CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ
2.2. Thực trạng quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Bến Tre
2.2.3. Đánh giá thực trạng quản lý di tích lịch sử - văn hóa Bến Tre
2.2.31. Đóng góp của di tích lịch sử - văn hóa Bến Tre cho du lịch
Bến Tre có số lượng DTLS-VH thuộc nhóm đứng đầu Tây Nam bộ, di tích là tài nguyên văn hóa có giá trị cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là giá trị kinh tế (chỉ riêng kinh phí tu bổ di tích giai đoạn 2011- 2015 nhân dân đóng góp 25.748 tỷ đồng, Chương trình Mục tiêu quốc gia đầu tư 149.609 tỷ đồng, chỉ riêng huyện Châu Thành với 6 di tích đã xếp hạng trong năm 2019 đã vận động 10.477 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích) [30] nên di tích không chỉ thu hút du khách mà cả doanh nghiệp và là một động lực rất quan trọng thúc đẩy đầu tư vào du lịch. Tiềm lực kinh tế của di tích Bến Tre thông qua PTDL sẽ đem lại nguồn lực mới cho di tích, quay lại bổ sung ngân sách, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị DTLS-VH.
Tuy nhiên, đến nay do chưa có chiến lược khai thác nguồn lực từ di tích một cách khoa học, qui mô và đồng bộ nên đóng góp từ di tích cho phát triển KTXH còn hạn chế, sự gắn kết với du lịch chỉ mới ở giai đoạn đầu sơ khai mang tính tự phát, Bến Tre đã và đang bỏ lỡ nhiều cơ hội đem lại nguồn lợi từ hệ thống DTLS-VH phong phú, nhiều giá trị. Đây là vấn đề được luận án tập trung nghiên cứu tháo gỡ.
2.2.3.2. Đánh giá chung
a) Thành công và nguyên nhân Thành công
Một là, QLDT đã có sự chuyển biến về nhận thức: định hướng gắn kết di tích với du lịch đã được đề cập trong các kế hoạch, chương trình bảo tồn và phát huy giá trị DTLS-VH của ngành VHTTDL, thể hiện rõ ở hai Di tích được khảo sát.
Hai là, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý các DTLS-VH ở Bến Tre được kiện toàn, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ QLDT, đảm bảo duy trì thường xuyên hoạt động trưng bày hiện vật; hướng dẫn tham quan. Riêng hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, lễ hội được tổ chức theo lệ kỳ; việc bán hàng lưu niệm chỉ mới được quan tâm phối hợp tiếp cận theo nhu cầu du khách.
Ba là, hoạt động nghiệp vụ QLDT được tăng cường, nhất là đã liên kết với một số doanh nghiệp du lịch nên lượng khách tham quan ở các di tích tăng lên, giữ vai trò nòng cốt trong qua trình kích cầu và thu hút khách du lịch đến với Bến Tre.
Bốn là, Ban QLDT, Bảo tàng tỉnh, Hội Di sản Văn hóa, Hiệp hội Du lịch tỉnh
một số đơn vị, địa phương đã quan tâm và có những hoạt động phối hợp với doanh nghiệp lữ hành, thể nghiệm sản phẩm du lịch văn hóa mới, phù hợp thực tế.
Năm là, hoạt động QLDT đã tiếp cận với nhà tổ chức du lịch tại các di tích, hướng đến đáp ứng trải nghiệm cho du khách. Ví dụ như ở DTNĐC, khách được tạo cơ hội giao lưu với nghệ sĩ, nghệ nhân Đờn ca tài tử, nói thơ Vân Tiên, tiếp cận Hát Sắc bùa Phú Lễ, viết thư pháp, nấu ăn, làm bánh dân gian, tìm hiểu và bốc thuốc Nam. Ở DTĐK, du khách trải nghiệm đêm hội Hoa đăng tri ân anh hùng liệt sỹ, chương trình nghệ thuật và diễu hành tái hiện "Đội quân tóc dài", “Tết quân dân”.
Sáu là, quá trình phối hợp tổ chức hoạt động du lịch tại các di tích, đơn vị QLDT đã ưu tiên quan tâm đến du khách là giới nghiên cứu, học sinh sinh viên, trẻ em, người cao tuổi, cựu chiến binh… đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nhất là ở các di tích sau khi được xếp hạng để kịp thời quảng bá, giới thiệu rộng rãi di tích.
Bảy là, không gian di tích được gìn giữ trang nghiêm nhưng sống động, môi trường sinh thái và nhân văn hài hòa, an ninh an toàn cho du khách được đảm bảo.
Nguyên nhân
- Bến Tre có lợi thế PTDL di sản và du lịch sinh thái văn hóa từ hệ thống DTLS-VH của tỉnh; lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy lợi thế này.
