Chất lượng nguồn nhân lực QLDT trong PTDL luôn là yếu tố quyết định chất lượng hoạt động bảo tồn di tích và sản phẩm du lịch. Đối với Bến Tre, theo khảo sát của nghiên cứu sinh đội ngũ cán bộ QLDT, lao động phục vụ du lịch cơ bản đáp ứng, song vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, nhất là đội ngũ phục vụ trực tiếp trong ngành du lịch. Lực lượng lao động là cư dân địa phương chưa được sử dụng một cách hiệu quả. Với trọng tâm hướng đến QLDT gắn kết, tạo ra sản phẩm du lịch di sản lấy tài nguyên văn hóa, cụ thể là giá trị kinh tế của di tích làm cốt lõi;
mục tiêu xây dựng đội ngũ lao động có chuyên môn trong ngành du lịch Bến Tre là:
1) Chuyển đổi cơ cấu dân cư địa phương từ các ngành nghề lao động khác sang lao động dịch vụ chuyên ngành du lịch; 2) Không ngừng bồi dưỡng, bổ túc nhằm nâng
cao năng lực đội ngũ lao động hiện có và kết nối mạng lưới cộng tác viên du lịch cộng đồng theo mô hình “đồng quản lý” di tích. Để thực hiện mục tiêu đó cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
3.2.3.1. Đối với nguồn nhân lực quản lý di tích và du lịch
Đào tạo mới, đào tạo lại về quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ QLDT và du lịch, ngoại ngữ, tin học đối với các cán bộ hiện có trong ngành.
Đào tạo mới các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, tiếp thị, quảng bá, QLDT gắn với các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí.
Cần có sự liên kết, thống nhất về chủ trương, cơ chế gắn kết, phối hợp giữa các di tích lân cận với nhau, đảm bảo vai trò liên kết vùng của Bến Tre trong PTDL.
Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực QLDT và du lịch. Cử cán bộ, chuyên viên QLDT học về quản lý du lịch, học các khóa đào tạo quốc tế, đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm quản lý, tổ chức, kinh doanh du lịch di sản. Tăng cường hợp tác, trao đổi nghiệp vụ thông qua các đợt khảo sát, chuyến công tác chuyên đề, tham gia hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước về QLDT và du lịch.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút nhân tài, chính sách phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, nguồn nhân lực đang học tập, nghiên cứu tại các trung tâm lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
3.2.3.2. Đối với nguồn nhân lực là dân cư địa phương
Cư dân địa phương là nguồn lao động quan trọng hơn cả, là chủ thể và đối tượng của nguồn tài nguyên du lịch chủ lực. Không ai ngoài họ có thể đóng vai trò chủ nhà tiếp đón du khách. Không ai thay thế họ truyền tải nguyên vẹn những thông điệp của các giá trị văn hóa đến du khách trong và ngoài nước. Cư dân địa phương có thể tham gia tất cả các khâu trong xây dựng khả năng cung ứng của điểm du lịch như phục vụ trong các cơ sở lưu trú, ăn uống, phục vụ du khách tại chính nhà và gia đình của mình. Đồng thời là hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm, người hướng dẫn du khách trải nghiệm các phương thức lao động của họ và cộng đồng bản địa. Tuy nhiên để có được sự tham gia mang tính cộng đồng này cần:
Tổ chức truyền thông, phổ biến đến tận hộ dân về lợi ích của kinh doanh du lịch đối với đời sống của người dân một cách thực tế, bằng những mô hình cụ thể.
Tổ chức các khóa học, đào tạo cho người dân về cách thức làm du lịch; đồng thời giáo dục ý thức bảo tồn tài nguyên và môi trường, ý thức giữ gìn DTLS-VH và những bản sắc riêng trong chính cuộc sống hàng ngày của họ.
Riêng đối với hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm du lịch di sản, cần:
Bồi dưỡng, nâng cao khả năng Ngoại ngữ, Tin học; bên cạnh đó địa phương cần thường xuyên tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học miễn phí cho người dân.
Chuẩn hóa, áp dụng tiêu chuẩn nghề trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ. Tất cả hướng dẫn viên, thuyết minh viên cần được tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ có thẩm định trình độ trước khi cấp chứng chỉ hành nghề.
Đối với hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm đến di tích, cần đảm bảo trong quá trình hướng dẫn cung cấp đầy đủ cho du khách những quy định, những điều được làm, nên làm và không nên làm khi đi du lịch ở khu DTLS-VH.
Tăng cường bồi dưỡng văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, nâng cao khả năng nắm bắt tâm lý du khách qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn.
Hình thành mạng lưới cộng tác viên du lịch cộng đồng hỗ trợ các di tích đón khách.
3.2.3.3. Đối với nguồn nhân lực mới từ nơi khác đến
Đây là nguồn nhân lực đã được đào tạo có chất lượng về văn hóa và du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đến Bến Tre theo chân các nhà đầu tư du lịch lớn.
