CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ
2.2. Thực trạng quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Bến Tre
2.2.1. Tổ chức bộ máy và việc vận hành văn bản pháp luật về quản lý di tích
2.2.1.1. Tổ chức bộ máy quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Bến Tre
Tổ chức bộ máy quản lý DTLS-VH Bến Tre bao gồm các đơn vị, quy trình, phân công và trách nhiệm quản lý khá cụ thể được giao đến từng cá nhân, đơn vị và cộng đồng nơi di tích tọa lạc, từ ban hành văn bản, kế hoạch đến thực hiện.
Toàn bộ DTLS-VH ở Bến Tre do UBND tỉnh thống nhất quản lý thông qua Sở VHTTDL [Phụ lục 12; tr.208]. Tuy nhiên việc quản lý chỉ tập trung ở di tích đã xếp hạng; trong 18 Di tích quốc gia do Sở VHTTDL quản lý, Sở giao các đơn vị trực tiếp quản lý gồm: - Ban QLDT tỉnh quản lý 8 di tích và 1 khu lưu niệm, trong đó có 2 Di tích quốc gia đặc biệt; - Bảo tàng tỉnh quản lý 1 di tích; - UBND huyện, thành phố (phân cấp phòng VHTT) quản lý 9 di tích là đình, chùa, đền thờ và nhà cổ, mộ, 1 khu lưu niệm và 55 di tích cấp tỉnh trên địa bàn phụ trách.
Các đơn vị trực tiếp tham gia quản lý DTLS-VH ở Bến Tre gồm: 1) Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre: Là cơ quan quản lý chuyên môn trực tiếp về văn hóa trong đó có DTLS-VH. 2) Phòng VHTT huyện, thành phố là cơ quan quản lý nhà nước về VHTT-Thể dục thể thao-Du lịch, chịu trách nhiệm giám sát quản lý, trùng tu, sử dụng, khai thác di tích, danh thắng trên cơ sở quy định của Luật Di sản văn hóa (2009) và Quy định phân cấp quản lý DTLS-VH trên địa bàn tỉnh Bến Tre, bên cạnh tham mưu quản lý về du lịch trên địa bàn. 3) Trung tâm VHTT & Truyền thanh là
đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, thành phố, có nhiệm vụ tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các sự kiện văn hoá, lễ hội; giới thiệu, tuyên truyền và phát huy giá trị của DTLS-VH trên địa bàn. Đóng vai trò nòng cốt quản lý DTLS-VH Bến Tre là Ban QLDT tỉnh. 4) Ban QLDT, Bảo tàng tỉnh cùng phòng Quản lý Văn hóa là cơ quan chuyên môn thuộc Sở, chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre, Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở… có trách nhiệm chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan bảo tồn, phát huy giá trị DTLS-VH trên địa bàn tỉnh. Ba đơn vị này có nhiệm vụ cụ thể: Quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị DTLS-VH; Trực tiếp tham mưu Sở VHTTDL cấp phép và giám sát việc tu bổ di tích; Tổ chức nghiên cứu khoa học, sưu tầm, lưu trữ tư liệu, hiện vật (bao gồm vật thể và phi vật thể); Tổ chức trưng bày, quảng bá giá trị DTLS-VH Bến Tre; đầu mối phối hợp bảo tồn, phát huy giá trị di tích, gắn kết di tích với du lịch thuộc quyền quản lý các đơn vị liên quan. 5) UBND phường, xã, thị trấn là cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở, có trách nhiệm quản lý, bảo tồn di tích ở địa phương theo luật định, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau hiệu quả hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích của chính quyền cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra quản lý nhà nước về di sản còn có 6) Thanh tra Sở VHTDL, căn cứ Luật DTLS-VH và các văn bản dưới luật, Thanh tra Sở phối hợp đưa công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vào nề nếp, tuy nhiên do lực lượng quá mỏng (Phòng Thanh tra chỉ có 03 cán bộ) quản lý toàn bộ lĩnh vực văn hóa nên còn nhiều hạn chế: hoạt động chưa rõ nét, chưa chủ động, thiếu thường xuyên do các di tích ở địa bàn các huyện và xa trung tâm; Thanh tra vi phạm về di tích lại liên quan nhiều ban ngành, trong khi họ chưa thực sự vào cuộc nên còn những tồn tại cần khắc phục. Sau cùng là 7) các Ban Khánh tiết ở từng đình làng, Ban Quản trị ở từng ngôi chùa, tòa thánh, nhà thờ, đền, miếu...
