Thời gian tưởng tượng

Một phần của tài liệu Không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thái nguyên (Trang 91 - 98)

Chương 3: THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ THÁI NGUYÊN

3.3. Thời gian tâm lí

3.3.2. Thời gian tưởng tượng

Nếu thời gian huyền thoại được coi là thời gian ngoài thời gian, thì thời gian tưởng tượng cũng như vậy. Thời gian tưởng tượng trong tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên xuất hiện với thời gian các nhân vật thông qua những kí ức tưởng tượng lại. Trong thời gian tưởng tượng, các nhân vật được thả hồn vào những

suy nghĩ miên man của tâm hồn trong những giấc mơ với những câu chuyện xen lẫn yếu tố kì ảo trong đó.

Ở tiểu thuyết Những người mở đường, thời gian tưởng tượng xuất hiện đối với những nhân vật trở về từ chiến tranh thông qua kí ức để xây dựng thời gian hồi tưởng. Nhân vật ông Thịnh là người mang nhiều kí ức nhất về trận địa năm xưa. Đối với nhiều người khu đất trống hiện giờ chỉ là mảnh đất vô cùng bình thường và sẽ đem lại cho họ lợi ích khi sở hữu được nó, nhưng đối với ông đây là cả một bầu trời kí ức vui buồn lẫn lộn, bởi vậy ông có thể ghi nhớ từng chi tiết và cái mảnh đất hiện tại đang được bỏ không này: “Khu đất thiêng có con đường lớn chạy xuyên qua cùng cái ga xép giờ đã bỏ hoang nhưng dường như vẫn giữ được nguyên vẹn hình dạng cũ. Dãy kho lớn mà ngày xưa chứa được hàng mấy chục nghìn tấn hàng, từng được cả nước mệnh danh là “cảng cạn”

tuy đã bị bom địch san phẳng nhưng nền móng và đặc biệt là hình ảnh của nó trong mắt ông Thịnh thì vẫn còn tồn tại không sót một chi tiết nào. Chính nơi đây Đội Thanh niên xung phong 90 của ông đã chiến đấu quên mình, đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và máu quyết bảo vệ từng hòm đạn, từng bao bột mì, từng thùng quần áo… để có thể chuyển ra tiền tuyến nhanh chóng và an toàn”[9, tr.67]. Khi trở lại khu đất địa linh nhân kiệt này, ông muốn tìm lại những kí ức mà bấy lâu nay ông vẫn muốn đi tìm, đứng giữa mảnh đất ấy ông cảm thấy mình bị choáng ngợp bởi đường xá, hàng quán năm xưa đã thay đổi và chắc chắn là rất hiếm hàng quán còn sót lại. Ông Thịnh hỏi cô bán hàng về chiếc bát sắt và tất nhiên người bán hàng không hiểu được cái thứ mà ông đang tìm có hình thù như nào vì cách đây những hơn bốn mươi năm, lúc đó cô gái còn chưa ra đời: “Cách đây gần bốn mươi năm cũng ở khu vực này tôi đã mua một trăm cái bát sắt cho Đại đội Thanh niên xung phong 15 mới thành lập…

Trời đất! Những gần bốn mươi năm rồi hả cụ? Ngày ấy thì anh cả cháu cũng còn chưa đẻ” [9, tr.68]. Tạm gác qua việc tìm bát sắt, ông Thịnh lại chỉ tay sang bên kia đường và nói vị trí của quầy bán kem năm xưa, tuy giờ quán kem đã khang trang hơn nhiều nhưng ông vẫn nhớ ở vị trí đó. Ông cũng nuối tiếc và

