1.2. Hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp
1.2.1. Khái niệm về hiệu quả sử dụng vốn
Trong nền kinh tế thị trường, mục đích duy nhất của mọi doanh nghiệp là sản
xuất kinh doanh đem lại hiệu quả nhất định, lấy hiệu quả kinh doanh làm thước đo cho mọi hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh là lợi ích kinh tế đạt được sau khi đã bù đắp một khoản chi phí bỏ ra cho hoạt động kinh doanh. Như vậy, hiệu quả là một chỉ tiêu chất lượng phản ánh mối quan hệ giữa kết quả thu được từ hoạt động kinh doanh với chi phí bỏ ra để thu được kết quả đó.
Hiệu quả kinh doanh được xác định dưới hai góc độ: Hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.
- Hiệu quả kinh tế: Là phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn nhân lực và vật lực của doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình kinh doanh. Hiệu quả kinh tế được so sánh giữa kết quả đầu ra và chi phí đầu vào.
Như vậy hiệu quả kinh tế chịu ảnh hưởng của hai nhân tố đó là: Kết quả đầu ra và chi phí đầu vào. Kết quả đầu ra được đo bằng các chỉ tiêu như: giá trị tổng sản lượng, tổng doanh thu thuần, tổng lợi nhuận thuần ... Yếu tố đầu vào bao gồm các chỉ tiêu như : lao động, tư liệu lao động, đối tượng lao động, vốn chủ sở hữu, vốn cố định… Hiệu quả tăng lên khi:
+ Kết quả đầu ra tăng lên và chi phí đầu vào không đổi
+ Hoặc kết quả đầu ra không đổi và chi phí đầu vào giảm xuống
+ Hoặc kết quả đầu ra và chi phí đầu vào đều tăng nhưng tốc độ tăng của kết quả lớn hơn tốc độ tăng của chi phí.
- Hiệu quả xã hội: là những tác động tới thực tiễn đời sống xã hội khi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong phạm vi quản trị doanh nghiệp, người ta chủ yếu quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Do đó các nguồn lực kinh tế đặc biệt là nguồn vốn của doanh nghiệp có tác động rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là yêu cầu mang tính thường xuyên và bắt buộc với mỗi doanh nghiệp. Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn sẽ giúp ta thấy được hiệu quả của hoạt động kinh doanh nói chung và quản trị sử dụng vốn nói riêng.
Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ khai thác, sử dụng và quản trị vốn làm cho đồng vốn sinh lời tối đa nhằm mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hoá giá trị tài sản của chủ sở hữu.
Hiệu quả sử dụng vốn được lượng hoá thông qua hệ thống các chỉ tiêu về khả năng hoạt động, khả năng sinh lời, tốc độ luân chuyển vốn...Nó phản ánh quan hệ giữa đầu ra và đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh thông qua thước đo tiền tệ hay cụ thể là mối tương quan giữa kết quả thu được với chi phí bỏ ra để thực hiện sản xuất kinh doanh
Hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh =
Kết quả thu được Vốn kinh doanh bình quân
Kết quả thu được càng cao so với chi phí bỏ ra thì hiệu quả sử dụng vốn càng cao. Do đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp phát triển vững mạnh.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện:
- Khai thác nguồn vốn một cách triệt để nghĩa là không để vốn nhàn rỗi mà không sử dụng, không sinh lời.
- Sử dụng vốn một cách hợp lý và tiết kiệm.
- Quản trị vốn một cách chặt chẽ, nghĩa là không để vốn bị sử dụng sai mục đích, không để vốn thất thoát do buông lỏng quản trị.
Ngoài ra doanh nghiệp phải thường xuyên phân tích đánh giá hiệu quả sử dụng vốn để nhanh chóng có biện pháp khắc phục những mặt hạn chế và phát huy những ưu điểm của doanh nghiệp trong quản trị và sử dụng vốn.
Nghiên cứu hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh tức là đề cập đến vấn đề đảm bảo thỏa mãn đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý và việc sử dụng vốn kinh doanh sao cho đạt được kết quả cao, đảm bảo an toàn đồng vốn và tình hình tài chính cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh là
tìm biện pháp làm sao để chi phí về vốn cho hoạt động kinh doanh là nhỏ nhất nhưng kết quả thu được do sử dụng lượng vốn đó ở mức cao nhất.