Là những người có đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ. Họ sẽ là người đặt nền mống tạo ra những sản phẩm du lịch di sản mới ở Bến Tre. Bên cạnh tiếp tục thực hiện chính sách, cơ chế thu hút nhân tài do UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành trước đây, cần có giải pháp thiết thực thu hút và giữ chân nhân tài du lịch, đây là lực lượng đem lại nhân tố phát triển mới cho du lịch di sản Bến Tre. Có chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ tốt để họ có thể gắn bó lâu dài với các điểm du lịch di sản của tỉnh.
Mở lớp huấn luyện, cập nhật, bổ sung các kiến thức về phong tục, tập quán, văn hóa địa phương cho nhân lực ngành du lịch từ nơi khác đến, đặc biệt là những
yếu tố gắn với nguồn tài nguyên bản địa được khai thác, các di sản đặc hữu của địa phương nhằm gìn giữ hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Bến Tre – Xứ dừa.
Tận dụng kinh nghiệm và khuyến khích sự sáng tạo – khởi nghiệp của lực lượng mới này tạo ra những sản phẩm du lịch di sản mới và gia tăng tính kết nối thu hút khách du lịch dựa trên nền tảng kho tàng DTLS-VH Bến Tre.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo môi trường nâng cao khả năng sẵn có của nguồn nhân lực ngoài tỉnh hoạt động trong ngành du lịch Bến Tre nhằm thúc đẩy tạo ra những sản phẩm du lịch di sản mới lạ, chất lượng ngày càng cao hơn.
3.2.3.4. Đối với nguồn nhân lực tại các cơ sở kinh doanh du lịch hiện có Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả lao động phục vụ du lịch khi đưa khách đến di tích, trọng dụng, phát huy vai trò truyền dạy, phổ biến, thực hành diễn xướng dân gian, tín ngưỡng, nghi thức thờ cúng từ các nghệ nhân, chức sắc, chủ sở hữu di tích tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm trong bảo tồn văn hóa bản địa, theo cách tiếp cận riêng của những thành tố văn hóa gia truyền.
Cải thiện điều kiện lao động và nâng cao chất lượng môi trường làm việc.
Hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, đánh giá, khen thưởng thích đáng, kịp thời đối với người lao động. Hoàn thiện hệ thống nội quy, tăng cường kỷ luật lao động trong hành nghề. Sắp xếp, phân công lao động thích hợp tại các bộ phận doanh nghiệp, hộ dân kinh doanh du lịch di sản.
3.2.3.5. Đối với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 trường Cao đẳng Bến Tre, Cao đẳng Đồng Khởi và 1 Phân hiệu Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, nhưng chỉ có 2 trường Cao đẳng đào tạo chuyên ngành Văn hóa và Du lịch. Đây là cơ sở cho sự ra đời đội ngũ lao động có chuyên môn cho du lịch di sản Bến Tre. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số bất cập như chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và giáo dục Đại học ở Bến Tre chưa được xác định rõ ràng, chưa có cơ chế điều phối các cơ sở đào tạo này cung cấp nguồn nhân lực đào tạo tại chỗ đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của đơn vị QLDT, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ra trường không có thông tin định hướng lựa chọn việc làm, chưa có sự gắn
kết giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch. Do vậy, tỉnh Bến Tre và các cơ sở đào tạo cần quan tâm thực hiện những vấn đề sau:
Tỉnh cần sớm có một trường Đại học (trên cơ sở phát triển Phân hiệu Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tại Bến Tre và trường Cao đẳng Bến Tre) làm đầu mối điều phối đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, kết nối giao lưu văn hóa, hợp tác – đầu tư, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Văn hóa và Du lịch Bến Tre.
Thường xuyên cập nhật nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo bám sát thực tế, đưa sinh viên đi thực tập tại các điểm du lịch ở tỉnh, trực tiếp tham gia các khâu phục vụ khách du lịch trong xây dựng sản phẩm, có những dự án khuyến khích PTDL nông nghiệp gắn với di tích do sinh viên và nông dân cùng thực hiện...
Có thông tin định hướng về các điểm di tích, điểm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch, các dự án du lịch trong tỉnh để nguồn nhân lực các cơ sở đào tạo Văn hóa – Du lịch ra trường tiếp cận khai thác và được sử dụng đúng lúc, đúng địa chỉ.
Có chính sách ưu đãi học sinh, sinh viên giỏi thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ sở kinh doanh du lịch và hộ dân hoạt động du lịch di sản.
Phối hợp với các cơ sở đào tạo Văn hóa - Du lịch như trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Trà Vinh… trước mắt phát huy vai trò nòng cốt của Phân hiệu Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tại Bến Tre liên kết đạo tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa - du lịch theo địa chỉ sử dụng thông qua các dự án văn hóa - du lịch cụ thể nhằm cung cấp nhân lực chuyên nghiệp, nhạy bén và sáng tạo, thích ứng với yêu cầu QLDT gắn với PTDL Bến Tre.