CHƯƠNG 4: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍNH ĐỐI XỨNG VÀ BẤT ĐỐI XỨNG CỦA QUAN HỆ GIÚP ĐỠ TRONG VỐN XÃ HỘI CỦA NGƯỜI
4.4. Thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng đến tính đối xứng và bất đối xứng của quan hệ giúp đỡ trong vốn xã hội của người Việt Nam
Theo kết quả nghiên cứu của luận án này, các yếu tố như: lòng tin, giới tính, tuổi, trình độ học vấn, vùng, miền, sống chung hay riêng cùng bố mẹ, loại hình kinh tế gia đình v.v... chính là các yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến việc làm tăng hay làm giảm mức độ đối xứng hay bất đối xứng. Tính đối xứng và tính bất đối xứng giống như hai mặt của một đồng xu, trong đó khi mặt này tăng lên thì mặt kia sẽ giảm đi và ngược lại. Trong phần thảo luận này, chúng tôi muốn bàn luận sâu hơn về ảnh hưởng của một số yếu tố có mức ý nghĩa thống kê cao, đồng thời sẽ liên hệ so sánh với kết quả của một số nghiên cứu đi trước.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, các yếu tố như tuổi, trình độ học vấn, sống chung hay riêng với bố mẹ, nông thôn/đô thị là những yếu tố ảnh hưởng rõ rệt đến mức độ đối xứng và bất đối xứng của quan hệ giúp đỡ giữa bạn bè thân thiết và giữa các thế hệ trong gia đình. Kết quả của luận án này cho thấy càng nhiều tuổi càng cho và nhận giúp đỡ với bạn bè thân thiết một cách đối xứng hơn do yếu tố tuổi ảnh hưởng đến việc làm giảm tỷ lệ xác suất xảy ra tính bất đối xứng. Điều này đúng với giả thuyết ban đầu của chúng tôi. Khi càng nhiều tuổi, cá nhân càng trưởng thành và càng tích lũy được đầy đủ hơn về mọi mặt như tri thức, tiền bạc, kinh nghiệm sống v.v... Do vậy, càng nhiều tuổi càng có khả năng giúp đỡ lẫn nhau một cách đối xứng cũng là một hiện tượng hợp với qui luật thông thường. Tuy nhiên, kết quả luận án này đã phát hiện thấy rằng ở loại hình giúp đỡ về sức lao động thì càng nhiều tuổi càng có sự khác biệt (bất đối xứng) trong việc nhận giúp đỡ từ bố mẹ và nhận giúp đỡ từ con cái. Tiếp đến là yếu tố giới tính. Luận án này thu được kết quả là phụ nữ thường có xu hướng lựa chọn quan hệ cho và nhận các giúp đỡ một cách đối xứng hơn nam giới. Phải chăng bản tính của phụ nữ luôn đòi hỏi một sự chu đáo và tính toán đến lợi ích trong các quan hệ giúp đỡ hơn nam giới? Các kết quả nghiên cứu này đã bổ sung cho kết quả nghiên cứu của
133
Lê Ngọc Lân (2012). Nghiên cứu của Lê Ngọc Lân mới chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của các yếu tố này ở khía cạnh tác động như thế nào đến mức độ và hình thức chăm sóc, thăm hỏi của con cái đối với cha mẹ cao tuổi mà chưa chỉ ra được xem chúng có ảnh hưởng như thế nào đến việc làm tăng hay giảm mức độ khác biệt của quan hệ giúp đỡ giữa các thế hệ trong gia đình. Một yếu tố quan trọng khác với mức ý nghĩa thông kê cao gây ảnh hưởng đến việc làm tăng tỷ lệ xác suất xảy ra tính bất đối xứng trong quan hệ giúp đỡ giữa bạn bè thân thiết là yếu tố đã từng sống/học tập/làm việc trong và ngoài nước xa nhà liên tục từ 6 tháng trở lên. Theo đó, càng là những người sống xa nhà càng có quan hệ giúp đỡ với bạn bè thân theo chiều hướng bất đối xứng. Điều này cũng đồng nhất với kết quả trong một nghiên cứu trước của tôi về vốn xã hội của các cô dâu nước ngoài di trú kết hôn tại Hàn Quốc. Khi phải sống và làm việc tại nước ngoài, ngoài những giúp đỡ nhận được từ bạn bè, gia đình, các trung tâm tại nơi mình sinh sống, các cô dâu nước ngoài chủ yếu nhận được giúp đỡ về chia sẻ tâm sự với bạn bè thân thiết từ quê nhà. Mặt khác, trái với giả thuyết ban đầu của chúng tôi, yếu tố trình độ học vấn ở mức trung học phổ thông trở lên và tự đánh giá mức độ thành công về học vấn đang gây ảnh hưởng làm tăng tỷ lệ xác suất xảy ra tính bất đối xứng. Chúng tôi giả thuyết rằng trình độ học vấn càng cao thì nhận thức và tâm lý càng gần đến các quan hệ giúp đỡ lẫn nhau một cách sòng phẳng (đối xứng) hơn.
