3.2. Giải pháp hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại khách sạn Bàn Thạch
3.2.4. Giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Để có một nguồn nhân lực tốt ngoài việc tổ chức phân tích, phân công công việc khoa học, tuyển chọn đội ngũ lao động có năng lực phù hợp, công tác đào tạo, đào tạo lại và phát triển nhân lực cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Kết quả như việc phân tích trên cho thấy việc đào tạo, đào tạo lại và phát triển
nhân lực phải được diễn ra thường xuyên, liên tục và phải được lập trình vào kế hoạch hàng năm, quý, tháng.
Trong thời gian qua, do công tác đầu vào của khách sạn Bàn Thạch chưa hiệu quả, công tác đào tạo cũng chưa được chú trọng nên chất lượng lao động của các bộ phận nghiệp vụ chưa cao. Cụ thể là trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa thành thạo và trình độ ngoại ngữ thấp. Việc tổ chức đào tạo và đào tạo lại trong khách sạn có thể diễn ra với nhiều phương pháp, cụ thể như sau:
* Đối với nhân viên mới
- Kèm cặp hướng dẫn tại chỗ: thông qua việc bố trí lao động theo cặp, những người có tay nghề cao kèm cặp hướng dẫn những người có tay nghề thấp trong quá trình cùng làm việc. Cùng với việc kèm cặp của người có tay nghề cao thì tổ trưởng cũng phải thường xuyên theo dõi hướng dẫn, uốn nắn thêm. Kiểu đào tạo này có ưu điểm dễ tổ chức, ít tốn kém, đơn giản và có thể đào tạo nhiều người ở nhiều bộ phận cùng một thời gian, đồng nhân viên nắm được cánh thức giải quyết công việc. Nhưng nhược điểm là đòi hỏi người hướng dẫn phải thạo nghề và có phương pháp sư phạm, trong quá trình học hỏi người học có thể học luôn những thói quen xấu của người hướng dẫn và rất khó sửa sau này. Hơn nữa, sẽ khó thực hiện nếu người hướng dẫn cảm thấy nguy cơ về công việc của họ sau này. Vì vậy, kiểu đào tạo này nên áp dụng cho bộ phận Bếp và Bàn vì ở đó lãnh đạo bộ phận là người có chuyên môn và yêu cầu nghề, vị trí của họ đã được khẳng định.
- Tổ chức các khóa training, hướng dẫn tạo điều kiện cho các nhân viên được học hỏi nhiều công việc. Qua đó doanh nghiệp có thể phát hiện ra tiềm năng của mỗi nhân viên và xếp họ vào đúng vị trí công việc để chất lượng lao động đạt hiệu quả.
- Phương pháp liên kết với các trường học: phương pháp đào tạo này có 2 dạng, ngắn hạn theo các chuyên đề tại các trường chuyên ngành (trung cấp, đại học…) áp dụng cho các quản trị viên các cấp, đào tạo dài hạn áp dụng cho lực lượng quản trị viên kế cận …
* Đối với nhân viên cũ
Tùy theo yêu cầu thực tế, đặc điểm tình hình nhân lực của khách sạn từng thời kỳ để có các hình thức đào tạo phù hợp, bảo đảm hiệu quả (chi phí thấp, tác dụng nâng cao tay nghề cho cán bộ, nhân viên nhanh). Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, khách sạn cần triển khai ngay một số công tác, đào tạo sau:
- Về trình độ ngoại ngữ, do bộ phận bàn và buồng của khách sạn thấp nên khách sạn cần có các giải pháp để đào tạo ngoại ngữ cho hai bộ phận trên.
Phương pháp đào tạo có thể là khách sạn thuê giảng viên ở trường Đại học Quảng Nam hoặc các trung tâm ngoại ngữ (trung tâm AMA, Galaxy,…) đến tại khách sạn để đào tạo ngoại ngữ cho các bộ phận bàn và buồng vào các mùa thấp điểm (tháng 9,10,11,12), khuyến khích nhân viên tự học bằng cách tăng bậc lương. Đặc biệt, sau khi tổ chức đào tạo xong khách sạn nên tổ chức đánh giá hiệu quả đào tạo bằng cách thi cử để nhân viên cố gắng đào tạo bản thân.
- Khách sạn nên thường xuyên tổ chức đào tạo lại các nghiệp vụ như nghiệp vụ buồng đối với bộ phận buồng phòng, nghiệp vụ bàn đối với bộ phận nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân đối với bộ phận lễ tân bằng hình thức training vào các mùa thấp điểm của năm (từ tháng 9 đến tháng 12) để nâng cao tay nghề.
- Ưu tiên lập kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý từ cấp lãnh đạo cao nhất đến cấp tổ trưởng các tổ chuyên môn đến các bộ phận.
- Phải xây dựng cơ chế hữu hiệu (hỗ trợ học phí, xét nâng bậc lương,…) nhằm khuyến khích cán bộ, nhân viên trong khách sạn tự học, tự trao dồi kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ của vị trí làm việc yêu cầu, học ngoại ngữ, các kiến thức về sản phẩm của khách sạn và xã hội.
- Cần phải đầu tư nguồn ngân sách cho công tác đào tạo và cần duy trì ổn định nguồn ngân sách cho hoạt động đào tạo, để hoạt động này có cơ sở đi vào nề nếp.
- Sau khi đào tạo phải tiến hành đánh giá để đưa ra các ưu và nhược điểm, từ đó khắc phục các hạn chế để công tác đào tạo đạt kết quả tốt.