Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động kinh doanh dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh đà nẵng (Trang 81 - 87)

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ

2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ

2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân

Thứ nhất, cơ cấu dư nợ và lãi suất tại chi nhánh được áp dụng chưa tốt - Hiện tại doanh số cho vay vay toàn chi nhánh tăng cao nhưng doanh số cho vay đối tượng thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất thấp.

Nguyên nhân là do chi nhánh đang định hướng “giảm dần tỷ trọng cho vay đối tượng là khách hàng doanh nghiệp”, tăng tỷ trọng đối tượng khách hàng hộ sản xuất và cá nhân phục vụ cho vay chi tiêu cá nhân trong những năm đến là một trong các nguy cơ dẫn đến lượng khách hàng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực XNK nói riêng đang hoạt động giao dịch với Agribank Đà Nẵng sẽ ngày càng giảm sút. Từ đó việc khai thác doanh thu phí dịch vụ TTQT và KDNT từ đối tượng khách hàng này sẽ gặp khó khăn hơn.

- Lãi suất tối thiểu cho vay tài trợ xuất nhập khẩu bằng đồng USD của Agribank các năm vừa qua khá cao hơn so với các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn nên khả năng cạnh tranh không cao, không hấp dẫn để có thể thu hút được doanh nghiệp XNK mới. Mặc dù những tháng gần đây, Agribank Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo tạo điều kiện cho chi nhánh Đà Nẵng trong việc thu hút khách hàng XNK về giao dịch với Agribank tuy nhiên thời hiệu áp dụng của văn bản không dài (hiệu lực chỉ trong 3 tháng) nên chưa thực sự tạo cú hích để thu hút khách hàng.

Thứ hai, các giao dịch TTQT giá trị lớn tại chi nhánh còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động cấp tín dụng

Trong giai đoạn 2014-2018, doanh số thanh toán còn thấp, thị phần TTQT vẫn chưa cải thiện nhiều qua các năm, chiếm khoản 9% trong tổng thị phần trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Tỷ trọng thu phí dịch vụ TTQT trong tổng doanh thu phí dịch vụ giảm 11% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính

dẫn đến tình trạng trên là do:

- Hoạt động kinh doanh dịch vụ TTQT tại chi nhánh còn phụ thuộc vào hoạt động cho vay của bộ phận tín dụng. Đối với một số doanh nghiệp lớn,tỷ lệ nợ xấu tăng khiến hạn mức tín dụng cấp cho khách hàng bị hạn chế hoặc bị dừng dẫn tới doanh số thanh toán xuất khẩu bị giảm.

- Chính sách tập trung đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của Trụ sở chính khiến việc phê duyệt tăng dư nợ cho khách hàng rất hạn chế. Một số khách hàng đang có dư nợ tốt của Agribank không thể tăng dư nợ để mở rộng sản xuất, thậm chí hạn mức tín dụng của các đơn vị lại bị cắt giảm dẫn đến việc phải chuyển hẳn sang giao dịch tại các ngân hàng thương mại khác.

- Agribank chưa có cơ chế phòng ngừa rủi ro tỷ giá để bảo hiểm cho các khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ - cho vay khách hàng bằng VNĐ, (hiện nay Agribank đã thành lập tổ nghiên cứu về cơ chế này).

Thứ ba, phân khúc khách hàng còn hạn chế, chưa có sự chuyên sâu trong nghiên cứu nhu cầu khách hàng

- Agribank chưa có tiêu chí phân khúc khách hàng cụ thể, do vậy chưa xây dựng được chính sách khách hàng phù hợp, chưa có cơ chế, chính sách ổn định, dài hạn, đồng bộ về lãi suất, tỷ giá và phí cho khách hàng pháp nhân cũng như chưa có chiến lược cho tăng trưởng phát triển kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng.

- Cơ cấu khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, khách hàng truyền thống, chi nhánh chưa thu hút được các doanh nghiệp FDI (tỷ trọng khách hàng FDI trọng hệ thống chỉ chiếm chưa đây 1% trong tổng dư nợ) trong khi khu vực FDI đóng góp một tỷ trọng khá lớn trong thị phần xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Thứ tư, chính sách thu hút khách hàng chưa phát triển, chưa có sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ.

- Hiện nay, hầu hết những khách hàng đang sử dụng dịch vụ TTQT tại chi nhánh đều là những khách hàng truyền thống, có quan hệ lâu năm với ngân hàng, số lượng khách hàng mới chưa thực sự nhiều. Bên cạnh đó, mặc dù sản phẩm dịch vụ TTQT khá đa dạng nhưng tính đến thời điểm này khách hàng chỉ mới sử dụng một số sản phẩm dịch vụ chính như chuyển tiền, nhờ thu và L/C. Đây đều là những sản phẩm dịch vụ mà các NHTM trên địa bàn đang triển khai và cạnh tranh gay gắt về mức phí. Nguyên nhân chính là do để các sản phẩm dịch vụ được khách hàng lựa chọn và tin dùng thì ngân hàng cần trải qua một giai đoạn dài về nghiên cứu khảo sát thị trường để từ đó đưa ra các mức phí cạnh tranh và sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên các danh mục sản phẩm cũng như mức phí cho mỗi sản phẩm dịch vụ đều đã được ấn đinh bởi Trụ sở chính, vì vậy chi nhánh không thể chủ động về các khoản mục này để có thể tiếp cận khách hàng mới.

- Bên cạnh đó, mặc dù dịch vụ TTQT đem lại khoản doanh thu khá lớn trong tổng thu dịch vụ của ngân hàng nhưng hiện nay các chương trình khuyến mãi đối với các khách hàng sử dụng dịch vụ TTQT vẫn còn chưa được chú trong phát triển, các thông tin về sản phẩm dịch vụ TTQT chưa được quảng cáo rộng rãi và thường xuyên. Chính điều này cũng đã gây khó khăn cho chi nhánh trong việc tiếp cận, thu hút khách hàng mới.

