Giải pháp về tạo động lực cho người lao động

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TẠI KHÁCH SẠN BÀN THẠCH, THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 103 - 107)

3.2. Giải pháp hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại khách sạn Bàn Thạch

3.2.6. Giải pháp về tạo động lực cho người lao động

Trên thực tế công tác tạo động lực cho người lao động tại khách sạn về vật chất được thực hiện khá tốt, về mặt tinh thần cũng có một số hoạt động đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên khách sạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

3.2.6.1. Đãi ngộ vật chất - Tiền lương:

Để phát huy hiệu quả của công tác tiền lương, bộ phận nhân sự phải tham mưu được hệ thống thang bảng lương phù hợp với quy định của pháp luật, với tình hình thực tế của khách sạn và với mặt bằng chung trong hệ thống khách sạn trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Những nguyên tắc của hệ thống thang bảng lương mới bao gồm:

- Lương nên định hướng theo khách hàng: tức là lương năng suất, điều này sẽ kích thích nhân viên làm việc sao cho có nhiều khách quay trở lại khách sạn lần sau.

- Lương định hướng theo bộ phận, nhóm các bộ phận: vì sản phẩm của khách sạn thường là kết quả của nhiều bộ phận nên việc định lương theo nhóm có tác dụng nâng cao mối liên kết giữa nhóm, bộ phận giúp cho sản phẩm khi cung ứng cho khách được hoàn chỉnh hơn.

- Lương phải đo lường được: từng người đều có thể tự tính được tiền lương của họ trên cơ sở đánh giá chất lượng công việc họ đã làm, như vậy sẽ kích thích người lao động làm việc tốt, đồng thời tránh được thắc mắc trong việc trả lương.

- Việc xây dựng hệ thống lương cần có sự tham gia của toàn bộ nhân viên.

Hệ thống thang bảng lương mới cần xóa dần sự bất hợp lý giữa các mức lương chức danh với nhau và với nhân viên, đồng thời khuyến khích mọi người học

thêm để nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ ngoại ngữ, giữ chân những người có năng lực.

Ví dụ: có thể quy định hệ số cho từng trình độ, bằng cấp mà nhân viên đạt được (chẳng hạn, lương người có bằng đại học được cộng thêm 400.000/tháng;

trung cấp và tương đương được cộng thêm 200.000/tháng; có bằng ngoại ngữ mà khách sạn còn thiếu như: Trung, Nhật, Hàn,… được thêm 200 – 400.000/tháng tùy theo từng trình độ và bộ phận công tác…). Kèm theo đó là hệ thống phân phối tiền thưởng hợp lý được đánh giá từ kết quả thực hiện công việc của từng nhân viên trong tháng, như vậy sẽ thúc đẩy nhân viên chú ý đến chất lượng công việc hơn.

- Tiền thưởng:

Ngoài tiền lương thì tiền thưởng cũng là một kích thích vật chất có tác dụng rất tích cực đối với người lao động trong việc nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Tại khách sạn Bàn Thạch nhìn một cách tổng quát chưa áp dụng nhiều hình thức thưởng. Trong thời gian tới công ty có thể áp dụng một số hình thức thưởng như là:

+ Thưởng sáng kiến: áp dụng cho những nhân viên có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tìm ra những phương pháp làm việc mới có hiệu quả.(Chẳng hạn như:

nhân viên có ý tưởng kinh doanh mang tính khả thi, có phương pháp làm buồng phòng tốt tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng….).

+ Thưởng theo kết quả hoạt động kinh doanh dựa theo doanh thu và lợi nhuận do từng bộ phận tạo nên. Trong mỗi kỳ kinh doanh khách sạn nên đặt ra mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận cho mỗi bộ phận, nếu bộ phận đạt được mục tiêu quy định sẽ được thưởng theo % so với mức lợi nhuận đạt được. Trên cơ sở đó tổ trưởng mỗi bộ phận sẽ tiến hành tính cho các nhân viên trên cơ sở bình bầu giữa các thành viên trong tổ.

- Để có ý kiến khách hàng, khách sạn cần xây dựng hệ thống các phiếu điều tra mức độ hài lòng của khách và đặt ở những nơi thuận tiện (trong phòng ngủ, quầy Lễ tân…). Với cấp hạng của mình, khách sạn cần thành lập bộ phận “chăm sóc khách hàng” làm nhiệm vụ thu thập thông tin đánh giá của khách về mức độ

thỏa mãn của khách đối với các dịch vụ của khách sạn. Đây cũng là cơ sở của việc đánh giá chất lượng công việc và xét các mức thưởng cho người lao động.

Ban Giám đốc khách sạn cần tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động đánh giá của phụ trách các bộ phận để đảm bảo chính xác của nguồn thông tin, giúp cho việc ra quyết định chính xác, công bằng.

