Nhóm giải pháp hợp tác quốc tế về văn hóa và du lịch

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre (Trang 161 - 164)

Bối cảnh quốc tế hiện nay và những năm tới luôn có nhiều biến động, vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Du lịch Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng trong mọi hoạt động, trong đó có hội nhập và hợp tác quốc tế về du lịch. Diễn biến kinh tế, chính trị, an ninh, dịch bệnh… trên thế giới luôn có tác động lớn khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện, đặc biệt trong hội nhập và hợp tác quốc tế về du lịch. Quan hệ song phương, đa phương ngày càng mở rộng biên độ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Đây là thách thức và cũng là cơ hội cho ngành Du lịch trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao là công cụ cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch mà Bến Tre cần quan tâm coi trọng.

Giao lưu và hội nhập quốc tế đang diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, nhưng cũng là cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn tính đa dạng và bản sắc văn hóa dân tộc.

Quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình du lịch. Đồng thời, sự bùng nổ các phương tiện và công nghệ truyền thông, công nghệ giải trí tạo nên những tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống xã hội, kéo theo những tác động lớn đối với sự phát triển nhân lực du lịch.

Toàn cầu hóa kinh tế ngày càng sâu rộng, hoạt động kinh tế liên kết giữa các quốc gia tạo thành chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Yêu cầu hội nhập và hợp tác quốc tế trong du lịch là tăng cường quan hệ để phát triển; tiếp thu kinh nghiệm; xác lập thương hiệu trên trường quốc tế; PTDL góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hội nhập quốc tế trong du lịch ở Bến Tre đặt ra yêu cầu gắn kết với di tích để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng đến thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tham gia các tổ chức quốc tế; thừa nhận và áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin; tăng cường toàn cầu hóa trong khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch;

áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế trong PTDL địa phương.

Vận dụng các văn bản pháp luật liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư du lịch, ký kết các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về PTDL ở cấp địa phương, tiểu vùng hạ lưu sông MeKong; mạnh dạn tạo bứt phá bằng việc cam kết mở cửa thị trường dịch vụ du lịch của tỉnh.

Du lịch Bến Tre cần đặt mình vào xu thế hội nhập để tận dụng lợi thế của du lịch di sản trong tiến trình hướng ra thế giới, bên cạnh khai thác các yếu tố không nơi nào có được là “dây dẫn”, sự kết nối du khách quốc tế đến với các di tích ở Bến Tre từ các hậu duệ của bác học Trương Vĩnh Ký, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Kỹ sư Bùi Quang Chiêu, Kỹ sư Nguyễn Thành Nam (ông Đạo dừa) [91; tr.341-347] khi họ đang hướng về nguồn cội, với hệ thống di sản văn hóa mà các bậc lão tổ của họ để lại ở Bến Tre hàng trăm năm qua…

Xúc tiến các hoạt động hợp tác quốc tế về du lịch, tăng cường hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị bền vững DTLS-VH, lập kế hoạch hợp tác phát triển, thiết kế quảng bá sản phẩm DTLS-VH, đào tạo nhân lực, các chương trình PTDL bền vững thông qua đối ngoại nhân dân do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh và Hiệp hội Du lịch tỉnh chủ trì kết nối, quảng bá du lịch Bến Tre – quê hương của hơn 5.300 người Bến Tre đang định cư ở 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong đó có 2.000 người là trí thức, nhà khoa học thông qua 8 Ban liên lạc, kiều quyến và thân nhân cấp huyện, 89 Tổ liên lạc kiều bào và thân nhân cấp xã trong tỉnh [64].

Có cơ chế khuyến khích đầu tư nước ngoài, ngoài tỉnh vào du lịch ở các khu vực có di tích tọa lạc, thu hút khách nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Phát huy vai trò Phó trưởng ban điều phối Hội đồng liên kết hợp tác PTDL vùng Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long của Bến Tre, kêu gọi đầu tư cho du lịch, góp phần kết nối bảo tồn, phát huy giá trị DTLS-VH hiệu quả, sáng tạo thông qua các sản phẩm du lịch mới từ di tích.

Tiểu kết

Chương 3, luận án bàn luận, đưa ra giải pháp gắn kết DTLS-VH Bến Tre với du lịch, từ góc nhìn của hai di tích quốc gia đặc biệt theo định hướng bền vững:

1) Tổ chức hoạt động QLDT gắn với du lịch tại các di tích theo hướng phát triển bền vững cần xem xét kết hợp hai quan điểm: quan điểm vừa bảo tồn vừa phát triển và quan điểm hợp tác phát triển bền vững. Tại Bến Tre, trong định hướng bảo tồn và phát huy giá trị DTLS-VH, một số nội dung định hướng phát triển bền vững đã được đề cập từ khâu văn bản pháp qui, tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ đến huy động mọi nguồn lực địa phương bảo tồn di tích, bảo vệ môi trường du lịch di sản và phát triển dựa trên quy hoạch, đảm bảo sinh kế của cộng đồng di sản.

2) Hoàn thiện mô hình QLDT đảm bảo tổ chức hoạt động du lịch tại DTNĐC, DTĐK theo hướng phát triển bền vững. Quy trình tổ chức các hoạt động du lịch tại các khu DTLS-VH bao gồm các tiêu chí từ khảo sát điều kiện tổ chức, đến thiết kế tour, tuyến và tổ chức thực hiện hoạt động du lịch ở các di tích.

3) Đề xuất giải pháp QLDT gắn với du lịch tại 2 Di tích quốc gia đặc biệt và các di tích tiềm năng khác theo định hướng phát triển bền vững bao gồm: khai thác đúng giá trị di tích, thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm của du khách; đảm bảo khả năng tiếp cận nhiều của đối tượng từ ngôn ngữ, cơ sở vật chất; ưu tiên sử dụng nguồn lực địa phương (con người, nguyên liệu, sản phẩm…) đảm bảo yêu cầu thân thiện môi trường, không ảnh hưởng xấu giá trị di tích, văn hóa cộng đồng bản địa.

4) Tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp lữ hành với nhau và giữa doanh nghiệp lữ hành với các Tổ QLDT và các bên liên quan, hộ dân, cộng đồng di sản… khảo sát, thiết kế, thông tin, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch di sản, quản lý chất lượng hoạt động du lịch tại các DTLS-VH của tỉnh Bến Tre.

5) Tăng cường các công cụ giúp địa phương QLDT trong PTDL bền vững;

xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị DTLS-VH theo hướng gắn kết với PTDL bền vững; các đơn vị QLDT triển khai xây dựng kế hoạch phát triển bền vững, đào tạo hướng dẫn viên di sản, nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất, phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan trong PTDL.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa: Quản lý di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre (Trang 161 - 164)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(294 trang)