Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KIỂM SOÁT CHI THƯỜNG XUYÊN TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC
1.2. Cơ sở thực tiễn về kiểm soát chi thường xuyên tại Kho bạc Nhà nước
1.2.1.1. Kinh nghiệm về kiểm soát chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng
Đi đôi với thu NSNN, KBNN Hòa An thực hiện tốt công tác cấp phát và kiểm soát chi thường xuyên, đảm bảo các khoản chi đều có trong dự toán được duyệt, đúng đối tượng, đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức quy định, giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực
hiện, vừa đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Qua kiểm soát chi thường xuyên, KBNN Hòa An đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, tham gia tích cực vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng. Thông qua kiểm soát chi thường xuyên, KBNN Hòa An đã từ chối hàng ngàn món tiền với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Tính riêng năm 2022, KBNN Hòa An đã từ chối thanh toán 425 món với tổng số tiền là 4,8 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả trên, KBNN Hòa An đã tập trung làm tốt một số công tác sau:
Nâng cao hiểu biết về pháp luật liên quan đến quản lý NSNN và các quy định trong kiểm soát chi thường xuyên. Ngay từ khi Luật NSNN có hiệu lực và các chế độ về quản lý chi được ban hành, KBNN Hòa An đã tổ chức triển khai đến toàn thể cán bộ công chức thuộc KBNN Hòa An. Đồng thời, kho bạc phối hợp với cơ quan tài chính tham mưu cho UBND, HĐND ban hành các chế độ về chi NSĐP, tổ chức triển khai Luật NSNN và các văn bản liên quan cho các đơn vị sử dụng kinh phí NSNN trên địa bàn.
Nghiên cứu ứng dụng tin học vào công tác chi và kiểm soát chi thường xuyên. Công tác tin học được KBNN Hòa An phát triển rất sớm và đã hỗ trợ đắc lực cho việc chi ngân sách và kiểm soát chi thường xuyên. Đặc biệt, chương trình thanh toán điện tử đã giúp cải thiện thanh toán trong hệ thống KBNN.
Những khoản thanh toán trước đây khi thực hiện bằng phương pháp thủ công phải mất vài ngày thì hiện nay chỉ mất vài phút với sự hỗ trợ của chương trình thanh toán điện tử.
Trong công tác tổ chức công chức KBNN Hòa An xem cán bộ là nhân tố quyết định trong việc mang lại những thành quả to lớn của đơn vị. Đơn vị đã chọn lọc, sắp xếp quy hoạch đội ngũ cán bộ công chức vào những vị trí phù hợp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ CBCC với nhiều hình thức.
1.2.1.2. Kinh nghiệm về kiểm soát chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản mới quy định lại một số cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, chế độ, định mức chi NSNN như: mua sắm phương tiện đi lại, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, dự án và chương trình mục tiêu quốc gia, công tác phí, hội nghị, tiếp khách... Theo đó, HĐND và UBND huyện Thanh Thủy cũng đã có các văn bản triển khai thực hiện những quy định về chế độ, định mức chi tiêu của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho kho bạc huyện hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách, góp phần thực hiện tốt Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Năm 2022, riêng chi thường xuyên, kho bạc Thanh Thủy đã kiểm soát, hướng dẫn cho 912 lượt đơn vị lập lại chứng từ, bổ sung hồ sơ cho đúng chế độ chi tiêu và đã từ chối chi 117 khoản chi sai quy định với số tiền 2,5 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng NSNN trong việc chấp hành chế độ, chính sách quản lý tài chính.
Trong kiểm soát chi thường xuyên, kho bạc huyện Thanh Thủy luôn cải tiến quy trình nghiệp vụ để giảm bớt thủ tục hành chính, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm. Quy trình “giao dịch một cửa” đã được triển khai để tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ, trình ký và trả kết quả thanh toán chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Khách hàng chỉ giao dịch với một bộ phận nghiệp vụ của Kho bạc lúc nộp hồ sơ đề nghị thanh toán và nhận lại kết quả duyệt chi.
Hình 1.2. Mô hình giao dịch một cửa của KBNN huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
(Nguồn: KBNN huyện Thanh Thủy) Sau một thời gian thực hiện quy trình giao dịch “một cửa” trong kiểm soát chi, Kho bạc Thanh Thủy đã tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho các khách hàng là đơn vị thụ hưởng ngân sách đến giao dịch thanh toán. Tuy nhiên, trong điều kiện biên chế nhân sự không tăng, lại phải bố trí một số cán bộ nghiệp vụ để thực hiện quy trình “một cửa” nên áp lực công việc tăng cao, nhất là tại bộ phận nghiệp vụ trực tiếp giao dịch một cửa với khách hàng.
Do đặc thù khách hàng đến giao dịch với nhiều nội dung chi, nhiều loại hồ sơ chi nên việc tách bạch hồ sơ để giao cho cán bộ kho bạc, đối với khách cũng còn nhiều lúng túng. Khối lượng công việc không đồng đều, cán bộ giao dịch thuộc Phòng Kế toán thì khối lượng hồ sơ giao nhận quá lớn trong khi cán bộ thuộc Phòng tổng hợp hành chính thì khối lượng hồ sơ giao nhận rất ít. Cán bộ giao dịch “một cửa” không phải là người trực tiếp xử lý hồ sơ, chứng từ nên
đôi khi có những giải đáp thắc mắc không thoả mãn khách hàng nên một số khách hàng muốn làm việc trực tiếp với cán bộ kiểm soát chi.
1.2.2. Bài học kinh nghiệm về Kiểm soát chi thường xuyên tại Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn
Thứ nhất, thực hiện kiện toàn sắp xếp đội ngũ cán bộ KSC đảm bảo về số lượng, coi trọng chất lượng. Cán bộ lãnh đạo quản lý được thường xuyên bồi dưỡng cập nhật kiến thức để nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành. Chủ động xây dựng chính sách để sử dụng hiệu quả biên chế được giao; tối ưu hóa các vị trí việc làm phát huy tối đa năng lực xử lý công việc. Thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ, đánh giá kiểm tra cán bộ công tâm, công khai minh bạch. Thực hiện tốt việc kiểm tra nội bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra để thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác KSC thường xuyên đối với các đơn vị dự toán.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, xây dựng khung kiểm soát rủi ro hỗ trợ cán bộ KSC.
Thứ tư, áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin trong phục vụ quản lý, KSC thường xuyên NSNN. Triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến các đơn vị sử dụng ngân sách theo kế hoạch.
Thứ năm, tăng cường công tác nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện chế độ KSC thường xuyên; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong điều hành ngân sách; phối hợp hiệu quả với các cơ quan Tài chính địa phương, các cơ quan thu trong tổ chức thực hiện dự toán NSNN.
Chương 2