Ngoài ra, chúng tôi muốn bàn thêm về yếu tố vùng (nông thôn, đô thị). Kết quả nghiên cứu này cho thấy những nhóm người ở đô thị dù là trong quan hệ bạn bè hay quan hệ gia đình thì xu hướng giúp đỡ lẫn nhau về chia sẻ tâm sự thường bất đối xứng trong nhiều hoàn cảnh giúp đỡ. Đặc trưng của cuộc sống đô thị công nghiệp và bận rộn nên sự giúp đỡ thường xuyên lẫn nhau về chia sẻ tâm sự là điều không dễ thực hiện.
Bởi vậy xu hướng bất đối xứng này ở các khu vực đô thị là điều có thể hiểu được. Trái lại, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, với những loại hình giúp đỡ về tiền bạc hay cung cấp thông tin quan trọng thì những nhóm bạn bè thân ở đô thị thường có xu hướng giúp đỡ lẫn nhau một cách đối xứng hơn nhóm bạn bè ở nông thôn. Ngay cả trong các gia đình ở đô thị, việc "bố mẹ giúp" và "nhận giúp đỡ từ con"
cũng thường không có sự khác biệt về về hai loại hình giúp đỡ mang tính vật chất này.
Ngược lại, những nhóm người ở nông thôn thường dễ cho và nhận giúp đỡ lẫn nhau một cách đối xứng ở loại hình giúp đỡ phi vật chất như chia sẻ tâm sự và sức lao động.
Đây cũng là xu hướng phù hợp với logic xã hội. Ở đô thị có điều kiện kinh tế và điều
134
kiện tiếp cận với nhiều kênh thông tin hơn ở nông thôn, trong khi đặc trưng ở nông thôn là mọi người sống tình cảm và quần tụ về địa lý hơn. Do vậy có sự khác nhau về các xu hướng giúp đỡ ở nông thôn và đô thị là điều có thể hiểu được. Về điều này, kết quả của nghiên cứu này đã phần nào khẳng định chắc chắn thêm cho kết quả khảo sát của Putnam (2000) khi ông rút ra được rằng những người dân sinh sống ở đô thị thường giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế nhiều hơn những người dân sinh sống ở nông thôn.
Tiếp đến là yếu tố miền (Bắc, Trung, Nam). Nói chung, trong cả quan hệ giúp đỡ giữa bạn bè thân thiết và giữa người được hỏi với bố mẹ và con họ, yếu tố là người miền Nam đều ảnh hưởng xuyên suốt ở nhiều loại hình giúp đỡ trong nhiều hoàn cảnh giúp đỡ đến việc làm giảm tỷ lệ xác suất xảy ra tính bất đối xứng. Điều này có nghĩa là so với người miền Bắc hay người miền Trung, người miền Nam có xu hướng cho và nhận giúp đỡ với bạn bè thân hay xu hướng nhận giúp đỡ từ bố mẹ và từ con một cách đối xứng ở nhiều loại hình và hoàn cảnh giúp đỡ. Kết quả này có thể được lý giải theo đặc trưng văn hóa tự nhiên và xã hội của từng vùng miền. Theo Trần Quốc Vượng (1998), vùng châu thổ Bắc Bộ có địa hình đồi núi xen kẽ đồng bằng và hệ thống sông ngòi chằng chịt nên cư dân nơi đây vốn sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và làm nông nghiệp một cách thuần túy. Công việc nhà nông luôn đòi hỏi sức lao động của tập thể. Do vậy, các thành viên trong gia đình hay hàng xóm láng giềng và bè bạn dễ dàng giúp đỡ lẫn nhau một cách đối xứng về sức lao động. Tuy nhiên, chính hệ thống các phong tục tập quán, qui ước làng xã lâu đời đã tạo nên nếp suy nghĩ trọng tình, sâu sắc, lo xa đặc trưng của cư dân nơi đây. Do vậy, người miền Bắc thường có tâm lý tích lũy của cải vật chất cho đời sau và không đòi hỏi khắt khe về sự đền đáp đối xứng hoàn toàn ở chiều cạnh loại hình giúp đỡ. Ở miền Bắc, xu hướng cho và nhận giúp đỡ một cách bất đối xứng về loại hình giúp đỡ theo kiểu “ông biếu chân giò bà thò chai rượu” thường khá phổ biến. Trong khi đó, khu vực Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi đất đai phì nhiêu, đồng bằng rộng lớn, kênh rạch chằng chịt tạo nên tâm lý bữa nay không cần lo bữa mai. Do vậy, người miền Nam thường có đặc trưng tính cách là xuề xòa, dễ dãi, cởi mở, dễ tin người lạ hơn người miền Bắc. Đặc trưng tính cách này khiến cho người miền Nam thường dễ dàng giúp đỡ lẫn nhau một cách đối xứng hơn.
