Không gian của niềm tin tất thắng

Một phần của tài liệu Không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thái nguyên (Trang 49 - 53)

Chương 2: CÁC KIỂU KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ THÁI NGUYÊN

2.2. Không gian hậu phương

2.2.1. Không gian của niềm tin tất thắng

Trong chiến đấu, niềm tin tất thắng có vai trò vô cùng quan trọng và góp phần không nhỏ vào những chiến thắng trong các trận đánh. Trong tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên, không gian của niềm tin chiến thắng biểu thị qua những từ ngữ chỉ địa điểm cụ thể: “ga Lưu Sơn”, “tiền tuyến”, “bản Nậm Cang”, “nhà bếp”. Trong những không gian này có sự xuất hiện của hình ảnh những cô thanh niên xung phong, những người phụ nữ sẵn sàng hi sinh cho tổ quốc và đứng phía sau để hỗ trợ cho những người chồng ra trận. Không gian của niềm tin tất thắng tạo động lực và góp phần vào chiến thắng của những người lính trong mỗi trận chiến. Đồng thời, qua không gian của niềm tin tất thắng cũng giúp chúng ta xua đi những vất vả, khó khăn trong chiến trận.

Đối với tác phẩm Những người mở đường tác giả đã xây dựng không gian của niềm tin tất thằng vô cùng đặc sắc trong lịch sử. Đó là không gian của hậu phương chuẩn bị hàng hóa quân sự vận chuyển cho tiền tuyến. Kho ga Lưu Xá lúc bấy giờ là một đầu mối lớn và cũng là túi bom của máy bay Mỹ. Trước những khó khăn, thử thách của cuộc chiến đấu, với lòng dũng cảm, trái tim nhiệt huyết, tính cách vui vẻ, lạc quan. Những người lính thanh niên xung phong đã không ngần ngại hay chùn bước mà luôn đương đầu với những nhiệm vụ khó khăn đầy hiểm nguy. Không gian của niềm tin tất thắng được hiện lên rõ nét hơn qua công việc vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến tại ga Lưu Sơn:

“Sáu bảy chục chiến sĩ thanh niên xung phong chủ yếu là nữ đang vác những bao gạo, bột mỳ… từ một kho hàng lớn chất lên những chiếc xe Zin. Chếch với khu đất là dãy nhà cấp bốn lụp xụp, lợp ngói, phía trước có cánh cổng lớn gắn tấm biển ghi hàng chữ: Ga Lưu Sơn. Không khí làm việc rất khẩn trương” [9, tr.24].

Hình ảnh những cô thanh niên xung phong làm việc không mệt mỏi để kịp chi viện cho tiền tuyến như càng tô đậm thêm cho không gian của niềm tin tất thắng: “Thấp thoáng, trong bóng chiều chạng vạng, một vài khuôn mặt nữ thanh niên xung phong tròn trịa, xinh xắn nhưng bợt bạt vì mệt. Họ bước như chạy. Những bao gạo, những bao bột mì đè lên những đôi vai bé nhỏ. Những lưng áo đẫm mồ hôi. Những bàn chân mảnh dẻ đạp lên đất đá xào xạo” [1, tr.25]. Họ luôn giữ trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, sẵn sàng hy sinh tất cả vì tiền tuyến vì Tổ quốc. Mặc dù có lệnh cuối giờ cả Đại đội sẽ tập kết ăn nghỉ tại Trường Đại học Cơ điện nhưng vì quá lo cho tiền tuyến không đủ hàng hóa, những chiến sĩ thanh niên xung phong đã không ngại hiểm nguy đề nghị với thủ trường Cương về việc cần làm lúc này: “Nhưng hàng hóa còn nhiều lắm thủ trưởng Cương ơi! Mà tiền tuyến thì đang đợi từng ngày từng giờ! Xin thủ trưởng Cương cho chị em chúng em vào khu nhà trẻ của nhà ga Lưu Sơn gần đây ăn cơm, giải lao ít phút rồi lại tiếp tục bốc hàng thôi. Làm cả đêm cũng tốt mà… Cả đại đội lại nhao nhao nhất trí ở lại tiếp tục làm việc” [9, tr.27].

