Khung lý thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre (Trang 43 - 53)

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.2. Cơ sở lý luận

1.2.1. Khung lý thuyết nghiên cứu

1.2.1.1. Lý thuyết về quản lý di tích lịch sử - văn hóa a) Quan điểm lý thuyết về quản lý di tích lịch sử - văn hóa

Là kết quả từ sức sáng tạo của con người và được trao truyền cho nhau bởi nhiều thế hệ, di tích là minh chứng cho sự tồn tại của con người qua các thời kỳ lịch sử, là truyền thống, tín ngưỡng, cách sống, tri thức và thành tựu khoa học của loài người, di tích là biểu tượng của tiến trình lịch sử và văn hóa văn minh nhân loại.

Với tầm quan trọng đó, di tích đã và đang trải qua 3 dạng thức bảo tồn: 1) Bảo tồn theo quan điểm Bảo tồn nguyên vẹn: là quan điểm về quản lý di sản đầu tiên trên thế giới xuất hiện từ năm 1850; 2) Bảo tồn theo quan điểm Bảo tồn kế thừa xuất hiện vào những năm 60 của Thế kỷ XX. Theo Ashworth 2 quan điểm bảo tồn trên đã có những đóng góp nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định: Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn gặp khó khăn khi xác định đâu là yếu tố nguyên gốc, đâu là yếu tố phái sinh để bảo tồn. Quan điểm bảo tồn kế thừa lại gặp khó khăn khi xác định yếu tố nào thực sự là giá trị cần thiết để kế thừa và phát huy, yếu tố nào không cần thiết.

Ashworth đã đưa ra giải pháp thứ ba vào năm 1980 đó là quan điểm 3) Bảo tồn phát triển: Quan điểm Bảo tồn phát triển Cho rằng có thể có nhiều mục đích khác nhau, thậm chí trái ngược trong bảo tồn di tích và mục đích bảo tồn phải được thực hiện phù hợp với từng di tích. Nguồn lực bảo tồn được tạo ra bởi nhu cầu của thị trường sản phẩm, do đó các tiêu chí được lựa chọn để bảo tồn cũng phụ thuộc sự lựa chọn của thị trường. Quan điểm bảo tồn này xem di tích là một chức năng, là một sự lựa chọn cho phát triển, không có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, bảo tồn di tích không tách rời khỏi các chiến lược bảo tồn di sản khác [122]. Với quan điểm này,

vấn đề đặt ra là cần những biện pháp QLDT phù hợp yêu cầu của cuộc sống đương đại, phải đặt trong bối cảnh và xác lập trong một mối quan hệ hai chiều, tương hỗ nhau giữa di tích với bối cảnh chính trị, KTXH và môi trường văn hóa nhất định.

Về mặt lý thuyết là rạch ròi, nhưng trên thực tế việc lựa chọn quan điểm bảo tồn di tích không đơn giản. Di tích vốn phong phú, đa dạng, nhưng có tính đặc trưng ở từng thời điểm và không gian nhất định, dù vận dụng quan điểm bảo tồn nào cũng đều phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, từ hoàn cảnh bảo tồn khách quan đến bản thân di tích cần được bảo tồn, chủ thể quản lý, cơ chế, các bên tham gia...

Ở một quốc gia đang phát triển có nhiều tiềm năng về DTLS-VH như Việt Nam trên lý thuyết, mục tiêu phát huy giá trị di sản trong PTDL được thừa nhận.

