Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Cơ sở lý luận
1.2.4. Mối quan hệ giữa di tích lịch sử - văn hóa và du lịch
Ngày nay việc gắn kết QLDT với du lịch chưa được quan tâm đúng mức, để du lịch phát triển cần thiết phải tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị DTLS-VH. Khi gia tăng du khách đến với di tích cũng là lúc phải lo bảo tồn di tích, bởi thương mại
hóa di tích sẽ đe dọa tính toàn vẹn, sự sống còn của di tích. Do đó, PTDL và QLDT phải luôn song hành với nhau để đạt được cả hai mục tiêu QLDT và quản lý du lịch.
Thực tế cho thấy tuy có tiềm năng nhưng không phải di tích nào cũng PTDL được.
Sản phẩm du lịch có tính thương mại và chịu sự chi phối của thị trường, chỉ điểm đến nào có điều kiện tài nguyên (trong đó có tài nguyên từ di tích) đáp ứng mới có thể phục vụ du lịch. Mặt khác, dù có tài nguyên hấp dẫn, khả năng PTDL cao nhưng chủ thể QLDT, cộng đồng từ chối, di tích sẽ không thể trở thành điểm đến du lịch.
1.2.4.1. Ảnh hưởng của di tích lịch sử - văn hoá đối với du lịch, DTLS-VH là tài nguyên của du lịch văn hóa, tầm quan trọng của di tích đối với du lịch thể hiện ở chỗ chúng là những thực thể văn hóa quan trọng nhất được sử dụng, khai thác tạo ra sản phẩm du lịch, là bộ phận quan trọng hàng đầu của du lịch văn hóa. Bản thân DTLS-VH đã tiềm tàng những giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ, giá trị vật thể và phi vật thể đặc sắc. Việc phát huy một cách hiệu quả các giá trị của di tích sẽ ra tạo nguồn cung chất lượng, kích cầu du lịch và tạo ra động lực PTDL mạnh mẽ. Trong PTDL, tài nguyên du lịch luôn đóng vai trò quan trọng. Tài nguyên du lịch là yếu tố hạt nhân hình thành sản phẩm du lịch. Nguồn tài nguyên này càng đặc sắc và độc đáo sẽ càng có giá trị trong PTDL, gia tăng thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Giá trị của tài nguyên du lịch di sản còn được xác định bởi chất lượng bảo tồn tài nguyên di sản văn hóa. Chất lượng bảo tồn tài nguyên di sản phụ thuộc vào hai yếu tố: chất lượng bảo tồn và quản lý khai thác. Chất lượng bảo tồn tài nguyên di sản văn hóa phản ánh giá trị của tài nguyên du lịch di sản; Tài nguyên du lịch di sản có giá trị vật thể hữu hạn và giá trị phi vật thể. Giá trị vật thể của di tích còn là hình thức biểu hiện của các giá trị tinh thần phi vật thể. Giá trị vật thể hữu hạn là bởi chúng ta có thể làm mất đi không thể lấy lại được ở bất cứ một di tích quý giá nào nếu không có chính sách bảo tồn đúng đắn. Khi di tích mất đi, dù giá trị phi vật thể của di tích vẫn còn, song tính hấp dẫn du lịch sẽ không còn nữa. Do đó, hai giá trị này cần song song tồn tại và cùng hình thành nên sản phẩm du lịch. Đây là lý do giải thích vì sao phải PTDL một cách bền vững khi gắn kết với di tích.
Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên (các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch) và tài nguyên du lịch văn hóa (truyền thống văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và di sản phi vật thể phục vụ du lịch). Do vậy, di tích được xem là dạng tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao cả trong và ngoài nước. Bảo tồn, phát huy giá trị DTLS-VH đặt ra yêu cầu QLDT phải tạo động lực PTDL trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học và kinh tế của di tích. Do đó, di tích và du lịch về bản chất đã tồn tại, gắn bó chặt chẽ với nhau.
