BẢO ĐẢM QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN, QUYỀN THAM GIA VÀ TIẾP CẬN TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM
III. Bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp trong các vấn đề môi trường ở Việt Nam
1. Tiếp cận tư pháp trong trường hợp quyền tiếp cận thông tin về môi trường bị từ chối hoặc bị vi phạm
2. Tiếp cận tư pháp trong trường hợp quyền tham gia vào hoạt động BVMT bị từ chối hoặc bị vi phạm
3. Tiếp cận tư pháp trong trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường
101
A. PHẦN KHỞI ĐỘNG
Câu hỏi:
1. Trên địa bàn anh/chị cư trú có nhà máy/khu công nghiệp nào không? Nếu có anh/chị cho biết nhà máy/khu công nghiệp đó có gây ô nhiễm môi trường không?
2. Anh/chị cho biết, nhà máy đó có công khai thông tin về các tác động môi trường của nhà máy/
khu công nghiệp đó trước khi xây dựng nhà máy/khu công nghiệp….? Nếu có anh/chị biết được thông tin đó từ nguồn nào?
3. Nếu có sự ô nhiễm do nhà máy/khu công nghiệp đó gây ra, tác động đến sức khỏe cộng đồng dân cư và chính gia đình nhà mình, anh/chị sẽ làm gì để bảo vệ các quyền của mình?
B. NỘI DUNG BÀI GIẢNG
I. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về môi trường ở Việt Nam
Là một quyền cơ bản của công dân, quyền tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nhà nước, phát huy dân chủ và bảo đảm các quyền cơ bản khác về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992: Công dân có quyền tự do ngôn luận, báo chí, có quyền được thông tin...
theo quy định của pháp luật. Từ đó cho đến nay, quyền này tiếp tục được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Luật Báo chí (1989; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (1999); Luật Xuất bản (2004), Luật Kiểm toán (2005); Luật Phòng, chống tham nhũng (2005) v.v.. Chẳng hạn, Điều 32, khoản 1, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Hoặc Điều 4, Luật Báo chí đã quy định mọi công dân có quyền:
- Được thông tin qua báo chí về mọi mặt tình hình đất nước và thế giới.
- Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo, gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
Riêng trong lĩnh vực môi trường, lần đầu tiên quyền tiếp cận thông tin về lĩnh vực này mới chỉ được ghi nhận một cách ngắn gọn tại Điều 10, Luật BVMT năm 1993, theo đó: Các cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức điều tra, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường, định kỳ báo cáo với Quốc hội về tình hình môi trường, xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường và thông báo cho nhân dân biết. Tuy nhiên, đến khi Luật BVMT năm 2005 (Luật BVMT 2005) được ban hành, quyền tiếp cận thông tin về môi trường đã được đề cập một cách chi tiết hơn trong nhiều điều khoản, theo đó quyền này được hiểu là: Quyền của mọi công dân theo quy định của pháp luật có khả năng nhận và sử dụng được những thông tin về môi trường do các cơ quan có thẩm quyền nắm giữ.
Tại Chương X - Quan trắc và thông tin về môi trường, đã có các quy định: thống kê, lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường (Điều 102); công bố, cung cấp thông tin về môi trường (Điều 103); công khai thông tin, dữ liệu về môi trường (Điều 104) và thực hiện dân chủ cơ sở về BVMT (Điều 105).
Ngoài ra, quyền tiếp cận thông tin về môi trường còn được đề cập tại một số điều khoản liên quan đến: Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường, và trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động
môi trường v.v.. Hoặc các Điều 67, 68, 71, Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Những điều khoản pháp luật nói trên đã thiết lập khuôn khổ pháp lý của quyền tiếp cận thông tin về môi trường ở nước ta, bao gồm:
1. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thu thập, xử lý, thống kê, lưu trữ thông tin về môi trường
Đối tượng trực tiếp mà quyền tiếp cận thông tin về môi trường hướng đến là những thông tin về môi trường do cơ quan có thẩm quyền nắm giữ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp, Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên là những thông tin này phải được thu thập, xử lý một cách thường xuyên, định kỳ và thống kê, lưu trữ dưới những hình thức thích hợp cho khả năng tiếp cận của công chúng. Luật BVMT 2005 đã có những quy định cụ thể về nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế trong việc xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết BVMT; báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh; báo cáo hiện trạng môi trường của ngành, lĩnh vực và báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia... Nội dung các báo cáo này chứa đựng những thông tin hữu ích về hiện trạng môi trường, nguyên nhân và những nhân tố tác động lên môi trường và sức khỏe con người như: Hiện trạng môi trường khu đô thị, dân cư tập trung, khu kinh doanh, dịch vụ, làng nghề; các khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; những vấn đề môi trường bức xúc... Mặt khác, Luật BVMT 2005 cũng quy định rõ nghĩa vụ pháp lý trong việc thống kê, lưu trữ số liệu, thông tin về môi trường (Điều 102):
(1) Bộ Tài nguyên và Môi trường có nghĩa vụ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thống kê ở Trung ương để xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường quốc gia.
