CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ
2.3. Hoạt động gắn kết với du lịch ở 2 Di tích quốc gia đặc biệt của Bến Tre
2.3.1. Di tích Nguyễn Đình Chiểu
2.3.1.1. Tổ chức bộ máy quản lý di tích và Nguồn nhân lực
DTNĐC do Tổ QLDT Nguyễn Đình Chiểu trực thuộc Ban QLDT tỉnh quản lý trực tiếp gồm DTNĐC và kiêm nhiệm 3 di tích quốc gia khác (2 ở huyện Ba Tri, 1 ở huyện Thạnh Phú). Nhân lực QLDT gồm 13 người, (có 3 thuyết minh viên), Tổ có cơ chế quản lý chung dành cho 2 Di tích quốc gia đặc biệt của Bến Tre như sau:
Tổ chức bộ máy và nhân lực QLDT ở DTNĐC chỉ đảm bảo một số mặt cơ bản của công tác QLDT. Cán bộ hầu hết có chuyên ngành Bảo tàng, ngay cả một số kiến thức, kỹ năng gắn với đặc thù của DTNĐC cũng còn hạn chế như: Kiến thức và thực hành về Nói thơ Vân Tiên, về các bản chép tay chữ Nôm tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu… Đó là chưa kể cán bộ QLDT không được cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành Du lịch nên chỉ hoạt động theo kiểu truyền thống, thụ động gắn kết với du lịch. Hoạt động lễ hội do các nghệ nhân ở Câu lạc bộ Trơ Ba Tri thực hiện, DTNĐC chưa hình thành được một thiết chế cộng đồng do các nghệ nhân hay hậu duệ Nguyễn Đình Chiểu chủ trì thực hành nghi lễ, cúng viếng. Từ năm 2014 khi có sự quan tâm tiếp cận du lịch, hoạt động QLDT đã có sự chuyển biến nhưng chỉ ở những chừng mực nhất định theo điều kiện hoạt động có tính đặc thù của DTNĐC.
2.3.1.2. Đặc điểm Di tích - Môi trường và cảnh quang
DTNĐC có tính đặc thù, môi trường và cảnh quang khá lý tưởng luôn được bảo vệ, chăm sóc tốt từ cảnh quang bên ngoài, các yếu tố gốc của Di tích đến nội thất bên trong đền thờ… tất cả cơ bản đáp ứng hoạt động gắn kết với du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch di sản đặc thù của một di tích lưu niệm danh nhân tầm cỡ trong khu vực và cả nước với các yếu tố gốc của di tích như: - Nơi ở của cụ Nguyễn Đình Chiểu và gia đình còn là di tích cấp tỉnh (công nhận 12/2017) tại Thị trấn Ba Tri có diện tích 68,6m2; đây là nơi Nguyễn Đình Chiểu sinh sống và dạy học, bốc thuốc, sáng tác thơ văn từ năm 1862 đến năm 1888. Di tích được nâng cấp sau khi xếp hạng cấp tỉnh gồm: cổng, bia lưu niệm, hòn non bộ, tường rào. Bia lưu niệm bằng đá granit ốp tường bê tông và ốp gạch xung quanh, nội dung bia được khắc bằng chữ Việt lẫn chữ Hán. Rất tiếc vì nhiều lý do khác nhau, sau khi xếp hạng cấp tỉnh, đến nay di tích này chưa gắn kết được với quần thể DTNĐC (một phần do sự phân cấp quản lý là di tích cấp tỉnh). - Khu mộ gia đình cụ Nguyễn Đình Chiểu: Tọa lạc tại xã An Đức, gồm mộ Cụ ông, mộ Cụ bà và mộ con gái Nguyễn Thị Ngọc Khuê, một nữ sĩ giỏi thơ phú, chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam: Nữ giới chung. Khu mộ được trùng tu lần đầu vào năm 1943. Năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm tôn tạo ngôi mộ Cụ ông, Cụ bà, nâng nền mộ cao hơn và dựng chung một tấm bia mộ ở chính giữa phía trên đầu, năm 1959 mộ Nguyễn Thị Ngọc Khuê được cải táng về đây. Trong khu mộ còn có một số ngôi mộ hình tròn tương truyền của chủ đất và người giữ mộ Cụ Đồ không rõ danh tính, rất tiếc mộ thân mẫu cụ Đồ qua 3 lần cải táng lại không có ở khu mộ hiện nay [150].
