Không gian của những trăn trở, suy tư

Một phần của tài liệu Không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thái nguyên (Trang 59 - 67)

Chương 2: CÁC KIỂU KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ THÁI NGUYÊN

2.3. Không gian tâm tưởng

2.3.2. Không gian của những trăn trở, suy tư

Bên cạnh việc xây dựng thành công không gian của sự lạc quan, nhà văn còn xây dựng kiểu không gian của những trăn trở, suy tư về nhiều ám ảnh của cuộc chiến. Không gian của những trăn trở, suy tư xuất hiện qua những tín hiệu ngôn ngữ chỉ tâm trạng: “trăn trở”, “suy tư”, “nhớ lại”, “nhận ra”, “ám ảnh”,

“day dứt”, “niềm trăn trở”, “mơ hồ”, “lo âu”, “lo lắng”. Những suy tư, trăn trở vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí của các nhân vật trong tác phẩm. Đặc biệt là những nhân vật trở về từ chiến trận, loại không gian này càng được biểu hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Trong tác phẩm Những người mở đường đã tái hiện không gian của những trăn trở, suy tư thông qua những suy nghĩ cảm xúc nội tâm nhân vật trở về

trong cuộc chiến. Nhân vật Tâm nhớ lại nỗi kinh hoàng từ trận bom hơn ba mươi lăm năm về trước. Một trận bom đã cướp đi sáu mươi mốt đồng đội của cô, trong đó có người mà cô thầm thương mến nhưng chưa một lần dám thổ lộ cùng anh: “Nỗi kinh hoàng từ trận bom ba mươi lăm năm trước lại hiện về rõ mồn một. Lúc này Tâm như vẫn hình dung thấy từng gương mặt, từng nụ cười và cả những giọt nước mắt của những người bạn đồng ngũ năm xưa. Vậy mà chỉ qua một trận bom B52 trong cái đêm định mệnh ấy, tất cả đã vĩnh viễn rời xa chị. Người ta thường nói, thời gian sẽ xóa nhòa đi mọi nỗi đau. Nhưng đối với Tâm đã trôi qua ba mươi lăm năm có lẻ mà sao nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn trong lòng” [16, tr.23]. Đối với Tâm, nỗi đau ấy chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí cô, từng chi tiết trong trận bom đêm đấy đều in hằn trong trí nhớ của cô, đặc biệt là với Cương: “Tâm nhớ lại buổi tối hôm qua, Cương cũng đặt đôi bàn tay lên vai Tâm như thế này và định nói với cô điều gì đó tỏ ra rất hệ trọng nhưng cứ ngập ngừng mãi không thể cất thành lời. Hôm nay, đôi bàn tay mềm mại của anh lại đặt lên vai Tâm, và cũng giống như hôm qua, anh mấp máy môi định nói với Tâm nhưng cuối cùng vẫn lại im lặng. Ánh mắt cương hắt lên vẻ u ám, nhẫn nhịn. Hình như cả hai lần, anh đều phải hết sức kìm lòng để không nói ra cái điều vẫn đau đáu trong lòng” [9, tr.31]. Trong cuộc hội ngộ giữa các đồng đội thanh niên xung phong, Tâm đã nhận ra không ít điều đáng phải suy ngẫm: “Ngày ấy, chính Tâm cũng là một trong số không ít người đã tán thành quan niệm thời chiến phải nghiêm khắc trong yêu đương. Với sự kiện đột nhập vào phòng đội trưởng của bà Xuân, Tâm thuộc về phe lên án người đàn bà trơ trẽn và ca ngợi sự trong sáng, đúng mực của ông Thịnh. Vậy mà hôm vừa rồi, nhìn bà Xuân trong thân hình tàn tạ, tuyệt vọng trước cô đơn, không người nương tựa, trái tim Tâm như vỡ thành từng mảnh” [9, tr.138].

Hay là lúc đến thăm nhà La, sau khi nghe câu chuyện về cuộc đời của nữ thanh niên xung phong bạc mệnh, cô đã thốt lên sự thương xót và day dứt tự vấn lương tâm của mình khi đã không quan tâm đến người đồng đội của mình, dù

không phải lỗi của cô nhưng nhờ đó mà cô nhận ra được rằng ai cũng có những nỗi khổ riêng cả: “La ơi, tao có tội với mày! Bao nhiêu chuyện khủng khiếp như vậy mà tao không hề hay biết. Bấy lâu nay tao ích kỉ, tưởng nỗi khổ của mình là ghê gớm lắm nên chẳng còn để mắt đến ai. Hóa ra nỗi mất mát cỏn con của tao chẳng thấm gì với những gì đè nặng lên cuộc đời vất vưởng của mày”[9, tr.157].

