CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ
2.2. Thực trạng quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Bến Tre
2.2.2. Hoạt động Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa
Với 73 DTLS-VH được xếp hạng trong những năm qua, nhiều di tích đã được đầu tư kinh phí để bảo tồn, chống xuống cấp. Tỉnh đã huy động đầu tư hàng trăm tỉ đồng chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo nhiều di tích. Việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích bằng nhiều nguồn vốn của Nhà nước, vốn xã hội hóa đã được sử dụng đúng mục đích. Trong quá trình trùng tu, tu bổ các di tích, nguyên tắc “giữ gìn tối đa các yếu tố gốc” của di tích luôn được quan tâm thực hiện. Nhiều di tích trọng điểm được trùng tu như DTNĐC, DTĐK, Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ… Những năm gần đây, kinh phí đầu tư tôn tạo di tích lớn hơn so với trước năm 2000, do tỉnh tập trung đầu tư các di tích trọng điểm để giới thiệu DTLS-VH Bến Tre đến du khách trong và ngoài nước.
Về nguồn vốn đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các DTLS-VH: Vốn xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia, huy động từ các nguồn vốn trong chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách tỉnh, huyện, thành phố 93%, vận động trong nhân dân trong và ngoài tỉnh 7%. Vốn xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích cấp tỉnh, ngân sách huyện, thành phố chiếm 53%, vận động nhân dân đóng góp 47%. Riêng vốn triển khai khảo sát, điều tra, lập hồ sơ công nhận di tích
cấp tỉnh bình quân 50 triệu đồng/hồ sơ; khảo sát điều tra, lập hồ sơ công nhận di tích quốc gia 80 triệu đồng/hồ sơ được ngân sách tỉnh cấp. Do nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với việc bảo vệ di tích ngày càng cao nên nhiều tổ chức, cá nhân có điều kiện đóng góp công, của nhằm thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh như ở đền thờ và khu mộ ông Đạo Dừa - Nguyễn Thành Nam, Mộ cổ huyện Hồ ở Châu Thành; Lăng Cả Cọp, Miếu thờ Phạm Viết Chánh ở Giồng Trôm…
Việc xã hội hóa nguồn lực trùng tu, tôn tạo, chăm sóc và bảo vệ di tích đã được thực hiện từ vốn của Nhà nước là chủ yếu đến vốn ngoài nhà nước và cộng đồng… Tuy nhiên còn nhiều hạn chế [Phụ lục 11; tr.206]. Nhiều di tích đã thoát khỏi nguy cơ bị hủy hoại, mai một, được trùng tu, bảo tồn đưa vào phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân. Tiêu biểu như các DTNĐC, DTĐK, Di tích nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ; Di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong trùng tu, tôn tạo và bảo vệ di tích, vẫn còn nhiều tồn tại đáng quan ngại: tình trạng xuống cấp ở nhiều di tích chưa được khắc phục triệt để, một số di tích có giá trị đặc biệt và tiêu biểu chưa được đầu tư, tu bổ nên xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là các di tích quốc gia gây bức xúc dư luận như đình Tiên Thủy (huyện Châu Thành) và đình Phú Lễ (huyện Ba Tri) từ khi được xếp hạng di tích quốc gia đến nay chưa được trùng tu lần nào. Ban Khánh tiết đình dùng nguồn kinh phí xã hội hóa ít ỏi xây dựng hàng rào, lát lại sân, chống mối mọt,... Đình An Hiệp (huyện Châu Thành) khu Chánh điện bị xuống cấp nặng, khi trùng tu không có cột gỗ để thay thế, phải thay bằng cột bê tông sơn giả gỗ toàn bộ.
Việc thi công bởi đơn vị thiếu kinh nghiệm chuyên môn, trùng tu không đảm bảo chất lượng, chỉ thời gian ngắn xuống cấp, biến dạng nên bị giảm giá trị và mất yếu tố gốc. Trong trùng tu, tu bổ di tích còn tình trạng nhận thức chưa đúng, chưa đủ giá trị di tích, còn “chạy” tiến độ thi công ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị di tích.
Việc thực hiện chương trình đầu tư chống xuống cấp di tích, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích cách mạng, di tích đặc biệt quan trọng, di tích tiêu biểu còn thiếu tính kế hoạch, mang tính thời vụ, nhỏ lẻ, kinh phí đầu tư chưa tương xứng với quy mô và giá trị của di tích. Tình trạng thiếu đồng bộ trong phối hợp nghiên cứu và bảo
tồn di tích như trường hợp khai quật di chỉ khảo cổ: Di chỉ Giồng Nổi, Di chỉ Kiến trúc An Phong; xếp hạng Danh thắng Cồn Phụng, Mộ cổ huyện Hồ, Nhà cổ… khi các nhà khoa học, nhà quản lý chưa có sự thống nhất do nguồn lực khai quật, khảo cứu chưa đáp ứng, nhận định thiếu chính xác dẫn đến bất cập trong xếp hạng, bảo tồn di tích. Vấn đề đáng quan tâm ở Bến Tre - tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu, nhưng tác động của biến đổi khí hậu lên DTLS-VH chưa được quan tâm nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp thích ứng cách căn cơ, vững chắc.
