Tổng quan di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre (Trang 63 - 68)

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.3. Cơ sở thực tiễn

1.3.1. Tổng quan di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre

DTLS-VH Bến Tre đa dạng và phong phú, di tích đã xếp hạng phân bố mật độ trung bình khoảng 2km2 có 1 di tích, đây là mật độ tương đối lớn so với các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, DTLS-VH phân bố không đồng đều, tập trung nhiều ở huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Nam,…

QLDT ở Bến Tre được thực hiện thông qua bộ máy quản lý theo qui định chung như các tỉnh, thành khác trong cả nước. Quan điểm chỉ đạo QLDT thống nhất từ UBND tỉnh, sở VHTTDL, UBND huyện, phòng VHTT đến từng Tổ QLDT, UBND xã, phường, thị trấn, Ban Khánh tiết ở từng đình làng, Ban Quản trị (theo

phân cấp của các tổ chức tôn giáo) ở từng ngôi chùa, tòa thánh, nhà thờ, đền, miếu...

Ở mỗi cấp quản lý đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị DTLS-VH đạt hiệu quả. Đến nay, 100 % di tích được xếp hạng có Tổ QLDT, Ban Khánh tiết, Ban Quản trị, riêng Ban Khánh tiết do cộng đồng quyết định.

1.3.1.2. Cơ cấu của di tích

Loại hình di tích lịch sử chiếm 39,13% bởi Bến Tre là đất “tỵ địa”, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với lịch sử của dân tộc, qua các cuộc kháng chiến, Bến Tre lưu dấu các chiến công oanh liệt, tiêu biểu là Đường Hồ Chí Minh trên biển, Phong trào Đồng Khởi, Đội quân tóc dài… Kế đến là Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật (Đình, Mộ cổ, nhà cổ…) chiếm 36,23% với nhiều giá trị và nét đặc sắc của Đình làng Bến Tre. Đối với loại hình di tích khảo cổ, tuy có tiềm năng nhưng do phát hiện muộn, chưa được quan tâm đúng mức đến nay Bến Tre chưa có di chỉ khảo cổ nào được xếp hạng. Khai quật khảo cổ cho thấy Bến Tre là địa bàn cư trú của người Việt cổ khá sớm với Giồng Nổi, Tp. Bến Tre có niên đại từ 2500 đến 2000 năm, thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ sắt. Giồng Nổi là di chỉ khảo cổ đầu tiên mở ra trang cổ sử, Bến Tre không còn là điểm trắng trên bản đồ khảo cổ học tiền sơ sử, là điểm nhấn sinh động cuộc sống cư dân cổ hơn 2000 năm trước [4; tr.16]. Di chỉ khảo cổ Giồng Nổi hiện là phế tích cũng như các cổ vật, bảo vật, báu vật nhân văn sống ở Bến Tre rất cần được bảo tồn, phát huy kịp thời [Phụ lục 23; tr.262].

1.3.1.3. Giá trị của di tích lịch sử - văn hóa Bến Tre

DTLS-VH Bến Tre có giá trị phong phú, đặc sắc gồm các giá trị: lịch sử, văn hoá, khoa học, kiến trúc – nghệ thuật, giáo dục, kinh tế, các giá trị về đa dạng sinh học, hệ sinh thái, địa chất, địa mạo, tâm linh và giá trị kết nối…

- Giá trị lịch sử của DTLS-VH Bến Tre gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia, địa phương; gắn với thân thế và sự nghiệp các anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển đất nước và Bến Tre qua các thời kỳ như: Phong trào Đồng Khởi, đường Hồ Chí Minh trên biển Bến Tre, đội quân tóc dài… Các danh nhân như: Bác học Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Anh, Đức giáo Tông

Nguyễn Ngọc Tương, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Ca Văn Thỉnh, Nữ tướng Nguyễn Thị Định... và cả những nhân vật chưa được chính sử đề cập nhưng nổi tiếng như Kỹ sư Nguyễn Thành Nam, “Đạo Dừa” người được Thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn làm nguyên mẫu viết Truyện tranh giáo dục đạo đức trẻ em [40; tr.3].