Dựa trên cơ sở lý luận về bảo tồn, phát huy giá trị DTLS-VH, đưa di tích hòa nhịp sống thời đại, nghiên cứu sinh theo hướng tiếp cận bảo tồn, phát triển để QLDT trong PTDL trên cơ sở trân trọng tài sản quá khứ, gìn giữ cho hôm nay và mai sau;

đi từ xác định giá trị, đánh giá tài nguyên di tích, tham khảo, học tập 4 mô hình ngoài nước, 3 mô hình trong nước, rút ra 6 bài học kinh nghiệm PTDL di sản [Phụ lục 24; tr.267], góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của du lịch Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung với khu vực và quốc tế qua kênh DTLS-VH.

b) Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch nhìn từ lý thuyết Kinh tế học văn hóa

Ba quan điểm bảo tồn di tích đã nêu đều được vận dụng trong thực tế, nhưng nhìn chung đa phần chọn hai quan điểm: 1) Bảo tồn nguyên gốc, cho rằng bảo tồn phải nguyên gốc, cái nguyên gốc mới có giá trị và 2) Bảo tồn kế thừa gắn di tích với con người và cuộc sống đương đại, vốn luôn biến động xa rời cái nguyên gốc nên bảo tồn có kế thừa mới cần thiết. Theo nghiên cứu sinh, việc vận dụng quan điểm bảo tồn nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu khai thác, sử dụng di tích. Việc xác định tính nguyên gốc của di tích rất quan trọng và cần thiết khi nghiên cứu, giới thiệu nguồn gốc văn hóa. Nhưng bảo tồn nguyên gốc mà không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của xã hội đương đại thì lại không làm cho di tích sống cùng thời đại. Cách tiếp cận này phù hợp với quan điểm Bảo tồn phát triển của Ashworth,

nhưng cần lưu ý không thể tùy tiện nhân danh Bảo tồn phát triển để trùng tu, cải tạo không tuân thủ đúng nguyên tắc, dẫn tới hư hỏng, thậm chí phá hoại di tích.

Một khuynh hướng thường thấy khi vận dụng quan điểm bảo tồn phát triển là dễ bị cuốn theo giá trị vật chất, tầm thường, làm giảm giá trị cao quý của di tích.

Theo David Throsby, người có 9 công trình nghiên cứu về kinh tế học văn hóa được giới nghiên cứu trích dẫn thường xuyên từ năm 1994: “trong những thập kỷ gần đây nhận thức về kinh tế có bản sắc riêng và vượt qua các yếu tố cấu thành của kinh tế”

[125; tr.25]. Một trong những chức năng quan trọng của văn hóa là thiết lập, hoặc ít nhất là góp phần thiết lập bản sắc của một cộng đồng, từ đó giúp phân biệt được cộng đồng này với cộng đồng khác. Định hướng chức năng của văn hóa làm nổi bật vai trò của văn hóa khi đem lại hiệu quả cho kinh tế và thể hiện mối tương quan giữa văn hóa và phát triển kinh tế.

Tuy văn hóa có ba đặc điểm: sáng tạo; ý nghĩa biểu tượng và sở hữu trí tuệ nhưng ở góc độ chức năng của văn hóa bấy nhiêu vẫn chưa đủ để có hàng hóa và dịch vụ văn hóa, một loại hàng hóa đặc biệt từ góc nhìn kinh tế. Tác động của văn hóa thường vượt quá những gì các nhà kinh tế nghĩ đến, bởi giá trị văn hóa ảnh hưởng sâu sắc nhưng không có trong nhận thức và thái độ của các nhà kinh tế. Vấn đề chính trong mối tương quan giữa kinh tế và văn hóa là phân biệt giữa giá trị kinh tế và văn hóa. Theo đó, giá trị văn hóa là giá trị mang lại trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa văn hóa bằng các công cụ sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ văn hóa, bên cạnh các loại giá trị có thể đo lường được bằng các công cụ phân tích kinh tế.

Tiếp cận kinh tế trong chính sách văn hóa đòi hỏi phải tính đến cả giá trị kinh tế và văn hóa [126; tr.20]. Theo David Throsby, các giả thuyết về kinh tế hành vi cho rằng kinh tế học không liên quan đến văn hóa, nó hoạt động mà không bị kiểm soát bởi các điều kiện văn hóa nào. Kinh tế học đương đại phê phán triệt để các giả thuyết này và lập luận rằng nếu chỉ nỗ lực trí tuệ phát triển kinh tế thì không thể có văn hóa. “Không thể tách rời kinh tế hay sản xuất khỏi các lĩnh vực tư tưởng hay văn hóa, vì các vết tích văn hóa, hình ảnh, biểu trưng, thậm chí cả cảm giác và kiến trúc tâm linh đã trở thành một phần của thế giới kinh tế” [125; tr.11].