Các hạng mục khác có tác động tích cực trong việc tạo ra cảnh quang, môi trường phục vụ du lịch di sản như: - Cổng lăng: Có dạng tam quan với phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam, có hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ. - Tòa nhà tiền đình: Là một nhà vuông to, gọn với hai mái chồng, lợp ngói âm dương xanh. Giữa tiền đình là tấm bia, mặt trước khắc văn bia
ca ngợi công đức, mặt sau khắc bảng tóm tắt tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu. Bài văn bia này đạt giải ba (không có giải nhất, nhì) trong cuộc thi viết văn bia do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức. - Chính điện: Là một công trình kiến trúc bề thế, hình khối lăng trụ với ba tầng lợp ngói âm dương. Tầng dưới trưng bày hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách nước ngoài, nhân dân trong nước viếng Di tích. Nội thất tầng trên có bàn thờ với tượng Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng cao 1,6 m, nặng 1,2 tấn. Phía sau tượng là bức phù điêu chạm khắc hoa văn tứ linh và hoa lá cách điệu sống động và tinh tế. Chính điện Lăng Nguyễn Đình Chiểu có kiến trúc đặc biệt với tính tư tưởng văn hóa cao. Lăng hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho “ba tầng trí thức”: dạy học, bốc thuốc, sáng tác thơ văn. Nhà bia với hai tầng mái tượng trưng cho hai công trạng nổi bật, là công đầu trong thơ văn yêu nước và bước nhảy vọt trong văn học dân gian. - Đền thờ cũ: xây dựng kiên cố năm 1972 hiện trưng bày một số hình ảnh, tư liệu về các vị thủ lĩnh nghĩa quân và một số phong trào kháng Pháp của nghĩa quân Nam kỳ cuối thế kỷ XIX. Trên hai cột cái đắp nổi hai câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” theo kiểu thư pháp. - Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam do Bộ VHTTDL đầu tư xây dựng trên 3,5 tỷ đồng, hoạt động từ ngày 16/01/2010. Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu có chức năng sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể của Việt Nam nói chung, Bến Tre nói riêng đến với công chúng trong và ngoài tỉnh, đây là 1 trong 2 trạm của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Rất tiếc Trạm chưa có nhiều hoạt động gắn kết với DTNĐC, nhiều du khách sau khi tham quan xong DTNĐC mới biết có địa chỉ văn hóa đặc biệt này.
2.3.1.3. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
DTNĐC có hệ thống cơ sở hạ tầng khá tốt và đồng bộ từ đường giao thông kết nối đến khu di tích, đường nội bộ, hệ thống cấp, thoát nước, hàng rào bảo vệ, chiếu sáng, nhà vệ sinh, nhà để xe, nhà chờ đón tiếp khách đến căng tin phục vụ giải khát, ăn nhẹ và bán hàng lưu niệm… tất cả được bảo quản, vận hành và duy tu thường xuyên, đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách. Tuy nhiên về quy mô, về nhà chờ, nhà xe, nhà vệ sinh… chưa thể đáp ứng khi cùng 1 lượt phục vụ trên 200
khách, khu vực di tích không có nhà nghỉ, khách sạn phục vụ khách lưu trú đêm, dịch vụ ăn trưa, ăn chiều chưa có… đã hạn chế phần nào khả năng thu hút du khách.