Ban QLDT tỉnh hiện có 30 cán bộ (23 biên chế và 7 hợp đồng theo Nghị định 68) [Phụ lục 10; tr. 205] quản lý trực tiếp 02 di tích quốc gia đặc biệt, 06 di tích quốc gia và 01 khu lưu niệm theo sơ đồ 2.2. Cơ cấu tổ chức gồm: - Ban lãnh đạo: 01 Trưởng Ban và 01 Phó Trưởng ban; - Phòng Hành chính – Quản trị: 3 biên chế; - Phòng Nghiệp vụ: 3 biên chế (quản lý 4 Tổ QLDT). Về trình độ chuyên môn: trong
số 23 biên chế có 2 Thạc sĩ chuyên ngành văn hóa học; 13 Đại học, 4 Cao đẳng và 4 ở các trình độ khác, chủ yếu được đào tạo chuyên ngành: Bảo tồn bảo tàng; Hán Nôm; Văn hóa du lịch; Quản lý văn hóa. Độ tuổi trung bình cán bộ từ 25-40 tuổi chiếm 77%, cán bộ trên 40 tuổi chiếm 23%. Về thâm niên công tác: trên 30 năm có 2 cán bộ; từ 10-20 năm có 5 cán bộ; số còn lại công tác từ 2-9 năm.
Tuy có tổ chức, bộ máy và cán bộ tương đối hoàn chỉnh, nhưng do QLDT là nhiệm vụ của nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều đối tượng không chỉ riêng của các đơn vị QLDT nên Ban QLDT tỉnh Bến Tre chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi kết nối, phối hợp được với các bên liên quan cùng xác định những vấn đề đặt ra và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả QLDT, đặc biệt là hiệu quả của hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong bối cảnh PTDL.
Tổ chức bộ máy quản lý DTLVS-VH Bến Tre vận hành quản lý, bảo vệ di tích của tỉnh cùng sự tham gia của cộng đồng bằng một hệ thống các văn bản pháp luật nền tảng là Luật Di sản văn hóa và thông lệ, phong tục tập quán của cộng đồng thể hiện trong quá trình xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và thực hành phong tục, tập quán nhằm phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DTLS-VH. Các đơn vị QLDT có chức năng và nhiệm vụ khá phù hợp, có biện pháp can thiệp sát với thực trạng di tích nên tuy có bị động nhưng
đã kịp thời có sự điều chỉnh vận dụng chính sách QLDT thể hiện trong quá trình thực thi và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện qui định của luật pháp về QLDT.
2.2.1.2. Vận hành văn bản pháp luật về quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Bến Tre
Ngoài hệ thống văn bản chỉ đạo của Trung ương, xuất phát từ tình hình thực tế Bến Tre đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa và đưa vào cuộc sống các văn bản của Trung ương từ trực tiếp đến gián tiếp quản lý DTLS-VH trong ngành Văn hóa là chủ yếu [Phụ lục 12; tr. 208] và một số ngành liên quan. Trong các văn bản ở địa phương, quan trọng nhất là Quyết định số 25/2014/QĐ-UBND ngày 04/9/2014 của UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quy định phân cấp quản lý DTLS-VH trên địa bàn tỉnh. Đây là quy định cụ thể hóa việc kiện toàn bộ máy QLDT tỉnh, phân công trách nhiệm các cấp, các ngành bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo Luật Di sản văn hóa và Công văn số 2946/BVHTTDL-DTLS-VH ngày 27/8/2014 của Bộ VHTTDL, góp phần xây dựng, phát triển KTXH và giúp các nhà quản lý có công cụ pháp lý bảo tồn, phát huy giá trị di tích; đăng kí, quản lý và xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích.
Việc quản lý, sử dụng di tích, được quy định trong văn bản pháp luật ở địa phương khá chặt chẽ về: quản lý đất đai; công trình kiến trúc; cổ vật; tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; các nguồn kinh phí liên quan; quản lý hoạt động nghiên cứu, tham quan du lịch tại di tích. Quy định phân cấp quản lý, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị QLDT, UBND huyện, thành phố, cơ quan hữu quan khác và chính quyền ở cơ sở.
