CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CHO VAY DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM -
3.3. Một số kiến nghị
3.3.1. Kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ kiên định với các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt song không bền vững. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành, tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dài hạn.
Thứ hai, về môi trường pháp lý, Chính phủ cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật một cách cụ thể, chi tiết nhằm tạo lập một khung pháp lý hoàn chỉnh, chặt chẽ, đầy đủ và đồng bộ. Cần nhấn mạnh yêu cầu hợp lý và khả thi trong soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo rằng pháp luật là cơ sở để thúc đẩy kinh doanh an toàn chứ không phải rào cản khiến hoạt động kinh doanh khó khăn (với các quy định không hợp lý) hoặc bấp bênh, rủi ro (với các quy định không khả thi làm doanh nghiệp luôn ở tình trạng vi phạm pháp luật do quy định không thể thực hiện được). Đặc biệt, Chính phủ cần kiện toàn các quy định điều chỉnh hoạt động của ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp nhỏ và vừa để hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có điều kiện phát triển và hoạt động của ngân
hàng cũng an toàn, lành mạnh hơn, góp phần nâng cao chất lượng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba, Chính phủ cần có những chính sách cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất như xây dựng một hệ thống quy hoạch đối với việc sử dụng đất để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô hợp lý và giá thuê đất phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời chính quyền địa phương các cấp cần kiên quyết hơn trong việc giải quyết những vướng mắc liên quan tới giải phóng mặt bằng, đền bù hay thu hồi đất…
nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được hình thành.
Thứ tư, ban hành những chính sách, điều luật nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới, nhập khẩu các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ nước ngoài để vận dụng trong sản xuất; Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hoạt động chuyển giao công nghiệp; Khuyến khích thương mại hóa và phát triển thị trường tài sản trí tuệ; Nâng cao nhận thức cho chính quyền và doanh nghiệp về vài trò của khoa học, công nghệ đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp cũng như kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư cho khoa học, công nghệ chính là đầu tư để phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong hội nhập quốc tế.
3.3.2. Kiến nghị với Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, các hiệp hội cần xác định rõ mục tiêu cũng như phương hướng hoạt động của hội mình, đồng thời nâng cao vai trò hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp là hội viên.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp có uy tín trong hội nhưng không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, hiệp hội sẽ cùng với các ngân hàng tiến hành thẩm định hồ sơ xin vay vốn và đứng ra bảo lãnh cho khoản vay này của
doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng hơn.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasmea) cần phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò của mình trong hoạt động cung cấp thông tin, làm cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp và liên kết doanh nghiệp với thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3.3.3. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần ban hành các quy định điều hành chính sách tiền tệ một cách ổn định và mang tính định hướng lâu dài, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp chủ động trong việc hoạch định chiến lược hoạt động của mình.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác truyền thông về thực hiện chính sách tiền tệ, ngoại hối… để tăng lòng tin của thị trường và nhà đầu tư về chủ trương nhất quán của Chính phủ, tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính. Đặc biệt trong việc điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cần tạo niềm tin về một sự ổn định trong trung hạn để các ngân hàng thương mại có thể cung cấp các khoản cho vay lãi suất ổn định trong trung và dài hạn cho doanh nghiệp; Tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất ở mức ổn định và ở mức thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp; Tiếp tục duy trì trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Thứ ba, ban hành những quy định chỉ đạo, hướng dẫn một cách cụ thể và kịp thời cho các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện những chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, ban hành các Thông tư hướng dẫn cụ thể đến từng ngân hàng
thương mại để việc thực hiện của các ngân hàng được đồng bộ và đạt hiệu quả tốt nhất.
Tiểu kết chương 3
Trong nội dung chương 3, luận văn đã nêu ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện sản phẩm cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện đại hóa trang thiết bị và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ nhân viên tại ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Kinh Bắc . Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp này không những nâng cao hiệu quả cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường, tạo được chỗ đứng vị thế của ngân hàng và tăng thu nhập cho ngân hàng cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.