2.3.1.4. Tổ chức hoạt động du lịch
Tổ QLDT Nguyễn Đình Chiểu tiếp cận và gắn kết với hoạt động du lịch chính thức kể từ khi mở sổ theo dõi khách đến viếng Di tích từ đầu năm 2014: So với tổng lượng khách du lịch đến Bến Tre tăng vọt năm 2019 với 1882.025 lượt khách, lượng khách đến DTNĐC năm 2019 dù cao nhất từ trước đến nay (51.573) nhưng vẫn chỉ chiếm 2,74 %, [Phụ lục 8A; tr.202]. Trong tổng lượng khách đến DTNĐC khách ngoài tỉnh chiếm 60%, khách trong tỉnh chiếm 40%. Thành phần khách gồm đoàn cấp cao các nước, lãnh đạo Đảng, nhà nước và Quốc hội, bộ ngành trung ương; phần lớn khách còn lại là giới nghiên cứu, học sinh sinh viên đến tham quan, học tập, tín đồ đạo Cao Đài… Đến nay, mọi hoạt động của di tích chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu từ du khách, tiền công đức, bán hàng lưu niệm không đáng kể chỉ đủ chi cho nhang đèn và đưa vào quỹ công đoàn Tổ QLDT.
Các hoạt động phục vụ du lịch chủ yếu a) Trưng bày hiện vật
Ở DTNĐC hiện vật trưng bày được bố trí theo ba không gian kiến trúc: nhà đón tiếp, tầng trệt Lăng thờ chính và Đền thờ cũ gần khu mộ. Hiện vật khá khiêm tốn, đặc biệt có 6 bản in, viết tay tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu (hiện nay các hiện vật này chưa được bảo tồn, phát huy hiệu quả); bút tích các vị nguyên thủ quốc tế, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam… đến viếng DTNĐC. Du khách được tham quan tự do quan sát, chiêm ngưỡng, nghiên cứu, khảo sát, quay phim chụp ảnh các hiện vật trưng bày tại khu di tích chủ yếu là sách và tranh, ảnh. Đáng lưu ý 151 dữ liệu phim thô thực hiện 10 năm qua ở Trạm ngân hàng dữ liệu di sản phi vật thể Ba Tri [Phụ lục 15; tr.225] đến nay chưa được khai thác và kết nối hiệu quả với DTNĐC.
b) Hướng dẫn tham quan
Tại DTNĐC, hướng dẫn tham quan cho du khách là hướng dẫn viên Tổ QLDT hoặc hướng dẫn viên của đoàn khách. Có 90 % khách đến tham quan theo hướng dẫn của Tổ QLDT. Dịch vụ thuyết minh được cung cấp miễn phí, không quy
định bắt buộc phải đăng ký trước, tuy nhiên, đoàn khách lớn nên đăng ký trước qua điện thoại. Dịch vụ thuyết minh được thực hiện 45 – 50 phút với quy mô đoàn dưới 50 khách. Lộ trình tham quan: Nhà đón tiếp (ở cổng chính) - Nhà bia - Lăng - Nhà trưng bày tầng trệt Lăng - Đền thờ cũ - Khu mộ - Phòng bốc thuốc Nam - Trạm Ngân hàng dữ liệu di sản phi vật thể. Hướng dẫn viên di tích chủ yếu phục vụ khách nội địa, khách quốc tế sử dụng hướng dẫn viên và phiên dịch theo đoàn. Hướng dẫn viên theo đoàn cung cấp thông tin về di tích, thời gian và nội dung thuyết minh ít hơn so với hướng dẫn viên của di tích, chủ yếu dành thời gian cho khách xem video ở Trạm Ngân hàng dữ liệu di sản phi vật thể, viếng mộ, mua hàng lưu niệm… Hạn chế lớn nhất khi hướng dẫn tham quan là trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên ở DTNĐC chưa đảm bảo khi giới thiệu di tích với khách quốc tế, vấn đề này rất cần được cải thiện để DTNĐC có thể thu hút khách nước ngoài nhiều hơn.
