Nghiên cứu ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn Tiến sĩ Quản lý công: Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam (Trang 29 - 34)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.2. Các công trình nghiên cứu về phòng ngừa lao động trẻ em

1.2.2. Nghiên cứu ở Việt Nam

Trong cuốn sách Các văn bản quốc tế về bảo vệ trẻ em [24] năm 1998 của Vũ Ngọc Bình tuyển chọn đã giới thiệu những văn bản cơ bản nhất của Liên Hợp quốc liên quan đến việc bảo vệ trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập và một số những văn kiện khác được thông qua tại các hội nghị quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện, hoặc có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác bảo vệ trẻ em ở nước ta trong tình hình hiện nay cũng như trong những thập kỷ tới. Những văn bản này đã và đang được đông đảo các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hưởng ứng, nghiên cứu và áp dụng vào pháp luật và chính sách quốc gia về bảo vệ trẻ em.

Trong hệ thống văn bản quốc tế về bảo vệ trẻ em hiện nay có những văn bản có hiệu lực và ràng buộc về mặt pháp lý với các quốc gia thành viên sau khi đã phê chuẩn hay gia nhập. Đó là những “công ước” và “nghị định thư” của Liên hợp quốc hay của các tổ chức, cơ quan của Liên hợp quốc như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc, ILO, các công ước La Hay, các công ước Chữ thập đỏ Giơnevơ. Ngoài ra còn có những văn bản khác như

“tuyên ngôn”, “tuyên bố” “kế hoạch hành động”, “qui tắc” “hướng dẫn”,

“nguyên tắc”, “qui ước”, “tiêu chuẩn”, “khuyến nghị”, “nghị quyết”. Tuy không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và không qui định những nghĩa vụ cụ thể nào đối với các quốc gia thành viên, song các văn bản này vẫn có giá trị đạo đức và chính trị. Đó là các văn bản của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác hoặc các tuyên bố được thông qua tại các hội nghị quốc tế, thể hiện sự nhất trí cao về những vấn đề nhất định để định hướng và có giá trị chỉ đạo chung. Bên cạnh đó, trong cuốn sách này còn tuyển chọn một số văn bản được thông qua tại các hội nghị khu vực có giá trị tham khảo thiết thực về một số vấn đề có liên quan.

Tinh thần cao cả xuyên suốt những văn bản được tập hợp trong cuốn sách này là tất cả người lớn hãy làm hết sức mình để bảo vệ trẻ em.

26

Cuốn sách Nghiên cứu về lao động trẻ em ở Việt Nam 1992 – 1998 [106]

là kết quả tổng kết của dự án Tăng cường năng lực đánh giá và hưởng ứng chính sách về LĐTE ở Việt Nam do Viện Khoa học Lao động và các vấn đề Xã hội phối hợp với Trường Tổng hợp Wollongong thực hiện với sự hỗ trợ về tài chính của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan. Các nghiên cứu này đã đóng góp bước đầu nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng đề án về phòng ngừa và khắc phục LĐTE ở Việt Nam trong giai đoạn 1992-1998.

Những nội dung quan trọng của cuốn sách: 1) LĐTE ở Việt Nam đã giảm một cách đáng kể những vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc tiếp tục phải giải quyết, nhất là ở vùng nông thôn; 2) Có những sự khác biệt giữa các vùng khác nhau về LĐTE. Ở vùng nông thôn vấn đề LĐTE đối với các trẻ em gái cần chú ý hơn đối với trẻ em trai; 3) Nhóm trẻ em ở độ tuổi 11-14 cần có sự giám sát và quản lý chặt chẽ của Chính phủ; 4) Nhóm trẻ em làm việc ở độ tuổi 15-17 có sự gia tăng lớn nhất; 5) Việt Nam luôn có tỷ lệ số học sinh đi học ở cấp tiểu học cao;

6) LĐTE chủ yếu thường thấy ở các doanh nghiệp hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn; 7) Số lượng trẻ em làm thuê trong các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ không lớn. Không có bằng chứng nào về LĐTE trong các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; 8) LĐTE thường hay tập trung nhiều nhất ở những hộ nghèo; 9) Chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo cần tập trung chú ý đến vấn đề LĐTE và việc học hành của trẻ em; 10) LĐTE đang giảm một cách nhanh chóng trong số trẻ em nam, trong khi mức giảm ở trẻ em nữ là thấp hơn; 11) Luật pháp của Việt Nam có liên quan tới LĐTE là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và đã đưa ra được một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho việc quản lý vấn đề LĐTE.

