Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG CNH, HĐH
1.2. Cơ sở thực tiễn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
1.2.1. Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa một số địa phương
1.2.1.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc
Để tạo việc làm phi nông nghiệp tại chỗ cho lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, huyện Lập Thạch đã tổ chức các dịch vụ đào tạo, dạy nghề cho người đến tuổi lao động ở nông thôn kể cả đối với nông dân thiếu việc làm để họ có thể làm việc trong các doanh nghiệp, nhà máy ở nông thôn. Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm như hỗ trợ lãi suất cho vay để nông dân có thể phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn thông qua chính sách hỗ trợ hoạt động thương mại, đào tạo các kiến thức về quản lý và chuyên môn cho các doanh nghiệp. Khuyến khích đầu tư công nghiệp ở nông thôn như cung cấp tín dụng ưu đãi để phát triển các nhà máy sử dụng lao động nông thôn. Khuyến khích các dự án đầu tư, hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ nhà máy sản xuất.
Bên cạnh đó huyện cũng rất quan tâm đến phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn để tạo điều kiện đưa công nghiệp và dịch vụ về nông thôn.
1.2.1.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
Những năm gần đây, huyện Thạch Thất rất chú trọng phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn để tạo việc làm tại chỗ, thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp qua đó hạn chế lao động di trú tự do từ nông thôn ra thành thị, giảm sức ép dân số vào khu vực đô thị lớn như thủ đô Hà Nội hiện quy mô dân số đã lên tới gần 8 triệu dân.
Để phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, huyện đã có các biện pháp chính sách như hỗ trợ đào tạo, cho vay ưu đãi để nông dân mở mang các ngành nghề mới. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để tạo việc làm tại chỗ cho lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chương trình đào tạo, dạy nghề cho thanh niên nông thôn để tự mình khởi nghiệp và có điều kiện tìm kiếm việc làm phù hợp.
Tổ chức đưa công nghiệp về nông thôn để giải quyết việc làm cho lao động dôi dư ở khu vực nông nghiệp thông qua chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Bố trí phát triển các khu công nghiệp, nhà máy sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến nông nghiệp và công nghiệp cơ khí tại các vùng nông thôn.
1.2.1.3. Kinh nghiệm chuyển dịch CCKT nông nghiệp tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình
Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình được chia thành hai huyện là huyện Cao Phong và Kỳ Sơn từ tháng 3 năm 2002. Cơ cấu kinh tế của huyện Kỳ Sơn năm 2002 sau khi tách huyện là Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản chiếm 60%;
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 21%, Thương mại - Dịch vụ - Du lịch chiếm 19%.
Sau 17 năm chia tách huyện, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, huyện Kỳ Sơn đã tập trung phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kết quả: Cơ cấu kinh tế huyện đã có sự chuyển dịch
theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp đã giảm nhanh từ 60% năm 2002, đến năm 2019 còn 26,9%, công nghiệp - xây dựng từ 21%
năm 2002, đến năm 2019 tăng lên 38,6%, dịch vụ từ 19% năm 2002 tăng lên 34,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm.
* Về sản xuất nông nghiệp: Đã cơ bản hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng được nâng lên, an ninh lương thực được đảm bảo. Tổng diện tích gieo trồng bình quân đạt 4.800 ha, trong đó diện tích lúa đạt trên 2.000 ha, năng suất bình quân đạt trên 50 tạ/ha. Tống sản lượng lương thực có hạt hàng năm bình quân đạt trên 13 ngàn tấn. Đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản của huyện phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, tỷ trọng chăn nuôi tăng cao trong tổng giá trị ngành nông, lâm nghiệp và là nguồn thu nhập chính cho các hộ nông dân.
* Về sản xuất công nghiệp: Kỳ Sơn đã hình thành một số khu, cụm và điểm công nghiệp của huyện như: Mông Hóa, Phú Minh, Yên Quang, Dân Hòa đã có trên 50 dự án đầu tư trên địa bàn với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống tiếp tục được duy trì phát triển tập trung chủ yếu và các ngành như: sản xuất vật liệu xây dựng, chổi chít xuất khẩu, sản xuất gạch, đồ mộc, chế biến nông, lâm sản và thức ăn chăn nuôi...
* Về dịch vụ: Được đẩy mạnh đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân đóng góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội hàng năm đều tăng cao. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn được tăng cường.
Công tác thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch được chú trọng, các dự án đầu tư du lịch sinh thái đã đi vào hoạt động khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế của huyện như khu du lịch sinh thái Thác Thăng Thiên (xã Dân Hòa), du lịch sinh thái và nhà vườn tại Mông Hóa và Dân Hạ, hàng năm tiếp đón trên 5.500 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
* Về phát triển và nâng cao hiệu quả các thành phần kinh tế: Trên địa bàn huyện hiện có 50 doanh nghiệp đã, đang đầu tư với tổng số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng, 1.720 hộ sản xuất kinh doanh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Có được kết quả trên, huyện đã xác định đúng hướng đi, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thu hút các dự án đầu tư, tạo bước đột phá trong chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch mở rộng mặt bằng để xây dựng một số trụ sở cơ quan, khu dịch vụ, thương mại, quy hoạch các vùng kinh tế và quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả, tiết kiệm. Khai thác và phát triển hiệu quả những vùng đất nhiều tiềm năng thuộc tuyến đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình và đường Dân Hạ - Độc Lập. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; quản lý và khai thác có hiệu quả quỹ đất các khu, cụm và điểm công nghiệp của huyện tại Mông Hóa, Yên Quang, Phú Minh và Dân Hòa, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng và các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, đặc biệt là những dự án tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, tạo cơ chế, chính sách thông thóang cho các nhà đầu tư. Ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng ít diện tích đất, sản phẩm có sức
cạnh tranh cao, tạo bước phát triển vững chắc trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
1.2.2. Bài học kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội
Nghiên cứu về quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ lý luận và thực tiễn như trên có thể rút ra 1 số kinh nghiệm cho huyện Mỹ Đức như sau:
- Để dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp nhằm nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, một mặt về giảm tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm và lao động xã hội. Mặt khác, nâng cao giá trị và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp;
- Mở rộng và phát triển hệ thống dịch vụ ở nông thôn là xu thế phổ biến ở nhiều nước trong khu vực và thế giới;
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững;
- Chú trọng thực hiện cách mạng khoa học - kỹ thuật trong nông lâm nghiệp, nông thôn;
- Huyện cần quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn như đổi mới công nghệ sinh học, bảo quản và tiêu thụ nông sản (gạo, rau quả, thịt...) và hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển dưới nhiều hình thức;
- Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thương xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự quan tâm đầu tư thích đáng của Nhà nước. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng tình hình về nông nghiệp, nông thôn và đặc điểm riêng về kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên của địa phương, cần xác định và lựa chọn giống cây, vật nuôi phù hợp để tập trung chuyển dịch. Đa dạng hóa nông nghiệp dựa trên cơ sở sản xuất hàng hóa, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở sản xuất chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp.
Chương 2