Những lứa thanh niên xung phong ngày ấy vẫn còn ở độ tuổi quá trẻ, nếu không có chiến tranh thì họ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đang tuổi ăn tuổi học, nhưng vì Tổ quốc kêu gọi họ sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ bất chấp gian khó, hiểm nguy luôn rình rập. Mọi khó khăn gian khổ, thương đau về thể xác cho dù có đeo bám họ tới tận bây giờ nhưng điều mà họ tự hào nhất vẫn là dòng máu thanh niên xung phong luôn chảy trong người. Tinh thần thanh niên xung phong là thế, không ngại khó khăn, gian khổ mệt nhọc, luôn hết mình với cộng việc được giao với mục tiêu sẵn sàng vì tiền tuyến. Họ luôn

giữ trong mình một câu nói khiến người đọc vô cùng biết ơn, đó là: “Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”. Tinh thần quyết thắng ấy luôn còn mãi từ những năm tháng chiến đấu cho đến ngày nay: “Tuy trải qua nhiều gian khổ và bất công của những chiến sĩ thanh niên xung phong của chúng ta đã biết tự lau khô nước mắt để đứng lên xây dựng cuộc đời… Tôi xin nhắc lại đó là dòng máu thanh niên xung phong trong huyết quản của chúng ta chưa bao giờ ngừng chảy. Những người như Hồi, như La, tuy mỗi người một biểu hiện khác nhau nhưng trong ý chí của họ chưa bao giờ làm hoen ố dòng máu ấy” [9, tr.135]. Mọi khó khăn gian khổ, thương đau về thể xác cho dù có đeo bám họ tới tận bây giờ nhưng điều mà họ tự hào nhất vẫn là dòng máu thanh niên xung phong luôn chảy trong người. Họ xứng đáng là những người được Đảng, nhà nước và mọi người dân tôn vinh, biết ơn tưởng nhớ.

Trong Tể tướng Lưu Nhân Chú, trong khi Lưu Nhân Chú đi tìm chủ tướng Lê Lợi xin gia nhập nghĩa quân tại Thanh Hóa thì ở quê nhà Ngọc Tiêm theo lời căn dặn của chồng đã đến tìm Slao để cùng nhau xây dựng căn cứ : “Không để cho Slao phải nghĩ ngợi nhiều, người đàn bà quý phái ấy đã tự giới thiệu mình là vợ của anh Lưu Nhân Chú và được chồng giao nhiệm vụ tìm gặp Slao để bàn việc quân cơ” [12, tr.63]. Chỉ là một người phụ nữ hàng ngày làm những việc như quay tơ dệt vải, buôn bán nhưng sau khi Lưu Nhân Chú tới Lam Sơn theo chủ thướng Lê Lợi, nàng đã đi tìm Slao để cùng nhau tập hợp quân, tích trữ lương thực. Trong một lần đối mặt với toán cướp Áo Cộc, nàng đã vô cùng bình tĩnh trước những tên cướp: “Ta nói thật với các ngươi. Với toán cướp vài chục mống lẻo khoẻo thế kia, các người không chống lại được đội quân hùng hậu của bản Nậm Cang ta đâu- chỉ tay vào mặt tên cầm đầu- Các ngươi hãy mau đầu hàng đi còn có con đường sống… Ta không nói càn.

Nhưng nếu ngươi không tin, thích thử sức thì ta xin thách đầu với kẻ mạnh nhất của toán cướp các ngươi. Như vậy để đỡ chết oan cho nhiều người” [10, tr.75].

Không gian của niềm tin tất thắng còn có sự xuất hiện của nhân vật Slao. Một cô gái đầy bản lĩnh, dũng cảm, Slao bỗng nhớ lại: “Vào một buổi trưa, Slao đang lúi húi giặt dưới suối thì có một người đàn bà trẻ, đẹp và kiêu sa như công chúa đến bên bờ suối, vẫy vẫy Slao lên với vẻ rất thân mật” [21, tr.62].

Slao được Ngọc Tiêm dạy võ và thu gom lương thảo cũng như huấn luyện ngựa chiến. Nhìn đàn ngựa chạy trên một quả đồi cao Ngọc Tiêm hết lòng khen ngợi: “Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống họ thấy khá rõ đàn ngựa chiến hàng mấy trăm con đang ung dung gặm cỏ phía dưới. Ngọc Tiêm giơ tay chỉ về phía đàn ngựa: Đẹp quá! Không có công lao của em thì sao có đàn ngựa chiến thế kia

[6, tr.66]. Những bài kiếm mà Ngọc Tiêm chỉ dạy và đặc biệt tài huấn luyện ngựa chiến của Slao khiến cho Ngọc Tiêm vô cùng mừng rỡ: “Slao rút chiếc tù và bên thắt lưng, đưa miệng thổi liền một hồi. Đàn ngựa nghếch mặt nghe ngóng rồi đồng loạt tung vó ào ào chạy tít vào rừng sâu… Một lúc sau, Slao đưa tù và lên thổi hai hồi dài. Đàn ngựa lại từ trong rừng lũ lượt quay về, tiếng hí vang vọng một vùng” [10, tr.66-67].