- Với thệ thống văn bản về QLDT ngày càng tiếp cận thực tiễn, nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị DTLS-VH trong PTDL ở đội ngũ cán bộ QLDT và người dân Bến Tre từng bước được nâng lên khi di tích có tín hiệu đem lại lợi ích kinh tế.
- Trình độ năng lực các Tổ QLDT, các chủ sở hữu di tích, cộng đồng di sản ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp, nguồn nhân lực từng bước đáp ứng các yêu cầu cơ bản khi gắn kết giữa QLDT với PTDL.
- Mối quan hệ giữa doanh nghiệp lữ hành với các bên tham gia QLDT được xác lập và có điều kiện pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn để thúc đẩy phát triển.
- Quản lý nhà nước về di tích và du lịch đã có chuyển biến tốt trong liên kết phát triển theo ngành và theo lãnh thổ. Sở VHTTDL đã phối hợp với các bên liên quan tháo gỡ khó khăn, chủ động thực hiện QLDT gắn với xúc tiến quảng bá du lịch, định hướng phát triển, tiếp thị sản phẩm, tạo cơ hội giới thiệu, mở rộng thị
trường du lịch gắn với đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực QLDT trong PTDL.
b) Hạn chế và nguyên nhân Hạn chế
- Cách thức QLDT còn nghèo nàn, đơn điệu, thụ động và chưa có định hướng cụ thể cũng như nguồn lực để gắn kết với PTDL đặc thù như du lịch di sản.
- Thông tin về các hoạt động của di tích có hiệu ứng cho du lịch, các giá trị và trải nghiệm từ di tích có thể đem đến cho du khách chưa được phổ biến rộng rãi;
đa phần khách biết đến di tích là do tự tìm đến qua bạn bè, mạng xã hội, các kênh thông tin di tích đến du khách khó truy cập, không cập nhật và tính tương tác thấp.
- Tỉnh chưa tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học để thiết kế và xây dựng, triển khai các hoạt động QLDT theo định hướng PTDL ở điểm đến di tích, chưa xây dựng tiêu chí tổ chức hoạt động du lịch di sản theo hướng bền vững ở địa phương.
- Các hoạt động hiện nay ở di tích chưa thực sự khơi dậy tiềm năng và khai thác đúng giá trị của di tích, nhất là các giá trị văn hoá truyền thống, thành tố phi vật thể của cộng đồng bản địa và giá trị kinh tế; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa hoạt động QLDT và du lịch tại di tích và sự liên kết với các điểm, tuyến du lịch khác.
- Hoạt động QLDT tổ chức chưa theo hướng đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, giáo dục bảo tồn, phát huy giá trị di tích, giáo dục trách nhiệm cộng đồng ở khách du lịch, không huy động được sự tham gia của các bên liên quan trong tổ chức hoạt động của di tích nên chưa đảm bảo sự tiếp cận đa dạng, liên tục của du khách.
- Nguồn lực địa phương (cơ sở vật chất, nhân lực, sản phẩm..) chưa được ưu tiên sử dụng trong quá trình tổ chức các hoạt động du lịch tại các di tích.
- Biện pháp cụ thể hạn chế tối đa sự tác động tiêu cực về môi trường sinh thái, văn hóa xã hội, nhất là biến đổi khí hậu đối với di tích và du lịch chưa được quan tâm, xác định và có giải pháp kịp thời.
- Đóng góp về kinh tế, tạo ra thu nhập công bằng và ổn định cho cộng đồng địa phương cũng như các bên liên quan đến di tích chưa được ghi nhận, đo lường và đánh giá chính thức để đưa vào các chiến lược phát triển KTXH địa phương.
- Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ QLDT: thông tin, đăng ký dịch vụ,
quản lý khách, hướng dẫn tham quan, sức chứa khách. Trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện có về nội dung, hình thức chưa biểu hiện, liên kết giá trị di tích, văn hóa cộng đồng bản địa, điểm đến; cơ sở vật chất chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu du khách.
- Chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, giám sát chất lượng các hoạt động du lịch cũng như theo dõi, cập nhật khách đến và tương tác sau khi khách đến di tích.
- Các đơn vị QLDT chưa có cơ chế phối hợp với các bên tham gia, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành khảo sát, thiết kế, truyền thông hoạt động du lịch di sản.
- Nhà cung cấp sản phẩm, tổ chức hoạt động du lịch chưa quan tâm đến giá trị đặc trưng của di tích; nguồn lực địa phương như: ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm bản địa, nguồn lao động tại chỗ, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường.
