MỤC TIÊU CỦA BÀI GIẢNG
II. Pháp luật Việt Nam về quyền con người đối với môi trường
2. Nội dung các quy định quốc tế về quyền con người đối với môi trường
2.1 Các quyền cơ bản
a) Quyền sống
Theo các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, quyền sống là quyền cơ bản, tối cao và thiết yếu nhất của con người, không được phép vi phạm trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí cả trong tình trạng khẩn cấp, đe dọa đến vận mệnh quốc gia, dân tộc thì Nhà nước vẫn phải có nghĩa vụ bảo đảm quyền sống của mọi cá nhân.
Quyền sống được quy định và bảo đảm trong một loạt các văn kiện nhân quyền quốc tế. Đáng chú ý nhất là trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
Để bảo vệ quyền sống vốn có, một trong những việc cần làm là, các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần nhận thức sâu sắc rằng chiến tranh và các hành động bạo lực trên diện rộng là nguyên nhân trực tiếp cướp đi sinh mệnh của hàng nghìn người vô tội mỗi năm. Vì vậy, cần ngăn ngừa và hạn chế chiến tranh; chống lại hành động tước đoạt tùy tiện mạng sống của con người trong phạm vi mỗi quốc gia; ngăn chặn việc cưỡng bức mất tích và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình(28). Đồng thời cấm việc sử dụng các loại vũ khí giết người hàng loạt. Việc sản xuất, thử nghiệm, tàng trữ, triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân phải bị ngăn cấm và coi là tội ác chống lại loài người.
Do sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự suy giảm và ảnh hưởng của môi trường, sinh thái, thay đổi khí hậu tác động tiêu cực đến quyền sống của con người, nội hàm khái niệm quyền sống đã được mở rộng và phát triển, đó là quyền được sống trong môi trường trong lành. Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường năm 1998 là văn kiện quốc tế khu vực đầu tiên thừa nhận quyền của mọi người được sống trong môi trường trong lành. Trong lời mở đầu, Công ước nhắc lại một số văn kiện được ban hành trước đó, và thừa nhận: “BVMT một cách thích đáng là thiết yếu cho hạnh phúc của nhân loại và việc hưởng thụ các quyền con người cơ bản, bao gồm quyền được sống(29)”, và “cũng thừa nhận rằng tất cả mọi người có quyền được sống trong một môi trường cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, và có nghĩa vụ cả về phương diện cá nhân và tập thể, phải bảo vệ và thúc đẩy môi trường cho lợi ích các thế hệ hiện tại và tương lai(30)”.
28 Chú ý theo Luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia không bị bắt buộc xóa bỏ hình phạt tử hình, mà phải có nghĩa vụ hạn chế việc áp dụng. Chỉ sử dụng hình phạt này với những tội ác nghiêm trọng nhất.
29Các văn kiện quốc tế và luật của một số nước về tiếp cận thông tin, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, tháng 10 – 2007, trang 35
30NT
b) Quyền có lương thực, thực phẩm thích đáng
Điều 11 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 quy định: Các quốc gia thành viên công nhận quyền của mỗi người được có mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình, bao gồm quyền có lương thực, thực phẩm, quần áo, nhà ở thích đáng và được cải thiện không ngừng điều kiện sống.
Theo Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền có lương thực, thực phẩm tối thiểu nghĩa là tất cả mọi người, dù là nam hay nữ, người lớn hay trẻ em, độc lập hay cùng với cá nhân khác trong cộng đồng, bất kỳ lúc nào cũng phải được cung cấp hoặc có đủ tiền để mua được một lượng lương thực, thực phẩm tối thiểu (the right to adequate food). Quyền này không nên được giải thích theo nghĩa hẹp với nghĩa có một lượng tối thiểu về năng lượng, chất đạm và các chất dinh dưỡng nào đó, mà bảo đảm các thực phẩm là an toàn, không chứa các chất độc hại (free from adverse substances). Các quốc gia có nghĩa vụ phải thực thi những biện pháp quan trọng cần thiết để giảm thiểu và xóa bỏ nạn đói như quy định tại khoản 2 Điều 11, thậm chí cả trong những thời điểm xảy ra những thảm họa tự nhiên hoặc thảm họa khác(31).
- Khái niệm thích đáng/tối thiểu được xác định bởi các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, khí hậu, sinh thái phổ biến và các điều kiện khác. Theo Ủy ban, quyền có lương thực, thực phẩm thích đáng hàm ý nguồn cung sẵn có về lương thực, thực phẩm xét cả về số lượng và chất lượng đủ thỏa mãn nhu cầu ăn uống của các cá nhân. Lương thực, thực phẩm đó không độc hại và chấp nhận được trong từng nền văn hóa nhất định.
