2.4. Những thành tựu và hạn chế về hiệu quả sử dụng vốn của Công ty
2.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trên đây, trong những năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và quản lý sử dụng vốn nói riêng của Công ty còn có một số mặt hạn chế cần phải tiếp tục xem xét giải quyết.
- Tỷ trọng nguồn vốn chủ sở hữu thấp thể hiện độ tự chủ về mặt tài chính của Công ty thấp, tính an toàn thấp, rủi ro thanh toán cao. Trong tổng nguồn vốn của Công ty, nguồn vốn vay ngày càng gia tăng, như vậy, sự phụ thuộc của Công ty về vốn vay có xu hướng ngày càng tăng, do đó mức độ độc lập của Công ty thấp.
- Cơ cấu nguồn vốn chưa tối ưu: Tỷ trọng nợ ngắn hạn lớn dẫn đến cân đối giữa tài sản và nguồn vốn chưa hợp lý. Phần lớn tài sản của Công ty được tài trợ bởi nợ ngắn hạn, có tính an toàn thấp, rủi ro cao.
- Tài sản cố định chưa được khai thác phát huy tối đa hiệu suất sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đã nhiều năm qua Công ty vẫn chưa tiến hành thanh lý, bán các tài sản cố định cũ, lạc hậu, thời gian sử dụng lâu, hết khấu hao để thu hồi vốn. Việc quản lý, phân loại tài sản cố định theo tiêu thức : Tài sản cố định chưa cần dùng, không cần dùng, hư hỏng chờ thanh lý chưa chính xác vì còn mang tính sổ sách, chưa sát với thực tế. Nguồn vốn khấu hao chưa được tái đầu tư kịp thời.
Ngoài ra đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều bất cập, quyết toán vốn đầu tư còn chậm. Nên đã làm công nợ tăng, đọng vốn, ảnh hưởng luân chuyển của vốn và hiệu quả sử dụng vốn.
- Hàng hoá, nguyên vật liệu dự trữ còn tồn kho cao nên làm ứ đọng vốn và giảm tốc độ chu chuyển của vốn lưu động. Việc phân loại nguyên vật liệu tồn đọng, không cần dùng, kém, mất phẩm chất chưa được làm thường xuyên. Ngoài ra, về định mức vốn lưu động nói chung, định mức dự trữ nguyên vật liệu, hàng hoá nói
riêng của Công ty chưa thực sự sát với thực tế, chưa đầy đủ. Vì vậy trên thực tế xảy ra tình trạng : nguyên vật liệu mua sắm nhằm phục vụ cho nhu cầu duy tu, bảo dưỡng tuyến ống kho bể, máy móc thiết bị ... do mua dự phòng quá nhiều không có định mức, nên nhiều chủng loại tồn kho đã lâu, lạc hậu kỹ thuật không thể sử dụng được.
- Công tác quản lý công nợ còn nhiều hạn chế: Công nợ khách hàng cao vượt định mức Tổng công ty giao, vẫn còn tình trạng một số khách hàng còn nợ dây dưa, kéo dài. Một số đơn vị trực thuộc Công ty chưa thực sự gắn kết quả bán hàng với hiệu quả sử dụng vốn, nhiều trường hợp còn chạy theo sản lượng để hưởng quỹ lương. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của Công ty chưa giải quyết tốt bài toán về sự hài hòa lợi ích, sự thống nhất về hiệu quả chung và riêng.
- Về sử dụng vốn bằng tiền, mặc dù được giao nhiệm vụ nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đầu vào hàng hoá nhập khẩu thay cho Tổng công ty, song Công ty cũng chưa cân đối chính xác được nhu cầu, nên nhiều thời điểm còn để số dư tiền mặt và nhất là tiền gửi ngân hàng cao và tồn dài ngày, trong khi đó lãi vay hàng năm mà Công ty phải trả rất lớn, bình quân 15-20 tỷ đồng.
Hệ thống chuyển tiền, thu tiền của khách hàng và thanh toán trong nội bộ Công ty còn qua nhiều khâu, qua nhiều loại hình ngân hàng, kéo dài với lượng tiền rất lớn nên chi phí chuyển tiền lớn và tiền chậm luân chuyển.
-Về chi phí kinh doanh : Mặc dù trong những năm qua Công ty đã luôn phấn đấu tiết giảm chi phí so với định mức Tổng công ty giao nhưng vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu quản lý, một số khoản mục chi phí vẫn còn cao, còn lãng phí như chi phí công cụ, dụng cụ, chi phí tiếp khách, giao dịch và chi phí dịch vụ mua ngoài.
- Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty hàng năm đều có lãi, song hệ số sinh lời của vốn vẫn còn thấp, nên có thể thấy hiệu quả kinh doanh của Công ty chưa tương xứng với quy mô, nguồn lực của mình.
