Thiếu nước và ô nhiễm nước

Một phần của tài liệu Tiếp cận Quyền trong Bảo vệ Môi trườngTài liệu Tập huấn (Trang 24 - 28)

NỘI DUNG CƠ BẢN

B. NỘI DUNG BÀI GIẢNG

5. Thiếu nước và ô nhiễm nước

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc, trong đó có 13 hệ thống sông lớn có diện tích trên 10.000 km². Tài nguyên nước mặt tương đối phong phú, chiếm khoảng 2% tổng lượng dòng chảy

13 của các sông trên thế giới. Tổng lượng dòng chảy năm của sông Mê Kông bằng khoảng 500 km³, chiếm tới 59% tổng lượng dòng chảy năm của các sông trong cả nước, hệ thống sông Hồng 126,5 km³ (14,9%), hệ thống sông Đồng Nai 35,3 km³ (4,3%), sông Mã, Cả, Thu Bồn có tổng lượng dòng chảy xấp xỉ nhau, khoảng 9 km³ (1%), các sông còn lại là 94,5 km³ (11,1%)(5).

Ngoài hệ thống sông, Việt Nam có khoảng 3.600 hồ chứa với kích thước khác nhau, trong đó chưa đến 15% là các hồ cỡ vừa và lớn. Ngoài ra Việt Nam có rất nhiều hồ tự nhiên, một trong những hồ lớn phải kể đến là Ba Bể.

Tài nguyên nước ngầm của Việt Nam khá dồi dào với tổng trữ lượng tiềm năng khai thác được ước tính 60 tỷ m³ mỗi năm, nhưng dao động từ mức rất nhiều ở vùng ĐBSCL đến khá khan hiếm ở Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, tính chung cho cả nước chỉ chưa đầy 5% tổng trữ lượng được khai thác.

Tài nguyên nước mặt và nước ngầm là nguồn tài nguyên quý giá, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, tài nguyên nước ở Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng kể nhất là tình trạng suy kiệt và ô nhiễm trên diện rộng.

b) Suy kiệt nguồn nước

Theo số liệu thống kê, tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam đạt khoảng hơn 830-840 tỷ m³, trong đó hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài(6). Tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hồ chứa trên cả nước đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do khai thác quá mức tài nguyên nước và ảnh hưởng của BĐKH.

Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước, ngưỡng khai thác được phép giới hạn trong phạm vi 30% lượng dòng chảy. Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã và đang khai thác trên 50% lượng dòng chảy. Riêng tại tỉnh Ninh Thuận, hiện các dòng chảy đã bị khai thác tới 70-80%. Việc khai thác nguồn nước đã làm suy thoái nghiêm trọng về số lượng và chất lượng tài nguyên nước trên các lưu vực sông lớn của Việt Nam như sông Hồng, Thái Bình và sông Đồng Nai.

Do ảnh hưởng của BĐKH, ở Việt Nam mùa mưa và lưu lượng mưa đang có xu hướng diễn biến thất thường nên hạn hán hoặc úng ngập cục bộ xảy ra thường xuyên và trên diện rộng hơn. Sự suy kiệt và diễn biến thất thường của các nguồn tài nguyên nước phản ánh thực tế Việt Nam đã và đang đứng trước nguy cơ thiếu nước về mùa khô, lũ lụt về mùa mưa gây nhiều thiệt hại về người và của trên nhiều vùng.

c) Ô nhiễm nguồn nước

Môi trường nước hiện nay bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là theo các lưu vực sông và ở các khu đô thị, khu công nghiệp.

5Nguồn: Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2010)

6Theo http://www.nature.org.vn/vn/tai-lieu/RBOs_Power_and_Challenge_VN.pdf

- Ô nhiễm theo lưu vực sông

Nước mặt ở tất cả các lưu vực sông không thỏa mãn tiêu chuẩn nước uống vì bị ô nhiễm hữu cơ.

Hàm lượng bình quân BOD5 vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam loại A ở hầu hết các sông, lớn hơn từ 1,2 đến 2 lần so với tiêu chuẩn. Các sông có giá trị hàm lượng này cao là Trà Khúc, Gianh, Đồng Nai, Hồng - Thái Bình và Cửu Long (gấp 2–3 lần tiêu chuẩn) còn các sông Kone, Srê Pốk và Ba có hàm lượng này thấp. Cũng có một số điểm nóng như tiểu lưu vực sông Nhuệ - Đáy và đoạn sông Sài Gòn chảy qua các khu dân cư, nơi có hàm lượng BOD5 gấp 12,5 lần tiêu chuẩn loại A. Ô nhiễm hữu cơ nói chung ở trong phạm vi của tiêu chuẩn loại B (trừ các điểm nóng) (ADB, 2009).