- Giá trị văn hoá của DTLS-VH Bến Tre là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần gắn với di tích do con người Bến Tre sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Ở mỗi di tích đều chứa đựng trong nó những giá trị vật chất và tinh thần. Giá trị vật chất có thể là một công trình kiến trúc, một di vật..., giá trị tinh thần là biểu hiện về một ngôn ngữ, tư tưởng, truyền thống tốt đẹp, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến di tích. Như một câu chuyện nhỏ ở DTNĐC đã làm phong phú và sâu sắc cho văn hóa. Theo tác giả Olivier Tessier, Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ tại Tp. Hồ Chí Minh, khó lý giải vì sao Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được dịch sang tiếng Pháp và nước Pháp lưu hành tác phẩm này dù cụ Đồ Chiểu sinh thời là người chống Pháp rất cực đoan, nhưng ông lại khẳng định:

“Hoàn toàn ủng hộ Việt Nam đề nghị UNESCO ra Nghị quyết kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022, bởi cụ Đồ rất xứng đáng vinh danh” [62;

tr.86].

Giá trị văn hóa của DTLS-VH Bến Tre là sự tổng hợp cả hai giá trị vật chất và tinh thần, từ đó tạo ra “Giá trị Kết nối”, giao lưu văn hóa – học thuật quốc tế như các câu chuyện văn hóa từ DTNĐC, Di tích Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Di tích Nhà Bia bác học Trương Vĩnh Ký, Di tích Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh [Phụ lục 7B; tr.197], Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát… Các thế hệ hậu duệ của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, bác học Trương Vĩnh Ký, kỹ sư Bùi Quang Chiêu, Đức giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, kỹ sư Nguyễn Thành Nam (Đạo Dừa) [62;

tr.94]… ngày càng hướng về cội nguồn, tìm về tổ tiên từ các di sản mà bậc cha ông của họ đã để lại trên đất Bến Tre hiện nay. Đó còn là sự kết nối làm gia tăng giá trị của di tích như trường hợp Khu Lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định được nghệ nhân Trương Đình Chiếu hiến tặng và lắp đặt bộ đàn đá, thác nước gần chục tỷ

đồng trong năm 2020 để tạo không gian di tích đặc trưng, mới lạ cho quần thể Khu Lưu niệm hiển linh về một vị nữ tướng huyền thoại tôn thờ như một “vị thần”.

- Giá trị khoa học của DTLS-VH Bến Tre là một kho tàng tư liệu vật thể và phi vật thể vô giá phục vụ nghiên cứu, khảo sát, thu thập dữ liệu, phân tích mối quan hệ, các yếu tố tác động, sự tồn tại và phát triển của sự vật hiện tượng liên quan đến di tích. DTLS-VH Bến Tre có giá trị rất lớn khi phục vụ nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Giá trị khoa học gồm các số liệu liên quan, tính hiếm hoi, chất lượng của tính đại diện và mức độ di tích đóng góp thông tin quan trọng. Như kết quả khai quật từ năm 2003 ở 3 di chỉ khảo cổ: Giồng Nổi (xã Bình Phú, Tp. Bến Tre); Ba Vát (xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc) và An Phong (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam) đã cung cấp cơ sở khẳng định vùng đất Bến Tre hình thành “khoảng 5000 năm trước”, “cách nay khoảng 2000 năm có dấu vết cư trú và sinh hoạt của con người” [16; tr.14-15]. Giá trị khoa học của DTLS-VH Bến Tre còn để lại dấu ấn trong các luận án, luận văn, các công trình nghiên cứu lớn nhỏ, chính thức lẫn không chính thức (các nghiên cứu về Đạo Dừa, về bác học Trương Vĩnh Ký của sinh viên trường ĐH Fulbright; về Mứt dừa-Dừa sấy giòn, Hát sắc bùa Phú Lễ, Mộ thân mẫu Nguyễn Đình Chiểu, đưa Nói thơ Vân Tiên vào trường Mầm non… của sinh viên trường Cao đẳng Bến Tre).

- Giá trị kiến trúc - nghệ thuật của DTLS-VH Bến Tre là những giá trị về nghệ thuật tổ chức, thiết kế không gian, môi trường, vật liệu, kết cấu, trang trí của các công trình xây dựng, địa điểm; giá trị lớn về tư tưởng, thẩm mỹ, văn hoá để du khách thưởng thức bằng các giác quan từ đó ngưỡng mộ trình độ, kỹ năng, kỹ xảo vượt lên trên mức thông thường như di tích nghệ thuật Đình Phú Lễ, huyện Ba Tri;

di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ Huỳnh phủ, xã Đại Điền và khu mộ cổ, xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú; di tích nghệ thuật Đình Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, hay di tích chưa được kiểm kê, xếp hạng: Danh thắng Cồn Phụng; Khu mộ Kỹ sư Nguyễn Thành Nam, Mộ cổ huyện Hồ, huyện Châu Thành, nhà cổ Tp Bến Tre…

