Chương 4. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KIỂM SOÁT CHI THƯỜNG XUYÊN 107TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC HUYỆN BẮC SƠN, TỈNH LẠNG SƠN
4.2. Giải pháp hoàn thiện công tác kiểm soát chi thường xuyên tại Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn
4.2.1. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức phù hợp với thực tế địa phương Hiện tại, có nhiều văn bản quy định kiểm soát chi thường xuyên đã được ban hành từ lâu, nhưng định mức chi không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Điều này dẫn đến tình trạng các đơn vị xã phải tìm cách điều chỉnh các khoản chi để phù hợp với những định mức đã lạc hậu, gây khó khăn trong việc tuân thủ kỷ luật tài chính. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Tài chính cần nghiên cứu và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn định mức chi phù hợp với tình hình thực tế, đồng bộ và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Vai trò của Kho bạc Nhà nước trong kiểm soát các điều kiện "đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quy định" vẫn được thực hiện thông qua việc kiểm soát các định mức kinh phí giao khoán cho các đơn vị hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp khoán chi chỉ là tạm thời trong khi hệ thống định mức, tiêu chuẩn và chế độ chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với thực tế. Khi mức giao khoán kinh phí ổn định được xác định, có thể sử dụng định mức giao khoán này để bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn, định mức và chế độ của phương thức quản lý và cấp phát kinh phí ngân sách dựa trên chính sách dự toán theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Đối với chi thường xuyên ngân sách địa phương, với những đặc thù riêng, cần có văn bản hướng dẫn và cơ chế kiểm soát cụ thể hơn về chi ngân sách địa phương, bao gồm quy định các nguồn và định mức chi, giao dự toán chi tiết...
Điều này giúp cho việc kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước và sử dụng nguồn NSNN của UBND huyện và xã trở nên thuận lợi hơn.
4.2.2. Tổ chức triển khai quy trình kiểm soát chi thường xuyên phù hợp với tình hình thực tế
Phân công nhiệm vụ kiểm soát chi phù hợp với trình độ, năng lực của công chức làm công tác kiểm soát chi. Việc phân công công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi cần thực hiện theo đơn vị sử dụng ngân sách, theo nhóm đơn vị thuộc cùng cấp ngân sách, cùng ngành, lĩnh vực và theo tính chất chi của nội dung chi NSNN. Có như vậy, công tác kiểm soát chi thường xuyên mới có tính chuyên sâu, phát huy được hiệu quả.
Các quy định về kiểm soát chi thường xuyên, như: quy trình kiểm soát thanh toán, hồ sơ, thủ tục, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, phải được hiểu và thống nhất chỉ đạo thực hiện. Tránh tình trạng có sai biệt theo từng địa bàn dễ gây ra sự hiểu lầm dẫn đến việc không chấp hành các quy định của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt là những quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc những quy định có thể có nhiều cách hiểu khác nhau.
4.2.3. Nâng cao chất lượng công chức Kho bạc nhà nước huyện Bắc Sơn Công chức KBNN đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực và ảnh hưởng đến sự thành công hoặc thất bại của một tổ chức. Để thực hiện thành công chiến lược phát triển của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030, KBNN cần nâng cao hiệu quả tổ chức và chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện chính sách và quy trình quản lý công chức KBNN. Trong công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách xã thông tại KBNN, cần tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có sự kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ mà hệ thống KBNN giao.
Qua khảo sát thực tế, đội ngũ công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên tại KBNN Bắc Sơn tuy đều có trình độ đại học, nhưng kiến thức và năng lực tổng hợp, kỹ năng làm việc chưa cao, nhất là kiến thức kinh tế ngành. Vì
vậy, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chi thường xuyên, KBNN Bắc Sơn cần nghiên cứu tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa đội ngũ công chức làm công tác này.
Trên cơ sở tiêu chuẩn hóa để làm căn cứ bố trí, sắp xếp công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên. Đồng thời, thực hiện chuyên môn hóa công chức làm công tác kiểm soát chi theo nhóm ngành kinh tế và theo lĩnh vực chi. Từ đó, căn cứ vào tình hình thực tế để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng cập nhật kiến thức kinh tế - tài chính, quản lý đầu tư... tạo điều kiện, môi trường làm việc để công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn giũa kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục đi đôi với kiểm tra, giám sát công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Định kỳ, thực hiện luân phiên công việc theo hướng thay đổi đối tượng quản lý, không để một người làm việc quá lâu ở một vị trí có thể dẫn đến tiêu cực hoặc làm việc trì trệ. Thường xuyên, đột xuất kiểm tra cán bộ để thông qua đó đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ, phát hiện sớm các sai phạm, lệch lạc để có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời...
Thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật công bằng và nghiêm minh.
Khen thưởng, động viên kịp thời dưới nhiều hình thức nhằm tạo ra động lực kích thích mọi công chức hăng say làm việc, phát huy tối đa trình độ, năng lực của mỗi người. Bên cạnh đó, cần xử phạt một cách nghiêm minh đối với những công chức làm sai chế độ chính sách, sai quy trình nghiệp vụ gây thất thoát vốn KBNN.
Để đạt được điều này, cần chú trọng vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, việc tuyển dụng công chức phải dựa trên năng lực chuyên môn cao, hiểu rõ về tình hình kinh tế - xã hội và các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước. Cán bộ phải có đạo đức tốt, trách nhiệm và tâm huyết với công việc.