Các nền văn hóa có thể khác nhau không phải bởi những ý tưởng văn hóa mà bởi sự thành công của văn hóa khi đối phó với những thách thức trong thế giới vật chất của nền văn hóa ấy. “Chủ nghĩa duy vật văn hóa” có một đối trọng trong kinh tế học, theo đó văn hóa là nền tảng cho mọi hoạt động kinh tế [125; tr.10]. Kinh tế và Văn hóa là hai nguyên tắc tổ chức của xã hội đương đại, xác định phạm vi tiến bộ văn minh ở thiên niên kỷ thứ ba [125; tr.16]. Federico Mayor Zagoza, Tổng Giám đốc UNESCO (1987 – 1999) tuyên bố: “Từ nay trở đi, văn hóa cần coi mình là một nguồn cổ xúy trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thiết thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội” [98].

Di tích là báu vật, là di sản của hàng ngàn năm xây dựng, bảo vệ, công sức của các thế hệ kết nối trao truyền. DTLS-VH vì vậy được xem là hàng hóa để xây dựng sản phẩm phục vụ con người, nhưng do là hàng hóa đặc biệt nên phải gìn giữ, bảo tồn chúng. Bảo tồn là duy trì, bảo dưỡng kéo dài tuổi thọ và tạo lập độ bền vững của di tích, đồng thời phát huy giá trị di tích phục vụ nhu cầu cuộc sống đặt ra, tạo động lực cho sự phát triển trong đó có PTDL. Theo nghiên cứu sinh, để bảo tồn di tích ở Bến Tre một yêu cầu mang tính nguyên tắc đặt ra là phải biết chọn lọc, bảo vệ di tích một cách đồng bộ từ giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ đến các giá trị khoa học, kết nối và kinh tế, những giá trị làm nên hiệu ứng và thể hiện đặc trưng của di tích trong đời sống đương đại. Giá trị của di tích bao hàm cả giá trị phi vật thể, tạo nên đặc trưng của DTLS-VH Bến Tre, là truyền thống giáo dục, văn hóa và cách mạng như yêu nước, chính trực, hiếu thảo, nghĩa tình… Do đó, bảo tồn di tích ở Bến Tre phải đồng thời gắn với phát huy theo hướng thỏa mãn tối đa các nhu cầu hưởng thụ, sử dụng và khai thác di tích của công chúng đương đại.

Khi nghiên cứu hoạt động QLDT Bến Tre trong PTDL, nghiên cứu sinh dựa vào quan điểm “bảo tồn phát triển” và quan điểm “các bên tham gia” nên việc vận dụng lý thuyết Kinh tế học văn hóa là phù hợp với Khung so sánh quản lý di sản văn hóa và quản lý du lịch [Phụ lục 21; tr.257] cũng như nội dung cụ thể của hoạt động QLDT Bến Tre trong PTDL được trình bày trong các phần tiếp theo.

c) Khung phân tích hoạt động quản lý di tích ở Bến Tre trong phát triển du lịch DTLS-VH Bến Tre là một bộ phận cấu thành của DTLS-VH Việt Nam, có đầy đủ thuộc tính hay đặc điểm của DTLS-VH. Tuy nhiên, di tích Bến Tre có tính chất đặc thù, là di tích ở một vùng đất “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống văn hóa và cách mạng được xem là điểm son của dân tộc. DTLS-VH Bến Tre vì vậy có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, giáo dục và khoa học to lớn đối với sự phát triển không chỉ của Bến Tre mà của cả đất nước. Từ cách tiếp cận QLDT với hoạt động trọng tâm là bảo tồn di tích “là tất cả những nỗ lực nhằm hiểu biết về DSVH giá trị lịch sử, ý nghĩa của nó, nhằm đảm bảo sự an toàn về vật chất của di tích và khi cần đến đảm bảo việc giới thiệu, trưng bày, khôi phục” [6; tr.20], nghiên cứu sinh đề xuất khung hoạt động quản lý DTLS-VH: - Dựa trên cơ sở pháp lý, nghiên cứu, phát hiện giá trị di tích Đưa ra giải pháp kỹ thuật, xã hội, môi trường để bảo tồn bền vững di tíchKhai thác trên tinh thần phát huy giá trị di tích phục vụ PTDL. Khung đề xuất này phù hợp với những luận giải ở các nghiên cứu về hoạt động bảo tồn di tích đã nói ở phần tổng quan, cùng với khung khái niệm và quan điểm lý thuyết Kinh tế học văn hóa trong QLDT là cơ sở để nghiên cứu sinh đưa ra khung lý thuyết mang tính công cụ nghiên cứu hoạt động QLDT ở Bến Tre trong PTDL gồm:

