Chương 3: THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ THÁI NGUYÊN
3.2. Thời gian hòa bình
3.2.2. Thời gian của niềm tin, hi vọng vào tương lai
Chiến tranh đã qua đi, thời gian hòa bình chính là khoảng thời gian của niềm tin, hi vọng vào tương lai của mỗi người. Sau bao nhiêu những khó khăn, vất vả để có được chiến thắng. Những nhân vật trở về từ chiến trận sẽ có thời gian để đặt niềm tin, hi vọng vào tương lai.
Trong tiểu thuyết Những người mở đường, thời gian của niềm tin, hi vọng vào tương lai của những người lính xuất hiện với từ ngữ chỉ thời gian: “bây giờ”, “ngày ấy”, “chiều nay”, “đêm nay”, “ngót bốn mươi năm”… giúp cho người đọc hình dung về cuộc sống của những người lính trở về từ chiến trận năm xưa. Những người lính ấy như được tiếp thêm sức mạnh, có động lực để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Đối với nhân vật Vinh, từ hồi còn là thanh niên xung phong anh đã là người bị ông Thịnh nhắc nhở, khiển trách và hơn cả đó là việc anh bị khai trừ khỏi Đảng. Sau khi nhớ lại những cuộc đối đầu của mình với ông Thịnh, Vinh cũng ngạc nhiên về chính mình, tại sao anh lại có thể có cái gan ấy được: “Bây giờ nhớ lại cuộc đối đầu có một không hai đã từng xảy ra trong cuộc đời mình, Vinh vẫn toát mồ hôi hột. Ừ, không hiểu sao ngày ấy mình lại quyết tử đến vậy. Tuy chỉ là Đội trưởng thanh niên xung phong nhưng ông Thịnh còn nghiêm hơn cả các vị tư lệnh chỉ huy quân sự. Cả đội
thanh niên xung phóng ngót một nghìn con người hồi ấy ai cũng sợ ông Thịnh như cọp. Vậy mà mình dám “tuyên chiến”. Có lẽ cũng bởi ông ấy đã dồn mình đến con đường cùng”[9, tr.81]. Nhưng cuộc đời đúng là lắm sự xoay vần kì diệu, chính nhờ những bước ngoặt trong cuộc đời mà chính ông Thịnh cũng là người góp phần tạo nên ấy cho nên Vinh mới được như ngày hôm nay, nghĩ lại những chuyện ấy mà Vinh khẽ cười thầm cảm ơn: “Ừ, giá như hồi ấy ông Thịnh không kỉ luật mình nặng đến thế thì khi thống nhất đất nước, may mắn lắm mình cũng chỉ là anh cán bộ quèn của phòng giao thông thành phố. Chà!
Nghĩ cho cùng hóa ra mình còn phải cảm ơn ông Thịnh… À, mà không, nói chính xác hơn là mang ơn cái hoàn cảnh éo le ấy”[9, tr.113].
Đối với nhân vật Đại đội trưởng Thịnh, Với những gì Vinh làm ngày hôm nay, ông Thịnh cũng đã nghiệm ra được một điều đó là cho dù mấy mươi năm trước ông đã từng cùng đồng đội san lấp hàng nghìn hố bom, xây dựng, sửa chữa bao cây cầu, mở ra hàng chục tuyến đường, góp công sức không ít cho ngày thống nhất đất nước. Nhưng còn ngày nay thì sao, ông làm sao có thể làm được những điều ấy: “Không thể không thừa nhận rằng trong cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ông và không ít các đội viên thanh niên xung phong đã không còn khả năng phát sáng. Nhưng trong hành trình đổi mới hôm nay, chính Vinh lại là một nhân tố mở đường” [9, tr.197]. Ngay cả khi giải quyết được mọi mâu thuẫn với Vinh, nhìn nhận thấy những việc mà Vinh làm đều là vì mọi người thì lúc ấy ông Thịnh cảm thấy mình thực sự sai quá nhiều, không phải những gì ông thấy đều là sự thật, có những việc ẩn sâu trong đó cần rất nhiều lời giải thích, nhưng chính ông lại không chịu lắng nghe mà lại vội quy chụp những vấn đề đó. Chính vì vậy ông đã nhận ra rằng: “Ở đời, có nhưng việc tưởng là đúng nhưng sau đó, trước biến đổi của thời gian mới thấy là mình thật ấu trĩ… Nghe Vinh nói ông Thịnh thấy lòng quặn thắt. Thì ra ngày ấy
“hắn” không đến nỗi tệ như mình tưởng. Trái lại mình mới là kẻ hẹp hòi, thiếu lòng độ lượng, cứ ôm mãi hận thù” [9, tr.198-199]. Trong cuộc nói chuyện với
Tâm, ông Thịnh cũng thể hiện rõ niềm tin của mình vào tương lai khi quyết định đi tìm lại minh chứng sống để giành lại khu đất thiêng, nơi mà những đồng đội của ông đã ngã xuống, và khu đất ấy đang sắp sửa bị biến thành khu đô thị: “Cô cứ yên tâm. Ngày mai, ta sẽ gặp nhau để bàn cụ thể. Còn bây giờ, cô đã thuê nhà giúp tôi chưa? Tôi hạ quyết tâm rồi. Tôi sẽ sống trong ngôi nhà ấy cho đến khi nào giành được khu Đất Thiêng mới trở về Cà Mau” [17, tr.90].