Chất hữu cơ và Chất rắn lơ lửng (SS) là những nguồn ô nhiễm chính trong nhiều sông. Tuy nhiên, nếu nói về các chất ô nhiễm cần quan tâm thì một số hoá chất và kim loại nặng từ hoạt động công nghiệp, khai khoáng là hết sức quan trọng vì tác động của chúng tới sức khoẻ con người và hệ sinh thái. Liên quan đến các chất độc hại còn có phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng trong nông nghiệp.

Bốn trong số 10 tỉnh có sự ô nhiễm nước lớn nhất thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Ba lưu vực sông có vấn đề ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng đã được quan tâm đặc biệt là lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và Đồng Nai. Mức độ ô nhiễm nước tại các nhánh sông vùng hạ lưu lưu vực sông Đồng Nai là cao nhất trong cả nước. Sông Thị Vải ô nhiễm nặng nhất trong lưu vực, với đoạn sông “chết”

dài hơn 10km.

Lưu vực sông Nhuệ - Đáy cũng bị ô nhiễm nặng tại nhiều nơi. Ngay cả trong mùa mưa, các chỉ tiêu BOD5, DO, NH4+, và coliform không đạt tiêu chuẩn môi trường TCVN loại B. Đối với lưu vực sông Cầu, đoạn sông Cầu chảy qua thành phố Thái Nguyên bị ô nhiễm nặng. Hàm lượng SS, BOD5 và COD vượt TCVN (loại A) nhiều lần, nước sông có chứa các hợp chất hữu cơ và dầu mỡ. Nhiều nơi khác trong tiểu lưu vực sông này cũng bị ô nhiễm, đặc biệt là bởi chất hữu cơ (ADB, 2009).

- Ô nhiễm nước ở các khu đô thị

Mỗi năm ước tính khoảng 15 triệu m3 chất thải rắn được thải ra – khoảng 80% đến từ các hộ gia đình, nhà hàng, chợ và các khu vực thương mại. 77% lượng chất thải rắn tại các khu đô thị Việt Nam được xử lý không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Chỉ 17 trong số 91 bãi thải ở các khu đô thị Việt Nam đạt tiêu chuẩn vệ sinh (ADB, 2009). Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2006, các tỉnh thành bị ô nhiễm môi trường nước nhiều nhất được sắp xếp theo thứ tự sau: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai.

Tình trạng ô nhiễm nước ở các đô thị thấy rõ nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ở các thành phố này, nước thải sinh hoạt không có hệ thống xử lý tập trung mà trực tiếp xả ra nguồn tiếp nhận (sông, hồ, kênh, mương). Nhiều cơ sở sản xuất và cơ sở y tế lớn không xử lý nước thải, một lượng rác thải rắn lớn trong thành phố không thu gom hết được… là những nguồn quan trọng gây ra ô nhiễm nước. Hiện nay, mức độ ô nhiễm trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn là rất nặng.

Đối với thành phố Hà Nội, tổng lượng nước thải lên tới 300.000 - 400.000 m³/ngày; hiện mới chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải, chiếm 25% lượng nước thải bệnh viện; 36/400 cơ sở sản xuất có xử lý nước thải; lượng rác thải sinh hoại chưa được thu gom khoảng 1.200m³/ngày đang xả vào các khu đất ven các hồ, kênh, mương trong nội thành; chỉ số BOD, oxy hoà tan, các chất NH4, NO2, NO3 ở các sông, hồ, mương nội thành đều vượt quá quy định cho phép. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì lượng rác thải lên tới gần 4.000 tấn/ngày; chỉ có 24/142 cơ sở y tế lớn là có xử lý nước thải; khoảng 3.000 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thuộc diện phải di dời (Bản tin VOV online). Những thành phố khác

15 như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Dương… nước thải sinh hoạt cũng không được xử lý, độ ô nhiễm nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải đều vượt quá tiểu chuẩn cho phép.

Ô nhiễm nước mặt, đặc biệt là nồng độ ô nhiễm các chất hữu cơ có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu là hầu hết nước thải đô thị và công nghiệp chưa được xử lý, thải thẳng vào ao hồ, sông ngòi. Mới chỉ 3% nước thải đô thị được xử lý, 100% đô thị không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chỉ có khoảng 20/82 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Phần lớn các sông ngòi chảy qua khu vực đô thị và công nghiệp chỉ đạt tiêu chuẩn nước loại B (trước năm 1975 rất nhiều sông còn đạt tiêu chuẩn loại A). Sông ngòi nằm trong đô thị, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng…bị ô nhiễm nặng hơn, nhiều sông ngòi, kênh rạch đã bốc mùi hôi thối, hay trở thành sông chết.