c) Lễ hội
Tại DTNĐC lễ hội tổ chức vào dịp Ngày hội Truyền thống Văn hóa tỉnh Bến Tre 1/7 (từ 30/6-3/7 hàng năm). Hoạt động lễ hội diễn ra ở phía trước sân chính của Lăng. Sân khấu bài trí đơn giản, linh hoạt, phía ngoài khu vực diễn ra lễ hội là các quầy hàng giới thiệu sản vật, hàng lưu niệm. Chương trình lễ hội, dâng hương, viếng mộ, biểu diễn nhạc dân tộc diễn ra 90 phút; Riêng liên hoan Nói thơ Vân Tiên, Đờn ca tài tử kéo dài 3 đêm. Hiện nay Bến Tre đang nỗ lực phát triển nói thơ Vân Tiên [45] làm sâu sắc và phong phú hoạt động du lịch di sản tại khu DTNĐC.
Các hoạt động lễ hội du khách mong muốn tham gia: Theo kết quả khảo sát 283 du khách đến DTNĐC có 179 khách tham gia lễ hội (63,3 %). Kết quả đánh giá của khách về lễ hội, cũng như các hoạt động lễ hội du khách (chủ yếu là khách trong nước) mong muốn tham gia tại DTNĐC theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Lễ Dâng hương, Viếng mộ, Liên hoan nói thơ Vân Tiên, Đờn ca tài tử, Thư pháp, Thi làm bánh dân gian, Nấu mâm cơm gia đình…
Ngoài ra liên quan đến Lễ Dâng hương, Viếng mộ Nguyễn Đình Chiểu có đến 89,6 % người dân được hỏi mong muốn qui tập mộ bà Trương Thị Thiệt - thân mẫu Nguyễn Đình Chiểu từ xã Hữu Định, huyện Châu Thành về khu mộ tại
DTNĐC hoặc tổ chức tôn tạo và xác định khu mộ bà Trương Thị Thiệt hiện nay là một vệ tinh trong quần thể các di tích về Nguyễn Đình Chiểu bởi tình mẫu tử của Nguyễn Đình Chiểu rất thiêng liêng, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Liên quan đến lễ hội ở DTNĐC, một vấn đề được các tín đồ đạo Cao Đài quan tâm đặc biệt khi họ trân trọng cho rằng “Nguyễn Đình Chiểu là người đã tiên đoán về sự ra đời của Đạo Cao Đài” thể hiện qua cứ liệu từ bài thơ U Yên sấm thi. Đây là một câu chuyện thú vị cần được giới nghiên cứu quan tâm để có thể nhận ra nhiều ánh sáng mới từ các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, tạo hiệu ứng cho du lịch tâm linh - Định vị “lõi” tín ngưỡng dân gian, tri thức bản địa, văn hóa tâm linh trong không gian kết nối DTNĐC với Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể Ba Tri và phòng bốc thuốc Nam qua đường dẫn là lời tiên tri của Nguyễn Đình Chiểu từ 40 năm trước khi đạo Cao Đài ra đời để kết nối bảo tồn DTLS-VH Bến Tre với PTDL tâm linh từ 2 Trung ương đạo Cao Đài Ban chỉnh (Di tích cấp tỉnh) và Cao Đài Tiên thiên tại Bến Tre - nơi hành hương hàng năm của trên dưới 2,5 triệu tín đồ đạo Cao Đài trong và ngoài nước.
d) Bán hàng lưu niệm
Tại DTNĐC, hàng lưu niệm được bày bán ở gian hàng cạnh nhà đón tiếp khách và gian hàng cạnh phòng bốc thuốc Nam. Hàng hóa chủ yếu là quà bánh, sản vật địa phương, tranh, ảnh, vật dụng, đồ chơi... chất liệu (gốm, kim loại, gỗ, nhựa, giấy, dừa, tre,…). Giá cả được niêm yết trên các mặt hàng, khách hàng có thể tự chọn, thanh toán phổ biến là trực tiếp bằng tiền mặt. Nhân viên bán hàng phần lớn là cộng tác viên, người dân quanh khu di tích. Bên cạnh quày bán hàng ở khu đền cũ còn có phòng bốc thuốc Nam miễn phí của Hội Đông y huyện, tuy không tạo ra nguồn thu nhưng hoạt động bốc thuốc Nam là nơi “mô phỏng” thực tế 1 trong ba nghề cao quý mà Nguyễn Đình Chiểu được người dân tôn vinh là “ông Tổ”.