Ở cuốn tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên 1917, không gian của niềm tin tất thắng được hiện lên ngay trong khu nhà bếp của trại lính khố xanh. Tại đây, hình ảnh của những cô gái làm bếp mà đứng đầu là Ngoan (vợ của Đội Cấn) chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp diễn ra. Ngoan cùng các chị em trong nhà bếp đã không ngại những khó khăn, vất vả và hiểm nguy để chuẩn bị thực phẩm cho nghĩa quân khởi binh: “Nắng gắt, hơi nóng mặt trời tỏa xuống con đường đất dài rộng cắt qua một cánh đồng lúa mênh mông. Ở cái tỉnh Thái Nguyên toàn rừng núi rậm rạp này có được một cánh đồng lúa như thế quả là hiếm hoi.

Ngoan cùng mấy phụ nữ gồng gang gạo, thịt, rau, quả bước đi thoăn thoắt. Chừng đã thấm mệt họ rủ nhau ngồi nghỉ dưới một gốc đa cổ thụ, lấy nón quạt lấy quạt để. Mặt Ngoan đỏ bừng vì nắng. Một lát, chị ngừng tay quạt quay sang mấy cô gái trẻ hơn: Chiều nay chuẩn bị cơm nước cho nghĩa binh phải có cách nào giữ chân không cho mụ Phó Quản Lạp bén mảng đến nhà

bếp.” [1, tr.59]. Không chỉ đảm đang, chịu khó mà Ngoan còn hiện lên là một người phụ nữ biết nhìn xa trông rộng. Khi bàn bạc với các chị em trong nhà bếp về việc khởi nghĩa, thấy nhiều người căm hận mà đòi khử ngay mụ Phó Quản thì Ngoan đã giải thích: “Cuộc dấy binh này không phải vì thù riêng. Nếu mụ Phó Quản Lạp đáng tội chết thì lúc ấy sẽ do nghĩa quân xử, chứ không do chị em mình. Anh Cấn bảo phải biết tạm quên thù riêng để vì đại sự thì cuộc khởi nghĩa mới thành công” [6, tr.61]. Qua đây ta thấy được không gian của niềm tin tất thắng được hiện lên bởi hình ảnh người phụ nữ trong khu nhà bếp của trại lính khố xanh thật rõ nét bởi: “Về phía mình, Ngoan không bao giờ tính chuyện thiệt hơn. Cô coi việc làm vợ Đội Cấn như một cái duyên trời định. Việc của Đội Cấn cũng như việc của cô. Ngoan đã thay mặt anh làm tròn mọi việc gia đình, cùng việc làng, việc nước” [23, tr.62]. Ngoan như có khí thế và tinh thần để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao: “Được chồng tin tưởng, Ngoan đã sẵn sàng nhận mọi việc mà Đội Cấn giao phó. Từ việc bình thường như chuẩn bị cơm nước cho nghĩa binh đến việc hệ trọng như may cờ, băng-zôn cho cuộc khởi nghĩa. Đến hôm nay Ngoan đã vận động được toàn bộ chị em nhà bếp ủng hộ cuộc khởi nghĩa” [21, tr.63]. Qua nhân vật Ngoan chúng ta như thấy đó chính là hiện thân cho những người phụ nữ Việt Nam quả cảm, kiên cường bất khuất.

Không gian của niềm tin tất thắng có vai trò quan trọng trong sự chiến thắng của chiến trận. Nhờ có không gian này, con người có thể gửi gắm niềm tin, hi vọng vào chiến thắng lẫy lừng của cuộc chiến. Dù khó khăn, vất vả đến mấy chỉ cần có niềm tin thì ta sẽ vượt qua và giành được chiến thắng. Đồng thời, qua không gian của niềm tin tất thắng, ta thấy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.

Một phần của tài liệu Không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thái nguyên (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)