- Ô nhiễm nước ở khu công nghiệp và làng nghề

Đến năm 2010, các hoạt động công nghiệp dự báo sẽ đóng góp 45% cho GDP toàn quốc. Năm 2007, có 154 cơ sở công nghiệp (không tính các khu và các cụm công nghiệp của các tỉnh và địa phương) trong đó 97 cơ sở công nghiệp ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Đồng Nai và hệ thống lưu vực sông Đồng Nai.

Gần một nửa tổng lượng nước sử dụng cho công nghiệp là ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình, 25% ở lưu vực sông Đồng Nai, 7% ở hệ thống sông Đồng Nai và 10% ở lưu vực sông Cửu Long. Mặc dù trên toàn quốc có 154 khu công nghiệp và các khu chế xuất nhưng chỉ có 43 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Khoảng một nửa số các doanh nghiệp ngoài quốc doanh nằm ngoài các khu công nghiệp, có rất ít hoặc không có hệ thống xử lý nước thải. Năm 2006, ước tính có 2.803 doanh nghiệp công nghiệp trên phạm vi toàn quốc xả ra trên 155 triệu m3 nước thải mỗi năm tương đương 850.000 m³/ngày. Lượng nước thải mỗi ngày chưa qua xử lý trên toàn Việt Nam tương đương với lượng nước trong 340 bể bơi Olympic.

Các làng nghề đã có sự phát triển ấn tượng, đặc biệt là ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình, nơi tập trung 60% làng nghề trên cả nước. Năm 2002, ước tính cả nước có trên 2.000 làng nghề, với khoảng 40.500 doanh nghiệp, trong đó khoảng 80% là kinh doanh hộ gia đình có 1 đến 3 nhân công.

Làng nghề là nơi ẩn chứa các rủi ro sức khoẻ nghề nghiệp và ô nhiễm cao. Hầu hết các hộ gia đình trong làng đều sử dụng nhà và vườn làm nơi sản xuất và xả trực tiếp chất thải vào môi trường xung quanh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp không chỉ nước mặt mà cả nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước uống của các làng. Ô nhiễm nguồn nước từ các làng nghề là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và ngày càng gia tăng (ADB, 2009).

- Ô nhiễm nước ở vùng nông thôn

Ở Việt Nam, dân số nông thôn chiếm khoảng gần 76% dân số toàn quốc và sinh sống trên một diện tích rộng lớn với 90% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước.

Vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều bất cập, đặc biệt là nước sạch cho sinh hoạt, sử dụng hoá chất trong nông nghiệp và thu gom, sử dụng phân gia súc. Tập quán sinh hoạt không hợp vệ sinh của nhiều nhóm dân cư là một trong những nguyên nhân gây bệnh tật khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam. Vệ sinh phân, rác thải cần được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá sự đổi mới “làng xã trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Việt Nam”.

Về tình trạng ô nhiễm nước ở nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng ở nông thôn Việt Nam còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi, làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khoẻ nhân dân.

Chính vì vậy, ở vùng nông thôn, việc mở rộng mạng lưới cấp nước và vệ sinh là một nội dung quan trọng trong công cuộc chống đói nghèo. Với người nghèo ở nông thôn Việt Nam, được tiếp cận nước sạch và vệ sinh là cả một vấn đề. Năm 2005, có trên 60 triệu dân sinh sống ở nông thôn. Trong số 20% người nghèo nhất, chỉ có 22% được dùng nước sạch so với 78% của 20% những người giàu nhất. Về vệ sinh, trong số 20% số người nghèo nhất chỉ có 2% được tiếp cận điều kiện vệ sinh so với tỉ lệ 20% ở người giàu.

Tỷ lệ cấp nước hợp vệ sinh nông thôn toàn quốc (theo tiêu chuẩn truyền thống của Bộ NN&PTNT) ước tính đạt xấp xỉ 66% và tỉ lệ nhà vệ sinh đạt yêu cầu là 50%; khoảng 70% các trường học, nhà trẻ và mẫu giáo đạt tiêu chuẩn; 58% trạm y tế xã và 17% chợ nông thôn được sử dụng nước sạch và có nhà vệ sinh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nếu theo tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế thì chỉ khoảng 25%

dân số nông thôn được dùng nước sạch tại nhà và tỉ lệ được tiếp cận điều kiện vệ sinh còn thấp hơn. Nói cách khác, đến cuối năm 2006 khoảng 21 triệu người sống ở nông thôn không được sử dụng nước “hợp vệ sinh” và 42 triệu người không được dùng “nước sạch” (ADB, 2009).

Một phần của tài liệu Tiếp cận Quyền trong Bảo vệ Môi trườngTài liệu Tập huấn (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)