Qua khảo sát cho thấy DTNĐC hàng lưu niệm còn hạn chế, mặt hàng chưa thể hiện dấu ấn di tích, chưa đa dạng, chưa kết nối với phòng thuốc Nam v.v...
Chính vì vậy trong 283 du khách khảo sát, khách có nhu cầu mua hàng lưu niệm còn ít 107 (37,8%), khách không muốn mua chiếm 62,2%. Trong số 176 khách
không muốn mua, khách không có nhu cầu chiếm 13% và 87% khách không thích.
2.3.1.5. Giá trị của Di tích và việc quảng bá, tiếp thị
DTNĐC là khu lưu niệm danh nhân có nhiều lợi thế trong quảng bá, tiếp thị khi gắn với du lịch. Nguyễn Đình Chiểu là một hiện tượng văn hóa của Việt Nam thế kỷ XIX, sáng tác thơ văn của Cụ đã ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống kỳ lạ trong lòng nhân dân. Cụ không chỉ là một trong những người khai sáng dòng văn học yêu nước chống Pháp ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX mà còn là tác gia tiêu biểu cho dòng văn học này. Hiện tượng tư tưởng và văn chương Nguyễn Đình Chiểu trong văn hóa Việt Nam có ý nghĩa quan trọng và đặc biệt trên nhiều phương diện, tỉnh Bến Tre từng có thời kỳ mang tên là tỉnh Đồ Chiểu. Cụ là người đã biến văn tế vốn mang âm hưởng tang thương, đau buồn du nhập từ Trung Quốc trở thành những lời hịch mạnh mẽ, hiệu triệu lòng yêu nước của người dân Nam bộ. Tư tưởng nhân nghĩa, đạo đức của Cụ là sự tiếp nối truyền thống dân chủ và nhân đạo của dân tộc trong một bối cảnh đặc biệt. Đặc điểm này góp phần xác lập giá trị thẩm mỹ - văn học trong các sáng tác của Cụ với sự ra đời của Lục Vân Tiên - sản phẩm mang dấu ấn cộng đồng. Ảnh hưởng trong nước của Lục Vân Tiên rất sâu rộng: Truyện thơ trở thành một thể loại văn học ổn định, Nói thơ Vân Tiên - loại hình diễn xướng dân gian mới được hình thành, duy trì đến nay ở Bến Tre; Từ Lục Vân Tiên có
“Hậu Vân Tiên”; truyện thơ Nguyệt Nga, điển cố Vân Tiên, Nguyệt Nga, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm trong văn học. Đặc biệt trong sân khấu truyền thống, bài ca “Bùi Kiệm thi rớt” là bản “Tứ Đại oán” mở đầu cho hình thức ca có diễn “Ca ra bộ”, đánh dấu sự phát triển của Ca cổ nhạc Nam bộ nay là Đờn ca Tài tử, tiền thân của sân khấu Cải lương. Lục Vân Tiên còn được chuyển thể thành các loại hình nghệ thuật: Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống Lục Vân Tiên, tuồng Lục Vân Tiên, múa rối nước Vân Tiên, vở Cải lương đầu tiên ở Nam bộ cũng từ Lục Vân Tiên… hiện nay còn nhiều người dành cả đời nghiên cứu, sưu tầm văn thơ, học tập đạo lý Đồ Chiểu như ThS. Lữ Minh Châu, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng…. Điều mà ngoài Truyện Kiều chỉ Lục Vân Tiên có được. Ở nước ngoài, Lục Vân Tiên được dịch ra 3 thứ tiếng Pháp, Nhật, Anh và là tác phẩm được dịch ở nước ngoài nhiều thứ ba