Chương 3 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP DỆT MAY VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2007-2018
3.1. Thực trạng phát triển doanh nghiệp dệt may Việt Nam 2007-2018
3.1.2. Sự chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Sự phát triển của doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn được phản ánh qua kết quả chuyển dịch cơ cấu, theo các chỉ tiêu về sở hữu, quy mô vốn hay quy mô lao động và sự kết hợp của các chỉ tiêu này.
Chuyển dịch cơ cấu theo hình thức sở hữu
Trong hơn một thập kỷ phát triển (2007-2017), số lượng doanh nghiệp dệt may tư nhân Việt Nam đã tăng nhanh chóng. Cơ cấu doanh nghiệp dệt may Việt Nam, theo hình thức sở hữu, vì thế có sự chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Tỷ trọng các doanh nghiệp dệt may 100% vốn sở hữu nước ngoài giảm tương đối. Tỷ trọng doanh nghiệp dệt may sở hữu nhà nước không giảm nhiều trong giai đoạn vừa qua vì trên thực tế, tỷ trọng các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã giảm xuống mức rất thấp, dưới ảnh hưởng của chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.
69
Năm 2007, số doanh nghiệp dệt may tư nhân trong nước chiếm 80,6% tổng số doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp dệt may 100% vốn nước ngoài chiếm khoảng 18,4% tổng số doanh nghiệp. Năm 2017, tỷ trọng doanh nghiệp dệt may tư nhân trong nước đã tăng lên 85%. Số lượng doanh nghiệp dệt may FDI trong ngành dệt may giảm xuống mức 14,5% trong tổng số doanh nghiệp. Với tỷ trọng doanh nghiệp dệt may sở hữu nhà nước (theo định nghĩa của tổng cục thống kê) không giảm đáng kể, từ mức 1% (2007) xuống mức 0,45% năm 2017 [37], [47].
Kết quả khảo sát phỏng vấn sâu (của NCS) với một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may tại TP. Hồ Chí Minh (năm 2017), dưới sự hỗ trợ của Hội dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh (AGTEK), cho thấy: Cùng với sự thay đổi về tỷ trọng của doanh nghiệp dệt may theo hình thức sở hữu, đã có sự thay đổi về chức năng của các doanh nghiệp. Với một số doanh nghiệp dệt may sở hữu 100% vốn nước ngoài, hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc đã không còn là ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp dệt may sở hữu 100% vốn nước ngoài chỉ duy trì sản xuất hàng may mặc ở quy mô vừa (lao động dưới 200).
Hộp 3.1: Chuyển đổi ngành kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may cùng với sự phát triển về số lƣợng của các doanh nghiệp
dệt may Việt Nam
Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may sở hữu 100% vốn nước ngoài đã chuyển giao công đoạn sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước. Cùng với quá trình chuyển giao đó, ngành thiết kế thời trang đã trở thành ngành kinh doanh chính của các doanh nghiệp dệt may 100% vốn nước ngoài này.
Các doanh nghiệp FDI này đồng thời trở thành đầu mối tiếp nhận nhận đơn hàng từ trung gian ở Đài Loan. Trên cơ sở các mối liên hệ cá nhân của giám đốc doanh nghiệp FDI (Việt Kiều) với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI này đã chia đơn hàng và giao cho các doanh nghiệp may trong nước để cùng sản xuất, đảm bảo thời gian giao hàng cho người mua.
Điều này cũng phản ánh một thực tế là việc đánh giá sự liên kết (mang tính chính thống), giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước, hay việc đo lường doanh nghiệp có xuất khẩu hay không thường có xu hướng đánh giá thấp hơn thực tế.
(Nguồn: Kết quả phỏng vấn sâu của NCS)
70 Chuyển dịch cơ cấu theo quy mô
Sự phát triển của doanh nghiệp dệt may còn được phản ánh qua sự thay đổi về quy mô. Cũng như các nền kinh tế khác, quy mô của doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp dệt may nói riêng được phản ánh qua một trong hai chỉ tiêu lao động, vốn và/hoặc kết hợp cả hai chỉ tiêu này.