1) QLDT về mặt khoa học và pháp lý, bao gồm hoạt động khoa học như nghiên cứu, nhận diện giá trị di tích, nhất là giá trị kinh tế và các văn bản pháp luật, xây dựng các thiết chế văn hóa bảo vệ di tích; xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích.

2) QLDT về mặt vật chất kỹ thuật và văn hóa - môi trường, là các hoạt động, giải pháp kỹ thuật và văn hóa - môi trường tác động đến kết cấu vật chất đảm bảo các yếu tố gốc của di tích tồn tại bền vững, phục dựng di tích… bao gồm tu bổ, tôn tạo, trùng tu và các công trình, di vật trong di tích.

3) Phát huy giá trị di tích: có cách quản lý mới khai thác giá trị theo hướng tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận, hưởng thụ các giá trị tiêu biểu của di tích, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phục vụ thiết thực các nhu cầu đặt ra trong PTDL. Phát huy giá trị DTLS-VH Bến Tre bao gồm các hoạt động cụ thể: - Phổ biến, lan tỏa thông tin, giới thiệu quảng bá DTLS-VH Bến Tre, giá trị đặc trưng của

DTLS-VH Bến Tre trong đời sống đương đại, nhất là giá trị kinh tế; - Tổ chức hoạt động văn hóa, khoa học phù hợp với tính chất, đặc trưng của di tích phục vụ du khách; - Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch di sản phục vụ khách tham quan, vừa tạo nguồn thu phát triển kinh tế, vừa bảo tồn di tích.

Tiếp cận theo quan điểm Kinh tế học văn hóa là hướng đến mục đích giá trị sử dụng di tích bên cạnh đảm bảo tính nguyên bản của di tích, vì thế QLDT ở Bến Tre cần chú ý đến mục tiêu sử dụng di tích. DTLS-VH Bến Tre từ nguồn gốc hình thành đến quá trình bảo tồn, phát huy có tính đặc thù nên nếu không có ý thức, nhận thức chưa đúng giá trị, nhất là giá trị kinh tế sẽ dẫn đến xem nhẹ vai trò của di tích, từ đó sẽ khó đạt mục tiêu, hiệu quả QLDT ở Bến Tre trong bối cảnh hiện nay.

QLDT Bến Tre trong PTDL theo quan điểm lý thuyết Kinh tế học văn hóa đã đặt ra yêu cầu căn cứ vào mục đích sử dụng di tích. Mục đích QLDT trong PTDL rất đa dạng, bao gồm: 1) Tăng cường, phát huy truyền thống văn hóa, xã hội, tín ngưỡng và 2) Phát huy giá trị di tích, lưu ý đến giá trị kinh tế để tạo ra sản phẩm du lịch mới, góp phần thúc đẩy PTDL và kết nối hợp tác quốc tế. Mục đích này đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững di tích, khi QLDT phải quan tâm đến mục đích phục vụ tốt nhất cho đời sống xã hội, tức phục vụ cho mục tiêu kinh tế, nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và văn hóa của cộng đồng nói chung, phát triển truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa trong cuộc sống đương đại. Khi đó, yếu tố được bảo tồn không chỉ là những giá trị vật thể, mà cả giá trị phi vật thể, giá trị đặc trưng nhất của di tích. Phát huy giá trị DTLS-VH Bến Tre trong PTDL chính là làm cho di tích sống dậy và phục vụ cho đời sống. Để phát huy giá trị hiệu quả, hoạt động bảo tồn di tích không chỉ là bảo tồn nguyên vẹn yếu tố gốc vật chất (vì có thể không phải là yếu tố gốc) mà phải góp phần phục vụ mục tiêu phát huy là góp phần tạo ra sản phẩm PTDL, KTXH của địa phương, đem lại chức năng mới cho di tích.

