PHẦN II: NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
1.2 Khái quát chung về đầu tư phát triển
1.2.4 Các nguồn vốn đầu tư phát triển
Vốn đầu tư phát triển là các nguồn vốn tập trung và phân phối vốn cho đầu tư phát triển kinh tế đáp ứng nhu cầu chung của nhà nước và xã hội. Nguồn vốn đầu tư gồm vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài.
1.2.4.1 Nguồn vốn trong nước - Nguồn vốn nhà nước bao gồm:
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Đây là phần ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư phát triển. Đó là phần quan trọng nhất trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Nó được sử dụng để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh…. Nguồn thu ngân sách Nhà nước ngày càng được mở rộng đồng thời chi cho đầu tư phát triển ngày càng tăng để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.
Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: Nguồn vốn này có tác dụng tích cực trong việc giảm đáng kể sự bao cấp vốn trực tiếp của Nhà nước. Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ngày càng đóng vai trò đáng kể trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn này đòi hỏi chủ đầu tư phải tính kỹ hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn tiết kiệm. Mặt khác nó còn phụ thuộc vào công tác quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô.
Nó là cơ sở khuyến khích những vùng còn khó khăn phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội…. đặc biệt nó còn có tác dụng tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH.
Nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước: Khu vực kinh tế Nhà nước với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần. Các doanh nghiệp Nhà nước cung cấp một khối lượng vốn lớn cho Nhà nước. Hiện nay doanh nghiệp Nhà nước đã và đang tiếp tục đổi mới trong tương lai hiệu quả họat động của các doanh nghiệp này ngày càng được nâng cao. Do đó nó ngày càng đóng góp nhiều vốn đầu tư phát triển xã hội.
- Nguồn vốn từ khu vực tư nhân: Nguồn vốn này bao gồm tiết kiệm của dân cư, phần tích lũy của khu vực tư nhân, các hợp tác xã. Hiện nay khu vực này chưa đóng góp được nhiều vào nguồn vốn đầu tư phát triển nhưng trong tương lai khi đổi mới
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
chính sách, cơ chế mở cửa thì loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng được mở rộng và được Nhà nước tạo điều kiện phát triển. Do đó phần tích lũy của các doanh nghiệp này cũng sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội.
- Thị trường vốn: Nhu cầu về đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh đòi hỏi luôn có nhiều vốn để đảm bảo nắm bắt cơ hội kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu của thị trường. Do đó đòi hỏi cần có kênh huy động vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Vì vậy thị trường vốn thông qua việc phát hành và mua bán các giấy tờ có giá, những nguồn vốn nhàn rỗi của dân cư hay mọi thành phần kinh tế sẽ được huy động để đáp ứng mọi nhu cầu khác nhau của những cá nhân, tổ chức cần vốn. Mặt khác thị trường vốn được coi là cái van điều tiết hữu hiệu các nguồn vốn, di chuyển vốn từ nơi kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả hơn hay nói cách khác nó khắc phục tình trạng khan hiếm vốn và sự lãng phí vốn trong quá trình sử dụng vốn của xã hội.
1.2.4.2 Nguồn vốn nước ngoài.
Theo tính chất lưu chuyển vốn, có thể phân loại các nguồn vốn nước ngoài chính như sau:
- Tài trợ phát triển chính thức (ODF) gồm: Viện trợ phát triển chính thức (ODA) và các hình thức tài trợ khác.
- Nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
- Nguồn huy động qua thị trường quốc tế.
Trong khuôn khổ của bài viết này em xin tập trung chủ yếu vào 2 nguồn vốn chính là FDI và ODA.
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA):
“Hỗ trợ phát triển chính thức ODA là tất cả các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản viện trợ hoàn lại hoặc tín dụng ưu đãi (cho vay dài hạn, lãi suất thấp...) của các chính phủ, các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức tài chính quốc tế (như IMF, WB, ADB), gọi chung là các đối tác viện trợ nước ngoài dành cho chính phủ và nhân dân nước nhận viện trợ”.
Theo tính chất nguồn vốn ODA được chia làm 2 loại :
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
Viện trợ không hoàn lại: Loại này được thực hiện dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật hoặc viện trợ nhân đạo bằng hiện vật
Viện trợ hoàn lại: Là các khoản ODA cho vay có yếu tố không hoàn lại 25% giá trị khoản vay. Bên nước ngoài thường quy định cụ thể các điều kiện cho vay ưu đãi.