Sự phối hợp không đồng bộ, thiếu chặt chẽ giữa phòng VHTT huyện, thành phố với Ban QLDT tỉnh và các Tổ QLDT tại địa phương đã dẫn tới hiện tượng ở một số di tích tu bổ, tôn tạo tùy tiện, không tuân thủ sự quản lý và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Có hiện tượng trùng tu di tích lại làm “rớt hạng” di tích, theo Danh mục kiểm kê đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016 như đình Phú Thuận (huyện Bình Đại) trong danh mục xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nhưng khi chuẩn bị làm hồ sơ Ban Khánh tiết đình vận động được nhà tài trợ đã cho hạ giải để trùng tu lại nhà Võ ca theo hướng bê tông hóa làm mất đi giá trị gốc của di tích. Tình trạng QLDT còn lỏng lẻo, phó mặc cho hội người cao tuổi, Sư trụ trì, các Thủ từ, Thủ nhang… trông coi di tích, dẫn đến hiện tượng mất cắp cổ vật diễn ra thường xuyên. Từ năm 1999 đến nay đã có gần 100 vụ mất cắp di vật, cổ vật tại các di tích trên địa bàn tỉnh điển hình như mất cấp cổ vật ở đình Phú Lễ, đình Tiên Thủy, đình Bình Hòa, đình Phú Tự, chùa Hội Tôn… thậm chí có di tích bị trộm cắp hàng chục lần như đình Bình Hòa. Nhiều Ban Khánh tiết phải đem hiện vật quý gửi nơi khác như ở đình Tân Thạch, đình Phú Tự; hoặc không khai báo do việc xử lý chưa triệt để, dẫn đến việc thống kê vụ việc chưa chính xác… Trước thực trạng này năm 2018, Ban QLDT tỉnh trang bị 6 camera chống trộm ở DTNĐC, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định góp phần kéo giảm tình trạng mất trộm cổ vật tại các di tích, tuy nhiên tỉnh chưa thể trang bị camera cho tất cả các di tích quốc gia.
Sự tham gia chăm sóc và bảo vệ di tích của các bên liên quan, nhất là của cộng đồng còn nhiều hạn chế: Ở Ban Khánh tiết các đình làng được xếp hạng di tích, còn đình làng chưa có đại diện chính quyền địa phương tham gia, chưa có
quyết định công nhận, Ban Khánh tiết không có quy chế hoạt động… nên hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng đến việc trùng tu, bảo vệ di tích. Mặt khác, người trông giữ di tích là (đình, chùa…) đa số không có lương, trước năm 2015 có định suất hỗ trợ (300.000 đ/năm) [Phụ lục 7C; tr.198], chủ yếu nhờ những ông Từ đình hầu hết đã lớn tuổi trông giữ, trình độ, sức khỏe hạn chế nên còn những kẻ hở lớn trong bảo vệ di tích. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Trưởng Ban QLDT tỉnh Bến Tre:
“…tới đây sẽ tỉnh sẽ có kế hoạch chọn người có trình độ, sức khỏe tương đối để vừa trông coi, vừa phục vụ hướng dẫn khách tham quan và có chế độ trả lương ít nhất bằng một hệ số lương tối thiểu (theo khả năng địa phương)” [Phụ lục 7D; tr.198].
Để bảo tồn tốt di tích, một hoạt động rất quan trọng là kiểm kê, xếp hạng di tích.