(2) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nghĩa vụ thống kê, lưu trữ số liệu về môi trường của ngành, lĩnh vực do mình quản lý.
(3) Ủy ban nhân dân các cấp có nghĩa vụ thống kê, lưu trữ số liệu về môi trường tại địa phương.
(4) Người quản lý, vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc khu sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung có trách nhiệm thống kê, lưu trữ số liệu về tác động đối với môi trường, về các nguồn thải, về các chất thải từ hoạt động của mình.
Trong một số nghiên cứu của Sáng kiến về Quyền Tiếp cận Môi trường (TAI) hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam đã xây dựng các hệ thống thu thập thông tin tương đối thường xuyên, toàn diện về các lĩnh vực môi trường. Các nghiên cứu điển hình về các dự án đầu tư bằng vốn ODA trong lĩnh vực cải thiện vệ sinh môi trường đã cho thấy, điểm mạnh của các cơ quan nhà nước là đã thu thập thông tin liên quan một cách toàn diện, thường xuyên và kịp thời. Điều này không những hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về môi trường mà còn tạo tiền đề vật chất thuận lợi cho việc bảo đảm có chất lượng quyền tiếp cận thông tin về môi trường của các tầng lớp nhân dân.
2. Thực hiện nguyên tắc công khai thông tin về môi trường
Đặc trưng tính phổ biến của quyền con người đòi hỏi tiêu chuẩn cơ bản của quyền tiếp cận thông tin là thông tin phải được công khai càng sớm, càng tốt, dưới hình thức thích hợp về ngôn ngữ, hình ảnh, tư liệu, phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu nhận và sử dụng thông tin của công chúng. Chính vì vậy, Luật tiếp cận thông tin của các nước đều có các quy định thể hiện rõ nguyên tắc công khai thông tin. Ở nước ta, Luật BVMT 2005 bước đầu đã có những quy định phù hợp. Chẳng hạn Điều 104 - Công khai thông tin, dữ liệu về môi trường đã ghi rõ:
103 (1) Thông tin, dữ liệu về môi trường sau đây, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật của Nhà nước phải được công khai; a) Báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, và kế hoạch thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; b) Cam kết BVMT đã đăng ký; c) Danh sách, thông tin và các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại tới sức khỏe con người và môi trường; d) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; e) Quy hoạch, thu gom, tái chế, xử lý chất thải; f ) Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh, báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực và báo cáo môi trường quốc gia.
(2) Hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp cận thông tin.
(3) Cơ quan công khai thông tin về môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin được công khai.
Ngoài ra, nguyên tắc công khai thông tin còn được quy định trong các Điều 7, 105, Luật BVMT 2005;
Điều 67, Luật Đa dạng sinh học 2008; Điều 36, 38 Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT năm 2009. Theo đánh giá của (TAI) thì luật pháp Việt Nam đã hỗ trợ và tạo thuận lợi bước đầu trên một phạm vi rộng việc công chúng được tiếp cận toàn diện, đầy đủ các thông tin về môi trường, thúc đẩy tính công khai, minh bạch. Ưu điểm lớn là các thông tin này được cung cấp hầu như miễn phí cho công chúng. Vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, truyền hình được đánh giá cao trong hỗ trợ tiếp cận thông tin về môi trường. Kế đến là các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội.
3. Nghĩa vụ công bố và cung cấp thông tin về môi trường
Phù hợp với nguyên tắc thực hiện quyền con người và những đặc thù trong lĩnh vực môi trường, Luật BVMT 2005 và một số văn bản khác đã có những quy định về nghĩa vụ công bố và cung cấp thông tin về môi trường của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các tổ chức kinh tế. Theo Điều 103, Luật BVMT 2005, các tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm báo cáo thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của mình cho cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh. Các tổ chức không thuộc đối tượng trên có nghĩa vụ báo cáo thông tin về môi trường cho cơ quan chuyên môn về BVMT cấp huyện hoặc cán bộ phụ trách BVMT cấp xã nơi tổ chức hoạt động và công bố thông tin về môi trường để cộng đồng dân cư được biết. Đối với các cơ quan chuyên môn về BVMT các cấp (được tổ chức theo Điều 123 Luật BVMT 2005) có trách nhiệm báo cáo thông tin về môi trường trên địa bàn cho cơ quan cấp trên trực tiếp và công bố các thông tin chủ yếu về môi trường theo định kỳ hoặc theo yêu cầu.
4. Hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận thông tin của công chúng
Liên quan đến năng lực tiếp cận thông tin, Luật BVMT 2005 đã có những quy định nhằm nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực cho BVMT. Pháp luật về môi trường phải được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Giáo dục về môi trường là một nội dung của chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực về BVMT, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn lực về BVMT. Ngoài ra, còn có một số quy định mang tính hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, tài chính và năng lực thể chế cho quyền tiếp cận thông tin như: Phát triển khoa học, công nghệ về BVMT, phát triển công nghiệp môi trường, xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo về môi trường, nguồn tài chính và ngân sách nhà nước cho BVMT v.v..
Một số phân tích trên cho thấy, ở Việt Nam quyền tiếp cận thông tin về môi trường của người dân đã được quy định rõ ràng về mặt pháp lý, tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế và trên thực tế đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều loại thông tin về môi trường đã được các cơ quan có thẩm quyền công bố công khai, định kỳ và chi phí không phải là một yếu tố cản trở quá trình tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cả về nhận thức, pháp luật và thể chế hoạt động của các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc thực hiện có hiệu quả quyền này. Một số quy định pháp luật hiện nay còn chung chung khó vận dụng để ràng buộc trách nhiệm. Các khái niệm chủ thể có quyền tiếp cận thông tin, khái niệm công bố, cung cấp thông tin vẫn chưa xác định rõ về mặt nội hàm. Trình tự thủ tục, thời gian cho việc công khai hóa các loại thông tin về môi trường cũng chưa được quy định cụ thể. Các hình thức tiếp cận thông tin, kênh thông tin, hình thức lưu trữ dữ liệu, thông tin về môi trường chưa được đề cập một cách chuyên sâu phù hợp với nguyên tắc thuận lợi trong tiếp cận thông tin của công chúng. Một số nhóm người trong xã hội nhất là nhóm người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm chú ý đúng mức về hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho sự tiếp cận thông tin v.v.. Vì vậy, rất cần thiết phải xây dựng thêm nhiều quy định cụ thể, rõ ràng hơn để hỗ trợ quyền tiếp cận thông tin về môi trường của các tầng lớp nhân dân ở các vùng miền trong cả nước.
II. Bảo đảm quyền tham gia của người dân vào các hoạt động BVMT ở Việt Nam
Quyền tham gia của người dân vào các hoạt động BVMT có thể được hiểu một cách khái quát là:
Quyền của mọi công dân theo quy định của pháp luật có khả năng tác động đến quá trình ra quyết định, thực hiện và giám sát các hoạt động BVMT. Ở Việt Nam, luật pháp, chính sách và chiến lược BVMT đều xác định rõ nguyên tắc: BVMT là sự nghiệp của toàn dân, là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Vì vậy, đã có nhiều điều khoản pháp luật quy định rõ quyền này của người dân nhằm bảo đảm sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động BVMT ở nước ta. Tuy nhiên, đây là một khái niệm rộng, nên chúng ta cần xem xét cụ thể từng cấp độ trong quá trình thực hiện quyền tham gia của công chúng vào quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, luật pháp và các quyết định, dự án về môi trường theo quy định của pháp luật.
1. Tham gia dưới hình thức được hỏi ý kiến về các quyết định liên quan đến môi trường Khoản 8, Điều 20 Luật BVMT 2005 quy định: Ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án phải là một nội dung bắt buộc của báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các ý kiến không tán thành đối với giải pháp BVMT hoặc không tán thành đặt dự án tại địa phương phải được nêu rõ trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, tại Điều 1 khoản 4 Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 01-8-2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT (Nghị định số 21/2008/NĐ-CP) đã quy định về lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và đại diện cộng đồng dân cư trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường:
(1) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn đại diện cho cộng đồng dân cư tham gia ý kiến trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư trên địa bàn.
(2) Chủ dự án gửi văn bản thông báo về các hạng mục đầu tư chính, các vấn đề môi trường và giải pháp BVMT của dự án và đề nghị Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường nơi thực hiện dự án tham gia ý kiến.