Nhân vật Tâm, trở lại cuộc sống hòa bình sau chiến tranh, Tâm vẫn luôn khắc khoải và ấp ủ một dự định sẽ làm một điều gì đó để tưởng nhớ những người đồng đội của mình đã ngã xuống. Trong cuộc nói chuyện với ông Thịnh, Tâm đã khuyên ông dành thời gian để nghỉ ngơi, nhưng chính bản thân cô lại là người không ngủ được: “Khuyên ông Thịnh là vậy nhưng hóa ra đêm nay chính Tâm lại là người mất ngủ. Những động tác, giọng nói cứng như thép của Thịnh chiều nay đã làm cho tâm lo lắng không yên. Giá như cách đây ngót bốn mươi năm thì thái độ quyết liệt của ông chắc chắn sẽ góp một phần quan trọng để đội thanh niên xung phong lập nên những chiến công to lớn” [8, tr.91]. Tâm luôn khắc khoải với nỗi đau từ chiến tranh vẫn tưởng như đã lùi sâu vào quá vãng: “Thực ra, trái tim Tâm đâu có vô cảm trước những mất mát, trước những nỗi đau vẫn thường hiện hữu và gặm nhấm cả tâm hồn lẫn thể xác những người đồng đội cũ” [8, tr.91-92]. Trước những nỗi đau ấy, và trong đó có cả đồng đội của mình. Tâm hi vọng sẽ làm gì để góp phần giúp đỡ những người đồng đội của mình. Chính những người thanh niên xung phong đã cống hiến xương máu cho đất nước nhưng hiện thực họ lại không được công nhận là thương binh:
“Không nói đâu xa, ngay ở Đại đội 15 của Tâm cũng đang có dăm ba người trong số bảy chiến sĩ còn sống sót trong trận bom ở ga Lưu Sơn đêm hôm ấy không được công nhận là thương binh, có người đã được hưởng trợ cấp nhưng nghe đâu khi sáp nhập tỉnh, do sự quan liêu, vô trách nhiệm của các cơ sở, phòng chức năng thế nào đó mà lại bị cắt đi, không sao khôi phục
được”[8, tr.92]. Trước những bất công đó, Tâm nung nấu một ý định sẽ phải làm gì đó để đòi lại công bằng cho đồng đội của mình, niềm tin vào một ngày không xa họ sẽ được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Trong cuộc nói chuyện với ông Thịnh tại quán bánh quấn nhiều kỉ niệm năm xưa, Tâm đã có những trải lòng: “Anh Thịnh lầm rồi. Những nữ cựu thanh niên xung phong chúng em dù nửa đêm thường ôm gối khóc vì cô đơn, nhưng cứ tới lúc mặt trời mọc lại vui như tết. Gặp nhau chỉ có cười và cười thôi. Nếu không nhờ vào những tiếng cười thì có lẽ chúng em đã chết rục vì sầu não rồi, anh hiểu không?” [8, tr.92]. Những người lính sau chiến tranh, họ luôn phải biết cách đứng dậy, tự lau khô nước mắt và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Thời gian của niềm tin hi vọng vào tương lai, chính là thời gian các nhân vật mong muốn được nhìn thấy những cống hiến của mình đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và hơn ai hết họ hiểu rằng sự khốc liệt của chiến tranh vẫn luôn tồn tại những dư âm mà mãi mãi họ không thể nào quên. Sự biết ơn đối với những người dân đã từng cưu mang, đùm bọc mình trong những tháng ngày khó khăn, gian khổ ấy vẫn luôn thổn thức trong lòng những nhân vật trở về từ cuộc chiến. Dù ở hiện tại, họ giữ cương vị gì đi chăng nữa nhưng không lúc nào những con người ấy quên được vùng đất và những con người đầy nghĩa tình nơi đây.