Thời gian hồi tưởng

Một phần của tài liệu Không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thái nguyên (Trang 86 - 91)

Chương 3: THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ THÁI NGUYÊN

3.3. Thời gian tâm lí

3.3.1. Thời gian hồi tưởng

Thời gian hồi tưởng xuất hiện trong tác phẩm tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên dưới dạng những dòng suy nghĩ nội tâm nhân vật. Hồi tưởng là quay

về quá khứ, nhưng đồng thời cũng là sống lại cái “hiện tại” của quá khứ, mơ ước tương lai, cũng là sống với cái “hiện tại” của tương lai. Do đó sự phân biệt của ba bình diện thời gian này chỉ là tương đối, trong khi đó có một dòng hiện tại cảm nhận xuyên suốt mọi bình diện. Thời gian nghệ thuật bị quy định bởi điểm mốc của điểm nhìn trần thuật và là thời gian được kể lại.

Những người mở đường, các nhà văn Thái Nguyên khi viết về đề tài lịch sử đã đưa ra những tín hiệu về chiến tranh sử dụng thời gian hồi tưởng.

Ông Thịnh nhớ về cuộc tranh luận quyền yêu đương trong chiến tranh với Cương, sự cứng nhắc của ông khiến cho nhiều đồng đội dù có tình cảm nhưng cũng không dám thổ lộ với nhau để rồi họ không còn có cơ hội nào để nói ra được nữa. Và người chịu thiệt thòi ấy chính là cô Tâm và lúc này đây cô mới nhận ra được điều ấy: “Thì ra tận hôm nay Tâm mới hiểu lý do vì sao qua những năm tháng sống và chiến đấu bên nhau, tuy biết Cương thầm yêu chị tha thiết, nhưng chưa một lần dám nói lời tỏ tình. Anh đã kìm nén để nên cao tinh thần thống nhất quan điểm của những người lãnh đạo đơn vị. Nhưng rồi Cương đã không thể chờ đến ngày “chấm dứt chiến tranh tha hồ mà tỏ tình”

như lời ông Thịnh nói… Ông Thịnh khẽ thở dài: “Bây giờ nghĩ lại chuyện xưa thấy có nhiều vị đắng cô Tâm ạ!” [9, tr.102-103]. Ông còn đưa ra những quy định vô cùng cứng nhắc khi các đội viên trong Đại đội phải gọi nhau là đồng chí chứ không được phép xưng hô quá thân thiết. Đến khi nghĩ lại thì ông cũng tự nhận ra ngày ấy mình cũng không nên làm như vậy: “Ngày ấy quy định phải gọi nhau là đồng chí. Không ai được phép anh anh, em em theo lối tình cảm gia đình yếu mềm. Thời chiến mà. Nhưng bây giờ nghĩ lại thấy cứng nhắc quá.

Chuyện ngày trước đúng là buồn thật” [9, tr.120]. Đến những năm tháng cuối đời, trải qua nhiều chuyện và ngồi lại suy ngẫm về những việc mình đã làm, ông Thịnh cảm thấy có chút xấu hổ với chính bản thân mình, ông nhận ra những sai lầm ấy cần phải được sửa chữa bằng hành động: “Tôi làm mọi việc là vì sám hối. Đến cuối đời, tôi mới nhận ra trước đây do ấu trĩ mà thành ra mắc nhiều tội quá” [9, tr.136].

Nhân vật Tâm cũng là người có nhiều những hồi tưởng về quá khứ sâu sắc. Chiến tranh đã qua đi hơn ba mươi lăm năm có lẻ, nhưng với Tâm nỗi đau vẫn nguyên vẹn trong lòng: “Nỗi kinh hoàng từ trận bom ba mươi năm trước lại hiện về rõ mồn một. Lúc này Tâm như vẫn hình dung thấy từng gương mặt, từng nụ cười và cả những giọt nước mặt của những người bạn đồng ngũ năm xưa” [16, tr.23]. Trong cuộc hội ngộ giữa các đồng đội thanh niên xung phong, Tâm đã nhận ra không ít điều đáng phải suy ngẫm: “Ngày ấy, chính Tâm cũng là một trong số không ít người đã tán thành quan niệm thời chiến phải nghiêm khắc trong yêu đương. Với sự kiện đột nhập vào phòng đội trưởng của bà Xuân, Tâm thuộc về phe lên án người đàn bà trơ trẽn và ca ngợi sự trong sáng, đúng mực của ông Thịnh. Vậy mà hôm vừa rồi, nhìn bà Xuân trong thân hình tàn tạ, tuyệt vọng trước cô đơn, không người nương tựa, trái tim Tâm như vỡ thành từng mảnh” [9, tr.138]. Hay là lúc đến thăm nhà La, sau khi nghe câu chuyện về cuộc đời của nữ thanh niên xung phong bạc mệnh, cô đã thốt lên sự thương xót và day dứt tự vấn lương tâm của mình khi đã không quan tâm đến người đồng đội của mình, dù không phải lỗi của cô nhưng nhờ đó mà cô nhận ra được rằng ai cũng có những nỗi khổ riêng cả: “La ơi, tao có tội với mày!