Các khuyến nghị chính của cuốn sách bao gồm: i) Cần tiếp tục theo dõi vấn đề LĐTE; ii) Tiếp tục chiến lược xóa đói giảm nghèo; iii) Các nỗ lực đặc biệt cần được dành cho những địa phương có tỷ lệ tăng dân số ở mức cao; iv) Cần theo dõi tỷ lệ học sinh đi học để giảm số trẻ em thuộc diện “không ở đâu”;

v) Tập trung giúp đỡ đối tượng trẻ em thuộc nhóm dễ bị tổn thương; vi) Có chiến lược giáo dục dành cho trẻ em nữ trên cấp tiểu học; vii) Cần tăng thêm

27

giờ học tại trường ở nông thôn nhằm giảm số trẻ em làm việc biên; viii) Cần thực thi luật pháp tốt hơn về LĐTE để giảm các vấn đề liên quan tới LĐTE bất hợp pháp; ix) Cần có thêm các nghiên cứu về các nguyên nhân của LĐTE ở các vùng nông thôn và thành thị.

Song song với việc chỉ ra những nguyên nhân của LĐTE như: do sự nghèo đói; cơ hội và khả năng tiếp cận của trẻ em đối với hệ thống giáo dục và dạy nghề hạn chế; vấn đề LĐTE chưa được lồng ghép trong hệ thống giáo dục Việt Nam, nhận thức của các bậc cha mẹ cũng như xã hội chưa thấy được lợi ích và tầm quan trọng của giáo dục; các tác giả Trần Ái Hoa với bài viết Trẻ em lao động sớm – nguyên nhân và hậu quả [48] (2004), Nguyễn Hải Hữu với Giải pháp cơ bản nhằm giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay [59] (2009), Phan Thị Lan Phương với Phòng, chống lạm dụng lao động trẻ em góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam [70] (2014) đã đề xuất các giải pháp để giảm thiểu LĐTE. Theo đó, để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng LĐTE, giáo dục và dạy nghề là một trong số các giải pháp quan trọng và chủ yếu.

Qua bài viết, Lao động trẻ em - Thực trạng và kiến nghị [47; tr 2-7] tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng (2010) đánh giá: LĐTE không chỉ giới hạn trong phạm vi các vấn đề đạo đức, xã hội, pháp lý ở mỗi quốc gia mà đã trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Tác giả bài viết đưa ra 7 nhóm khuyến nghị nhằm giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ tình trạng LĐTE. Cũng theo tác giả, Việt Nam đã cụ thể hóa các quy định quốc tế vào pháp luật và chính sách của Việt Nam, nhiều chương trình quốc gia liên quan đến xóa bỏ LĐTE được thực hiện như: Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam (2001-2010);

Chương trình quốc gia ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm (2004 - 2010). Bên cạnh đó, cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động này, đồng thời đề xuất kiến nghị và 8 nhóm giải pháp cụ thể.

28

Để những giải pháp phòng ngừa LĐTE thực sự hiệu quả và khả thi thì quan trọng chúng ta phải nhận diện được LĐTE, phân biệt LĐTE với trẻ em tham gia lao động để phát triển thể chất cũng như ý thức được vai trò của lao động trong cuộc sống. Tám tiêu chí nhận diện LĐTE ở Việt Nam để giúp cho việc thống kê LĐTE thuận lợi và chính xác, từ đó giúp các nhà quản lý có được những biện pháp phòng ngừa và tiến tới xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất nói riêng và xóa bỏ LĐTE nói chung được thể hiện trong Một số đề xuất các tiêu chí để nhận diện lao động trẻ em ở Việt Nam [61], Tạp chí Lao động và Xã hội năm 2012 của tác giả Nguyễn Hải Hữu

Phòng ngừa LĐTE dưới cách tiếp cận của tác giả Lê Thanh Hà (2009) thông qua bài viết Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với vấn đề lao động trẻ em và lao động chưa thành niên [46] gắn LĐTE với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tác giả đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong vấn đề LĐTE và lao động chưa thành niên thông qua số liệu cuộc điều tra xã hội học đối với 75 doanh nghiệp thuộc 5 ngành, gồm da giầy – dệt may, khai thác mỏ, thủy sản, xây dựng và dịch vụ - thương mại trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Qua đó tác giả bài viết đề xuất 5 nhóm giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn, tuân thủ các quy định pháp luật về LĐTE.

Cùng với đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với ILO đã ban hành Quy tắc ứng xử của chủ sử dụng lao động về phòng ngừa và xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất trong các lĩnh vực da giầy và may mặc; chế biến thủy hải sản; chế tác đá và gỗ; và thủ công mỹ nghệ (mây tre đan, chiếu cói, thêu ren) [68] năm 2013; Hướng dẫn phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em dành cho doanh nghiệp [69] năm 2019. Quy tắc ứng xử này được xây dựng trên cơ sở các ý kiến đóng góp xây dựng và cùng thống nhất thông qua của một số các chủ sử dụng lao động trên địa bàn 07 huyện tại 04 tỉnh, thành phố và ngành LĐ - TB – XH (Đồng Nai, Quảng Nam, Ninh Bình và Hà Nội) với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO và VCCI trong khuôn khổ hợp tác

29

giữa ILO và VCCI. Quy tắc ứng xử này khuyến khích các chủ sử dụng lao động trong 04 lĩnh vực ngành nghề (da giầy và may mặc; chế biến thủy hải sản; chế tác đá – gỗ và thủ công mỹ nghệ: mây tre đan, chiếu cói, thêu ren), các địa phương tán thành và triển khai thực hiện, không mang tính pháp lý, không áp đặt bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Tài liệu giúp doanh nghiệp có góc nhìn tổng quan lợi ích của việc phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE trong kinh doanh.

Đồng thời, tài liệu cung cấp những kiến thức cơ bản để nhận biết thế nào là LĐTE, gợi ý những hành động thiết thực của doanh nghiệp để loại trừ những nguy cơ và hậu quả khi sử dụng LĐTE.

Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội và ILO (2011) ban hành Tài liệu tập huấn về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em [9]. Bộ tài liệu góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ LĐTE thông qua việc đưa ra các bài học với các chủ đề: (i) Khái niệm và cách xác định lao động trẻ em, (ii) Thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của lao động trẻ em, (iii) Pháp luật quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, (iv) Chính sách, pháp luật Việt Nam về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, (v) Khảo sát, lập kế hoạch hành động phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, (vi) Phối hợp, lồng ghép hành động phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, (vii) Can thiệp, trợ giúp lao động trẻ em, (viii) Giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động trẻ em.

Bài viết “Phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” [44] của tác giả Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Hà đã phân tích, đánh giá tính tương thích giữa các quy định trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động trẻ em cũng như đòi hỏi thực tiễn của công tác phòng ngừa và xoá bỏ lao động trẻ em ở Việt Nam. Theo các tác giả, tuy đã tương thích với những quy định cơ bản của luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam về lao động trẻ em hiện còn một số hạn chế, bất cập, đặc biệt là thiếu các quy định về khung pháp lí đối với người sử dụng lao động và người lao động là trẻ em ở các khu vực phi kết cấu, kinh tế hộ gia đình và ở

30

nông thôn. Trong bài viết, các tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật phòng ngừa và xoá bỏ LĐTE ở Việt Nam trong những năm tới đây.

Tóm lại, các công trình nghiên cứu về phòng ngừa LĐTE của các tổ chức quốc tế, các tác giả trong và ngoài nước nêu trên tiếp cận vấn đề LĐTE ở các góc độ xác định nguyên nhân, tác động của chính sách, pháp luật đến LĐTE, qua đó đưa ra các khuyến nghị mang tính chất định hướng để phòng ngừa, xóa bỏ LĐTE. Nhiều giải pháp đã được đề xuất dưới các góc độ nghiên cứu, trong đó đặc biệt là những giải pháp về đảm bảo cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Các nghiên cứu cũng đề cập đến vai trò của của các tổ chức, cá nhân có thể tác động đến phòng ngừa LĐTE hiệu quả hơn. Đây là những gợi ý có giá trị tham khảo cho việc thực hiện nghiên cứu của luận án.

Một phần của tài liệu Luận văn Tiến sĩ Quản lý công: Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)