gợi nhắc về những que kem “cổ tích” mà giờ muốn mua cũng chẳng có: “Kia kìa, cô nhìn xem! Vậy mà tôi vẫn nhận ra ngày xưa chỗ kia là quầy bán kem đấy. Bây giờ… hình như… vẫn là hiệu bán kem nhưng khang trang rộng rãi hơn nhiều… bây giờ họ chỉ bán kem ly chứ không bán kem que hai hào như ngày xưa nữa cô nhỉ?”[9, tr.69]. Nhắc đến hàng kem, ông lại nhớ đến Sao và Mỵ, ông Thịnh tưởng tượng lại hình ảnh hai cô thanh niên xung phong trẻ tuổi, xinh xắn, ngây thơ nhưng bản lĩnh nơi chiến trường không hề nhỏ như tuổi của các cô, vốn chỉ là các cô gái tuổi còn đi học nên họ có những hành động rất vô tư và hồn nhiên: “Ông Thịnh nhìn từ bên kia đường, trong quầy kem, Sao và Mỵ mặt đỏ bừng, hau háu đứng chờ người bán kem đang lấy ra từng que kem màu vàng sẫm làm bằng đường đen từ chiếc phịch xỉn màu. Sao khoái chí cầm hai que kem, lui ra ngoài, đưa cho Mỵ một que…”[9, tr.70]. Lúc này cảm xúc như chợt ùa về, ông Thịnh vẫn đứng ngây ra trước quầy hàng, mắt đăm đăm nhìn sang quầy kem mà nước mắt nhòe đi lúc nào không hay: “Má ông nhòe nước mắt. Ông lúng túng lấy tay áo quẹt vội. Tôi chỉ hơi buồn vì nhiều thứ không thể tìm lại được nữa”[9, tr.71]. Thời gian tưởng tượng đã miêu tả một cách chân thực hiện thực khốc liệt của chiến tranh trong kí ức của những người trở về, hình ảnh về những người đồng đội vẫn như dội lại trong tâm trí. Những ám ảnh về chiến tranh vẫn luôn thường trực trong tâm trí của nhân vật.

Tể tướng Lưu Nhân Chú có những đoạn miêu tả thời gian tưởng tượng với giấc mơ của nhân vật Ngọc Tiêm. Ngọc Tiêm xuất hiện trong giấc ngủ với gương mặt hơi thoáng một nét buồn và những trăn trở trong lòng: “Đêm Thuận Thượng yên tĩnh. Ngọc Tiêm đang chìm trong giấc ngủ. Gương mặt Ngọc Tiêm trong giấc ngủ trông hơi thoáng một nét buồn” [19, tr.151].

Trong giấc mơ, Ngọc Tiêm đã linh cảm thấy một điều chẳng lành khi nàng tưởng tượng ra cảnh Lưu Nhân Chú và Slao cưỡi chung ngựa chạy trốn nàng:

“Ngọc Tiêm cưỡi con chiến mã bặm môi đuổi theo hai người đang cưỡi chung một con ngựa phi như bay ngay phía trước mặt. Nàng quất mạnh voi ngựa cố

vượt lên, vẻ mặt hết sức căng thẳng. Đôi lông mày cánh phượng của Ngọc Tiêm hơi cau lại. Nàng nhận ra hai người cưỡi chung con ngựa phía trước chính là Lưu Nhân Chú và Slao. Hai người cười với nhau rất tình tứ. Mái tóc Slao bay lòa xòa trước mặt Lưu Nhân Chú. Ngọc Tiêm nhăn mặt,hàm răng nghiến chặt. Nàng vừa thúc ngựa đuổi theo vừa gào lên một cách thảm thiết:

- Lưu Nhân Chú! Lưu Nhân Chú chàng ơi! Sao chàng nỡ bỏ thiếp! Đợi thiếp cùng đi chàng ơi!”[1, tr.152]. Trong giấc mơ, Ngọc Tiêm thấy Lưu Nhân Chú và Slao đi cùng với nhau, không hề để ý tới sự có mặt của nàng. Mặc dù Ngọc Tiêm luôn tự nhủ với lòng mình tất cả vì thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, nàng có thể gác lại tất cả, dù là tình cảm cá nhân nhưng cũng không tránh khỏi những phút giây nàng cảm thấy chạnh lòng. Mặc dù có hờn ghen, buồn tủi nhưng nàng vẫn luôn coi Slao như người em gái ruột thân thiết, bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ như mách bảo với nàng rằng điều chẳng lành đang xảy ra đối với Slao: “Một dòng sông sóng to gió lớn hiện ra trước mặt. Con chiến mã của Lưu Nhân Chú và Slao nhảy ào xuống sông. Nhưng chỉ sau một cái rũ bờm tung tóe nước, cin chiến mã lại tiếp tục tung vó phi nước đại trên mặt nước. Lưu Nhân Chú và Slao quay lại nhìn nhau, cười đùa vui vẻ [13, tr.152].

