4.4. Các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển doanh nghiệp dệt, may trong bối cảnh CMCN lần thứ tƣ
4.4.5. Phát triển cụm liên kết ngành, khuyến khích liên kết và hợp tác trong cụm liên kết ngành dệt may
Để chuyển dịch được từ phương thức sản xuất CMT sang OEM, ODM hay tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định FTA đòi hỏi các doanh nghiệp có sự chủ động đối với nguồn nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, công đoạn này là một điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam vì vậy trong ngắn hạn, để đảm bảo sự chủ động với nguồn nguyên phụ liệu đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu nước ngoài.
Trong thời gian vừa qua, để đón đầu những ưu đãi từ các hiệp định, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào ngành dệt nhuộm tại Việt Nam.
Căn cứ số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2014 số lượng dự án là 83 dự án với tổng mức đầu tư 1,64 tỷ USD; năm 2015 là 110
147
dự án với tổng mức đầu tư là 2,03 tỷ USD. Về cơ cấu, số dự án nhà máy sợi là 20 dự án, dự án dệt nhuộm là 30 dự án, dự án nhà máy may là 125 dự án. Các công ty FDI điển hình như Công ty TNHH Lishin (Hàn Quốc), Công ty TNHH Lu Thai (Hồng Kông), Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư mỗi công ty từ 300 triệu USD trở lên (Đỗ Khắc Dũng, 2018). Với xu thế như vậy, có thể thấy, trong thời gian tới các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rót vốn, công nghệ vào Việt Nam nhằm đón đầu hiệp định CPTPP. Nhìn về mặt tổng thể thì xu thế này khá có lợi cho ngành, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội trao đổi, học hỏi từ các doanh nghiệp FDI, đồng thời nguồn cung sợi, vải tại Việt Nam sẽ dồi dào hơn.
Để tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước thì việc xây dựng và nâng cấp cụm ngành dệt may là rất cần thiết.
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, và Hàn Quốc, việc xây dựng các cụm liên kết ngành ngành là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao được GTGT trong chuỗi dệt may toàn cầu. Sự hình thành và phát triển cụm ngành dệt may ở Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy năng suất và hiệu quả của các doanh nghiệp thông qua tăng khả năng tiếp cận dịch vụ và nguồn nguyên liệu; tăng tốc độ và giảm chi phí giao dịch giữa các doanh nghiệp; tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy nâng cao chất lượng. Ngoài ra, cụm ngành sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin dễ dàng, từ đó thúc đẩy thương mại và quá trình đổi mới trong các doanh nghiệp.
Để thực hiện được điều này, cần có sự nỗ lực và hợp tác của nhiều tổ chức cơ quan đặc biệt của địa phương, các hiệp hội dệt may, hiệp hội bông sợi… Cho đến thời điểm này, cụm ngành dệt may của Việt Nam tuy đã hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh, liên kết giữa các bộ phận của cụm ngành còn rời rạc và lỏng lẻo.
Vinatex đã có quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp dệt may trong giai đoạn 2016-2020 nhưng theo nhiều chuyên gia thì nhìn chung các khu, cụm công nghiệp này còn nhỏ về diện tích cũng như quy mô đầu tư.
Vì vậy việc nâng cấp cụm ngành và tăng cường liên kết hợp tác trong cụm ngành là một yêu cầu thiết yếu để tiếp tục phát huy lợi thế của ngành dệt may và nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chính phủ cần phối hợp cùng Hiệp Hội Dệt May, Tập đoàn Dệt May Việt Nam để lên chiến lược xây dựng cụm ngành dệt may nhằm tận dụng lợi ích của cụm công nghiệp như: tăng cạnh tranh, tăng hợp tác và tạo tác động lan tỏa của các doanh nghiệp
148
trong cụm ngành. Cụm ngành dệt may không chỉ bao gồm các doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm và may mặc mà còn bao gồm các doanh nghiệp thuộc ngành hạ nguồn như các kênh phân phối, bán lẻ đến người tiêu dùng; các nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ, nhà cung cấp hạ tầng chuyên dụng, các tổ chức đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật như các trường đại học, cơ quan nghiên cứu chính sách, trường dạy nghề. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cụm ngành dệt may.
Vai trò của chính phủ trong việc nâng cấp và phát triển của cụm ngành dệt may cần được thực hiện trong ba vấn đề sau:
Thứ nhất, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy cạnh tranh, hợp tác và tạo tác động lan tỏa giữa các doanh nghiệp.
Thứ hai, đảm bảo các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận đến các nguồn lực và nhân tố sản xuất để có thể giảm chi phí và tối đa hóa lợi ích
Thứ ba, thu hút đầu tư vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là khâu dệt, nhuộm và hoàn tất. Giải quyết được vấn đề này là tháo dỡ được nút thắt của ngành dệt may trong những năm qua.
Khi xây dựng các khu, cụm ngành dệt may cần chú ý
+ Xác định những địa phương thích hợp để phát triển ngành dệt nhuộm
+ Lập và triển khai các dự án đầu tư công hoặc PPP xây dựng các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn phục vụ ngành dệt nhuộm
149
4.4.6. Nâng cao mức độ sẵn sàng ứng dụng CN 4.0 của doanh nghiệp.
Bên cạnh những hỗ trợ từ phía nhà nước, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc nâng cao năng lực tiếp cận, ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động quản lý cũng như sản xuất kinh doanh.
Thứ nhất, doanh nghiệp dệt, may cần có chiến lược tái cấu trúc lao động và chuẩn hóa kỹ thuật toàn chuỗi sản xuất với các hỗ trợ áp dụng mô hình quản lý nguồn lực ERP và tăng cường thu thập và trao đổi thông tin về quá trình sản xuất và sản phẩm.
Thứ hai, chú trọng tích hợp công nghệ số hoá: Thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá; tích hợp với các hệ thống cảm biến, hệ thống điều khiển, mạng truyền thông để kinh doanh và chăm sóc khách hàng; lưu trữ và sử dụng hiệu quả các dữ liệu lớn dựa trên điện toán đám mây; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh.
Thứ ba, trang bị kiến thức, kỹ thuật cho người lao động cũng như tổ chức để có thể vận hành các công nghệ mới, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh được tạo ra từ CMCN 4.0, gắn kết chặt chẽ hơn với khách hàng.