Bao nhiêu chuyện khủng khiếp như vậy mà tao không hề hay biết. Bấy lâu nay tao ích kỉ, tưởng nỗi khổ của mình là ghê gớm lắm nên chẳng còn để mắt đến ai. Hóa ra nỗi mất mát cỏn con của tao chẳng thấm gì với những gì đè nặng lên cuộc đời vất vưởng của mày”[9, tr.157].

Quả thực trải qua bao gian khổ, những hiểu lầm không đáng có đã khiến con người ta xa cách khó gần, nhưng khi ở cái tuổi gần đất xa trời, thời gian chẳng còn bao nhiêu, có lẽ đã gần tới cuối “cung đường” thì lúc này họ mới hiểu và thông cảm cho nhau, bỏ qua những hiểu lầm, những trách móc, giờ đây họ đang cùng nhau chia sẻ những niềm vui ấy. Ở cuối tác phẩm, nhà văn đã sử dụng nhiều thời gian hồi tưởng bởi chính thời điểm ấy là lúc nhân vật suy nghĩ, đúc kết cho mình những triết lí ở đời mà đến tận cuối cuộc đời họ mới nhận ra được!

Trong Tể tướng Lưu Nhân Chú, Lưu Nhân Chú người chứa đựng nhiều tâm sự. Bởi vậy mà những đoạn văn có sự xuất hiện của nhân vật này, tác giả sử dụng khá nhiều thời gian hồi tưởng. Với Lưu Nhân Chú, đây là vị tướng quân luôn có những nỗi niềm trăn trở. Là một vị tướng quân, nhưng Lưu Nhân Chú lại không hề vui vẻ gì khi trận chiến đổ máu quá nhiều, khác với những vị tướng quân khác chỉ biết lấy việc chém giết, dù là chém giết kẻ thù làm niềm vui, niềm kiêu hãnh. Lưu Nhân Chú luôn khắc khoải nỗi nhớ quê nhà: “Nỗi nhớ quê hương làm lòng anh quặn lên. Thế là đã bẩy năm đi qua rồi, cha con anh chưa một lần được về thăm nhà. Thỉnh thoảng, năm thì mười họa, Lưu Nhân Chú mới nhận được chút tin tức của quê hương. Biết mọi người vẫn bình yên và đội quân ở Nậm Cang đang mỗi ngày thêm lớn mạnh, anh vui mừng khôn xiết” [12, tr.79]. Trong khi nghĩa quân vui mừng vì sắp ban bố lệnh khởi nghĩa thì Lưu Nhân chú lặng lẽ bên cây sáo bởi lẽ hơn ai hết Lưu Nhân Chú hiểu rằng sự đổ máu ấy đều khiến cho nhân dân phải lầm than: “Màn đêm buông, chẳng hiểu sao giữa không khí nô nức đang lan khắp các doanh trại quân sĩ như đêm nay, nhiều tướng sĩ túm năm tụm ba, hoa chân múa tay nói năng ầm ĩ trong các bàn rượu; người mài gươm, kẻ luyện kiếm thấp thỏm chờ đợi cái ngày lễ uy nghiêm, trọng đại kia thì Lưu Nhân Chú lại lẳng lặng mang cây sáo ra suối Lam.” [13, tr.97]. Thực sự đối với Lưu Nhân Chú, lúc Slao nằm chết trên tay mình thì anh mới nhận ra được nhiều điều, chúng ta cứ mải miết đi tìm nhưng thứ xa vời để rồi đến khi báu vật bên cạnh mất đi ta mới thấy tiếc nuối: “Chỉ đến khi Slao tắt thở trong bàn tay này, tôi mới ngộ ra rằng, mình đã mất một vật báu mà không bao giờ tìm lại được nữa. Có lẽ mạng người là thứ quý giá nhất…!” [10, tr.176]. Trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình, phải đến cuối đời Lưu Nhân Chú mới nhận thấy ân hận trước những lời trăng trối của Slao: “Lúc này, lời chăng chối của Slao giữa trận Chi Lăng đầy chết chóc hôm ấy chợt vẳng lại trong tâm trí ông rõ mồn một: “Giặc tan, anh Chú phải cởi chiếc áo đầy máu này ra…để về Thuận Thượng với chị Ngọc