Giấc mơ luôn phản ánh những suy nghĩ thường trực của con người trong đời sống thực tại. Trong giấc mơ, Ngọc Tiêm luôn khắc khoải nhớ về Lưu Nhân Chú pha lẫn chút hờn ghen, xót xa. Với những linh cảm chẳng lành về điều sẽ xảy ra với Slao thì Ngọc Tiêm lo lắng nhiều hơn là giận, bởi với nàng tình chị em thân thiết và sự hồn nhiên của Slao như xóa tan đi tất cả lòng hiềm nghi, đố kị đó. Thời gian tưởng tượng còn được thể hiện qua việc Ngọc Tiêm nhắc đến khoảng thời gian xa nhau giữa mình và Lưu Nhân Chú: “Cơn mưa đã tan hẳn nhưng trong lòng Ngọc Tiêm vẫn không sao tránh nổi nỗi giận hờn, xót xa.

Nàng thầm thốt lên: “Lưu Nhân Chú chàng ơi. Thấm thoát ngày chàng ra đi đã hơn chục mùa nương rồi. Cũng ngần ấy năm, thiếp vò võ năm canh một mình một bóng nhớ chàng” [1, tr.153]. Nỗi nhớ Lưu Nhân Chú luôn thường trực

trong tâm Trí của Ngọc Tiêm khiến nàng luôn mong mỏi được gặp lại vị tướng công của mình. Mặc dù trong giấc mơ là vậy nhưng khi tỉnh dậy tâm trạng ấy lại tan biến mất và nàng vẫn coi Slao như một người em gái út. Bởi vậy, khi Slao tử trận, Ngọc Tiêm như linh cảm thấy điều chẳng lành, nàng bỗng thấy lồng ngực nhói đau: “Bản Nậm cang đỏ bầm trong ráng chiều. Ngọc Tiêm cố nhảy lên lưng con chiến mã vừa vấp ngã nhưng nó cứ lồng lên không cho Ngọc Tiêm đến gần. Bất thần, đôi chân Ngọc Tiêm cũng như khuỵu xuống. Nàng ngờ ngác nhìn về phương xa bỗng thấy lồng ngực nhói đau” [19, tr.170- 171]. Cái chết của Slao cũng được Ngọc Tiêm cảm nhận thông qua thời gian tưởng tượng bởi với nàng còn gì đau đớn hơn khi mất đi một người thân yêu của mình.

Thời gian tưởng tượng xuất hiện trong tác phẩm đối với nhân vật Ngọc Tiêm đã nói lên sự khắc khoải, lo âu luôn thường trực trong tâm trí của người phụ nữ. Đồng thời nó cũng miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh, những nhân vật luôn mang nặng sự cô đơn, buồn tủi bởi hơn ai hết họ hiểu được trách nhiệm của mình đối với đất nước và những người thân yêu.

Trong tiểu thuyết Thượng Thư Đỗ Cận, nhà văn xây dựng thời gian tưởng tượng thông qua cuộc gặp gỡ của Đỗ Cận với Nguyễn Trãi trong giấc mơ khi ông đi sứ nhà Minh: “Đỗ Cận chập chờn trong giấc ngủ, trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ, ông thấy có một người tầm thước, mặc áo dài lụa màu đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia từ cửa từng bước khoan thai đi vào. Ông giật mình nhận ra người đó là nguyễn Trãi. Đỗ cận nghiêng mình định ngồi dậy để chào thì nguyễn Trãi đã đi nhanh ra cửa, đằng sau để lại một làn gió nhẹ” [1, tr.143]. Sau giấc mơ lòng ông bỗng bồn chồn, nằm xuống mà không thể ngủ tiếp được. Trong trạng thái chập chờn nửa tỉnh nửa mơ ấy ông như đoán định được điều gì của Nguyễn Trãi muốn nói với mình. Đỗ Cận cũng hiểu được lí do vì sao trong giấc mơ mình lại gặp được Nguyễn Trãi: “Đỗ Cận chợt nhớ lại, chính sứ Nam quan này, năm 1407 Nguyễn Trãi đã gạt nước mắt nghe lời cha là Nguyễn Phi Khanh, bỏ ý định theo cha sang nhà Minh và quay về

tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cùng Lê Lợi” [10, tr.143]. Đỗ Cận như hiểu rằng, đây không chỉ là giấc mơ mà là lời nhắn gửi của người xưa bởi ông cũng đang thực hiện trọng trách cao cả trong chuyến đi sứ này. Nó có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc sau chuyến đi. Ông càng thấu hiểu hơn những suy nghĩ lớn của Nguyễn Trãi bởi chính lòng dân là sức mạnh để gìn giữ cho giang sơn bền vững muôn thuở.