- Khái niệm sẵn có (availability) đề cập đến những khả năng được cung cấp hoặc tự lực được nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm từ các hoạt động canh tác, hoặc được tiếp cận với các hệ thống phân phối mà đưa lương thực, thực phẩm từ những nơi sản xuất đến những nơi có nhu cầu.
- Có thể tiếp cận (accessibility) bao hàm cả hai nghĩa, có thể tiếp cận trên phương diện vật chất (physical accessibility) và tiếp cận trên phương diện kinh tế (economic accessibility).
Trên phương diện vật chất hàm ý tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được với lương thực, thực phẩm ở mức thích đáng, bao gồm cả nhóm những người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Trên phương diện kinh tế hàm ý các chi phí về tài chính để tất cả mọi cá nhân, gia đình đều có thể mua được lương thực, thực phẩm đáp ứng các nhu cầu cơ bản, nhất là đối với nhóm xã hội dễ bị tổn thương.
- Không gây độc hại (free from adverse substance): đặt ra những yêu cầu về an toàn lương thực, thực phẩm và các biện pháp phòng ngừa kể cả từ phía nhà nước và tư nhân nhằm ngăn chặn khả năng gây bệnh do nạn làm giả, hoặc vệ sinh môi trường kém hoặc do thực hiện không đúng quy trình trong các công đoạn khác nhau của dây chuyền sản xuất lương thực, thực phẩm. Cũng cần phải thận trọng trong việc xác định, phòng tránh hoặc loại bỏ các độc tố phát sinh một cách tự nhiên trong lương thực, thực phẩm.
31Bình luận chung số 12, quyền có lương thực, thực phẩm thích đáng, Điều 11
47 c) Quyền đạt được tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể
Sức khỏe là một quyền con người cơ bản, không thể thiếu được để thực hiện các quyền khác. Tất cả mọi người có quyền có được tình trạng sức khỏe tốt nhất có thể để sống một cuộc sống có nhân phẩm.
Quyền về sức khỏe được quy định trong nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người, trong Điều 25, (K1) Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 và Điều 12, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.
Ngoài ra, quyền về sức khỏe còn được ghi nhận trong Điều 5 (e) (iv) Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Điều 11 (1, f ) và Điều 12 Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979; Điều 24 Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989.
Quyền về sức khỏe liên quan mật thiết và phụ thuộc vào việc thực hiện và hiện thực hóa các quyền con người cơ bản khác đã được quy định trong Bộ luật nhân quyền quốc tế, bao gồm quyền có lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, nhân phẩm, quyền sống, không bị phân biệt đối xử, bình đẳng, cấm tra tấn, bảo vệ đời tư, tiếp cận thông tin, và các quyền về tự do lập hội, hội họp và đi lại.
Những quyền này và tự do cơ bản khác cấu thành quyền về sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế thế giới: “Sức khỏe là trạng thái hoàn bị về thể chất, tinh thần và hạnh phúc xã hội, và không đơn thuần nói về bệnh tật hay sự ốm đau(32)”.
Ủy ban quyền kinh tế, xã hội và văn hóa giải thích nội dung quyền về sức khỏe như sau:
- Quyền về sức khỏe không chỉ được hiểu như là quyền được khỏe mạnh (right to be healthy), mà bao gồm cả những tự do (freedoms) và những đặc ân/cho phép (entitlements). Tự do bao gồm quyền tự chủ về sức khỏe và thân thể, kể cả tự do về tình dục và sinh sản, quyền tự do không bị can thiệp, chẳng hạn như không bị tra tấn, nhục hình, không bị sử dụng trong nghiên cứu và thí nghiệm khoa học mà không được sự đồng ý. Ngược lại, các quyền bao gồm quyền bình đẳng về cơ hội tiếp cận với hệ thống bảo vệ sức khỏe để có thể đạt được sức khỏe cao nhất có thể.
- Khái niệm “đạt được sức khỏe cao nhất có thể”, đề cập đến cả những tiền đề sinh học và kinh tế - xã hội của mỗi cá nhân và những nguồn lực sẵn có của các quốc gia. Những yếu tố về gen, về tiền sử xấu về sức khỏe, hay lối sống không lành mạnh...nằm ngoài nghĩa vụ của Nhà nước. Do vậy, quyền về sức khỏe phải được hiểu là quyền thụ hưởng những tiện nghi, hàng hóa, dịch vụ và điều kiện cần thiết cho việc đạt được mức độ sức khỏe cao nhất có thể.