- Xuất phát từ sự thiếu định hướng trong công tác phân tích hiệu quả kinh
doanh nói chung và phân tích hiệu quả sử dụng vốn nói riêng nên Công ty chủ yếu tập trung phân tích kết quả kinh doanh là chủ yếu. Bằng việc phân tích so sánh số thực hiện với năm trước và số kế hoạch Tổng công ty giao về các chỉ tiêu như sản lượng, doanh thu, tổng chi phí, số ngày công nợ bình quân..., để thấy sự biến động của các chỉ tiêu và chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả đạt được, biện pháp nào cho những thành tích trong tương lai. Đây là nội dung phân tích ở báo cáo tổng kết hàng năm của Công ty. Chính vì lẽ đó việc phân tích hiệu quả nói chung còn khá đơn giản, chưa định lượng được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả.
Những tồn tại trên là do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây : Nguyên nhân khách quan :
Do cơ chế quản lý của Nhà nước còn có nhiều vấn đề chưa nhất quán, triệt để và chưa thực sự đồng bộ, đôi khi còn rườm rà ... do đó chưa tạo ra sự năng động cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước.
Do sự biến động của thị trường xăng dầu trong những năm qua, nhất là giá cả xăng dầu trên thị trường xăng dầu thế giới, đôi khi giá xăng dầu nhập vào cao hơn giá trần khống chế của Nhà nước gây khó khăn khôn lường và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Tổng công ty chưa đánh giá đúng vị trí, tầm quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty nên đôi khi đầu tư chưa mang tính chiến lược để tạo ra sự thay đổi toàn diện về số lượng cũng như chất lượng cho Công ty đầu mối lớn nhất miền bắc này. Ngoài ra, do tổ chức quản lý và cơ chế điều hành vốn của Tổng công ty đôi lúc còn dập khuôn cứng nhắc, không tạo được sự chủ động và linh hoạt cho các công ty cấp dưới.
Xuất phát từ đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và cơ chế điều hành của Tổng công ty, vấn đề về vốn và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn chưa được đặt ra một cách gay gắt.
Là một Công ty lớn gồm 7 đơn vị Chi nhánh, Xí nghiệp trực thuộc, được giao quản lý và kinh doanh trên địa bàn rộng, phức tạp, trải dài trên 4 tỉnh, thành
phố, nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra giám sát chặt chẽ các đơn vị trong hoạt động XDKD đặc biệt công tác quản lý và sử dụng vốn , do đó trong công tác chỉ đạo điều hành còn có lúc chưa kịp thời, chưa hiệu quả.
Nguyên nhân chủ quan :
Do hoạt động lâu trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp dẫn đến tình trạng đại đa số cán bộ công nhân viên kể cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo chịu ảnh hưởng nhiều của thói quen của một ngành kinh doanh độc quyền, mang nặng sức ỳ. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, hầu hết còn lúng túng, kém năng động và sáng tạo, chưa thích ứng. Bộ máy quản lý hiện còn nhiều cồng kềnh, tỷ trọng lao động gián tiếp tại các đơn vị trực thuộc còn cao, hiệu quả quản lý thấp là nguyên nhân dẫn đến sự điều hành của các cấp hiện còn nhiều tồn tại và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mặt khác, nhiều cán bộ vi phạm các chế độ quản lý có lúc chưa kiên quyết xử lý nên chưa thực sự tạo được tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ cũng như công nhân viên.
Công ty là đơn vị đầu mối, nguồn vốn và tài sản được đầu tư lớn, hàng hoá và tiền hàng luôn được chủ động nên đã dẫn đến tâm lý “Không sợ thiếu vốn”, do đó việc xem xét nhu cầu về vốn nhất là vốn lưu động chưa được quan tâm đúng mức, chưa khai thác triệt để.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc phân tích, đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn nói riêng, phân tích đánh giá hiệu quả kinh doanh nói chung.
Việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời và phổ biến thông tin cho các đơn vị trong Công ty về quản lý và sử dụng vốn chưa được làm thường xuyên, còn chậm, nên một số đơn vị vẫn tự triển khai theo cách riêng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công nhân viên để nâng cao trình độ còn chưa tương xứng, chưa theo kịp với yêu cầu đòi hỏi càng cao của Công ty, nhất là Công ty luôn đổi mới và ứng dụng công nghệ mới nhằm hiện đại hoá, tự động hoá kho dầu. Hiện nay Công ty còn thiếu cán bộ, chuyên gia có chuyên môn giỏi, còn
tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”. Việc bố trí sử dụng cán bộ, luân chuyển cán bộ, tuyển chọn, bố trí sử dụng lao động ở nhiều khâu, một số vị trí, có lúc, có nơi còn chưa phù hợp, chưa phát huy hết được tài năng, sở trường. Ngoài ra nhiều công việc, nhiều chức năng phân công còn chưa cụ thể, rõ ràng, còn chồng chéo.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Nội dung của Chương 2 chủ yếu đi sâu vào phân tích thực trạng hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của Công ty xăng dầu B12; nêu lên một số thành tựu và hạn chế về hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của Công ty, cụ thể như:
- Giới thiệu chung về Công ty.
- Kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty trong thời gian qua.
- Phân tích tình hình sử dụng tài sản và nguồn vốn kinh doanh của Công ty.
- Phân tích thực trạng hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của Công ty.
- Phân tích và đánh giá những thành tựu và hạn chế về hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của Công ty .
Trên cơ sở các phân tích trên, Luận văn sẽ đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh cho Công ty xăng dầu B12 ở chương tiếp theo.
CHƯƠNG 3