Thứ năm, trong hoạt động hợp tác quốc tế, nhiều ngân hàng đã hủy bỏ quan hệ tài khoản, cắt giảm hạn mức tín dụng thanh toán thương mại dành cho Agribank.

Hiện tại, vấn đề phòng chống rửa tiền tại chi nhánh hiện vẫn chưa được chú trọng, việc xử lý các câu hỏi KYC còn chậm trễ, hiện mới có bộ phận kiêm nhiệm thuộc ban Kiểm tra kiểm soát nội bộ phụ trách về công tác tuân thủ có chức năng phòng chống rửa tiền, chưa có bộ phận chuyên trách độc lập. Trụ sở chính mới ban hành quy chế phòng chống rửa tiền và chưa có quy

trình phòng chống tiền trong khi đây là yêu cầu thường xuyên và bắt buộc của các ngân hàng nước ngoài.

Ngoài các nguyên nhân trực tiếp gắn liền với những hạn chế đã được đề cập ở trên, những hạn chế mà Agribank chi nhánh Đà Nẵng đang gặp phải còn xuất phát từ những nguyên nhân chung như sau:

- Sự ảnh hưởng của nền kinh tế chính trị trên thế giới và khu vực: từ năm 2014 đến nay, nền kinh tế chính trị trên thế giới biến động liên tục. Năm 2015, kinh tế thế giới vẫn trên đà suy thoái, giá dầu liên tục giảm, thị trường vàng biến động giảm. Cùng với động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã kéo theo hàng loạt các quốc gia láng giềng Châu Á phải phá giá đồng nguyên tệ của quốc gia họ để đảm bảo cho thương mại xuất nhập khẩu tăng trưởng. Tiếp theo là chính sách kích thích xuất khẩu với đồng

“RMB yếu” của Trung Quốc - nền kinh tế ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực. Gần đây nhất là Chiến tranh thương mại Trung- Mỹ vào tháng 3/2018 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến tỷ giá hối đoái của các loại ngoại tệ đặc biệt là đồng USD. Tuy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên, ảnh hưởng lớn lên cán cân TTQT của quốc gia. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh dịch vụ TTQT tại ngân hàng cũng vì thế mà bị ảnh hưởng rất nhiều, doanh số và thu nhập từ TTQT biến động qua từng năm, điều này khiến cho việc hoạch định chiến lược của chi nhánh phần nào gặp khó khăn hơn.

- Sự cạnh tranh gay gắt của các NHTM trên cùng địa bàn: hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có 57 tổ chức tín dụng đang hoạt động và cùng với đó là văn phòng đại diện của nhiều ngân hàng nước ngoài đang được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Do đó, để có thể chiếm lĩnh được thị phần trong dịch vụ TTQT, Agribank chi nhánh Đà Nẵng phải có những chính sách phù hợp, tạo sự cạnh tranh trong môi trường ngân hàng ngày một cạnh tranh

gay gắt và khốc liệt như hiện nay. Thực tế cho thấy, các NHTM cổ phần đều có những chính sách khuyến mãi thu hút khách hàng từ lãi suất, phí dịch vụ và cả các chương trình tri ân khách hàng. Chính vì vậy, nếu không có chính sách phù hợp, Agribank chi nhánh Đà Nẵng sẽ khó có thể giữ vững thị phần trong tình hình kinh doanh như hiện nay.

Thực tế cho thấy rằng, để đứng vững trong cuộc cạnh tranh này, một trong những yếu tố không thể thiếu đối với các ngân hàng là phải tăng cường công tác quản trị và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm giữ chân khách hàng.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hoạt động kinh doanh tiền tệ có sự liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế. Đặc điểm này cũng là một trong những yếu tố đòi hỏi các ngân hàng phải tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng chất lượng và thời gian phục vụ. Những ngân hàng thương mại có lợi thế về nền tảng công nghệ, hiện đại theo yêu cầu phát triển những sản phẩm, dịch vụ cao sẽ có lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường hơn.

- Hoạt động marketing chưa có phát triển mạnh, chưa có sự đi sâu vào tiện ích, chỉ mới mang tính giới thiệu chung về sản phẩm. Chính vì vậy, những tính năng của dịch vụ TTQT chưa tạo được sự thu hút đối với khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia vào hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong chương 2, luận văn đã đi vào phân tích thực trạng kinh doanh dịch vụ TTQT tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng giai đoạn 2014-2018. Những vấn đề chính được phân tích như sau;

- Thứ nhất, phân tích thực trạng kinh doanh dịch vụ TTQT tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng thông qua kết quả kinh doanh TTQT, doanh số của từng phương thức thanh toán cụ thể, thị phần TTQT của Agribank trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thu nhập từ dịch vụ TTQT và thực trạng kiểm soát rủi ro trong kinh doanh dịch vụ TTQT của chi nhánh.

- Thứ hai, chương 2 đã nêu ra được các kết quả đạt được trong hoạt động kinh doanh dịch vụ TTQT trong giai đoạn 2014-2018, đồng thời nêu ra hạn chế cần khắc phục và nguyên nhân.

Qua những nội dung phân tích ở chương 2, tác giả đã nêu ra được những hạn chế cần khắc phục và nguyên nhân để từ đó làm cơ sở để đưa ra các khuyến nghị trong việc hoàn thiện hoạt động kinh doanh dịch vụ TTQT của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng trong thời gian đến.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động kinh doanh dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh đà nẵng (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)