- Điều 12 (1) của Công ước “mức độ sức khỏe thể chất và tinh thần cao nhất có thể đạt được”
không giới hạn ở quyền được chăm sóc sức khỏe đơn thuần. Ngược lại, quyền về sức khỏe như được diễn đạt trong Điều 12 (K2) cho thấy quyền này bao quát một phạm vi rộng những yếu tố kinh tế, xã hội mà thúc đẩy những điều kiện giúp mọi người có thể có một cuộc sống khỏe mạnh, và mở rộng đến những nhân tố nền tảng quyết định đến sức khỏe của một con người, như lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng, nhà ở, tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh thích hợp, điều kiện làm việc an toàn, hợp vệ sinh và môi trường có lợi cho sức khỏe.
32Điều lệ của Tổ chức Y tế thế giới 1948
Vì vậy, Ủy ban giải thích: Quyền được chăm sóc sức khoẻ, được quy định tại điều 12.1, là một quyền tổng hợp, mở rộng không chỉ liên quan đến việc chăm sóc sức khoẻ đúng thời điểm và thích hợp, mà còn phản ánh cả những yếu tố quyết định cơ bản đến sức khoẻ như tiếp cận nước sạch và nước uống, điều kiện vệ sinh đủ tiêu chuẩn, cung cấp đủ lương thực an toàn, dinh dưỡng và nhà ở, điều kiện môi trường và lao động lành mạnh, tiếp cận giáo dục, và thông tin liên quan đến sức khoẻ bao gồm cả về sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản. Một khía cạnh quan trọng khác nữa là sự tham gia của dân chúng vào quá trình ra quyết định liên quan đến sức khoẻ ở cấp cộng đồng, quốc gia và quốc tế.
Việc áp dụng và thực hiện quyền sức khỏe phụ thuộc vào những điều kiện cụ thể ở mỗi quốc gia, song phải bảo đảm các nguyên tắc :
- Bảo đảm tính sẵn có (availability): Các cơ sở chăm sóc sức khỏe và y tế công, các loại hàng hóa và dịch vụ cũng như các chương trình y tế cần phải sẵn sàng và đủ về số lượng. Những yếu tố quyết định nền tảng bảo đảm quyền sức khỏe đó là bảo đảm nước sạch và nước có thể dùng để uống được; cơ sở vệ sinh đủ điều kiện cho phép; bệnh viện, trạm y tế và các cơ sở liên quan đến chăm sóc sức khỏe,...
- Bảo đảm tính có thể tiếp cận được (accessibility): Các cơ sở chăm sóc sức khỏe, hàng hóa dịch vụ phải có thể tiếp cận được với mọi người và không có sự phân biệt đối xử.
- Bảo đảm tính có thể chấp nhận được (acceptability): Tất cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hàng hóa, dịch vụ phải tôn trọng đạo đức y tế, phù hợp với văn hóa của cá nhân và cộng đồng.
- Bảo đảm chất lượng (quality): Các cơ sở chăm sóc sức khỏe bảo đảm chất lượng tốt, hàng hóa dịch vụ phù hợp về mặt khoa học, y học. Các loại thuốc được phê duyệt, trong thời hạn sử dụng, thiết bị y tế tốt, nước an toàn và có thể uống được, điều kiện vệ sinh thích đáng.
Cải thiện tất cả các yếu tố trong vệ sinh môi trường và điều kiện vệ sinh ở nơi làm việc theo quy định tại Điều 12 (2)(b). Ngoài các biện pháp phòng ngừa các bệnh và tai nạn nghề nghiệp, yêu cầu phải bảo đảm nguồn cung cấp nước an toàn, có thể uống được và điều kiện vệ sinh cơ bản. Phòng chống và giảm thiểu tiếp xúc với các chất độc hại như chất phóng xạ, các hóa chất có hại hoặc những điều kiện môi trường có hại khác mà trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến sức khỏe con người(33).
d) Quyền tiếp cận với nước
Quyền tiếp cận nước bảo đảm rằng mọi người có thể tiếp cận với nguồn cung cấp nước một cách đầy đủ, an toàn, có thể chấp nhận và chi trả được cho cuộc sống của cá nhân và gia đình. Được cấp nước sạch một cách thích đáng là điều kiện cần thiết để chống lại nguy cơ tử vong do việc nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nước và cung cấp nước cho việc tiêu thụ, nấu nướng, cũng như cho các nhu cầu vệ sinh cá nhân và các hộ gia đình.