Ngược lại, khu vực Trung Bộ với địa hình hẹp, đồng bằng nhỏ ven biển, nhiều thiên tai đã tạo nên tính cách đặc trưng của người miền Trung là “năng nhặt chặt bị”. Do vậy, người miền Trung không dễ dàng giúp đỡ lẫn nhau một cách đối xứng về các loại hình
135
giúp đỡ mang tính vật chất như người miền Nam. Tuy nhiên, chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo nên cho vùng đất này những con người có sức mạnh và nghị lực phi thường cùng tinh thần đoàn kết cao “lá lành đùm rách”. Do vậy, với những loại hình giúp đỡ phi vật chất như chia sẻ tâm sự, cung cấp thông tin, người miền Trung thường giúp đỡ nhau theo xu hướng đối xứng rõ rệt. Mặt khác, xét về góc độ lịch sử, khác với lịch sử phát triển liên tục và lâu đời của miền Bắc và miền Trung, miền Nam có lịch sử phát triển muộn và đứt gãy, đồng thời sớm chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và sự thâm nhập của các yếu tố nước ngoài. Các yếu tố này là một trong những nguyên nhân quan trọng hình thành nên văn hóa sòng phằng trong quan hệ giúp đỡ lẫn nhau của người miền Nam [Trần Quốc Vượng và cộng sự, 1998, tr. 248-288]. Các kết quả này cũng phần nào tái khẳng định kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hữu Minh khi ông kết luận rằng cha mẹ là người miền Nam phải nhận nhiều hỗ trợ từ con hơn cha mẹ miền Bắc, tức là ngược lại con cái ở miền Nam cũng thường phải hỗ trợ kinh tế cho cha mẹ nhiều hơn ở miền Bắc. Hay nói cách khác, người miền Nam có xu hướng nhận giúp đỡ về tiền bạc cả từ cha mẹ và từ con một cách tương đương nhau [Nguyễn Hữu Minh, 2012].
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không thể không bàn đến là yếu tố lòng tin.
Trong nhiều nghiên cứu về vốn xã hội của Blau (1964), Putnam (1995), Portes (1998), Fukuyama (2002), Ngô Đức Thịnh (2008) v.v..., các tác giả đều thừa nhận rằng cùng với mạng lưới xã hội, lòng tin và chuẩn mực có đi có lại đã được khẳng định là hai thành tố quan trọng có quan hệ mật thiết với nhau để tạo nên vốn xã hội. Chúng tôi phát hiện thấy rằng mức độ tin tưởng bạn thân có ảnh hưởng tương đối mạnh đến quan hệ giúp đỡ giữa bạn bè thân thiết theo xu hướng mức độ tin tưởng bạn thân càng cao thì càng dễ chấp nhận việc cho và nhận giúp đỡ một cách bất đối xứng ở nhiều loại hình giúp đỡ. Tương tự như vậy, mức độ tin tưởng bố mẹ và mức độ tin tưởng con càng cao thì càng thấy rõ sự khác biệt giữa việc "bố mẹ giúp" và "nhận giúp đỡ từ con cái". Vì tin tưởng nhau nên các chủ thể tham gia quan hệ giúp đỡ dễ chấp nhận xu hướng giúp đỡ bất đối xứng ở hiện tại để đặt niềm tin vào kì vọng trong tương lai về một sự đáp trả lại có đi có lại. Kì vọng về sự đáp trả này thường hướng tới sự đối xứng trong quan hệ bạn bè nhưng trong quan hệ gia đình nó có thể là đối xứng và cũng có thể là bất đối xứng. Kết quả nghiên cứu này đã phần nào bổ sung những phát hiện mới về ảnh hưởng của lòng tin đến quan hệ giúp đỡ có đi có lại trong các nghiên cứu đi
136
trước. Phần lớn các nghiên cứu đi trước bàn về lòng tin xã hội mới chỉ nhìn thấy được ảnh hưởng của lòng tin đến việc làm tăng cường tính có đi có lại trong quan hệ giúp đỡ mà chưa bàn luận đến việc lòng tin có làm tăng hay giảm mức độ đối xứng hay bất đối xứng (trường hợp riêng của tính có đi có lại) của các quan hệ giúp đỡ hay không.