2.2.2.2. Hoạt động kiểm kê, xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá ở Bến Tre Là công việc xác định giá trị của DTLS-VH, phát hiện và thu thập các tư liệu nhằm khẳng định giá trị của DTLS-VH, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng theo qui trình chặt chẽ. Hoạt động này gồm thống kê số lượng và giá trị của DTLS-VH trên địa bàn, khảo sát lập hồ sơ khoa học, đề nghị UBND tỉnh, Bộ VHTTDL, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ di tích… Đồng thời cư dân địa phương, cộng đồng được nâng cao ý thức trách nhiệm, có hành động thiết thực bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di sản. DTLS-VH được kiểm kê phản ánh rõ thực trạng của di tích như giá trị về lịch sử hình thành, quá trình trùng tu, tôn tạo, kiến trúc điêu khắc, lai lịch nhân vật lịch sử được thờ cúng, tín ngưỡng, lễ hội và tình trạng quản lý DTLS-VH, kèm theo đó là thần sắc, thần tích, thần phả, tài liệu văn bia, hoành phi, câu đối, gia phả …
Theo kết quả thống kê của nghiên cứu sinh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 115 DTLS-VH các loại đã được kiểm kê, có 73 di tích, khu lưu niệm được xếp hạng. Bên cạnh đó, còn 27 di tích không đủ tiêu chuẩn xếp hạng được đưa vào danh mục cần được bảo tồn. Ngoài các di tích nêu trên, Bến Tre còn có 2 Khu lưu niệm, 50 bia, tượng và 51 di tích, danh thắng, mộ cổ, 501 sở thờ tự tôn giáo (chùa, nhà thờ, thánh thất…); 592 cơ sở tín ngưỡng (đình, đền, lăng, miếu bà, điểm tâm linh…), 10 nhà cổ được xây dựng và thờ cúng hàng trăm năm nay, trong đó có 16
tín ngưỡng dân gian đủ tiêu chuẩn đề nghị xếp hạng, số còn lại chưa được kiểm kê.
Các loại hình di tích Bến Tre đã kiểm kê được gồm: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di chỉ khảo cổ; việc thống kê, kiểm kê các di vật, cổ vật tại các di tích được thực hiện tương đối đồng bộ. Công tác kiểm kê di vật, cổ vật, giám định niên đại chính xác và lập phiếu các di vật, cổ vật chỉ mới được thực hiện ở một số di tích: DTNĐC, DTĐK, Di tích nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và khu mộ.
Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ xếp hạng DTLS-VH là hoạt động được tiến hành thường xuyên, theo quy trình khá chặt chẽ. Tính đến hết tháng 7/2020 Bến Tre có 73 DTLS-VH được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh; 42 di tích đã kiểm kê đang có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị xếp hạng và bảo tồn đến năm 2030 (chủ yếu là di tích cấp tỉnh). Ngoài ra, Bến Tre còn 51 bia, tượng và di tích đã khảo sát nhưng chưa kiểm kê xếp hạng trong đó có 3 di chỉ khảo cổ đã khai quật gần 20 năm qua nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xếp hạng DTLS-VH ở Bến Tre cơ bản được triển khai theo kế hoạch, đạt được nhiều thành tựu nhất định nhưng cũng còn tồn tại nhiều bất cập: - Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định đến nay chưa được xếp hạng dù đây là điểm đến đông khách nhất trong số các di tích ở Bến Tre; - Việc kiểm kê xếp hạng các Di chỉ khảo cổ, Nhà cổ; - Việc lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, cổ vật (cặp ngà voi của ông Đạo Dừa – lớn nhất Đông Dương trước 1975)… chưa được coi trọng; - Công tác “hậu kiểm” sau xếp hạng còn yếu dẫn đến nhận thức về xếp hạng DTLS-VH còn nhiều bất cập; trường hợp tòa thánh Cao Đài Tiên Thiên đủ điều kiện lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh, nhưng Ban Thường trực Hội thánh vì nhiều lý do khác nhau chưa hợp tác thực hiện [Phụ lục 7Đ; tr.198]; trường hợp chuẩn bị đề xuất xây dựng hồ sơ di tích quốc gia đối với Đền thờ Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, gia đình chưa đồng thuận khi được tham khảo ý kiến; Vấn đề xếp hạng di tích Mộ và đền thờ Phan Thanh Giản; Việc hoàn thiện hồ sơ xếp hạng Di tích kiến trúc Cồn Phụng có liên quan đến ông Đạo Dừa [Phụ lục 26; tr.272].
2.2.2.3. Hiện trạng kỹ thuật và hình thức sở hữu di tích ở Bến Tre
Về hiện trạng kỹ thuật, DTLS-VH Bến Tre hình thành và tồn tại hàng thế kỷ,
nhiều di tích có niên đại sớm như Đình Phú Lễ, Đình Tiên Thủy, Đình Tân Thạch... nên được xây dựng bằng các vật liệu như gỗ, gạch, đá… Những yếu tố tự nhiên (nắng, mưa, độ ẩm…) có tác động lớn đến kết cấu và vật liệu kiến trúc, nhất là loại chất liệu bằng gỗ. Khảo sát hiện trạng kỹ thuật di tích Bến Tre nghiên cứu sinh chia ra 4 loại: 1) Loại di tích là phế tích, chủ yếu là các di chỉ khảo cổ, 100% các địa điểm khảo cổ ở tình trạng phế tích. 2) Loại di tích trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, gồm các di tích đã bị hư hỏng tới 60 – 70%. Các cấu kiện của công trình như cột, vì kèo, bộ mái, nền móng… không còn đảm bảo công năng chịu tải trọng công trình, cấp thiết phải có dự án trùng tu bảo tồn, hiện chiếm khoảng 40% tổng số di tích; có thể kể như đình Phú Lễ (Ba Tri), đình Tiên Thủy (Châu Thành)… 3) Loại di tích có biểu hiện xuống cấp, mức độ hư hỏng 40 – 50%. Các cấu kiện công trình tuy đảm bảo công năng, chịu tải trọng công trình song cần thiết đưa vào kế hoạch bảo quản, tu bổ chống xuống cấp; di tích loại này chiếm phần lớn khoảng 55% tổng di tích; 4) Loại di tích hiện đang trong tình trạng tốt: là di tích mới được xây dựng, trùng tu như DTNĐC, DTĐK, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Căn cứ quân khu ủy Sài Gòn - Gia Định; Nhà cổ Huỳnh Phủ; Di tích Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác – Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn từ 11/1955 – 3/1956… loại này chiếm 8 % tổng di tích. Riêng DTĐK tuy mới xây dựng nhưng đình Rắn bị xuống cấp nặng.