Quyền tiếp cận với nước được quy định trong hàng loạt các văn kiện quốc tế về quyền con người.
Điều 5 (2) Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 , Điều 24 (2) Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989,... và trong nhiều điều ước quốc tế khác như các điều 20, 26, 29 và 46 của Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 về bảo vệ dân thường trong chiến tranh; các Điều 54
33Bình luận chung số 14 quyền về sức khỏe
49 và 55 Nghị định thư bổ sung năm 1977; các Điều 5 và 14 trong Nghị định thư bổ sung II năm 1977;
trong Lời mở đầu Chương trình Hành động về nước thông qua tại Hội nghị của LHQ; Chương trình nghị sự 21, các đoạn 18-47, Báo cáo của Hội nghị LHQ về môi trường và phát triển; Tuyên bố Dublin về nước và phát triển bền vững, Hội nghị quốc tế về nước và môi trường...
Các quốc gia thành viên phải thực hiện đầy đủ quyền này, và phải thực hiện các biện pháp thích hợp: chống bệnh tật và nạn suy dinh dưỡng, lồng ghép trong khuôn khổ chăm sóc sức khỏe ban đầu, chẳng hạn như có tính đến nguy cơ ô nhiễm môi trường thông qua việc áp dụng các công nghệ sẵn có và cung cấp thức ăn đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng và nước uống sạch.
Nội dung tiêu chuẩn về quyền tiếp cận với nước:
- Quyền tiếp cận với nước gồm cả tự do và sự cho phép. Các quyền tự do gồm: Tự do tiếp cận các nguồn nước hiện có; không bị can thiệp vào việc tiếp cận với các nguồn cung cấp nước.
Ví dụ như không bị tùy tiện cắt hoặc làm ô nhiễm các nguồn nước. Sự cho phép bao gồm:
quyền được tiếp cận với hệ thống cung cấp nước và quản lý cung cấp; cơ hội ngang nhau cho những người dân được hưởng quyền tiếp cận với nước.
- Theo Điều 11, khoản 1 và 12 của Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các yếu tố của quyền tiếp cận nước phải phù hợp với nhân phẩm, cuộc sống và sức khỏe con người. Do vậy, quyền tiếp cận nước không nên hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ đề cập đến việc được cung cấp đầy đủ về số lượng thể tích và kỹ thuật, ngược lại quyền này hàm ý là nước phải được coi như là một dạng hàng hóa xã hội và văn hóa chứ không đơn thuần là một loại hàng hóa kinh tế. Cách thức hưởng thụ quyền tiếp cận với nước cũng phải mang tính bền vững nhằm bảo đảm có thể dành nguồn nước cho các thế hệ tương lai(34).
Ủy ban quyền kinh tế, xã hội cho rằng, khả năng cung cấp nước cho người dân là khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia, tuy nhiên những tiêu chuẩn sau đây cần phải được áp dụng:
- Bảo đảm tính sẵn có: Việc cung cấp nước cho người dân phải liên tục và đủ cho nhu cầu sử dụng của cá nhân và mỗi gia đình(35). Những nhu cầu này, trước hết bao gồm nước uống, nước dùng để vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, nấu ăn, và vệ sinh cho gia đình(36). Lượng nước cung cấp cho mỗi người phải phù hợp với các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
- Bảo đảm chất lượng: Nước dùng cho mỗi cá nhân và gia đình phải an toàn, không chứa các vi chất, hợp chất hóa học nguy hiểm đến sức khỏe con người. Hơn nữa, nước dùng cho cá nhân và gia đình phải có màu, mùi, vị chấp nhận được.
- Có thể tiếp cận: Mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, theo pháp luật của quốc gia thành viên, đều có thể tiếp cận với nước, các điều kiện và dịch vụ về nước. Tính có thể tiếp cận có bốn khía cạnh giao nhau:
+ Tiếp cận trực tiếp: Nước và các điều kiện, dịch vụ về nước phải bảo đảm tính an toàn cho mọi nhóm dân cư. Nước đầy đủ, an toàn và chấp nhận được phải được đưa đến từng hộ gia
34Xem Bình luận chung số 15, Quyền tiếp cận với nước, Điều 11 và 12.
35 Liên tục nghĩa là: sự điều chỉnh việc cung cấp nước đầy đủ cho mục đích sử dụng cá nhân và gia đình.
36 Trong tình huống này, “uống” nghĩa là nước được tiêu thụ thông qua thức uống và dùng để chế biến thực phẩm, thức ăn. “Hệ thống vệ sinh” là hệ thống dùng để phân hủy chất thải của con người.