1.2.4.2. Ảnh hưởng của du lịch đối với di tích lịch sử - văn hoá, du lịch có ảnh hưởng to lớn đối với DTLS-VH, đây là vấn đề được các nhà nghiên cứu, thực hành quản lý di sản và du lịch quan tâm. Một mặt họ thừa nhận du lịch đem lại nguồn thu hỗ trợ bảo tồn, quản lý di sản [137], [139]. Mặt khác, họ cảnh báo tác động tiêu cực từ du lịch đến di sản [58], [131], [141] ... McKercher và Du Cros [135] cho rằng du lịch văn hóa đang được thừa nhận là cách sử dụng tốt nhất tiềm năng DTLS-VH. Đối với di tích và người quản lý, du lịch tạo ra lợi nhuận tái đầu tư tìm kiếm, lưu trữ, lập kế hoạch và bảo tồn vốn là việc quan trọng của QLDT. Đối với cộng đồng, du lịch giúp phát triển kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, nhiều cơ hội việc làm cho người dân, thu nhập tăng và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Lợi ích của du lịch trở nên quan trọng đối với các nước đang nghèo, nơi mà tăng trưởng kinh tế được đặt lên hàng đầu và di tích luôn đối mặt với khó khăn do nguồn tài trợ hạn chế từ chính phủ. Ở những nước này, các nhà quản lý gặp khó khăn khi bảo tồn di sản với nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng vẫn phải đảm bảo sự bền vững của di sản [130; tr.684].
Một số nhà nghiên cứu có chung quan điểm với McKercher và Du Cros về vai trò tạo ra lợi nhuận của du lịch ở các điểm di sản [140], [141]. Li, Wu và Cai [134] cho rằng du lịch là nguồn cung cấp kinh phí bảo tồn các di sản trong khi Aas,
Ladkin và Fletcher [120] nhấn mạnh với lợi ích kinh tế của du lịch, chi phí cao trong bảo tồn DTLS-VH khiến “thu nhập từ du lịch” trở nên không thể thiếu và du lịch đang dần được biết đến như một trong những hoạt động tạo thu nhập chính đối với nhiều điểm di sản. Nuryanti thậm chí còn khẳng định du lịch di sản “là một phần của việc tái cấu trúc nền kinh tế” [136; tr.257]. Không thể phủ nhận lợi ích to lớn về kinh tế do du lịch đem lại từ di tích, ngoài tạo thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống kinh tế, hỗ trợ bảo tồn di sản khi cung cấp nguồn kinh phí ổn định. Du lịch văn hóa, trong đó có du lịch ở các di tích là phương thức thu hút sự chú ý hiệu quả nhất đối với di tích; đem đến sự nhận thức lớn hơn về tầm quan trọng bảo tồn di tích [131; tr.2]. Khi người dân nhận diện được giá trị di tích, niềm tự hào được củng cố, họ sẽ nỗ lực tự bảo vệ di tích, đem lại sự phát triển bền vững, bởi không ai đối xử tốt với di tích hơn người sở hữu, giám hộ di tích.
Thông qua du lịch, di tích thực hiện chức năng giáo dục mọi người về gốc gác văn hóa và giúp hình thành bản sắc của mình [130; tr.311]; thúc đẩy mối quan tâm của mọi người đến lịch sử, văn hóa [132; tr.539]; giúp chính phủ tác động đến dư luận và giành được sự ủng hộ các mục tiêu quốc gia; thúc đẩy tham vọng quốc gia, định vị hình ảnh tích cực của đất nước, bản sắc dân tộc [130]. Từ mối quan hệ DTLS-VH và du lịch đã đặt ra vấn đề tìm hiểu nhu cầu, hành vi, trải nghiệm của du khách khi đến với di tích, đây là cơ sở để giải quyết hài hòa mối quan hệ này.
1.2.4.3. Nhu cầu - Hành vi và Trải nghiệm của khách du lịch đối với di tích
- Nhu cầu của khách du lịch đến với di tích là để được thỏa mãn nhu cầu nhận thức, thẩm mỹ, tâm linh từ giá trị của di tích và các giá trị liên quan đến di tích như cộng đồng dân cư, môi trường sinh thái - nhân văn... Kết quả tham quan, tìm hiểu của khách du lịch chính là kết quả của quá trình nhận thức, trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến di tích thông qua các hoạt động du lịch.