So với các hình thức tài trợ khác, ODA mang tính chất ưu đãi cao hơn bất cư nguồn ODF nào khác. Nó mang tính chất ưu đãi cao thể hiện ở thời hạn vay dài 30-40 năm, có thời gian “ân hạn” trong đó bên vay chưa phải trả gốc, lãi suất cho vay thấp thường chỉ 1-2%, thậm chí có trường hợp không tính lãi, tỉ lệ cho không ít nhất là 25%. Nguồn ODA chủ yếu tập trung ở những nước kém phát triển vì bản chất của nguồn vốn này là để hỗ trợ phát triển và các mục đích phúc lợi khác. Do vậy, nó rất cần thiết cho những nước đang phát triển và kém phát triển như nước ta để đầu tư phát triển cho những dự án kinh tế xã hội mang tính xã hội cao (như các công trình công cộng ở miền núi, nông thôn…) hoặc các công trình đòi hỏi vốn lớn mà thời gian thu hồi vốn lại lâu. Tóm lại, ODA là nguồn vốn quan trọng, là tiền đề tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước nói chung và khuyến khích đầu tư của các thành phần khác.
ODA thường đi kèm với các điều kiện khắt khe khác về kinh tế, chính trị đồng thời nước tiếp nhận cũng phải chịu rủi ro của đồng tiền viện trợ. Điều đó đòi hỏi chính phủ các nước nhận viện trợ cần có nghệ thuật thỏa thuận để vừa có thể nhận vốn, vừa bảo tồn được các mục tiêu có tính nguyên tắc.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):
Đây một là loại hình di chuyển vốn giữa các quốc gia, trong đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn đầu tư.
Khác với ODA nguồn vốn FDI được đầu tư với mục đích sinh lời là chính. Nơi nào có điều kiện để khai thác, phát triển, có khả năng đem lại lợi nhuận cao sẽ thu hót được vốn đầu tư. Đối với nguồn vốn này luật đầu tư của mỗi nước sẽ quy định vốn pháp định trong mỗi dự án. Các nhà đầu tư trực tiếp quản lý và điều hành dự án mà họ bỏ vốn đầu tư. Quyền quản lý sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ vốn mà họ đã đầu tư do đó lợi nhuận thu được sẽ được chia cho các bên cũng phụ thuộc vào tỉ lệ góp vốn. FDI thường được thực hiện thông qua việc xây dựng các doanh nghiệp mới, nó mang theo
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
toàn bộ tài nguyên vào nước tiếp nhận vốn nên nó có thể thúc đẩy các ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành đòi hỏi cao về kỹ thuật, công nghệ hay cần nhiều vốn.
Đối với các nước đang phát triển có lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực… nhưng lại thiếu vốn, thiếu công nghệ do đó FDI góp phần khai thác tiềm năng của đất nước. Đồng thời FDI góp phần hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông…. Vì vậy FDI nó có tác dụng cực kỳ to lớn đối với quá trình CNH-HĐH ở những nước tiếp nhận vốn đầu tư.
Nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại: Loại vốn này có ưu điểm là không gắn với các ràng buộc về kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên nó lại không có chế độ ưu đãi dễ dàng như ODA và một số hạn chế khác nên việc tiếp cận đối với nguồn vốn này vẫn còn hạn chế.
Thị trường vốn quốc tế: Xu hướng quốc tế hóa ngày càng tăng làm tăng cường mối liên kết của hệ thống tài chính của các quốc gia trên Thế giới do đó nguồn vốn của mỗi quốc gia càng thêm đa dạng, khối lượng vốn lưu chuyển trên toàn cầu tăng. Trong công cuộc CNH-HĐH đất nước Nhà nước cũng khá quan tâm đến việc huy động vốn qua thị trường vốn. Tuy nhiên hình thức này vẫn còn mới mẻ và phức tạp đối với đối với Việt Nam.
Tóm lại để phát triển kinh tế mỗi nước không thể thiếu vốn đầu tư cho phát triển. Trong đó nguồn vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng, điều đó đòi hỏi chính phủ các nước cần có chính sách huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn vốn này nhằm đạt được mục tiêu đề ra.