Hình 3.2a: Cơ cấu doanh nghiệp dệt Hình 3.2b: Cơ cấu doanh nghiệp may
Hình 3.2: Cơ cấu doanh nghiệp dệt theo tiêu chí lao động Nguồn: [37], [39], [41], [43], [45], [47]
Trong một thập kỷ qua, sự phát triển của doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn yếu. Đa số doanh nghiệp dệt và doanh nghiệp may là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ - dưới 10 lao động (Hình 3.2a và 3.2b). Mặc dù số lượng các doanh nghiệp dệt may tư nhân trong nước tăng nhanh, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Cơ cấu doanh nghiệp dệt, may (Hình 3.2) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ tăng lên theo thời gian. Tỷ trọng doanh nghiệp dệt quy mô siêu nhỏ đã tăng nhanh, từ 29,9% năm 2007 lên mức 47,8% năm 2016. Năm 2017, tỷ trọng doanh nghiệp siêu nhỏ giảm không đáng kể, xuống mức 46,7%. Tương tự như vậy, tỷ trọng doanh nghiệp dệt quy mô siêu nhỏ tăng từ 32% năm 2007 lên mức 45,4% năm 2016 trước khi giảm xuống còn 42,9% năm 2017.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp dệt, may quy mô lớn hầu như không có sự thay đổi sau hơn thập kỷ phát triển. Vì vậy, tỷ trọng các doanh nghiệp dệt may quy mô lớn có xu hướng giảm xuống trong giai đoạn nghiên cứu. Tỷ trọng doanh nghiệp dệt, may quy mô vừa có xu hướng không thay đổi trong giai đoạn nghiên cứu.
Thực tế đó phản ánh, dù có sự gia tăng về số lượng, nhưng các doanh nghiệp dệt, may Việt Nam hầu như không lớn mạnh. Trong khi đặc trưng của ngành dệt may,
71
nhất là ngành dệt, là tính kinh tế theo quy mô, việc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tồn tại ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ sẽ là vấn đề của nền kinh tế.
Tương tự, nhìn từ quy mô theo tiêu chí vốn, cơ cấu doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong cả ngành dệt và ngành may.
Hình 3.3a: Cơ cấu doanh nghiệp may theo chỉ tiêu vốn Hình 3.3b: Cơ cấu doanh nghiệp dệt theo tiêu chí vốn
Hình 3.3: Cơ cấu doanh nghiệp dệt, may theo tiêu chí vốn Nguồn: [37], [39], [41], [43], [45], [47]
Cơ cấu doanh nghiệp theo quy mô, cho dù là quy mô theo lao động hay theo vốn, đều phản ánh thực trạng kém phát triển của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Trong hơn thập kỷ vừa qua, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không lớn (về quy mô), trong khi ngành dệt may là ngành có đặc trưng của tính kinh tế theo quy mô. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó được hưởng lợi từ sự hội nhập kinh tế quốc tế, từ các hiệp định thương mại trong lĩnh vực dệt may khi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp tục tồn tại ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh vấn đề các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không phát triển về quy mô, một vấn đề khác cũng được phản ánh qua cơ cấu doanh nghiệp. Đó là sự mất cân đối của ba nhóm doanh nghiệp (a) các doanh nghiệp lớn, (b) các doanh nghiệp quy mô vừa, và (c) các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việc thiếu hụt các doanh nghiệp quy mô vừa, đặc biệt nhìn từ tiêu chí lao động (Hình 3.2) cho thấy vấn đề hợp tác, liên kết giữa nhóm doanh nghiệp lớn (đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức sản xuất) với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (với tư cách doanh nghiệp vệ tinh, thầu phụ...) trở nên khó khăn.
Thiếu liên kết sản xuất là một bất lợi trong việc phát huy tính kinh tế theo quy mô ở
72
cấp ngành và do đó, không tận dụng được ảnh hưởng ngoại hiện Marshall (Itoh và cộng sự, 1991).