Ngoài ra, cần trang bị cho công chức KBNN kiến thức về các lĩnh vực khác
như Luật, ngoại ngữ, tin học, xây dựng, kiến trúc, văn hoá ứng xử... Cần bồi dưỡng và nâng cao ý thức và đạo đức nghề nghiệp, văn minh văn hóa nghề cho công chức KBNN.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức các hội thi và kiểm tra trình độ chuyên môn của cán bộ kiểm soát chi. Sắp xếp luân chuyển, luân phiên trong công việc để mỗi cán bộ có thể nắm vững nhiều mảng nghiệp vụ khác nhau.
Thứ ba, xây dựng cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, rõ ràng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên. Cần áp dụng biện pháp nghiêm khắc đối với cán bộ có chủ ý vi phạm các quy trình nghiệp vụ, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế - tài chính gây lãng phí vốn ngân sách nhà nước, cũng như đối với cán bộ lợi dụng nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác kiểm soát chi thường xuyên để thu lợi cá nhân hoặc gian lận giao dịch với KBNN.
Để thực hiện những yêu cầu trên, hàng năm, các đơn vị KBNN cần rà soát và phân loại cán bộ theo các tiêu chuẩn đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý. Từ đó, đề ra kế hoạch bồi dưỡng, sắp xếp và phân công công việc phù hợp với năng lực và trình độ của từng người.
4.2.4. Hoàn thiện kiểm tra nội bộ và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính chi thường xuyên tại Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Sơn
Để hoàn thiện kiểm tra nội bộ và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính chi thường xuyên tại Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Sơn, cần có quy trình cụ thể, có thể thực hiện các bước sau:
(1) Chuẩn bị cho quá trình kiểm tra:
Xác định mục tiêu kiểm tra: Định rõ mục đích, phạm vi và tiêu chí kiểm tra.
Lập kế hoạch kiểm tra: Xác định thời gian, địa điểm và nguồn lực cần thiết cho quá trình kiểm tra.
Xem xét các văn bản pháp luật liên quan: Đảm bảo bạn hiểu rõ các quy định về vi phạm hành chính và xử phạt áp dụng trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
(2) Tiến hành kiểm tra:
Thu thập thông tin: Xem xét các tài liệu, hồ sơ và các thông tin khác liên quan đến hoạt động của Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Sơn.
Kiểm tra tuân thủ quy định: Đánh giá việc tuân thủ các quy định về kế toán, thu chi, quản lý tài sản và các quy trình khác liên quan đến Kho bạc Nhà nước.
Phát hiện vi phạm: Nếu phát hiện vi phạm, ghi lại thông tin chi tiết về vi phạm và lưu ý bất thường.
(3) Lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính:
Ghi chép thông tin: Ghi lại thông tin chi tiết về vi phạm, bao gồm tên người vi phạm, thời điểm, địa điểm, các quy định vi phạm và tình tiết liên quan.
Xác định hình thức xử phạt: Dựa trên các quy định pháp luật, xác định hình thức xử phạt phù hợp với vi phạm.
Lập biên bản: Lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ghi rõ thông tin về vi phạm, hình thức xử phạt và tên người thực hiện lập biên bản.
Ký xác nhận: Các bên liên quan trong quá trình kiểm tra ký xác nhận biên bản để thể hiện sự đồng ý và chấp nhận quyết định xử phạt.
(4) Thông báo vi phạm và xử phạt:
Thông báo vi phạm: Gửi thông báo vi phạm hành chính cho người vi phạm, cung cấp thông tin về vi phạm và hình thức xử phạt áp dụng. Thông báo này có thể được gửi bằng văn bản, email, hoặc qua các phương tiện liên lạc khác tùy thuộc vào quy định của pháp luật.
Thời hạn phản hồi: Đưa ra thời hạn cụ thể để người vi phạm có thể phản hồi, nếu họ muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình hoặc nêu lý do giải thích vi phạm.
Xử lý vi phạm: Dựa trên phản hồi từ người vi phạm (nếu có) và các quy định pháp luật, tiến hành xử lý vi phạm theo quy trình xử phạt hành chính. Điều này có thể bao gồm thu hồi tiền vi phạm, áp dụng biện pháp khắc phục, hoặc áp dụng các hình thức xử phạt khác như phạt tiền, buộc thôi việc, hoặc cảnh cáo tùy thuộc vào mức độ và loại vi phạm.
(5) Ghi nhận và báo cáo:
Ghi nhận kết quả xử phạt: Ghi nhận kết quả của quá trình xử phạt, bao gồm thông tin về hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục đã được áp dụng.
Lưu trữ tài liệu: Lưu trữ đầy đủ tài liệu liên quan đến kiểm tra, biên bản xử phạt và quyết định xử phạt để đảm bảo tính minh bạch và truy xuất sau này.
Báo cáo kết quả: Báo cáo kết quả của quá trình kiểm tra nội bộ và xử phạt cho các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý và cấp trên, để đảm bảo sự công bằng và tuân thủ pháp luật.
4.2.5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi thường xuyên tại Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Sơn
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát chi thường xuyên, một mặt KBNN cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ kế toán, hệ thống thông tin báo cáo, các quy định về kiểm soát chi thường xuyên theo hướng giảm bớt các chỉ tiêu trùng lắp, các mẫu biểu không cần thiết, nhưng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; hoàn thiện và hiện đại hóa các quy trình kiểm soát chi thường xuyên, nhằm tạo thuận lợi hơn cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin. Mặt khác, cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng và triển khai ứng dụng kiểm soát chi thường xuyên trong toàn hệ thống, có khả năng kết nối, chia sẽ dữ liệu với các hệ thống có tính xương sống khác; đồng thời, hỗ trợ tối đa công chức làm công tác kiểm soát chi thường xuyên trong việc quản lý hồ sơ, theo dõi tạm ứng và thanh toán tạm ứng, cũng như việc quản lý và tra cứu nhanh chóng hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN đang được áp dụng cho các đối tượng sử dụng NSNN.