CMCN 4.0 và tác động đến ngành dệt may

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp dệt may việt nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Trang 59 - 63)

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN

2.2. Cách mạng công nghiệp 4.0 và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển

2.2.1. CMCN 4.0 và tác động đến ngành dệt may

Theo Klaus Schwab, CMCN 4.0 là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. Cuộc CMCN 4.0 được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS)”2.

CMCN 4.0 diễn ra từ khoảng những năm 2000 trên cơ sở ứng dụng hạ tầng CNTT và truyền thông. Thành tựu lớn nhất của CMCN 4.0 là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, và dựa trên nền tảng CNTT và truyền thông, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.

Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; các công nghệ nền

2 Cục thông tin KH&CN Quốc gia (2017): Tổng luận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

50

tảng như big data, điện toán đám mây, internet vạn vật, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, robot… đang và sẽ làm thay đổi nền sản xuất thế giới.

Những thành tựu của CMCN 4.0 đã và đang được ứng dụng vào các ngành kinh tế, trong đó có ngành dệt may. Đó là việc ứng dụng công nghệ in 3D, công nghệ nano trong ngành dệt, công nghệ nhuộm sử dụng hơi nước, thay cho nước, công nghệ may đo cho cá nhân dựa trên nền tảng máy ảnh 3D và internet... Ứng dụng thành tựu công nghệ của CMCN 4.0 không chỉ cải thiện năng suất, chất lượng của doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp. Đối với ngành dệt may, đó là sự thay đổi phương thức sản xuất, quy mô doanh nghiệp và cơ chế phục vụ khách hàng.

Dưới tác động của CMCN 4.0, các công đoạn của chuỗi sản xuất toàn cầu, bao gồm cả công đoạn hậu cần trở nên linh hoạt hơn, hiệu quả hơn .

Ứng dụng

thành tựu của CMCN 4.0, các nhà máy/doanh nghiệp trở nên thông minh hơn. Quy mô doanh nghiệp có thể không đổi, nhưng các hoạt động sản xuất vốn độc lập dưới tác động của các cuộc CMCN trước đó có thể lại được tích hợp trong một doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động hậu cần (logistic). Việc kết nối các công đoạn của quá trình sản xuất, quản lý kho nguyên liệu và thành phẩm, quản lý quá trình phân phối, bán hàng, quản lý quá trình thanh toán đơn hàng... tạo ra dòng hệ thống nguyên liệu tối ưu từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí cho công tác vận hành chuỗi cung

Hình 2.3: Hình: Tích hợp trong các quá trình của chuỗi giá trị sản phẩm dệt may và IoT

Nguồn: [119]

51

ứng mà vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng một cách tốt nhất, với chi phí tăng lên một cách hợp lý và được chấp nhận.

Đối với chuỗi giá trị dệt may, cuộc CMCN 4.0 có thể tác động vào từng khâu, từ khâu thiết kế đến khâu marketing giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng, cụ thể:

Trong khâu thiết kế, các số đo cơ thể người được thu thập bằng cách sử dụng máy quét 3D. Ưu điểm của phương pháp này là người tiêu dùng ở bất cứ nơi nào trên thế giới không cần trực tiếp đến nơi sản xuất để lấy mẫu. Với các số liệu đo đạc được, hệ thống máy tính có thể phân chia cơ thể người thành 25 cỡ khác nhau với chỉ khoảng 1000 quan sát nhằm cá nhân hóa số đo để tạo ra sản phẩm cho mỗi cá nhân người tiêu dùng... Công nghệ này cho phép các phần mềm thiết kế tạo ra sản phẩm dựa trên một quy trình thiết kế với con người ảo có các số đo tương đương người thực, và sản phẩm được cá nhân hoá đến từng người dùng [15].

Nhiều phần mềm thiết kế thời trang 3D như phần mềm 3D VSTITCHER, 3D TUKA3D; 3D Dress; Fashion CAD... đã được ứng dụng cho phép thiết kế những bộ trang phục phức tạp một cách dễ dàng, tiết kiệm nguyên vật liệu và thời gian trong công đoạn dựng mẫu.