Nhà văn đã khắc họa kiểu không gian này với những ám ảnh, day dứt trong nhân vật Đại đội trưởng Thịnh. Ông luôn đau đáu trong lòng vì đã kỉ luật Cương: “Tuy kỉ luật Cương, và thực tâm tôi cũng oán trách cậu ấy nhiều lắm, nhưng cô có hiểu cho tôi không? Suốt ba mươi lăm năm trời hình ảnh đôi giày cooc-sê-ghin rách bươm của Cương và chiếc bát sắt vẫn nắm chặt trên tay cô Sao vào đêm hôm ấy luôn hiện về ám ảnh tôi” [4, tr.58]. Thâm nhập vào thế giới nội tâm của nhân vật, nhà văn đã phát hiện quá trình tự ý thức- chiêm nghiệm của nhân vật để nhận ra chính mình. Đến những năm tháng cuối đời, trải qua nhiều chuyện và ngồi lại suy ngẫm về những việc mình đã làm, ông Thịnh cảm thấy có chút xấu hổ với chính bản thân mình, ông nhận ra những sai lầm ấy cần phải được sửa chữa bằng hành động: “Tôi làm mọi việc là vì sám hối. Đến cuối đời, tôi mới nhận ra trước đây do ấu trĩ mà thành ra mắc nhiều tội quá” [9, tr.136].

Trong Tể tướng Lưu Nhân Chú, Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú là người nói lên những suy tư, triết lí về lịch sử và con người. Bởi vậy mà những đoạn văn có sự xuất hiện của hai nhân vật này, không gian của những trăn trở, suy tư được hiện lên khá rõ. Để ngăn Lê Lợi không tiêu diệt tàn quân của Thôi Tụ ở thành Xương Giang mà nên lấy sự hòa hiếu làm đầu, Nguyễn Trãi đã nói:

“Chiến thắng không phải lúc nào cũng là giết giặc. Ta nên bỏ cái lợi nhỏ là sự trả thù để lấy cái lợi lớn là sự hòa hiếu. Đó mới chính là sách lược “tâm công”

[10, tr.175]. Khi tâu với Lê Lợi về việc tiêu diệt thành Đông Quan, Nguyễn Trãi đã khẩn khoản: “Chiến tranh là bắt buộc nhưng mỗi bước đi của chinh

chiến lại luôn cần hướng tới sự hòa hiếu chứ không phải là thù hận nối thù hận muôn đời” [10, tr.183]. Đối với Lê Lợi, ông là một vị minh chủ vô cùng sáng suốt, anh minh, đã không ít lần ông căn dặn các tướng lĩnh của mình phải luôn liêm chính, hết lòng vì dân và đối xử tốt với tất cả các thuộc hạ: “Khổng Tử dạy “tôn chủ, bồi thần”. Muốn có lòng trung quân thì phải đối xử tốt với các thuộc hạ” [10, tr.118]. Chi tiết thể hiện được rõ nét nhất về đặc trưng về kiểu không gian này đó là sau chiến thắng của trận Xương Giang, chính Lê Lợi nhận ra mình đã không thực hiện triệt để tư tưởng hòa hiếu, chính sách công tâm khiến cho nỗi ám ảnh về cảnh chết chóc tang thương luôn bủa vây ông. Điều này khiến luôn ông day dứt khi nghe tiếng sáo của Lưu Nhân Chú, tiếng sáo gợi cho ông về sự nhớ thương nàng Ngọc Trần và tướng quân Lê Lai cùng bao người đã ngã xuống của nghĩa quân Lam Sơn. Ông chiêm nghiệm: “Lê Lợi sa nước mắt. Ừ, mà nghe tiếng sáp của tướng quân bỗng ta cũng thương nhớ nàng Ngọc Trần và tướng quân Lê Lai cùng bao người đã khuất của nghĩa quân Lam Sơn quá. Chỉ có những ai đã từng mất đi những người ruột thịt, thân yêu thì mới có nỗi đau như thế” [10, tr.181-182]. Để rồi, ông thẳng thắn bộc bạch với Nguyễn Trãi: “Trận Xương Giang thắng lớn nhưng quả là ta đã sai vì không nghe theo kế “tâm công” của quân sư” [10, tr.182]. Lê Lợi tự nhận ra những sai sót của mình để rồi thấy mình thật đáng trách, ông đã nghiệm ra nhiều điều thông qua tiếng sáo ai oán của tướng quân Lưu Nhân Chú. Ông không thể vì chiến thắng nhanh gọn mà thêm mấy vạn đầu người phải rơi xuống!

