PHẦN II: NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Chương 2: Thực trạng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn huyện Đức Thọ
2.1 Khái quát về điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế-xã hội huyện Đức Thọ
2.1.1 Điều kiện tự nhiên
2.1.1.1 Vị trí địa lí và đơn vị hành chính.
Huyện Đức Thọ là một huyện trung du đồng bằng sông La và hữu ngạn sông Lam phía bắc của tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Phía đông nam huyện giáp huyện Can Lộc, phía bắc tây giáp huyện Nam Đàn, phía đông bắc giáp huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), phía tây giáp huyện Hương Sơn, phía tây nam giáp huyện Vũ Quang, huyện Hương Khê, phía đông giáp thị xã Hồng Lĩnh. Huyện cách thủ đô Hà Nội 325 km về phía nam.
Tọa độ địa lý: 18,180-18,350 độ vĩ Bắc, 105,380-105,450 độ kinh Đông.
Về hành chính, hiện nay huyện Đức Thọ có 1 thị trấn và 28 xã gồm có: Đức Vịnh, Đức Quang, Đức Châu, Đức Tùng, Yên Hồ, Tùng Ảnh, Đức Lạng, Đức Đồng, Tân Hương, Đức Nhân, Đức Thủy, Thái Yên, Đức Thanh, Trung Lễ, Đức Lâm, Đức Dũng, Đức An, Đức Lập, Đức Lạng, Đức Lạc, Đức Long, Đức Hòa, Bùi Xá, Đức Yên, Trường Sơn, Liên Minh, Đức Thịnh, Đức La.
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
Sơ đồ 1. Lược đồ huyện Đức Thọ 2.1.1.2 Đặc điểm địa hình, đất đai thổ nhưỡng.
* Đặc điểm địa hình
Đức Thọ có đầy đủ các dạng địa hình: đồi núi, đồng bằng, sông suối…, trong đó núi đồi chiếm 10,5% diện tích đất tự nhiên. Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và bị chia cắt mạnh.
Xét theo không gian kinh tế có thể chia địa hình của huyện thành 3 vùng rõ rệt là: vùng đồi núi và bán sơn địa (Thượng Đức) gồm 8 xã; vùng đất phù sa (ngoài đê) 7 xã và vùng lúa trong đê gồm 13 xã.
Xét theo địa hình tự nhiên, có thể chia huyện thành 2 vùng chính gồm: vùng đồi núi ở phía Tây chiếm 47% diện tích và vùng đồng bằng ở phía Đông chiếm 53% diện tích, tuy nhiên cũng có thể chia thành bốn nhóm địa hình như sau:
Nhóm 1: Gồm các xã Đức Yên, Trung Lễ, Đức Nhân, Đức Thủy, Thái Yên, Đức Thanh, Đức Quang, Đức Vĩnh, Yên Hồ, Bùi Xá, Đức Tùng, Đức Châu, Đức La, Đức Vĩnh.
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
Đây là vùng địa hình tương đối bằng phẳng nằm dọc theo QL8A và vùng ngoài đê phía Bắc của huyện có độ dốc từ 0-8, ít bị chia cắt, rất thích hợp cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Phần phía trong đê phù hợp cho xây dựng các đô thị, khu, cụm công nghiệp, dịch vụ.
Nhóm 2: Là vùng địa hình có độ dốc từ 8-15, nằm về phía Tây của Huyện, địa hình ở đây chủ yếu là đất feralit, được khai thác để trồng cây ăn quả và cây hoa màu.
Các xã nằm trong vùng này gồm có Tùng Ảnh Trường Sơn.
Nhóm 3: Đây là vùng địa hình với những dãy đồi có độ dốc từ 8-25, nằm phía Tây Nam của Huyện. Địa hình ở đây chủ yếu gồm các loại đất feralit được khai thác trồng các loại cây công nghiệp lâu năm và kết hợp phát triển các mô hình nông-lâm nghiệp. Các xã trong khu vực này gồm có Đức Hòa, Đức Lạc.
Nhóm 4: Vùng địa hình với những dãy đồi cao và núi thấp có độ dốc trên 25 , nằm ở phía Đông Nam của Huyện. Đây là vùng địa hình bị chia cắt nhiều khó khăn cho sản xuất. Các xã trong khu vực gồm có Đức Đồng, Đức Long, Tân Hương, Đức An, Đức Lạng.
Nhìn chung, địa hình huyện tương đối thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế toàn diện. Nền địa chất khá ổn định, không sụt lún là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các công trình đô thị, các nhà máy xí nghiệp và tổ chức không gian sản xuất các ngành kinh tế.
* Đất đai thổ nhưỡng
Theo kết quả điều tra, tài nguyên đất huyện Đức Thọ có 6 nhóm chính như sau:
- Nhóm đất cát: Được hình thành chủ yếu ở ven sông, chiếm diện tích khoảng 98,2 ha (0,48% diện tích tự nhiên), phân bố chủ yếu ở các xã Đức Vĩnh, Đức Quang và một phần ở Bùi Xá. Đất có thành phần cơ giới cát thô, hàm lượng dinh dưỡng rất nghèo, thích hợp với các loại cây chịu hạn như ngô, khoai lang, lạc….
- Nhóm đất phù sa: có diện tích khoảng 11.674,26 ha, chiếm 57,57% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở ven sông La và sông Ngàn Sâu. Nhóm đất này gồm có:
+ Đất phù sa bồi đắp hàng năm: chiếm khoảng 23,28% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã ngoài đê như: Yên Hồ, Tùng Ảnh, Đức Yên, Đức Tùng, Liên Minh, Tân Hương, Trường Sơn, TT.Đức Thọ, Đức Quang, Đức Nhân,
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
Đức Long, Đức Lập, Đức Lạng, Đức Lạc, Đức La, Đức Hòa, Đức Đồng, Bùi Xá, Đức An, Đức Vĩnh và Đức Châu. Đây là loại đất thích hợp với các loại cây hàng năm.