Quy định số 25/2014/QĐ-UBND, Kế hoạch số 24/KH-SVHTTDL, Kế hoạch số 49/KH-SVHTTDL là những văn bản pháp lý có nhiều điểm kế thừa, đồng thời bổ sung, hoàn thiện đầy đủ nhất, thay thế các văn bản ban hành trước đó. Trong quá trình quản lý DTLS-VH, Ban QLDT tỉnh căn cứ nội dung của các văn bản của cấp trên để triển khai, vận dụng một cách hiệu quả. Quản lý DTLS-VH ở địa phương trên thực tế luôn biến động đa dạng hơn so với những quy định trong văn bản, mỗi địa phương có điều kiện, hoàn cảnh thực tế khác nhau; vì vậy việc ban hành văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động phù hợp với thực tế ở Bến Tre là cần thiết và đảm bảo yêu cầu không trái với những quy định chung của Nhà nước.
Những năm qua, Bến Tre đã ban hành các văn bản về bảo tồn, tu bổ di tích
theo từng giai đoạn theo đúng tinh thần Luật Di sản văn hóa và văn bản pháp quy về bảo tồn, phát huy giá trị di tích phù hợp điều kiện của tỉnh. Các hoạt động này thực hiện theo Quy định phân cấp quản lý DTLS-VH trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Trên cơ sở đó, ngành chức năng xây dựng, triển khai các đề án, kế hoạch bảo tồn, tôn tạo DTLS-VH ngắn hạn, trung hạn và dài hạn như: Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DTLS-VH tỉnh Bến Tre đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 1815 ngày 21/9/2012 của UBND tỉnh Bến Tre, Kế hoạch số 49 ngày 6/5/2015 của Sở VHTTDL về việc Thực hiện Quy định quản lý DTLS-VH trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Công văn số 213 ngày 9/3/2016 của Tỉnh ủy Bến Tre về việc triển khai thực hiện 113 đầu việc theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; Chương trình số 3597 ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Bến Tre về Phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ giáo dục truyền thống và du lịch giai đoạn 2016 - 2020…
Việc quy hoạch bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị DTLS-VH chưa được thực hiện bài bản, chỉ mới tiếp cận từ góc độ xây dựng, phê duyệt và triển khai các quy hoạch tổng thể trên địa bàn tỉnh theo các loại hình di tích. Công tác nghiên cứu, xây dựng quy hoạch theo cụm di tích trọng điểm: huyện Giồng Trôm - Ba Tri, Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách; Châu Thành - Tp. Bến Tre, Châu Thành - Bình Đại… chưa được thực hiện tốt nên chưa tạo điều kiện tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích có nguy cơ mai một để đẩy mạnh phát huy, khai thác giá trị DTLS -VH, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển KTXH. Hiện nay tỉnh Bến Tre vẫn đang tập trung thực hiện Nhiệm vụ Quy hoạch và đồ án Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị 2 Di tích quốc gia đặc biệt: DTNĐC và DTĐK do Công ty Cổ phần Bảo tồn Di sản Văn hóa Kiến trúc Việt (VIETARCH, JSC) thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là đơn vị tư vấn thực hiện từ năm 2017.
Trước yêu cầu năng động của hoạt động QLDT, thực tế cho thấy vẫn một số
“khoảng trống” pháp lý trong QLDT ở Bến Tre, đây là nguyên nhân của những hạn chế trong QLDT, các ngành có liên quan trực tiếp đến di tích như Xây dựng, Giao thông… gần như đứng ngoài cuộc. Đến nay Bến Tre không có văn bản qui định cụ thể về bảo tồn di tích trong xây dựng, quản lý đô thị … hậu quả là nhiều nhà cổ
thuộc sở hữu tư nhân và ngay cả là công sản bị phả bỏ (nhà cổ Công xá Pháp, nhà cổ Đức giáo tông Nguyễn Bửu Tải) hay việc xử lý đề xuất của hậu duệ Nguyễn Đình Chiểu cải táng mộ bà Trương Thị Thiệt, thân mẫu cụ Đồ về khu mộ của Cụ ở Ba Tri (2007); Việc thiếu quan tâm gắn kết khu DTNĐC với Nơi ở của Nguyễn Đình Chiểu và gia đình tọa lạc tại Thị trấn Ba Tri (sau khi xếp hạng nơi này là di tích cấp tỉnh, di tích này gần như giao hết cho huyện); Việc trùng tu Lăng cả Cọp xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (2011); Việc lập hồ sơ xếp hạng di tích Tòa thánh Cao Đài Tiên Thiên (2015); Việc xếp hạng khu Lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định; Nhà bia Trương Vĩnh Ký là Di tích cấp tỉnh (sau 3 năm có quyết định của UBND tỉnh vẫn chưa tổ chức lễ công bố) và việc xây khu Lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khu Di tích quốc gia - chùa Tuyên Linh (2020)… đây là những dấu hiệu của “kẻ hở pháp lý” trong QLDT ở Bến Tre cần được giải quyết.