Chương 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH
2.2. Phân tích thực trạng công tác quản lý ngân sách cấp xã
2.3.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, Nâng cao được sự quan tâm của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đối với tầm quan trọng và vai trò của ngân sách cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự ở nông thôn;
đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã đã có những chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức, ý thức trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý điều hành, phát triển ngân sách cấp xã.
Thứ hai, Quy trình quản lý ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách từng bước được thực hiện và ngày càng được nâng cao chất lượng quản lý, điều hành ngân sách cấp xã:
Công tác lập dự toán: đã được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Dự toán thu chi ngân sách cấp xã đã bám sát định
hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chất lượng công tác lập dự toán từng bước được nâng cao, ngày càng cụ thể, chi tiết, sát với thực tiễn ở xã hơn. Các khoản thu chi ngân sách cấp xã được tính toán phân bổ rõ ràng theo chế độ nhà nước quy định, tạo thuận lợi cho công tác quản lý điều hành của chính quyền cơ sở và công tác kiểm soát thu chi của Kho bạc Nhà nước.
Công tác quản lý điều hành ngân sách cấp xã:trong những năm qua cũng đã chặt chẽ hơn và dần đi vào nề nếp, khắc phục cơ bản được tình trạng ở một số xã tự thu, tự chi không qua Kho bạc Nhà nước như những năm trước đây. Đến nay tất cả các khoản thu, chi ngân sách cấp xã đã được kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước và thực hiện hạch toán theo chế độ kế toán quy định. Đây là bước chuyển biến cơ bản về chất trong quản lý ngân sách cấp xã, làm lành mạnh hoá, công khai hoá thu chi ngân sách cấp xã; tạo niềm tin cho cán bộ và nhân dân trong quản lý điều hành thu, chi ngân sách với chính quyền cơ sở.
Công tác kế toán, hạch toán và quyết toán ngân sách cấp xã: đã từng bước được nâng cao về chất lượng, sổ sách kế toán đảm bảo đầy đủ, ghi chép kịp thời từ đó giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ngân sách cấp xã tốt hơn, góp phần thực hiện tốt công tác công khai tài chính ngân sách cấp xã.
Thứ ba, Tổ chức quản lý khai thác nguồn thu ngân sách cấp xã có hiệu quả hơn so với giai đoạn trước.
Xuất phát từ đặc điểm riêng có của ngân sách cấp xã là một cấp ngân sách chưa hoàn chỉnh, nên những năm qua Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phân cấp mạnh đối tượng thu và tăng mạnh nguồn thu, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách cấp xã, nhằm gắn nghĩa vụ thu với quyền lợi được chi ngân sách của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, tạo điều kiện cho các xã tích cực khai thác triệt để các nguồn thu trên địa bàn.
Cán bộ lãnh đạo xã được quán triệt tinh thần Chỉ thị của Tỉnh uỷ, các cơ chế của Uỷ ban nhân dân tỉnh nên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về thu ngân sách, coi đó là trách nhiệm, đồng thời cũng là quyền lợi được chi của ngân sách cấp mình;
đồng thời cũng nhận thức rõ chi ngân sách cấp xã trên cơ sở số thu có được trên địa bàn và huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng là chính, nên đã tạo động lực mới, hướng đi rõ rệt cho việc phát triển và khai thác các nguồn thu.
Thu thường xuyên của ngân sách cấp xã chủ yếu từ đất, do vậy chính quyền các xã đã tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ đất công, thực hiện đấu thầu, khoán thầu đất công hàng năm; nhất là qua công tác dồn điền đổi thửa đã quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất công, ứng dụng khoa học kỹ thuật để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích nhằm nâng cao nguồn thu ngân sách cấp xã. Nhiều xã đã chú trọng khai thác, đầu tư phát triển nguồn thu lâu dài cho ngân sách cấp
xã như khôi phục, phát triển mới các làng nghề, ngành nghề truyền thống, đầu tư các dự án nâng cấp, xây dựng mới các chợ, bến đò, bến xe; chính vì vậy nguồn thu thường xuyên những năm qua tăng cả về số tuyệt đối cũng như tỷ trọng trong cơ cấu thu ngân sách cấp xã.