Thời gian tưởng tượng diễn ra trong nội tâm mỗi nhân vật, là những trăn trở, những ám ảnh, day dứt vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của họ. Đó còn là những mong ước từ chính hiện thực cuộc sống, những khát khao về một cuộc sống yên bình và những khát vọng thể hiện rõ trong loại thời gian đặc trưng này. Qua thời gian tưởng tượng, nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên như được sống với chính những ước mơ, niềm mong ước của mình.

Tiểu kết chương 3

Trong quá trình đọc, tìm hiểu tác phẩm, chúng tôi lựa chọn ba kiểu thời gian nghệ thuật có trong tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên chính đó là: thời gian chiến tranh, thời gian hòa bình, thời gian tâm lí. Đây cũng là ba kiểu thời gian đặc trưng trong tác phẩm tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên. Thời gian nghệ thuật là một trong đóng góp quan trọng trong mảng tiểu thuyết lịch sử này. Trong thời gian nghệ thuật, các nhân vật xuất hiện trong bối cảnh thời gian có khi cụ thể, những cũng có khi thời gian được hiện lên khái quát.

Trong thời gian chiến tranh, chúng tôi chia thành hai kiểu thời gian: độ căng của thời gian chiến đấu và độ ngưng ngắt quãng của thời gian chiến đấu.

Độ căng của thời gian chiến đấu với từ ngữ diễn tả thời gian cụ thể đã trở thành tín hiệu của chiến tranh mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc. Bên cạnh độ căng của thời gian chiến đấu là độ ngưng ngắt quãng của thời gian chiến đấu. Loại thời gian này cũng góp phần tạo nên đặc trưng riêng của tiểu thuyết lịch sử.

Với thời gian hòa bình cũng xuất hiện với hai kiểu thời gian chính đó là thời gian của hồi ức tự hào về những năm tháng lịch sử và thời gian của niềm tin, hi vọng vào tương lai. Thời gian của hồi ức tự hào về những năm tháng lịch sử chính là khoảng thời gian mà nhân vật trở về từ chiến trận hồi tưởng lại ở thời gian hiện tại. Thời gian của niềm tin hi vọng vào tương lai là thời gian giúp cho nhân vật đặt niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp của đất nước.

Với thời gian tâm lí, chúng tôi cũng chia thành hai kiểu thời gian đó là:

thời gian hồi tưởng và thời gian tưởng tượng. Trong thời gian hồi tưởng, những nhân vật đi qua cuộc chiến nhớ lại kí ức về trận địa năm xưa nhằm xoa dịu đi nỗi đau của chiến tranh. Thời gian tưởng tượng xuất hiện trong giấc mơ, suy nghĩ của nhân vật với những khắc khoải trong đời sống. Từ đó tạo nên một thời gian tâm lí đa dạng.

Cả ba loại thời gian nghệ thuật đều được tác giả sử dụng trong tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên. Bởi tính chất của các loại thời gian nghệ thuật này là công cụ thể hiện niềm tự hào về những người anh hùng dân tộc. Thông qua ba đặc trưng về thời gian nghệ thuật, người đọc sẽ hình dung cụ thể hơn về hình tượng người anh hùng và nhân vật trở về sau chiến tranh. Ở mỗi tác phẩm, tác giả dành cho mỗi nhân vật những thời gian và nghệ thuật khác nhau, tạo sự mới mẻ, lôi cuốn người đọc, từ đó thấu hiểu và đồng cảm hơn, dần dần trở nên cảm phục, biết ơn đến họ.

Bên cạnh đó thời gian chiến tranh, thời gian hòa bình, thời gian tâm lí còn được hiện lên để nói ra những suy tư, triết lí của con người sau cuộc chiến.

Thời gian chiến tranh chính là khoảng mà mỗi con người được chiến đấu hết mình, hi sinh hết mình. Thời gian hòa bình lại là thời gian để mỗi con người trở về từ cuộc chiến nhìn nhận lại bản thân. Thời gian tâm lí là thời gian gắn liền với cảm xúc, tâm trạng của nhân vật. Đó là thời gian chan chứa tình cảm, suy nghĩ, cảm xúc, thái độ của nhân vật. Trong đó thời gian hồi tưởng, thời gian tưởng tượng chính là khoảng thời gian nhân vật được bộc bạch những tâm tư, tình cảm của mình.

Một phần của tài liệu Không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử thái nguyên (Trang 91 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)