Hợp tác quốc tế về phòng ngừa lao động trẻ em

Một phần của tài liệu Luận văn Tiến sĩ Quản lý công: Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam (Trang 127 - 131)

CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG NGỪA LAO ĐỘNG TRẺ EM Ở VIỆT NAM

3.2. Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam

3.2.7. Hợp tác quốc tế về phòng ngừa lao động trẻ em

Lao động trẻ em đã và đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Các ước tính toàn cầu mới nhất chỉ ra rằng có 152 triệu trẻ em - 64 triệu trẻ em gái và 88 triệu trẻ em trai – là lao động trẻ em trên toàn cầu, chiếm gần 1/10 tổng số trẻ em trên toàn thế giới. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng khích lệ trong việc giảm thiểu lao động trẻ em trong hai thập kỷ qua, tốc độ tiến độ đã chậm lại trong những năm gần đây [122]. Nhận thức được vị trí và vai trò của trẻ em trong tiến trình phát triển, Việt Nam xác định hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, tổ chức Lao động quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ như Save the Children, Plan, World Vision, Child Fund trong việc tham gia ký kết, phê chuẩn các điều ước quốc tế. Việt Nam đã tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn nhằm chia sẻ trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia, tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên gia, tài chính, kinh nghiệm và các nguồn lực khác để triển khai cam kết quốc tế ở Việt Nam về phòng ngừa LĐTE cũng như chuyển giao tài liệu và kỹ năng phòng ngừa LĐTE, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phòng ngừa lao động trẻ em. Các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này bao gồm:

- Phê chuẩn và gia nhập Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em 1989, Công ước số 182 về Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm

124

1999, Công ước số 138 của ILO về Tuổi tối thiểu được đi làm việc năm 2003.

Việc phê chuẩn các công ước trên đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong khẩn trương thực hiện các biện pháp kịp thời nhằm xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

- Tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về chủ đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, qua đó chia sẻ kinh nghiệm cũng như đưa ra những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. Hội thảo Vận động chính sách trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng được tổ thức tháng 6/2016 với sự tham gia của các Bộ, ban ngành liên quan. Hội thảo đã thảo luận về giải pháp giảm và chấm dứt lao động trẻ em nói chung và trong các chuỗi cung ứng nói riêng, đặc biệt về vai trò của các cơ quan liên quan cũng như thách thức và giải pháp để giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng khi mà các chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp bao gồm cả nhân công, các nhà sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Khóa tập huấn “Tiêu chuẩn quốc tế về Lao động trẻ em và Các cơ chế giám sát và nghĩa vụ báo cáo việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động trẻ em”

tổ chức tháng 9/2018. Khóa tập huấn hướng tới các mục tiêu: (1) Giới thiệu các quy trình của hệ thống tiêu chuẩn lao động quốc tế và đặc biệt các các cơ chế giám sát, bao gồm vai trò và chức năng của Ủy ban Chuyên gia về áp dụng các Công ước và Khuyến nghị (CEACE); (2) Nội dung, nghĩa vụ và đảm bảo các yêu cầu tuân thủ sau khi phê chuẩn Công ước 138 và Công ước 182, làm thế nào để báo cáo tốt hơn với ILO về việc thực hiện các Công ước; (3) Sự điều phối các bên liên quan chính trong quá trình xây dựng các chính sách và hành động quốc gia để Công ước 138 và Công ước 182 của ILO; (4) Sự điều phối của các bên liên quan trong quá trình giám sát và báo cáo về việc áp dụng Công ước 138 và Công ước 182 của ILO, bao gồm các phản hồi ý kiến nhận xét của Ủy ban Chuyên gia về áp dụng các Công ước và Khuyến nghị.

Tổ chức Đối thoại về chính sách các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan tới lao động trẻ em trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại tháng 3/2019. Đối thoại nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế

125

cũng như các doanh nghiệp đến các tổ chức quốc tế, đưa ra các khuyến nghị, góp phần đề xuất các giải pháp phù hợp cho việc phòng, ngừa lao động trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng ngày càng được được quan tâm hơn, đặc biệt là vấn đề lao động trẻ em. Do đó, việc phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính các em, gia đình, cộng đồng và của cả doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền vững, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Hội thảo Tham vấn về việc triển khai các cam kết quốc tế về phòng, chống lao động trẻ em và xây dựng sổ tay hướng dẫn tháng 6/2020. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống luật chính sách quốc gia, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết quốc tế liên quan tới phòng ngừa lao động trẻ em. Theo các chuyên gia, để xóa bỏ lao động trẻ em, cần tăng cường vai trò giám sát của chính quyền địa phương đối với tình hình lao động trẻ em: nắm tình hình kinh tế, việc làm và đời sống của các hộ gia đình trên địa bàn; tình hình đi học/bỏ học của con em các hộ gia đình; tình hình biến động dân cư và di cư lao động. Đồng thời, Nhà nước cần có các chính sách, chương trình hỗ trợ người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, người nghèo.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của người sử dụng lao động. Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ rằng sử dụng lao động trẻ em là phi đạo đức và bất hợp pháp.

Đồng thời, phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, với các cơ quan của Chính phủ để nắm bắt thông tin kịp thời, đặc biệt là về chính sách, quy định luật pháp, tận dụng các chương trình hỗ trợ của chính phủ, tuân thủ luật pháp lao động và các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn về lao động trẻ em.

Cùng với đó, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Từ các hoạt động

126

trên, hai cuốn tài liệu đang được xây dựng là Cuốn cẩm nang về thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trẻ em, và Một số kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em sẽ được xuất bản trong thời gian gần nhất.

- Thực hiện các chương trình dự án nâng cao năng lực về phòng ngừa lao động trẻ em. Với sự hỗ trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ, ILO đang triển khai dự án ENHANCE - Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020, địa bàn triển khai là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang. Dự án hỗ trợ trực tiếp về kỹ thuật để thúc đẩy các nỗ lực của Chính phủ trong giải quyết lao động trẻ em, xây dựng trên những thành quả hiện tại và giải quyết lao động trẻ em trong khu vực phi chính thức cũng như một số ngành như may mặc, nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ. Dự án gồm 3 hợp phần: hợp phần nâng cao năng lực của các cơ quan Việt Nam và các tổ chức liên quan trong việc xác định và giải quyết vấn đề lao động trẻ em như một phần trong nỗ lực thúc đẩy các tiêu chuẩnquốc tế về lao động sẽ được nâng cao; hợp phần nâng cao nhận thức về lao động trẻ em, các mối nguy hiểm liên quan và quy định cấm lao động trẻ em được nâng cao trong tất cả các tầng lớp xã hội; hợp phần can thiệp trực tiếp:

các mô hình can thiệp lồng ghép theo địa lý và theo lĩnh vực nghề nghiệp nhằm phòng ngừa và đưa trẻ em tránh khỏi các nguy cơ hoặc các hình thức lao động tồi tệ nhất được xây dựng, thực hiện và lưu trữ thành tư liệu.

Để huy động nguồn lực trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án trợ giúp, phòng ngừa LĐTE, trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNICEF, ILO, Save the Children, Plan, World Vision, Child Fund nên đã tranh thủ quốc tế cả về kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để triển khai cam kết quốc tế ở Việt Nam về phòng ngừa LĐTE cũng như trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tài liệu và kỹ năng phòng ngừa LĐTE.

127

Một phần của tài liệu Luận văn Tiến sĩ Quản lý công: Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam (Trang 127 - 131)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)