Tính phù hợp của quan điểm QLDT Bến Tre trong PTDL từ góc nhìn của lý thuyết Kinh tế học văn hóa đặt ra yêu cầu không chỉ chú trọng vỏ vật chất (giá trị vật thể) của di tích mà cả chức năng của di tích phù hợp với mục tiêu sử dụng di tích. Quan điểm này giúp nhà quản lý linh hoạt hơn trong QLDT; Cụ thể, đối với

mỗi di tích có biện pháp quản lý khác nhau: Với di tích còn được bảo vệ, gìn giữ nguyên vẹn, việc bảo tồn nguyên vẹn yếu tố gốc là nguyên tắc đầu tiên, để giữ lại di tích cùng giá trị phi vật thể của di tích. Với di tích không còn nguyên vẹn, không có cứ liệu lịch sử xác thực để phục hồi nguyên trạng, việc bảo tồn căn cứ vào chức năng, mục đích sử dụng di tích trên tinh thần “sáng tạo truyền thống”. Yêu cầu cũng như mục đích của QLDT là không phải chỉ có gìn giữ di tích nguyên vẹn, trao truyền cho thế hệ sau giá trị nguyên bản của di tích, mà phải khai thác di tích một cách sáng tạo, làm cho công chúng hiểu được và sống cùng di tích; phải sử dụng di tích cho cuộc sống hiện tại, “…cụ thể là phát huy giá trị di tích trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục hiện nay. Việc bảo tồn không mâu thuẫn với phát triển di tích hay khai thác di tích cho sự phát triển” [104; tr.178-185].

Với khung phân tích trên, luận án tiếp cận QLDT ở các mặt: xây dựng và ban hành các chính sách, văn bản pháp quy, chiến lược phát triển, kế hoạch… nguồn lực triển khai và quản lý hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong PTDL. Ngoài ra ở góc độ chủ thể quản lý, luận án còn tiếp cận theo hướng từ dưới lên, vận dụng lý thuyết các bên tham gia, trọng tâm là QLDT có sự tham gia của cộng đồng với mô hình “đồng quản lý” [60; tr.143] làm cơ sở nhấn mạnh sự cân bằng lợi ích của các bên tham gia. Khi người dân và cộng đồng có cuộc sống vật chất phụ thuộc vào sự tồn tại của di tích sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến di tích, cộng đồng là người trực tiếp tạo ra các giá trị của di tích, sống cùng di tích trong một thời gian dài, trải qua nhiều thế hệ, người dân trong cộng đồng là người am hiểu nhất những giá trị của di tích đã kết nối họ gắn bó với cộng đồng, các giá trị đó được truyền từ thế hệ này đến thế hệ sau. Cộng đồng chính là những pho sử sống, những hướng dẫn viên chuyển tải giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, quảng bá đến mọi đối tượng trong và ngoài nước. Dựa vào cách tiếp cận của các bên tham gia, tiếp cận dựa vào cộng đồng, từ thực tiễn ở 2 DTNĐC và DTĐK nghiên cứu sinh soi sáng, đánh giá, phân tích vấn đề với phương pháp chủ đạo là khảo sát thực địa, điền dã và tham vấn chuyên gia.

1.2.1.2. Lý thuyết về phát triển du lịch a) Nguyên tắc về phát triển du lịch

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre (Trang 43 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(294 trang)