- Phụ cấp:

Tại đây các khoản phụ cấp chưa được áp dụng. Trên cơ sở tìm hiểu vị trí địa lý và cơ cấu tổ chức thì các khoản phụ cấp mà khách sạn có thể áp dụng như:

+ Phụ cấp khu vực: áp dụng cho toàn bộ nhân viên khách sạn và tính theo các mức so với lương tối thiểu.

+ Phụ cấp trách nhiệm: áp dụng cho đội ngũ lao động quản lý bao gồm phụ cấp đi lại, phụ cấp tiền điện thoại, phụ cấp trách nhiệm cao hoặc phải kiêm nhiệm công tác quản lý chứ không phụ thuộc vào lãnh đạo.

+ Phụ cấp làm đêm: áp dụng cho nhân viên làm việc từ 22h00 đến 06h00 sáng. Mức phụ cấp làm đêm áp dụng theo luật lao động.

3.2.6.2. Đãi ngộ tinh thần

- Cơ hội thăng tiến: ban lãnh đạo khách sạn cần tạo môi trường trong sạch, bình đẳng để khuyến khích nhân viên ở tất cả các bộ phận phấn đấu rèn luyện phát triển năng lực cá nhân.

Ban giám đốc khách sạn, trưởng các phòng ban, bộ phận cần đóng vai trò tích cực trong việc giúp đỡ nhân viên tham gia vào quá trình thăng tiến, đề bạt.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ để chọn ra những nhân viên giỏi thực sự và tích cực trong công việc và hoạt động chung của khách sạn.

- Điều kiện làm việc: khách sạn nên thường xuyên kiểm tra trang thiết bị và đầu tư một khoản tiền cho các trang thiết bị đã xuống cấp hư hỏng. Lãnh đạo công ty phải hiểu rõ sức mạnh của tập thể là yếu tố thúc đẩy sự nghiệp của khách sạn nên khách sạn cần tạo điều kiện cho mỗi nhân viên có quyền tham gia góp ý kiến với cán bộ quản lý, về điều kiện làm việc, về chế độ đãi ngộ với người lao động.

- Những hoạt động đã lên kế hoạch như chương trình “những ngôi sao Bàn Thạch", “tập thể xuất sắc”, “giải phục vụ” khách sạn nên tổ chức thực hiện …

- Lãnh đạo khách sạn thường xuyên khen ngợi, khuyến khích những nhân viên có đạt thành tích tốt trong công việc nhằm tạo sự gắn bó , khích lệ nhân viên gắn bó với công việc.

- Ngoài việc hàng năm tăng tiền lương, phúc lợi cho người lao động tương ứng với hiệu quả công việc thì cần quan tâm đến sự phát triển, đến sức khỏe của người lao động và gia đình họ, làm cho người lao động cảm nhận rằng nếu họ làm việc hết khả năng thì khách sạn cũng quan tâm đến mức cao nhất những nhu cầu chính đáng của họ. Chỉ có như vậy mới tạo được sự gắn bó lâu dài giữa nhân viên với khách sạn và công tác quản trị nhân lực mới phát huy đầy đủ tác dụng

3.2.6.3. Kỷ luật

Khách sạn yêu cầu nhân viên khi làm việc phải tuân theo những quy định và nội quy mà khách sạn đề ra. Nếu vi phạm nội quy khách sạn sẽ áp dụng các hình phạt sau:

+ Đối với những nhân viên vi phạm nội quy, quy chế của khách sạn lần đầu và ở mức thấp sẽ bị cảnh cáo và khiển trách.

+ Biện pháp thuyên chuyển vị trí công việc: trong thời gian mà cảnh cáo còn hiệu lực, nếu tái phạm lỗi hoặc mắc thêm lỗi mới thì coi như bị vi phạm nghiêm trọng và xét đến khả năng thuyên chuyển sang công việc khác với mức lương thấp hơn trong thời gian tối thiểu là 3 tháng.

+ Biện pháp sa thải lao động: nhân viên sẽ bị sa thải nếu tái phạm trong khi đang bị thuyên chuyển công việc hoặc phạm lỗi rất nghiêm trọng như:

- Trộm cắp, tham ô tài sản của khách hàng, đồng nghiệp và khách sạn.

- Tiết lộ bí mật tài liệu, công nghệ, kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng đến lợi ích và hoạt động của khách sạn.

- Tự ý bỏ việc tổng số 7 ngày trong tháng hoặc 30 ngày cộng dồn trong một năm.

+ Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động: làm việc thiếu trách nhiệm, không đáp ứng được yêu cầu công việc do trình độ chuyên môn quá yếu hoặc

không có.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TẠI KHÁCH SẠN BÀN THẠCH, THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)