Với Lưu Nhân Chú, đây là vị tướng quân luôn có những nỗi niềm trăn trở sau mỗi chiến trận. Sau khi cùng Slao đi tới bãi tập, anh khẽ nói với cô bằng một giọng đầy suy tư, trăn trở: “Slao à! Trong kiếp người, ai cũng phải mang nặng những nỗi buồn đau, nhưng trong lúc này thì nỗi buồn, nỗi khổ lớn nhất là cảnh nước mất, nhà tan. Vì vậy cả anh và Slao và tất cả mọi người phải quên đi mọi ưu phiền để dồn sức vào việc đánh đuổi lũ giặc Ngô ra khỏi bờ cõi” [10, tr.94]. Là một vị tướng quân, nhưng Lưu Nhân Chú lại

không hề vui vẻ gì khi trận chiến đổ máu quá nhiều, khác với những vị tướng quân khác chỉ biết lấy việc chém giết, dù là chém giết kẻ thù làm niềm vui, niềm kiêu hãnh. Với Lưu Nhân Chú, anh luôn đưa ra những kế sách chiến đấu làm sao để giảm bớt sát thương nhất. Bởi thực sự đối với Lưu Nhân Chú, lúc Slao nằm chết trên tay mình thì anh mới ngộ ra nhiều thứ: “Tôi đã từng chém đầu không biết bao tên giặc xâm lăng khát máu. Chỉ đến khi Slao tắt thở trong bàn tay này, tôi mới ngộ ra rằng, mình đã mất một vật báu mà không bao giờ tìm lại được nữa. Có lẽ mạng người là thứ quý giá nhất…!” [10, tr.176].

Không gian của những trăn trở, suy tư trong Tể tướng Lưu Nhân Chú bị chi phối bởi cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Từ điểm nhìn hiện tại, tác giả muốn soi rọi về quá khứ với cái nhìn mới chứa đựng sự suy tư, phân tích những bài học lịch sử. Trong đó, tác giả nhấn mạnh đến việc áp dụng tư tưởng hòa hiếu nhân văn của dân tộc như thế nào cho hợp lí. Bài học lịch sử về tư tưởng hòa hiếu bao dung ấy luôn là bài học đúng đắn cho mọi thời đại. Đặt nhiều niềm tin và cũng là để Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú nói hộ mình những trăn trở, suy tư về cuộc chiến, tác giả đã xây dựng hai nhân vật này có sự đồng điệu về tâm hồn. Nguyễn Trãi khâm phục tài năng của Lưu Nhân Chú nhưng cũng là người đã nhìn ra trong hội thề Lũng Nhai, khi Lưu Nhân Chú bắn trúng hồng tâm, ánh mắt của tướng Lê Sát nhìn vị tướng này như thế nào. Ông đã khuyên Lưu Nhân Chú nên biết phòng thân. Ông mơ hồ lo âu về số phận của Lưu Nhân Chú sẽ không mấy tốt đẹp sau khi cuộc chiến thành công. Triết lí mà Nguyễn Trãi đưa ra quả thực thấm thía và khiến ta phải suy nghĩ: “Cái khó không phải là việc đánh đuổi quân Ngô. Cái khó lại chính ở lòng người sau khi sự đã thành” [10, tr.81]. Và điều Nguyễn Trãi lo lắng cuối cùng đã đến, Lưu Nhân Chú bị Lê Sát hại chết. Khi biết rằng mình sắp phải chết trong tù ngục và bị ép uống rượu độc. Lúc này Lưu Nhân Chú chỉ cảm thấy hơi buồn vì mình không được chết một cách quang minh chính đại: “Lưu Nhân Chú chỉ thấy hơi buồn vì đã từng tung hoành trận mạc nhưng không phải chết âm thầm trong ngục

thất. Thường thì trước khi từ giã cõi đời nhiều kẻ luôn luyến tiếc vinh hoa phú quý, quyền cao chức trọng, cũng có người vì phẫn uất, cay đắng trước những nỗi oan khuất mà tưởng chừng không sao nhắm mắt nổi. Hơn ai hết, Lưu Nhân Chú thấu hiểu nỗi oan khiên của mình cùng những mưu ma chước quỷ của thói đời”[10, tr. 193]. Chứng kiến bi kịch của Lưu Nhân Chú khi bị Lê Sát hãm hại trong tù ngục, Nguyễn Trãi kêu lên thảng thốt: “Tướng quân Lưu Nhân Chú không có tội! Nỗi đau lịch sử này nghìn năm khôn rửa!” [10, tr.195].