Nguyên nhân
- Về mặt văn bản QLDT tuy có cập nhật nhưng đến nay vẫn chưa xác lập được cơ chế quản lý đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước theo bộ tiêu chuẩn tổ chức hoạt động du lịch tại các di tích ở Bến Tre. Kế hoạch QLDT hàng năm chưa xác định rõ chủ đề bảo tồn, phát huy giá trị DTLS-VH thích ứng với xu thế phát triển của du lịch. Độ vênh giữa văn bản chỉ đạo và thực tiễn hoạt động di tích dẫn đến chưa định vị du lịch trong các chương trình, kế hoạch của Ban QLDT tỉnh.
- Về tổ chức bộ máy QLDT vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo lẫn những khoảng trống. Cơ cấu tổ chức của các Tổ QLDT chưa hợp lý, đội ngũ cán bộ chuyên môn tổ chức các hoạt động kết nối với du lịch vừa thiếu lại vừa yếu… cho thấy những điểm yếu trong quản lý, nhất là ở cơ sở do thiếu sáng tạo và quan tâm tiếp cận khai thác nguồn lực quản lý từ cộng đồng, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong QLDT. Bến Tre có nhiều mô hình mới có tiềm năng gắn kết di tích và du lịch nhưng chậm được nghiên cứu, khai thác vận dụng QLDT như mô hình “Đồng quản lý”, mô hình du lịch tâm linh của Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên…
- Về đội ngũ cán bộ QLDT, nhận thức về mối tương quan kinh tế - văn hóa chưa đạt tới sự chuyển hóa thành hành động cụ thể nên các hoạt động chủ yếu do các Tổ QLDT tự tổ chức theo nhu cầu du khách và khả năng của di tích thông qua các công ty lữ hành. Chất lượng nguồn nhân lực ở các Tổ QLDT còn hạn chế về
chuyên môn nghiệp vụ và nhất là ngoại ngữ nên khách quốc tế đến các di tích Bến Tre rất khiêm tốn; Bên cạnh đó, khả năng phân tích thực tiễn, lập kế hoạch, nguồn lực, điều kiện tổ chức thực hiện, kiểm tra hoạt động của cán bộ QLDT theo hướng gắn với du lịch chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên dù di tích Bến Tre có giá trị, có lợi thế PTDP nhưng vẫn chưa khai thác được thành những sản phẩm du lịch di sản mới lạ, hấp dẫn thu hút du khách. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho khách du lịch đến di tích ở Bến Tre hiện nay vẫn ít, chưa như mong muốn.
- Về hoạt động nghiệp vụ QLDT, trên thực tế chưa có nhiều hoạt động cụ thể gắn kết với du lịch được 2 bên thỏa thuận xây dựng và cùng triển khai. Đa phần hoạt động gắn kết với du lịch ở các di tích hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, hoặc gắn kết yếu ớt với doanh nghiệp du lịch, lữ hành và địa phương. Ngay trong mạng lưới di tích của tỉnh cũng thiếu sự gắn kết chia sẻ thông tin, hợp tác với nhau. Hoạt động nghiệp vụ vẫn triển khai theo “lối mòn”, chưa kịp thời thích ứng và có giải pháp kỹ thuật để ứng phó với các vấn đề đáng báo động hiện nay như biến đổi khí hậu, dịch bệnh COVID-19 và tình trạng một số di tích ở Bến Tre đang xuống cấp nghiêm trọng, bị phá vỡ cảnh quan, không gian kiến trúc vốn có, kéo giảm sức hấp dẫn, sự an toàn đối với du khách như Đình Phú Lễ, Đình Tiên Thủy, Đình Phú Tự...
- Về nguồn lực phục vụ hoạt động gắn kết di tích với du lịch, bên cạnh nguồn kinh phí rất hạn chế, nhân lực mỏng, đa số các di tích, kể cả 2 Di tích được khảo sát như DTĐK đều có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn đơn giản, chưa hấp dẫn du khách từ điểm dừng, bãi đậu xe, khu tập trung khách, lối đi, bảng biển chỉ dẫn, khu vệ sinh đến các trang thiết bị phục vụ, vệ sinh môi trường sinh thái và nhân văn chưa đáp ứng sự mong đợi của du khách, nhất là các di tích vùng ven biển đang phát triển theo du lịch biển ở Thạnh Phú. Trong khi đó, khả năng huy động nguồn lực tổ chức hoạt động di tích gắn với du lịch ở các di tích, kể cả 2 Di tích được khảo sát (với mong muốn xây dựng thí điểm) gắn kết với du lịch từ phương tiện, nhân lực, kinh phí đến các điều kiện cơ bản khác vừa chưa chủ động vừa thiếu linh hoạt, sáng tạo.