Kết quả nhận thức và trải nghiệm của du khách tại các điểm đến di tích phụ thuộc vào các yếu tố tác động đến quá trình nhận thức (nhận thức cảm tính, nhận thức lý tính), quá trình cảm xúc, quá trình ý chí; các trạng thái tâm lý; các thuộc tính tâm lý của khách du lịch. Du khách thỏa mãn nhu cầu nhận thức, trải nghiệm qua
các giác quan, thông qua giao lưu, hoạt động…. do đó nhu cầu của họ cơ bản giống nhau gồm: được quan sát, chiêm ngưỡng hiện vật; được cung cấp thông tin, hướng dẫn; được tham gia các hoạt động; được mua sắm hàng lưu niệm; và nhu cầu sử dụng các dịch vụ khác tại điểm di tích. Có thể khái quát các nhu cầu chính của du khách như sau: 1) Nhu cầu được quan sát các giá trị của DTLS-VH; 2) Nhu cầu được cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về các giá trị của DTLS-VH; 3) Nhu cầu được tham gia các hoạt động du lịch tại các khu DTLS-VH và 4) Nhu cầu mua hàng lưu niệm, sản vật địa phương, cũng như các dịch vụ khác. Ngoài ra, du khách còn có các nhu cầu khác: ăn uống, nghỉ ngơi, đi lại…Thỏa mãn các nhu cầu này, cần sự liên kết tổ chức và quản lý mạng lưới dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích.
Đáp ứng nhu cầu của du khách tại các điểm đến di tích, vấn đề đặt ra ở góc độ khoa học là phải quan tâm tìm hiểu Hành vi và Trải nghiệm của khách du lịch tại các DTLS-VH để hiểu được du khách có quyết định tiêu dùng nguồn lực sẵn có như thế nào (tiền, thời gian, những gì cần đạt được…) khi đến với di tích.
- Hành vi của du khách là những hành vi cụ thể của một cá nhân khi quyết định chuyến du lịch hay dịch vụ kèm theo. Philip Kotler [88] cho rằng: những yếu tố bên ngoài khi chịu tác động bởi các yếu tố tâm lý sẽ gây ra những “đáp ứng” của ở khách hàng. Hành vi thường được định hình từ một quá trình lịch sử lâu dài và có tính bền vững. Khi tổ chức hoạt động du lịch tại các DTLS-VH cần nắm rõ hành vi tiêu dùng của khách để định hướng và chủ động cung cấp dịch vụ, hoạt động, hình thức tổ chức, quy mô, cấp độ chất lượng dịch vụ phù hợp với đối tượng để du khách có những trải nghiệm tốt nhất. Tại các điểm đến di tích, có khách du lịch thích đi theo đoàn, khách phượt; khách thích có thuyết minh, có khách tự khám phá tìm hiểu các giá trị di tích. Đối với các hoạt động trải nghiệm, có khách thích tham gia giao lưu, thực hiện tất cả hoặc một phần hoạt động du lịch, ví dụ như tham gia toàn bộ hoặc một phần hoạt động mô phỏng, sản xuất hàng lưu niệm. Đối với hoạt động mua sắm, có khách thích mua sắm nhiều, mua những hàng lưu niệm kích cỡ nhỏ, có khách chỉ mua quà lưu niệm biểu hiện giá trị của di tích, văn hóa bản địa nơi đến,
khách mua hàng lưu niệm do chính tay mình làm ra, có khách ý thức bảo vệ môi trường, trân trọng di tích, văn hóa bản địa tốt, có khách không ý thức được như vậy.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của khách du lịch, mỗi đối tượng khách có hành vi tham quan, tìm hiểu di sản khác nhau do đặc điểm quốc tịch, nhân khẩu xã hội, nghề nghiệp, phong tục tập quán, tôn giáo, sắc tộc, địa vị xã hội, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thu nhập... Khách du lịch khi lựa chọn các điểm đến di tích đều chịu sự chi phối bởi các yếu tố dẫn đến hành vi khác nhau, các yếu tố này gồm:
tâm lý, xã hội, văn hoá và các yếu tố tình huống và cá nhân như tâm linh, gia đình...
Trải nghiệm của du khách khi đến di tích thường có các biểu hiện: Học hỏi, hiểu biết nhiều hơn khi đến với di tích; Thể hiện sự hài lòng và thích chuyến tham quan; Có cảm hứng khám phá giá trị di tích; Có ý thức thay đổi và thực hiện hành vi có trách nhiệm với di tích; Đánh giá đúng giá trị di tích, ý nghĩa của bảo tồn và phát huy giá trị di tích; quan tâm đến hiện vật và thông tin của hướng dẫn viên, say mê theo dõi giới thiệu trưng bày, hoạt động mô phỏng; Có thể nhớ lại nội dung giới thiệu, liên hệ giá trị của di tích sau chuyến du lịch... Những trải nghiệm này rất cần được nghiên cứu để đáp ứng từ cả người QLDT và nhà tổ chức hoạt động du lịch.