Không gian của những trăn trở, suy tư còn hiện lên qua nhân vật Vương Thông. Vương Thông - một tên Vương tổng binh xưa nay cả đời chỉ biết đến cảnh chém giết, thiêu đốt và tiếng gươm khua, ngựa hí chốn trường. Vậy mà khi nghe thấy tiếng sáo của Lưu Nhân Chú cũng phải thốt lên với lòng mình rằng: “Đã bao năm bôn ba chinh chiến, thắng thua đã nhiều, thấy đầu rơi, máu chảy cũng lắm. Tưởng con tim đã cằn cỗi, chai sạn, vậy mà hôm nay nghe tiếng sáo của Lưu tướng quân, tôi bỗng thấy lòng khắc khoải nhớ cố quốc quá…

Chinh chiến ở Đại Việt bao năm, tôi những tưởng chiến tranh toàn là máu lửa và chém giết. Từ đêm nay, có lẽ trong con tim binh nghiệp sắt đá của tôi sẽ có thêm tiếng sáo của Lưu tướng quân” [10, tr.189-190]. Sau cuộc trò chuyện với quân sư Nguyễn Trãi, Vương Thông đã tự nghiệm ra nhiều thứ, gương mặt lão đờ ra như bức tượng, vẻ ngượng ngùng trước những câu nói của Nguyễn Trãi:

“Hình như lão ngẫm nghĩ mình đã làm đến chức tổng binh mà trò chuyện với vị sử giả nước Nam mảnh dẻ này sao cứ như chim chích lạc rừng, mà lại lạc ngay trong khu rừng của chính đất nước mình. Lão không ngờ cái buổi tiếp kiến với sứ giả Đại Việt lại mang vẻ bình yên nhưng cũng chứa nhiều vị đắng đến vậy” [10, tr.191].

Không gian của những trăn trở suy tư được hiện lên thông qua những nhân vật trở về từ cuộc chiến. Hơn ai hết, họ thấu hiểu nỗi đau mà chiến tranh để lại đối với mỗi người. Bước qua chiến tranh, họ có nhiều thời gian để suy nghĩ nhiều hơn về những gì đã qua. Đồng thời, đó cũng là những trăn trở, suy tư của

người con dân tộc. Các nhà văn Thái Nguyên đã phát hiện, khẳng định, trân trọng và nâng niu khi thâm nhập vào thế giới không gian tâm tưởng nhân vật một cách chân thực nhưng cũng đầy khéo léo để xây dựng thành công không gian tâm tưởng trong tác phẩm.

Tiểu kết chương 2

Về các kiểu không gian nghệ thuật có trong các cuốn tiểu thuyết lịch sử.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi lựa chọn ba kiểu không gian chính đó là: không gian chiến trận, không gian hậu phương, không gian tâm tưởng. Đây cũng là ba kiểu không gian chính và xuất hiện bao trùm lên toàn bộ các tác phẩm.

Trong không gian chiến trận, chúng tôi chia thành hai kiểu không gian:

không gian chiến trận khốc liệt và không gian chiến trận hào hùng. Không gian chiến trận với hình ảnh bom đạn đã trở thành tín hiệu của chiến tranh mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc. Bên cạnh không gian chiến trận khốc liệt là không gian chiến trận hào hùng, loại không gian này cũng góp phần tạo nên đặc trưng riêng của tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên.

Với không gian hậu phương, cũng xuất hiện với hai kiểu không gian chính đó là không gian của niềm tin tất thắng và không gian căn cứ địa cách mạng.

Trong không gian của niềm tin tất thắng, nhà văn đã xây dựng những hình ảnh của người phụ nữ đã góp sức mình làm nên những chiến thắng vẻ vang. Không gian căn cứ cách mạng chính là điểm tựa của những người con yêu nước. Dù xuất phát ở tầng lớp nào thì trong trái tim họ vẫn đỏ thắm tình yêu với dân tộc.

Không gian tâm tưởng với hai kiểu không gian chủ đạo: không gian của sự lạc quan và không gian của những trăn trở, suy tư. Nếu như không gian của sự lạc quan chính là động lực góp phần làm nên chiến thắng, niềm tự hào dân tộc thì không gian của những trăn trở, suy tư lại khiến người đọc hình dung rõ hơn về dư âm của cuộc chiến, nỗi đau của những người trở về từ chiến trận.

Cả ba loại không gian nghệ thuật đều được tác giả sử dụng tương đối nhiều bởi tính chất của các loại không gian nghệ thuật này là công cụ thể hiện niềm tự hào về những người anh hùng dân tộc. Thông qua ba đặc trưng về không gian nghệ thuật, người đọc sẽ hình dung cụ thể hơn về hình tượng người anh hùng. Ở mỗi tác phẩm, tác giả dành cho mỗi nhân vật những không gian và nghệ thuật khác nhau, tạo sự mới mẻ, lôi cuốn người đọc, từ đó thấu hiểu và đồng cảm hơn, dần dần trở nên cảm phục, biết ơn đến họ.

Chương 3

Một phần của tài liệu Không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thái nguyên (Trang 59 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)