+ Đất phù sa không được bồi đắp hàng năm: có diện tích khoảng 979,75 ha chiếm khoảng 4,8% diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã Tùng Ảnh, Tân Hương, Đức Long, Đức Lập, Đức Hòa, Đức Đồng. Loại đất này thích hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu, đỗ…
+ Đất phù sa glây: có diện tích khoảng 5.449,26 ha, chiếm 26,87% tổng diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã: TT.Đức Thọ, Đức Quang, Đức Nhân, Đức Long, Đức Lâm, Đức Lạng, Đức Lạc, Đức Thanh, Đức Hòa, Đức Đồng, Bùi Xá, Đức An, Đức Thịnh. Loại đất này thích hợp với thâm canh cây lúa và cho năng suất cao.
Tuy nhiên một phần diện tích có địa hình trũng, khó thoát nước chỉ gieo trồng 1 vụ.
+ Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng: có diện tích khoảng 523,28 ha, chiếm 2,58% tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Đức An, Bùi Xá, Đức Dũng, Đức Lâm, Đức Long, Đức Thanh, Đức Thịnh, TT.Đức Thọ, Trung Lễ, Thái Yên, Đức Thủy, Đức Yên, Tùng Ảnh. Đây là loại đất phân bố ở địa hình cao nên có khả năng gieo trồng lúa ổn định hai vụ.
- Nhóm đất bạc màu: có diện tích khoảng 326,2 ha, chiếm 1,61% diện tích tự nhiên, phân bố rải rác ở các địa hình ven chân đồi, lượn sóng nhẹ, thoát nước nhanh, chủ yếu ở các xã: Đức An, Đức Dũng , Đức Lập. Đất chỉ thích hợp với các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
- Nhóm đất đỏ vàng: có diện tích khoảng 2.323,96 ha, phân bố chủ yếu ở các xã Tân Hương, Trường Sơn, Đức Long, Đức Lập, Đức Lạng, Đức Dũng, Đức Đồng, Đức An, gồm có các loại như: đất đỏ vàng trên đá sét, đất vàng nhạt trên đá cát là những loại đất thích hợp với các loại cây lâu năm, trồng rừng, phát triển trang trại nông-lâm kết hợp.…
- Nhóm đất thung lũng dốc tụ: có diện tích khoảng 983,31 ha, phân bố ở các xã Tân Hương, Trường Sơn, Tùng Ảnh, Đức An, Đức Dũng, Đức Lập. Đất có hàm lượng mùn khá, thích hợp với trồng lúa.
- Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá: có diện tích khoảng 1.854,43 ha, chiếm khoảng 9,14% diện tích tư nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã: Tân Hương, Trường Sơn, Đức
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
Long, Đức Lập, Đức Lạng, Đức Lạc, Đức Hòa, Đức Dũng, Đức Đồng, Đức An, Tùng Ảnh. Đây là loại đất có chất lượng dinh dưỡng kém cần có quy hoạch sử dụng hợp lí.
2.1.1.3 Khí hậu
Đức Thọ nằm trong đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, song do nằm trong vùng chuyển tiếp khí hậu giữa hai miền Bắc và miền Nam nên đã hình thành hai mùa khí hậu rõ rệt: mùa nóng và mùa lạnh
Mùa nóng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8. Nhiệt độ trung bình 33,8°C, đặc biệt trong các tháng 6-7 nhiệt độ có khi lên đến 39°C, kèm theo gió Lào gây nóng và khô hạn. Vào cuối mùa nóng chuyển sang mùa lạnh (tháng 8-10) thường xuất hiện các dạng thời tiết cực đoan như bão, lụt gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt với các xã ngoài đê.
Mùa lạnh bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Thời gian này có gió mùa Đông Bắc gây lạnh và kéo theo mưa phùn. Nhiệt độ trung bình vào khoảng 18°C, khi thấp nhất có thể dưới 7°C. Đây là điều kiện thích hợp cho việc phát triển các loại cây hoa màu có nguồn gốc á nhiệt đới.
Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1400-1600 mm và được chia làm hai mùa: mùa mưa với lượng mưa chiếm 75%, cao nhất là vào tháng 8 (khoảng 260 mm);
mùa khô với lượng mưa chiếm 25%, thấp nhất là vào tháng giêng (khoảng 6 mm).
Điều kiện khí hậu của Đức Thọ cơ bản là thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp khá toàn diện và đa dạng mặc dù trong năm vẫn phải chịu ảnh hưởng của các dạng thời tiết cực đoan như bão, lụt...
2.1.1.4. Thủy văn
Chế độ thủy văn của huyện ảnh hưởng chủ yếu bởi hệ thống sông Ngàn Sâu (chảy qua 10 xã), sông Ngàn Phố (chảy qua địa phận xã Trường Sơn). Hai con sông này hợp nhau tại Linh Cảm và đổ vào sông La (chảy qua địa bàn 9 xã). Sông La hợp với sông Lam tại Ba Phủ tiếp tục chảy qua địa bàn 5 xã của huyện và đổ ra Cửa Hội.
Ngoài ra chế độ thủy văn trên địa bàn huyện còn chịu ảnh hưởng của các sông suối nhỏ khác như sông Đò Trai, sông Mênh….
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
Tổng diện tích lưu vực của các con sông này vào khoảng 3.210km2, lưu lượng nước bình quân đạt khoảng 195m3/s. Mùa lũ trên lưu vực sông La bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 11, chủ yếu ảnh hưởng tới các xã ngoài đê.