Về hình thức sở hữu, di tích ở Bến Tre có hai hình thức sở hữu chính: 1) Sở hữu tập thể/cộng đồng; 2) Sở hữu tư nhân. Di tích thuộc quyền sở hữu tập thể:
chiếm số lượng lớn, đó là những công trình của làng, xã do tập thể hoặc cá nhân đứng ra góp công, sức xây dựng như đình, chùa… nhưng vẫn có sự đóng góp của cộng đồng ở góc độ này hay góc độ khác. Di tích thuộc sở hữu tư nhân ở Bến Tre không nhiều, chủ yếu là kiến trúc nhà ở đang được sử dụng như: nhà cổ đồng thời là từ đường: Nhà cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm), các công trình kiến trúc nhà cổ thời Pháp [Phụ lục 22; tr. 258], các nhà thờ… đang được khảo sát, kiểm kê để bảo tồn.
Việc khoanh vùng, cắm mốc, thực hiện Luật Di sản văn hóa di tích đã xếp hạng ở Bến Tre cơ bản được khoanh vùng theo quy định pháp luật. Dựa trên quy định của pháp luật, hồ sơ lưu giữ và hiện trạng của di tích, Sở VHTTDL tham mưu
UBND tỉnh điều chỉnh khoanh vùng một số di tích chưa xếp hạng nhưng có giá trị để bảo tồn kịp thời như Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định... Việc cắm mốc giới tuy đã thực hiện, nhưng đến nay số di tích được cắm mốc không nhiều, công tác này triển khai còn chậm dẫn đến những hệ lụy phức tạp như ở Châu Thành, đình Tân Thạch chính quyền mở rộng trường học đưa 30 hộ dân đến ở trong khuôn viên đình. Đình Tiên Thuỷ còn 2 hộ lấn chiếm lâu đời nên 2 đình quốc gia vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính thức [Phụ lục 7E; tr.199].
Tuy còn một số mặt hạn chế, nhưng bước đầu Bến Tre đã đạt được nhiều thành quả cơ bản trong bảo tồn di tích, hội đủ điều kiện để gắn kết với du lịch.
Ngành VHTTDL Bến Tre đã có văn bản thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các ban ngành và các bên liên quan chung tay chăm sóc, bảo vệ di tích, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường bảo vệ di tích. Đối với những di tích quốc gia xuống cấp nghiêm trọng, Sở VHTTDL đã khảo sát xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - vốn trung hạn giai đoạn 2020 – 2025 và các nguồn khác.
2.2.2.4. Hoạt động phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá
Khai thác, phát huy giá trị DTLS-VH, đặc biệt là các di tích tiêu biểu của Bến Tre được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Hình thức phổ biến nhất là hướng dẫn tham quan tại di tích, đây là hình thức trực tiếp đưa các thông tin, giá trị của di tích đến với khách tham quan; du khách vừa được quan sát, chiêm ngưỡng di tích đồng thời tiếp nhận thông tin lịch sử văn hóa hàm chứa trong các di tích đó.
Việc tổ chức, hướng dẫn khách tham quan chủ yếu do cán bộ của Ban QLDT tỉnh thực hiện. Ở các DTNĐC, DTĐK, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Ban QLDT tỉnh cử cán bộ thường trực đón khách, phục vụ thuyết minh. Tại 8 di tích, 1 khu lưu niệm do Ban QLDT tỉnh quản lý cán bộ QLDT đồng thời là thuyết minh viên phục vụ khách tham quan, các DTNĐC, Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Căn cứ quân khu ủy Sài Gòn – Gia Định (7/1969 – 10/1970) là những di tích có đội thuyết minh tốt nhất. Vào các mùa lễ hội Truyền thống Cách mạng 17/1, Lễ hội Truyền thống Văn hóa 1/7 hàng năm khách đến DTNĐC, DTĐK, Khu lưu niệm