nhớ của riêng mình.
Chuyến đò đêm giáp ranh)
Trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, người lính trong thơ Hữu Thỉnh vẫn cảm nhận được sự hiện diện của cái đẹp, của sự sống đang tồn tại và trưởng thành. “Trên cao điểm mùa xuân” với thực tế “hai tay đều rộp bỏng” và hai vai “đỏ bầm máu đọng”, người lính vẫn thấy sự tồn tại của
“khóm hoa mười giờ nhận từ một cung đường Khu Bốn” đang “Nở hồn nhiên, nở tràn ấm cả sân rồi”. Ở đây, nỗi đau về thể chất dường như vơi đi nhường chỗ cho tiếng nói của tâm hồn. Vượt lên hoàn cảnh chiến tranh, tâm hồn nghệ sĩ của người chiến sĩ xuất hiện. Họ chỉ thấy trên hiện thực chiến tranh những nét đẹp vô cùng ý nghĩa. Đó chính là vẻ đẹp lãng mạn trong tâm hồn thế hệ:
Chao ôi, tiếng hát rung rừng chuyển Đại đội ta tất cả má hồng
(…)
Sớm mai xuất kích tăng gầm xích Tiếng hồ, tiếng nhị cũng theo đi
(Đêm liên hoan)
Thời gian chiến tranh cũng là thời gian tuổi trẻ được rèn luyện và thể hiện bản lĩnh của mình. Hành trang người lính mang theo là lý tưởng và niềm tin vào tương lai tươi sáng. Với vốn sống và sự trải nghiệm những năm tháng
chiến đấu cùng đồng đội, Hữu Thỉnh đã thể hiện sâu sắc hình ảnh cái tôi đại diện cho thế hệ. Cái tôi ấy đã góp phần thể hiện truyền thống vẻ vang của thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Theo chân Bác - Tố Hữu). Cái tôi ấy cũng đã bộc bạch những tình cảm riêng tư và những tình cảm đó không đi ngược lại tinh thần quyết chiến thắng vì độc lập - tự do của dân tộc:
Ngày mai chúng ta đòi lại phù sa
ngày mai chúng ta về cười rung bè rau muống … đêm chuẩn bị có gì mà khẩu súng
trằn trên tay lại dựa vào vai
(Đêm chuẩn bị)
Thơ viết về người lính thời chống Mỹ của Hữu Thỉnh đã đọng lại với thời gian chính một phần bởi tài năng của ông như lời nhận xét của tác giả Trường Lưu: “Tài năng của Hữu Thỉnh có lẽ trước hết ở sự hòa điệu trong tiếng nói tri kỷ và tri âm với thân phận người lính” [27, tr. 42]. Hữu Thỉnh đã xây dựng thành công cái tôi trữ tình đại diện cho thế hệ bằng chính sự trải nghiệm của người lính. Những gian khổ, những tình cảm gắn bó với đồng đội, những lúc chiến đấu hay những phút giây mơ mộng, lãng mạn… đều góp phần làm nên vẻ đẹp của một thế hệ giai đoạn chống Mỹ đầy trách nhiệm và mang lý tưởng cao cả.