Chuyển dịch cơ cấu theo vùng
Hình 3.4a: Chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp dệt Hình 3.4b: Chuyển dịch cơ cấu ngành may
Hình 3.4: Chuyển dịch cơ cấu theo vùng Nguồn: [37], [39], [41], [43], [45], [47]
Sự phát triển của doanh nghiệp dệt may theo vùng có sự thay đổi trong một thập kỷ vừa qua. Nhìn chung, vùng Đồng bằng sông Hồng (Vùng I) và vùng Đông Nam Bộ (Vùng V) vẫn là hai vùng thu hút được sự tập trung của các doanh nghiệp dệt may, so với các vùng khác trong cả nước. Bên cạnh đó, vùng Tây Nam Bộ cũng là vùng có sự tập trung của các doanh nghiệp dệt, và may, nhưng với tỷ lệ thấp hơn so với hai vùng trên.
Quá trình phân bố lại địa điểm sản xuất của các doanh nghiệp dệt may đang diễn ra và các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm sự tập trung ở vùng Đông Nam Bộ và chuyển dần sự tập trung sang vùng đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, sự tập trung của doanh nghiệp dệt may ở các vùng khác hầu như không thay đổi. Sự dịch chuyển này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chi phí (lao động và vận tải) ở vùng Đông Nam Bộ đã cao hơn so với các vùng khác, và vị trí gần với thị trường Trung Quốc của vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy có sự tập trung các doanh nghiệp ở hai vùng, nhưng những kết quả hoạt động đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may còn hạn chế cho thấy, tính liên kết, hợp tác của doanh nghiệp dệt may ở hai vùng này còn hạn chế.
Chuyển dịch cơ cấu theo số năm kinh nghiệm
Đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng, việc tồn tại trên thị trường trong một thời gian dài có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm thường là các doanh
73
nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tạo ra nhiều việc làm có chất lượng cho xã hội. Các lý thuyết doanh nghiệp cũng đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm là một trong những yếu tố tác động tích cực đến năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hình 3.5a: Cơ cấu doanh nghiệp dệt theo năm kinh nghiệm Hình 3.5b: Cơ cấu doanh nghiệp may theo năm kinh nghiệm
Hình 3.5: Cơ cấu doanh nghiệp dệt may theo số năm kinh nghiệm
Nguồn: [37], [47]
Hơn một thập kỷ phát triển vừa qua, có thể thấy sự phát triển của doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cả những mặt tích cực và các vấn đề, nhìn từ chỉ tiêu số năm kinh nghiệm. Về cơ bản, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là những doanh nghiệp mới thành lập, có ít năm kinh nghiệm. Tỷ lệ doanh nghiệp dưới 10 năm kinh nghiệm vẫn chiếm gần 60% tổng số doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tỷ lệ các doanh nghiệp có trên 10 năm kinh nghiệp và trên ba mươi năm kinh nghiệm chiếm trên 35% tổng số doanh nghiệp.
Thực trạng có đến trên 85% tổng số doanh nghiệp dệt, may Việt Nam mới được thành lập kể từ khi đổi mới nền kinh tế đến nay. Và với số doanh nghiệp còn trẻ, việc phát triển những thương hiệu sản phẩm dệt may của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Thực tiễn phát triển cho thấy, chỉ có một ít doanh nghiệp duy trì được thương hiệu (có được khi còn là doanh nghiệp sở hữu nhà nước) và mới phát triển thương hiệu trong thời gian gần đây. Số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu và phát triển được thương hiệu còn ít so với tổng số doanh nghiệp dệt may đang hoạt động trong nền kinh tế.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp dựa trên chỉ tiêu về số năm kinh nghiệm cho điểm tích cực là số doanh nghiệp sống sót và tồn tại sau một thập kỷ và qua hai thập kỷ tăng lên, dẫn tới sự gia tăng tỷ trọng của các doanh nghiệp có trên 10 năm kinh nghiệm và trên 20 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, điểm tiêu cực là số doanh
74
nghiệp có trên 40 năm kinh nghiệm đã giảm về số lượng tuyệt đối, từ khoảng 20 doanh nghiệp (2007) xuống dưới 10 doanh nghiệp (2017).