Nhiều xã đã tích cực khơi dậy sức mạnh nội lực, huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội một cách hợp lý, công bằng, dân chủ bàn bạc, công khai theo đúng quy chế dân chủ cơ sở từ chủ trương thu, mức thu, quản lý chi đến quyết toán các khoản đóng góp của dân, nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương cơ sở.
Công tác quản lý thu đã có sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ phận tài chính, kế toán xã với Đội thuế xã để khai thác nguồn thu có hiệu quả. Các khoản thu cơ bản đã dùng biên lai thu theo quy định nên hạn chế hiện tượng phản ánh sai lệch khoản thu.
Thứ tư, Chi ngân sách cấp xã đã cơ bản đã hình thành được cơ cấu chi hàng năm một cách hợp lý. Các xã tập trung trước hết nguồn kinh phí đảm bảo tốt cho hoạt động của của bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể; ưu tiên chi cho con người như: lương, phụ cấp, trợ cấp cán bộ đương chức và hưu xã, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chú trọng chi phát triển các sự nghiệp kinh tế, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh. Nguồn vốn nhân dân đóng góp và thu tiền sử dụng đất tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ trực tiếp cho nhân dân trong xã như: trường học, đường giao thông, công trình nước sạch, nghĩa trang liệt sĩ.
Với sự nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền cấp xã và sự đóng góp lớn lao của nhân dân về sức người, sức của đã góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế và tinh thần của nhân dân, bộ mặt nông thôn được đổi mới. Đến nay tất cả các xã trên địa bàn toàn tỉnh đều có trường tiểu học, trung học cơ sở, trường mầm non xây dựng khang trang, sạch đẹp, nhiều trường cao tầng kiên cố. Toàn tỉnh có 351 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 43,2% tổng số trường; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh xây dựng được trung tâm học tập cộng đồng. Việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu của nhân dân được chú trọng thông qua đầu tư xây dựng và nâng cấp các trạm y tế: 100% các xã, phường, thị trấn có trạm y tế, trong đó 140 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hệ thống điện lưới quốc gia của tỉnh đã đảm bảo phục vụ cho 100% hộ dân trong tỉnh có điện thắp sáng. Đa số các xã đã có công trình nước sạch: có 99% số hộ dân ở thành phố, 73% số hộ dân ở nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Hệ thống giao thông nông thôn khá hoàn chỉnh; xây dựng mới và cải tạo nối liền với đường huyện, đường tỉnh, đường liên thôn, liên xã thuận lợi cho nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hoá của nhân dân. Nhiều chợ, bến bãi, cầu đường được sửa chữa, xây dựng mới, các thị trấn, thị tứ mới được hình thành. Công tác xã hội, chăm sóc gia đình chính sách, già cả neo đơn được quan tâm thường xuyên,
phong trào đền ơn đáp nghĩa, xoá đói, giảm nghèo được chú trọng. Môi trường và điều kiện sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Thứ năm,Công tác đào tạo và tổ chức cán bộ được tăng cường.
Các cấp đã chú trọng quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, bố trí đội ngũ kế toán ngân sách cấp xã theo yêu cầu quản lý của địa phương; từng bước đưa ứng dụng tin học vào quản lý tài chính kế toán ngân sách cấp xã. Nhiều xã đã quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ qua đào tạo cơ bản đảm nhận các chức danh chuyên môn của cán bộ công chức xã, bổ nhiệm cán bộ kế toán tài chính xã theo quy định của Nhà nước.
Phòng Tài chính các huyện, thành phố đã tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ quản lý ngân sách cấp xã để đảm nhận nhiệm vụ giúp chính quyền huyện, xã trong việc hướng dẫn chế độ chính sách mới, cập nhật và bổ sung nghiệp vụ quản lý đưa việc điều hành thu chi ngân sách cấp xã vào nề nếp, có hiệu quả.