7. Kết cấu của luận văn
1.2.2. Nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn
Nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực xã hội. Nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn (theo nghĩa hẹp là nguồn lao động) là tổng thể sức lao động trong khu vực nông nghiệp nông thôn, bao gồm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn tham gia lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn với quan điểm là một tiềm lực kinh tế thể hiện ở hai mặt: số lượng và chất lượng.
- Số lượng nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn là tổng số những người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 55 đối với nữ, từ 15 - 60 đối với nam) có khả năng lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và những người trên tuổi lao động nhưng vẫn tham gia lao động. Số lượng này phụ thuộc vào 2 yếu tố: Sự tăng giảm tự nhiên và tăng giảm cơ học do sự di cư từ nông thôn ra thành thị hoặc ngược lại.
- Chất lượng của nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn nói chung là khả năng về sức sản xuất của thể lực, trí lực của người lao động. Khả năng này được phản ánh qua trình độ văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật, năng suất lao động, kinh nghiệm sản xuất cũng như hành vi và giá trị của người lao động. Chất lượng của nguồn lao động là nhân tố có tính quyết định đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của một nước. Chất lượng nguồn lao động nông thôn nói riêng và nguồn lao động xã hội nói chung tất yếu sẽ biến đổi theo xu hướng không ngừng tăng lên do sự phát triển của khoa học kỹ thuật và vì vậy năng suất lao động ngày càng nâng cao. Mặt khác, khi nền kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn sức khỏe con người, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ được
nâng cao thông qua sự đầu tư và các chính sách phát triển của Nhà nước vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa.
Những đặc trưng của nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn:
Một là, nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong nguồn nhân lực xã hội.
Nước ta là một nước nông nghiệp, có khoảng 70% dân số sinh sống ở các vùng nông thôn và đại bộ phận dân cư và lao động làm ăn sinh sống bằng nghề nông. Dân số nước ta thuộc loại dân số trẻ, tỷ lệ tăng tự nhiên đã giảm khá nhanh từ 1,43% năm 2000 xuống còn 1,2% năm 2010, tuy nhiên lao động trong khu vực nông nghiệp nông thôn năm 2010 vẫn chiếm tới 50% lao động xã hội [65, tr78].
Hai là, lao động nông nghiệp mang tính thời vụ cao.
Một trong những nguyên nhân khiến cho việc trồng lúa nước cũng như các cây rau màu khác cần một lực lượng lao động lớn là do tính thời vụ cao (gieo trồng, thu hoạch). Những công việc cần nhiều lao động như vậy lại chỉ diễn ra trong một số tháng trong năm. Tính chất thời vụ của việc canh tác lúa nước đã dẫn đến tình trạng nông nhàn cao trong nông nghiệp. Tính chất đặc thù của sản xuất nông nghiệp đã dẫn đến lượng "cầu" về lao động nông nghiệp có biên độ dao động rất lớn giữa các kỳ thu hoạch. Kết quả là một lượng lao động làm nông nghiệp trở nên nhàn rỗi trong những tháng mùa khô hoặc trước và sau vụ thu hoạch. Chính đặc điểm này đã ảnh hưởng lớn đến mức độ sử dụng lao động trong khu vực này.
Ba là, điều kiện làm việc của lao động nông nghiệp nước ta còn vất vả và nặng nhọc.
Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, trình độ kinh tế xã hội còn thấp kém, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn ít (năm 2005 mức độ cơ giới hóa khâu làm đất đạt hơn 34%, tưới nước 53%, tiêu nước 30%, suốt lúa 78%, khai thác gỗ 60-70%) [50, tr. 22].
Lao động nông nghiệp chủ yếu vẫn là thủ công, trong khi đó các khâu công việc như cày bừa, cấy lúa, vận chuyển vật tư và sản phẩm đều là những
công việc nặng nhọc, nên tốn nhiều sức lực của người lao động. Công cụ tuy đã được cải tiến nhưng vẫn còn lạc hậu, vấn đề đặt ra là các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà khoa học phải nghiên cứu, cải tiến chế tạo các loại công cụ cơ khí vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của từng vùng và phù hợp với khả năng kinh tế của nông dân, trên cơ sở đó từng bước giảm bớt các khâu nặng nhọc, độc hại đồng thời nâng cao năng suất lao động trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta vẫn đang trong tình trạng mâu thuẫn giữa yêu cầu của hiện đại hóa với lực lượng lao động dư thừa quá lớn ở nông thôn, cần phải có giải pháp hữu hiệu từng bước khắc phục.
Bốn là, chất lượng lao động nông thôn.
Do những nguyên nhân lịch sử, kinh tế sâu xa cùng với phương thức sản xuất lúa nước đã liên kết những người dân sống ở nông thôn thành một cộng đồng gắn kết nhau với truyền thống đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, có phẩm chất cần cù, chịu khó, thông minh... Đó là những tố chất quan trọng của nguồn lực con người ở nông thôn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở nông thôn cũng còn có nhiều hạn chế chưa đáp ứng được với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thể hiện ở một số nét chủ yếu sau:
- Trình độ văn hóa, dân trí và chuyên môn kỹ thuật của người lao động ở nông thôn còn thấp, ví dụ: Năm 2006 ở nước ta tỷ lệ lao động chưa biết chữ ở nông thôn vẫn còn gần 1,5 triệu người chiếm 4,9% tổng số lao động nông thôn, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm xấp xỉ 8% còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Lực lượng lao động chất xám vừa ít lại phân bố không đều, chưa gắn bó với sản xuất và phát triển kinh tế xã hội nông thôn. Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý ở nông thôn còn yếu kém, số có trình độ đại học chỉ chiếm 3,5%, trung cấp 12,8%, sơ cấp 48% tổng số cán bộ quản lý. Rõ ràng với trình độ như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, đây là yếu tố gây trở ngại lớn đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp [50, tr. 22].
- Thể lực của người lao động ở nông thôn đã được cải thiện nhưng còn thấp so với yêu cầu. Tình trạng dinh dưỡng của người lớn tính theo chỉ số cơ
chế (BMI) của khu vực nông thôn cho thấy chỉ có 36,44% nam giới đạt mức bình thường, còn lại 62,5% ở mức gầy và quá gầy [50, tr. 23].
- Thu nhập của nông dân còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Vẫn còn khoảng gần 15% dân nông thôn bị nghèo về lương thực, thực phẩm và khoảng 1/3 còn phải sống ở mức nghèo chung. Bên cạnh đó các điều kiện khác ở nông thôn còn kém xa so với thành thị. Ví dụ về nhà ở, về phương tiện, về hưởng thụ văn hóa...
1.2.3. Tác động và yêu cầu về nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn