Kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ công chức, viên chức quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em

Một phần của tài liệu Luận văn Tiến sĩ Quản lý công: Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam (Trang 119 - 122)

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG NGỪA LAO ĐỘNG TRẺ EM Ở VIỆT NAM

3.2. Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam

3.2.3. Kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ công chức, viên chức quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em

Để tăng cường năng lực và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong bảo vệ trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Quốc gia về trẻ em (6/2017) để làm nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện quyền và các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em; các báo cáo thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em [93].

Hiện nay tổ chức bộ máy của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội được tổ chức từ trung ương tới địa phương (trên 63 tỉnh/thành phố), trong đó, lực lượng cán bộ làm việc trong bộ máy từ trung ương - tỉnh - huyện – xã, cùng đội ngũ cộng tác viên các thôn, bản phối hợp với chính quyền các cấp, các ban, ngành đoàn thể liên quan thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em có trách nhiệm bảo đảm hoạt động và sử dụng bộ máy để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ đã quan tâm chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; tổ chức nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngày 13/7/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1126/QĐ - BLĐTBXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trẻ em.

116

- Cấp Trung ương: Hiện nay, Cục Trẻ em có 78 người, trong đó có 34 công chức, 13 viên chức, 24 hợp đồng lao động, 07 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Cơ cấu tổ chức của Cục có 06 phòng, đơn vị: Phòng Bảo vệ trẻ em; Phòng Chăm sóc trẻ em; Phòng Phát triển và tham gia của trẻ em; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng; Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn: (i) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em; (ii) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em; (iii) Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật; (iv) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trẻ em; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng và vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em; (v) Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền của trẻ em; (vi) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trẻ em; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em; giải quyết, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của trẻ em, người giám hộ và tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; (vii) Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện pháp luật về trẻ em cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (vii) Hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em [77].

- Cấp tỉnh: Hiện nay cơ cấu tổ chức của đơn vị quản lý, phụ trách công tác quản lý nhà nước về trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo nhiều mô hình khác nhau. Phòng phụ trách công tác quản lý nhà nước về trẻ em cấp tỉnh không thống nhất trong cả nước. Có 3/63 tỉnh có Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, 44/63 tỉnh giao cho Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, còn lại các địa phương khác công tác trẻ em được

117

giao cho “Phòng Bảo trợ xã hội và Bình đẳng giới”, “Phòng Người có công và Xã hội”, “Phòng Quản lý lĩnh vực xã hội” đảm nhận [31].

Cả nước có 276 công chức làm công tác trẻ em [31]. Tính trên các nhiệm vụ của Trung ương giao và nhiệm vụ quản lý nhà nước về điều phối thực hiện quyền trẻ em cấp tỉnh cho thấy khối lượng và áp lực công việc là rất lớn. Tổ chức phối hợp liên ngành về công tác trẻ em cấp tỉnh hiện có 63/63 tỉnh, thành phố.

- Cấp huyện: Cả nước có 1.168 công chức làm công tác trẻ em cấp huyện, trong đó có 194 cán bộ chuyên trách (16,61%), 974 cán bộ, công chức kiêm nhiệm (83,39%).

- Cấp xã: Các xã, phường đều bố trí cán bộ, công chức đảm nhiệm công tác trẻ em. Tổng số cán bộ, công chức làm công tác trẻ em cấp xã là 12.600 người, trong đó có 496 cán bộ chuyên trách (3,92%); 12.164 cán bộ, công chức kiêm nhiệm (96,08%) (gồm 9.099 công chức văn hóa xã hội chuyên trách theo dõi về lao động - thương binh và xã hội; 3.065 cán bộ kiêm nhiệm bao gồm cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, cán bộ Đoàn Thanh niên). Hiện có 24/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản có chế độ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên cấp xã từ mức 50.000 đồng đến hệ số 0,3 mức lương cơ sở/tháng [31].

Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng hai bộ tài liệu tập huấn cho người làm công tác trẻ em ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; triển khai đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn. Bộ tài liệu tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo cấp phòng và quy hoạch vào lãnh đạo cấp phòng của ngành, trong đó có chuyên đề về trẻ em đang được xây dựng. Các địa phương cũng tổ chức các khóa tập huấn ngắn ngày cho đội ngũ người làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã và tình nguyện viên các kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

118

Một phần của tài liệu Luận văn Tiến sĩ Quản lý công: Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam (Trang 119 - 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)