Trong khâu sản xuất sợi: Các công đoạn sản xuất sợi từ đổ sợi, vận chuyển cho đến đánh ống sợi được ứng dụng công nghệ tự động hóa. Sử dụng robot giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất liên tục 24/24, giảm lao động đứng máy, tránh được các quy định, chi phí độc hại liên quan đến sức khoẻ người lao động. Theo đánh giá của các chuyên gia, so với một thập kỷ trước, trung bình một doanh nghiệp sợi có thể cắt giảm từ 70 đến 85 lao động, và chỉ cần tuyển dụng 25-35 lao động để vận hành nhà máy có quy mô tương tự nhưng ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0.

Công nghệ mới cho phép sử dụng sợi compact, sợi siro hay các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường như xơ gỗ sồi, bắp, tre... thay thế bông tự nhiên, thân thiện với môi trường làm nguyên liệu đầu vào của ngành dệt.

Trong khâu dệt vải, công nghệ dệt kim 3D ra đời, cho phép dệt trực tiếp ra sản phẩm cuối cùng bằng cách nhập các số đo của người tiêu dùng vào máy tính và sử dụng phần mềm điều khiển máy dệt 3D. Ứng dụng công nghệ dệt kim 3D cho phép doanh nghiệp bỏ qua khâu may.

Trong công nghệ dệt thoi, hệ thống Internet vạn vật (IoT) kết hợp với công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID) cho phép vận hành các ống sợi tự động

52

vào các máy dệt một cách chính xác để sản xuất vải. Ứng dụng công nghệ mới cho phép doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất. Công nghệ 4.0 đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các máy dệt và đã tạo ra sự thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà máy dệt.

Trong khâu nhuộm, hoàn tất, các công nghệ là sản phẩm của CMCN 4.0 như robot, công nghệ nhuộm có tính sinh thái như nhuộm khô, nhuộm UV, nhuộm vi sóng bắt đầu được ứng dụng rộng rãi, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Trong ngành nhuộm, công nghệ ứng dụng xử lý dữ liệu lớn (big data) đem lại sự thay đổi căn bản về quá trình xây dựng công thức màu và kiểm soát quá trình nhuộm. Tỷ lệ sản phẩm nhuộm chính xác màu sắc ngay từ lần đầu tiên 95%-99%. Các phần mềm quản lý mộc, quản lý hóa chất, hệ thống cân chất lỏng tự động... cũng được các doanh nghiệp ứng dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong khâu may: Robot đã được ứng ứng vào quá trình sản xuất ra các sản phẩm cơ bản như áo T-Shirt, áo sơ mi cơ bản, quần âu, quần jean giúp nâng cao chất lượng và đặc biệt là nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.

Đối với các sản phẩm thời trang nhưng được chế tạo bằng vật liệu có thể kết dính như plastic hay sợi polyester... quá trình sản xuất sản phẩm được thực hiện trên máy in 3D, vừa cho năng suất cao, vừa cắt giảm chi phí nhân công và giảm giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, CMCN 4.0 cho phép doanh nghiệp đổi mới cả quy trình quản lý bằng cách sử dụng các phần mềm chuyên dụng. Ví dụ phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho phép quản lý toàn bộ nguồn lực chủ yếu của doanh nghiệp từ đầu vào đến khi xuất hàng; Phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) truy cập và quản lý thông tin sản phẩm một cách an toàn, duy trì tính toàn vẹn thông tin trong suốt vòng đời sản phẩm; xây dựng, quản lý và chia sẻ quy trình kinh doanh dựa trên dữ liệu sản phẩm. Phần mềm quản lý vòng đời sản phẩm được đánh giá là phương tiện liên kết các bộ phận và cho phép tạo nên sự giao tiếp rõ ràng, hiệu quả giữa nhiều bên trong sản xuất kinh doanh.

Trong khâu marketing, CMCN 4.0 góp phần thúc đẩy việc phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực dệt may theo hướng đa dạng dịch vụ từ kết nối, tư vấn, phân tích chiến lược, phân tích và đánh giá khách hàng, thanh toán... đây sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo trong tương lai và sẽ dần thay thế hoạt động thương mại có tính

53

truyền thống như thông qua trao đổi trực tiếp, hội chợ hay hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp.

Như vậy, các công nghệ là sản phẩm của CMCN 4.0 đã và đang tác động đến từng khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, thay đổi phương thức sản xuất, cách thức tương tác với khách hàng của các doanh nghiệp dệt may. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải điều chỉnh chiến lược phát triển, ứng dụng các công nghệ mới để duy trì sự tồn tại và cạnh tranh với các doanh nghiệp dệt may thế giới.

Một phần của tài liệu Doanh nghiệp dệt may việt nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)