CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.4. Nhận xét về kết quả nghiên cứu tổng quan và vấn đề đặt ra cho đề tài luận án
1.4.1. Những nội dung liên quan đến luận án
Các công trình nghiên cứu đã giải quyết được những điểm sau:
Thứ nhất, về lý luận, các công trình nghiên cứu đã đưa ra khái niệm, những dấu hiệu nhận biết về LĐTE dựa theo các tiêu chí về độ tuổi, loại hình công việc và thời gian mà trẻ em phải lao động gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển về mặt thể chất, tinh thần và các cơ hội học tập của trẻ em.
Các nghiên cứu cũng đã đánh giá được các nguy hại của LĐTE và đưa ra những hành động tức thời để xóa bỏ LĐTE; cung cấp những cơ sở nền tảng, quy tắc và tiêu chuẩn có tính quốc tế mang tính tham chiếu đối với hành động của các quốc gia trên thế giới về xóa bỏ LĐTE.
Thứ hai, các nghiên đã đưa ra thực trạng LĐTE trên thế giới cũng như ở Việt Nam ở một số mốc thời gian. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến LĐTE được đề cập đến nhưng trong đó nổi bật là do nghèo đói, do nhận thức. Cùng với việc chỉ ra những hậu quả, những mặt tiêu cực của LĐTE, các nghiên cứu đã khẳng định tính tất yếu khách quan của việc ngăn ngừa, giảm thiểu và chấm dứt LĐTE. Bên cạnh đó, cần có sự nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phòng ngừa sử dụng LĐTE, hướng tới đảm bảo quyền trẻ em.
36
- Thứ ba, các nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp, khuyến nghị thiết thực để hiện thực hóa những mục tiêu chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đảm bảo quyền trẻ em.
Qua các nghiên cứu và phân tích đánh giá một số công trình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về QLNN về phòng ngừa LĐTE ở Việt Nam ở cấp độ tiến sĩ quản lý công. Các công trình nghiên cứu đã công bố tùy theo khía cạnh tiếp cận về LĐTE mà đưa ra các biện pháp chung hoặc ở góc độ pháp luật, hay giải quyết các hiện tượng cụ thể trong từng lĩnh vực chứ chưa đưa ra một hệ thống giải pháp có tính đồng bộ, vĩ mô, bền vững nhằm chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng LĐTE.
Những nghiên cứu này chưa dựa trên hệ thống lý thuyết của quản lý công để phân tích thực trạng QLNN về phòng ngừa LĐTE. Vì vậy, những vấn đề cốt yếu như: vai trò của QLNN trong ban hành chính sách, pháp luật; tổ chức thực hiện; giám sát thực hiện đối với phòng ngừa LĐTE ở các cấp, ngành, địa phương cũng chưa được các nghiên cứu đánh giá để rút ra những nhận định về kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu nói trên rất có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, gợi mở hướng nghiên cứu và rất hữu ích cho nghiên cứu sinh tham khảo, xây dựng và hoàn thiện luận án của mình.
1.4.2. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE. Tuy nhiên, dưới tác động của kinh tế thị trường và tác động trái chiều của tiến trình hội nhập, LĐTE vẫn tồn tại dưới các hình thức ngày càng tinh vi, đòi hỏi cần phải tăng cường công tác QLNN đối với lĩnh vực này. Như vậy, việc nghiên cứu một cách cụ thể, chuyên sâu và bám sát vấn đề QLNN về phòng ngừa LĐTE là công việc còn để ngỏ và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về LĐTE
37
nói chung, QLNN về phòng ngừa LĐTE ở Việt Nam nói riêng là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đã và đang được thực tế đặt ra. Do vậy, luận án cần tiếp tục nghiên cứu những vấn đề sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ sở khoa học quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em
- Luận án sẽ đề cập một cách khái quát, có chọn lọc về những nội dung đã được tiếp cận ở một số công trình liên quan, dựa trên một số khung lý thuyết để đi sâu luận giải những quan niệm khác nhau để đưa ra khái niệm khoa học của QLNN đối với phòng ngừa LĐTE.
- Phân tích làm rõ đặc điểm, vai trò, chức năng QLNN về phòng ngừa LĐTE. Trên cơ sở đó, luận án tập trung phân tích làm rõ các khái niệm cơ bản liên quan đến các nội dung QLNN cũng như đánh giá những yếu tố tác động QLNN về phòng ngừa LĐTE. Việc phân tích nhằm làm sáng tỏ cơ sở khoa học của QLNN về phòng ngừa LĐTE.
- Bên cạnh đó, kinh nghiệm trong QLNN về phòng ngừa LĐTE ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ là những nội dung được luận án quan tâm nghiên cứu, dành dung lượng đủ mức để phân tích, đánh giá và rút ra những giá trị tham khảo đối với Việt Nam.
Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em
Dựa trên hệ thống lý thuyết của quản lý công, luận án phân tích thực trạng QLNN về phòng ngừa LĐTE ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những đánh giá trên các phương diện: i) Những kết quả đạt được; ii) Những hạn chế; iii) Nguyên nhân của những hạn chế.
Thứ ba, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện QLNN về phòng ngừa lao động trẻ em
- Luận án sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện QLNN về phòng ngừa LĐTE ở Việt Nam phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và phù hợp với luật pháp quốc tế và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.
38
- Đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các cơ quan QLNN ở trung ương và địa phương.
Để giải quyết các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu của luận án, nghiên cứu sinh dựa trên hệ thống lý thuyết của Quản lý công làm chủ đạo để xây dựng khung lý thuyết QLNN về phòng ngừa LĐTE, làm rõ nội hàm, nội dung QLNN về phòng ngừa LĐTE, các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả QLNN về phòng ngừa LĐTE, nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới để rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Thông qua phân tích thực trạng QLNN về phòng ngừa LĐTE, xác định những hạn chế trong hoạt động QLNN về phòng ngừa LĐTE từ trung ương đến địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả QLNN về phòng ngừa LĐTE.
Kết luận chương 1
Nhằm đánh giá những vấn đề liên quan đến đề tài luận án cũng như những khoảng trống trong các nghiên cứu còn bỏ ngỏ, nghiên cứu sinh đã tiến hành phân tích tổng quan các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến đề tài luận án thành các vấn đề sau: lao động trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em, quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra những nội dung liên quan đến đề tài luận án đã được các khoa học, các tổ chức quốc gia và quốc tế nghiên cứu dưới góc độ lý luận và thực tiễn. Đây chính là nguồn tài liệu quý báu để nghiên cứu sinh tiếp thu và tiếp tục luận giải những vấn đề liên quan đến đề tài luận án.
Bên cạnh đó, từ kết quả phân tích tổng quan cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục giải quyết của luận án. Hiện nay Việt Nam và thế giới chưa có sự thống nhất về quy định độ tuổi trẻ em, nên khái niệm lao động trẻ em cũng chưa đồng nhất.
Qua nghiên cứu tổng quan tác giả luận án tập trung nghiên cứu giải quyết 4 nội dung cơ bản: thứ nhất, trình bày các công trình nghiên cứu về lao động trẻ em của Việt Nam và thế giới; thứ hai, nghiên cứu các công trình về phòng ngừa lao động trẻ em; thứ ba, nghiên cứu các công trình đã công bố liên quan đến quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em; thứ tư, các nhận xét về
39
tổng quan và rút ra những vấn đề luận án cần tiếp tục làm sáng tỏ đối với quản lý nhà nước về phòng ngừa LĐTE.
40