- Giá trị giáo dục của DTLS-VH Bến Tre là sự truyền thụ, phổ biến các giá trị của DTLS-VH để mọi người nhận thức, tự hào truyền thống, giá trị của di tích,

nhận thấy được lợi ích của DTLS-VH trong quá trình đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển, như: DTĐK, Khu lưu niệm Trần Văn Ơn, các xã An toàn khu huyện Châu Thành, xã và vùng An toàn khu huyện Thạnh Phú; các lễ hội của tôn giáo, tín ngưỡng dân gian gắn với di tích như Lệ cúng đình Kỳ Yên, Lễ hội Truyền thống Văn hóa 1/7, Lễ hội Truyền thống Cách mạng 17/1, Lễ hội trái cây, Lễ hội Dừa, …

- Giá trị kinh tế của DTLS-VH Bến Tre là giá trị mang lại khi phân phối, trao đổi, tiêu dùng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị của di tích như lễ hội, trưng bày hiện vật, cung cấp thông tin, bán hàng lưu niệm, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, mô phỏng… Đó còn là giá trị các công trình xây dựng, kiến trúc được nhà nước và các tổ chức tôn giáo, cộng đồng đầu tư hàng trăm tỷ đồng và các giá trị gia tăng cho bất động sản quanh vùng di tích tọa lạc là những vị trí đắc địa, nhất là các di tích ở đô thị với thế đất “mặt tiền” như nhà cổ nội ô Tp. Bến Tre [Phụ lục 22;

tr.258], là điểm đến của các đầu mối giao thông... Việc khai thác DTLS-VH phục vụ nhu cầu du khách nếu không ảnh hưởng xấu đến di tích, vừa thoả mãn nhu cầu du khách, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá, đảm bảo giải quyết hài hòa mối tương quan kinh tế - văn hóa, là cơ sở thực hiện công bằng xã hội, sự tham gia của cộng đồng, bảo vệ môi trường... khi du khách đến với di tích, ẩm thực xứ dừa, các làng nghề truyền thống hoa kiểng, cây trái Cái Mơn, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa - mứt dừa - dừa sấy giòn, giấy dừa Mỏ Cày, mỹ phẩm tự nhiên từ dừa, mỹ nghệ dừa, nghệ thuật thắt lá dừa… sẽ được gia tăng giá trị thương mại – du lịch, văn hóa ẩm thực xứ dừa, sản vật, làng nghề truyền thống được gia cố tính bền vững, tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân dựa vào điểm đến du lịch là di tích.

Ngoài ra, DTLS-VH Bến Tre còn có giá trị đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo, tâm linh…thể hiện sinh động ở các danh thắng, di tích: sân chim Vàm Hồ, cồn Phụng, cồn Qui, cồn Bửng, cồn Đất, cồn Phú Đa, cồn Nhàn, Cội Bạch Mai - Đình Phú Tự, Tòa thánh Cao Đài Ban Chỉnh, Tòa thánh Cao Đài Tiên Thiên, Chùa cổ Hội Tôn, Mộ Đạo Dừa, Nhà thờ cổ Cái Mơn, Nhà thờ La Mã, Chùa Kim Long,...

Với tiềm năng to lớn từ giá trị của DTLS-VH trong bối cảnh PTDL, định hướng PTDL trong Chiến lược và Quy hoạch của Bến Tre 7 năm qua và thời gian tới

đều hướng vào di tích, nhất là một số DTLS-VH tiềm năng như 2 Di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh. Từ khi được xếp hạng quốc gia cách nay trên dưới 30 năm và sau 5 năm là di tích quốc gia đặc biệt, DTNĐC và DTĐK đã và đang tổ chức đón khách du lịch; là điểm du lịch cốt lõi trong chương trình du lịch của các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên do hạn chế trong nhận thức về mối tương quan kinh tế - văn hóa trong QLDT, DTLS-VH Bến Tre chưa thực sự tiếp cận du lịch. Cụ thể, 2 di tích quốc gia đặc biệt tuy đã được đầu tư tôn tạo, bảo tồn nhưng vẫn chưa thu hút du khách. Năm 2019, cả 2 di tích này dù không bán vé vào cổng nhưng chỉ đón 3,53%

tổng lượt khách đến Bến Tre [Phụ lục 8A; tr.202], kinh phí hoạt động chính của các di tích chủ yếu từ ngân sách nhà nước, ngoài ra không có nguồn thu nào khác.

Riêng DTNĐC có thùng công đức, bán hàng lưu niệm nhưng không đáng kể. Do đó, việc làm thế nào để 2 Di tích này hấp dẫn du khách đến Bến Tre là một vấn đề lớn được luận án đặt ra nghiên cứu khi tiếp cận bằng lý luận Kinh tế học văn hóa.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(294 trang)