Tiêm, không được đi đâu nữa! Anh Chú còn nhớ…trước khi Slao theo anh Phạm Cuống đến Lam Sơn, chị Ngọc Tiêm có bảo Slao nhắn với…anh Chú là bao giờ hết giặc Ngô, anh Chú phải…về Thuận Thượng để cùng chị Ngọc Tiên chăn trâu, chăn ngựa, làm nương, đi săn, dệt thổ cẩm. Anh Chú…có nghe thấy lời Slao nói không đấy? Anh Chú hứa với Slao đi!”.” [18, tr.193- 194]. Lưu Nhân Chú vẫn luôn canh cánh trong lòng vì lời hứa ấy với Slao ông không thực hiện được bởi cái bả vinh hoa hay vì trọng trách của kẻ quân tử mà cho đến những giây phút cuối đời ông cũng chẳng thể nào lí giải nổi: “Hôm ấy, Ông đã hứa với Slao. Nhưng rồi giặc tan, Ông đã không trở về Thuận Thượng để cùng chị Ngọc Tiêm chăn trâu, chăn ngựa, làm nương, đi săn, dệt thổ cẩm. Bởi cái bả vinh hoa hay bởi muốn gánh vác trọng trách của kẻ quân tử mà ngay sau đó ông đã thất hứa với người bạn, người em mà đối với ông suốt đời đã trở thành máu thịt?” [3, tr.194]. Thời gian hồi tưởng trong Tể tướng Lưu Nhân Chú bị chi phối bởi cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Từ điểm nhìn hiện tại, nhà văn muốn soi rọi về quá khứ với cái nhìn mới chứa đựng những bài học lịch sử.

Trong cuốn tiểu thuyết Thượng Thư Đỗ Cận, nhà văn đã xây dựng không gian của những trăn trở, suy tư thông qua hồi ức của nhân vật Đỗ Cận khi nhớ về cô gái tên Nụ. Nụ là con gái thầy Thám, nơi mà Đỗ Cận theo học ở Kinh Bắc. Có lẽ mối lương duyên ngắn ngủi ấy vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí của ông mãi về sau này. Mỗi khi nhớ về Nụ là trong tim ông lại như nhói đau bởi nếu không phải vì ông thì Nụ đã có thể có được hạnh phúc riêng của mình:

“Ông nhớ lại buổi chia tay Nụ, cũng ở bên bờ một con sông, hoa gạo tháng ba rực đỏ một góc trời. Ông biết tình cảm của Nụ dành cho ông ngày ấy, nhưng ông không thể làm khác được. Đỗ Cận nghĩ giá như cuộc sống của Nụ sau đó thuận lợi hơn, thì ông cũng đỡ ân hận. Hôm trở lại nhà Thầy Thám gặp lại bà cô và biết hoàn cảnh của Nụ, ông càng thêm đau xót” [8, tr.194]. Đối với con người nặng ân tình ấy thì có lẽ nỗi day dứt vẫn luôn hiện hữu trong ông, nhưng vì công việc cuốn hút nên ông không thể thực hiện được mong ước nhỏ nhoi là

mong gặp lại Nụ hi vọng là sẽ giúp được nàng điều gì đó và để Nụ hiểu ông hơn. Điều luôn ám ảnh trong tâm trí ông còn là nỗi nhớ quê hương. Sau thời gian mãn tang mẹ Đỗ Cận phải trở lại kinh thành để tiếp tục công việc. Khi phải chia tay với mảnh đất chôn rau cắt rốn ấy ắt hẳn không tránh khỏi những giây phút ngậm ngùi: “Đỗ Cận nhẹ nhàng thúc ngựa trong một nỗi nối tiếc khôn nguôi. Ông hiểu, sau lần về quên này không biết bao giờ mới có dịp quay trở lại. Bao nhiêu lần về quê, khi ra đi, là bấy nhiêu làn ông xao xuyến nhớ quê.

Nhưng chưa bao giờ ông thấy trong lòng có cảm giác lạ như lần này” [6, tr.195].

Hình ảnh “cây gù hương” tỏa thứ hương thơm đặc trưng mà mỗi lần đi xa về ông đều muốn ngắm nhìn và tận hưởng vẫn luôn hiện hữu trong lòng ông:

“Ông ngoảnh lại nhìn về phía núi Độc Tôn. Ngọn núi đứng sừng sững dáng dấp uy nghi như người vệ sĩ. Xa xa là dạy Tam Đảo, ba ngọn núi nối tiếp nhau, xanh sẫm một góc trời. Và kia, những mái tranh nghèo úp xúp ẩn mình dưới những tán lá rừng là làng Thống Thượng quê ông. Đỗ cận thấy tim như hói đau. Ông biết, ở nơi ấy, cây gù hương đang tỏa mùi hương thơm đến nao lòng” [11, tr.195]. Đó cũng chính là dư vị của quê hương mà mỗi khi nhớ về Đỗ Cận đều thấy cần phải cố gắng hơn nữa để đền đáp nghĩa tình của những người dân nơi đây.

Thời gian hồi tưởng chính là khoảng thời gian các nhân vật đã đi qua, hồi tưởng lại trong dòng tâm tưởng của mình. Những nhân vật trở về từ cuộc chiến vân luôn khắc khoải với những nỗi đau và sự day dứt ở thời điểm hiện tại. Nhờ kiểu thời gian này, nhân vật có cơ hội được giãi bày, được trải lòng mình nhằm xoa dịu đi nỗi đau từ quá khứ. Cũng từ kiểu thời gian hồi tưởng, ta cảm nhận được sâu hơn tâm lí nhân vật trong mỗi hoàn cảnh.

Một phần của tài liệu Không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thái nguyên (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)