Yếu tố tiếp theo cần bàn đến là yếu tố sống chung hay riêng với bố mẹ. Nghiên cứu của Lê Ngọc Lân và cộng sự năm 2011 cho thấy rằng 48,4% là tỷ lệ cao nhất đồng ý rằng bố mẹ và con cái sống chung với nhau sẽ giúp đỡ lẫn nhau được nhiều hơn. Chỉ có 10,3 % người trả lời lựa chọn lý do sống chung với cha mẹ để cha mẹ giúp đỡ con cái và 25,6 % chọn lý do sống chung với cha mẹ để con cái có thể giúp đỡ được cha mẹ. Kết quả của nghiên cứu trên đã khẳng định yếu tố sống chung cùng cha mẹ có thể làm tăng tỷ lệ xác suất xảy ra tính đối xứng giữa việc bố mẹ giúp con và con giúp đỡ lại bố mẹ. Nghiên cứu của Kim Choong Soon về gia đình hiện đại Hàn Quốc cũng khẳng định kết luận tương tự rằng ngày nay các cặp vợ chồng trẻ ở Hàn Quốc có xu hướng muốn sống cùng hoặc sống gần bố mẹ để có thể tiện chăm sóc bố mẹ và nhờ cậy sự giúp đỡ từ bố mẹ như trông nom nhà cửa, trông con cái v.v... [Kim Choong Soon, 2012]. Các kết quả này một lần nữa lại được tái khẳng định trong luận án này.
Theo kết quả của luận án này, ở nhiều loại hình giúp đỡ trong nhiều hoàn cảnh giúp đỡ, việc sống chung cùng bố mẹ đang làm giảm mức độ bất đối xứng giữa việc "bố mẹ giúp" và "nhận giúp đỡ từ con cái".
Một số yếu tố khác nữa làm giảm mức độ bất đố i xứ ng là loại hình kinh tế gia đình và có theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tức là, càng là các gia đình có kiểu kinh tế hỗn hợp hay thuần phi nông thì càng có xu hướng đối xứng khi nhận giúp đỡ từ bố mẹ đẻ và nhận giúp đỡ từ con cái. Điều này cũng có thể hiểu được khi một gia đình có các loại hình kinh tế này sẽ phải huy động sự giúp đỡ từ nhiều phía hơn loại hình kinh tế thuần nông đơn thuần nên xu hướng đối xứng trong nhận giúp đỡ từ các phía dễ xảy ra hơn. Ngoài ra, những nhóm người theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thường là những nhóm người coi trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn, có đi có lại. Do vậy, trong mọi quan hệ giúp đỡ, họ thường hướng đến xu hướng cho và nhận các giúp đỡ một cách đối xứng hơn những nhóm người không theo tín ngưỡng này.
Cuối cùng, một số yếu tố ảnh hưởng khác cũng cần được suy ngẫm thêm như càng là lao động tự do thì tỷ lê ̣ xá c suất xảy ra bấ t đối xứng về loại hình giúp đỡ tiền bạc trong hoàn cảnh xây mua nhà càng tăng . Kết quả này có phần trái với giả thiết ban đầu
137
của chúng tôi. Giả thiết ban đầu cho rằng người lao động tự do, ví dụ buôn bán tự do sẽ cần huy động sự giúp đỡ từ các thành viên trong gia đình ở mức độ tương đương nhau nên sẽ không có sự khác biệt trong việc nhận giúp đỡ từ bố mẹ đẻ hay từ con cái.
Thêm vào đó, yếu tố tự đánh giá về mức độ thành công trong sự nghiệp, quyền lực cũng ảnh hưởng nhất định đến việc làm giảm tỷ lệ xác xuất xảy ra bất đối xứng. Giả thuyết ban đầu của chúng tôi cũng đồng nhất với kết quả này. Giả thuyết cho rằng để có được thành công về sự nghiệp, quyền lực thì cá nhân phải nhận được sự giúp đỡ của tất cả các thành viên trong gia đình mà không có sự khác biệt rõ rệt giữa việc ai giúp đỡ nhiều hơn. Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố như chi tiêu trung bình/tháng/hộ và tự đánh giá mức độ thành công về vật chất, tiền bạc được dự đoán là có ảnh hưởng đến quan hệ giúp đỡ về tiền bạc giữa người trả lời với bố mẹ đẻ và con cái họ nhưng kết quả định lượng lại cho thấy các yếu tố này không có ý nghĩa thống kê.